|
Con larvacean với chiếc máy lọc của mình. Ảnh: MBARI |
Thông tin từ tờ Tuổi trẻ, các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu đại dương vịnh Monterey (MBARI) đưa một robot có khả năng lặn sâu xuống dưới đại dương hỗ trợ cho việc phân tích loài động vật larvacean.
Theo Daily Mail, larvacean thuộc ngành động vật không xương sống, có đầu tròn và đuôi dẹt. Chúng mang trên mình những chiếc "máy lọc nước", làm sạch đại dương, giống như túi ni lông trôi nổi, có khi dài đến 1m. Cơ chế này được các nhà sinh vật học để ý từ những năm 1960 nhưng mãi đến nay nhờ công nghệ hiện đại mới có thể quan sát và phân tích kỹ lưỡng.
Các nhà khoa học phát hiện larvacean có thể xây dựng các "máy lọc nước" ở nhiều nơi tại độ sâu khoảng 300m dưới mực nước biển. Bộ máy gồm 2 lớp trong ngoài lồng vào nhau, hút và lọc các chất trôi nổi trong nước biển. Những chất dinh dưỡng, chủ yếu chứa carbon, sẽ qua 2 lớp lọc và được giữ lại bên trong để larvacean tiêu thụ, chất có ích khác nhưng kích thước lớn sẽ được "tống" xuống đáy biển.
Ước tính trong mỗi giờ, một larvacean có thể lọc sạch gần 19 lít nước. Các larvacean khổng lồ có thể lọc toàn bộ nước xung quanh trong Vịnh Monterey (Mỹ) trong khoảng 500 ngày. Nếu toàn bộ larvacean trong khu vực làm việc cùng lúc thì chỉ mất 13 ngày để lọc lượng nước trên.
Nhờ "máy lọc nước" này, sinh vật dưới đáy có nguồn carbon ổn định để duy trì sự sống. larvacean có thể lọc cả một số chất bẩn dưới đại dương, trả lại nước sạch cho môi trường.
TS. Kakani Katija - Viện Nghiên cứu đại dương vịnh Monterey (MBARI), trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết cơ chế lọc này rất tinh vi. Lớp bên ngoài bộ máy còn giúp larvacean lẩn trốn khỏi kẻ thù. larvacean còn có khả năng xây tổ độc đáo.
larvacean thuộc nhóm động vật có dây sống nhưng chỉ có các tế bào đơn giản ở đầu có thể tiết chất nhầy rồi làm phồng thành một bộ máy nổi như chiếc túi ni lông. Chỉ khoảng 1-2 ngày, bộ máy không thể dùng tiếp, nó chìm xuống đáy biển, trở thành thức ăn của nhiều sinh vật ở đây.