‘Bắt mạch’ đà tăng giá của cổ phiếu VMC

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đã 4 năm kể từ đợt tăng vốn gần nhất, VMC mới lên kế hoạch tăng vốn điều lệ. Không dừng lại ở đó, theo nguồn tin của VietTimes, VMC khả năng sẽ còn chứng kiến sự thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông thời gian tới.
Giá cổ phiếu VMC đã tăng gấp 2,3 lần chưa đầy 1 năm sau ĐHĐCĐ thường niên gần nhất (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: Tradingview)

Giá cổ phiếu VMC đã tăng gấp 2,3 lần chưa đầy 1 năm sau ĐHĐCĐ thường niên gần nhất (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: Tradingview)

CTCP Vimeco (Mã CK: VMC) vừa chốt danh sách cổ đông thể tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (AGM 2022), dự kiến được tổ chức vào ngày 16/3/2022.

AGM 2022 của VMC dự kiến sẽ thảo luận một loạt nội dung đáng chú ý, trong đó có thể kể tới kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, tờ trình liên quan đến phân phối lợi nhuận năm tài chính 2021.

Đáng chú ý, cũng tại đại hội này, cổ đông VMC sẽ xem xét tờ trình liên quan đến việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2018 – 2023, đồng thời xem xét việc tăng vốn điều lệ công ty.

Lần gần nhất VMC tăng vốn là từ năm 2018, khi công ty này chào bán 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên mức 200 tỉ đồng. Sau đợt tăng vốn này, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) nắm giữ 10,2 triệu cổ phần VMC, tương ứng với tỉ lệ sở hữu 51,41%.

Ngoài ra, VMC từng ghi nhận một cổ đông ‘gần lớn’, là CTCP Chứng khoán Alpha (APSC). Tuy nhiên, trước thềm VMC chốt danh sách cổ đông dự AGM 2022, APSC đã bán ra toàn bộ 734.000 cổ phiếu, tương đương 3,67% vốn điều lệ.

Theo nguồn tin của VietTimes, cơ cấu sở hữu của VMC khả năng sẽ có biến động mạnh trong thời gian tới.

Vinaconex được tin là sẽ thoái vốn và không còn là công ty mẹ của VMC. Trong khi, VMC sẽ đón thêm một cổ đông lớn khác - một tên tuổi đang nổi lên mạnh mẽ trong giới bất động sản, tài chính ít năm trở lại đây.

Được biết, Vinaconex đã lên kế hoạch thoái vốn tại VMC từ năm 2017 khi tổng công ty này vẫn còn trực thuộc Bộ xây dựng.

Năm 2021, VMC ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 766,9 tỉ đồng và 5 tỉ đồng, tăng trưởng tương ứng 19% và 47% so với năm 2020.

Việc kinh doanh có lãi trong nhiều năm giúp VMC tích luỹ được khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tính đến ngày 31/12/2021, đạt 21,7 tỉ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng ghi nhận 96,7 tỉ đồng nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển và 30 tỉ đồng thặng dư vốn cổ phần. Những nguồn vốn này cũng đóng góp đáng kể trong cơ cấu vốn chủ sở hữu của VMC.

Tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản của VMC đạt 1.017,9 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, chủ yếu bao gồm: các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (77,1 tỉ đồng), các khoản phải thu ngắn hạn (559,4 tỉ đồng) và hàng tồn kho (186,5 tỉ đồng)./.