Vị trí tâm bão số 3 trên đất liền các tỉnh Ninh Bình – Thanh Hóa
13h trưa nay: Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vị trí tâm bão số 3 trên đất liền các tỉnh Ninh Bình – Thanh Hóa. Cường độ bão giật cấp 8 - cấp 10; di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10–15km/h.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, Thanh Hóa – Nghệ An có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 100–200 mm, có nơi trên 300 mm.

Dự báo sẽ mưa lớn trên đất liền từ chiều 22/7 đến sáng 23/7, với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, phía Nam Phú Thọ và Sơn La từ 60–120 mm, cục bộ trên 200 mm. Khu vực Bắc Bộ, Hà Tĩnh: 20–40mm, cục bộ trên 100mm.
Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập úng vùng trũng thấp.
Tàu cá bị lật do gió bão Wipha
Ngày 22/7, Cục CSGT (C08, Bộ Công an) thông tin, tổ công tác của Thủy đoàn 1 đơn vị thuộc C08 vừa cứu giúp 9 người trên tàu cá bị lật do gió bão Wipha gây ra.

Cụ thể, khoảng 9h cùng ngày, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các phương tiện thủy vào khu vực tránh trú bão Wipha, tổ công tác Thủy đoàn 1 phát hiện tàu cá mang số hiệu QNg 92614-TS, do thuyền trưởng Trần Thành Pháp (SN 1983, quê Quảng Ngãi) điều khiển, bị gió lốc xô lật chìm trên tuyến sông Chanh (phường Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).
Theo cảnh sát, thời điểm xảy ra sự việc, trên tàu cá có 9 người. Ngay lập tức, tổ công tác đã điều động tàu cùng 8 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương tiếp cận hiện trường, kịp thời hỗ trợ đưa toàn bộ thuyền viên vào bờ an toàn, đồng thời tổ chức cứu vớt tài sản tàu cá bị trôi dạt.
Bão đi vào đất liền, giật cấp 10
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, vào lúc 11h vị trí tâm bão trên đất liền các tỉnh Hưng Yên – Ninh Bình, cường độ báo mạnh cấp 8 (62–74km/h), giật cấp 10. Bão đang di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10–15km/h.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3: Đặc khu Bạch Long Vĩ: gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Đặc khu Cô Tô: cấp 9, giật cấp 11; Cửa Ông: cấp 10, giật cấp 12; Tiên Yên: cấp 10, giật cấp 14; Quảng Hà: cấp 9, giật cấp 11; Trạm Thái Bình: cấp 7, giật cấp 8; Móng Cái: cấp 7, giật cấp 9; Phủ Liễn: cấp 6, giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của bão số 3, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa – to, có nơi rất to (70–150mm, có nơi trên 200mm).
Dự báo đến 11h ngày mai 23/7, vị trí tâm bão trên khu vực Thượng Lào, cường độ mạnh cấp 6. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, 10-15km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp.
Ninh Bình có mưa to đến rất to
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vào khoảng 10h ngày 22/7, vị trí tâm bão số 3 đang nằm trên đất liền ven biển giữa Hưng Yên và Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất: Cấp 8-9 (62-88 km/h), giật cấp 11. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10-15 km/h.

Theo báo Quảng Ninh, do ảnh hưởng của bão Wipha, trên địa bàn xã Quảng Tân đã ghi nhận nhiều cây xanh bị gãy đổ, một số pano, biển hiệu bị hư hỏng. Ngay trong sáng nay, sau khi bão đi qua, xã đã chỉ đạo các lực lượng nhanh chóng ra quân dọn dẹp, thu dọn cây xanh đổ, xử lý các vật cản giao thông và khắc phục các điểm hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và sớm ổn định tình hình.
Theo báo Ninh Bình, do ảnh hưởng của bão, khu vực tỉnh Ninh Bình có mưa to đến rất to. Gió mạnh, sóng lớn, nước dâng trên biển. Ngày và đêm 22/7, vùng biển khu vực các xã: Giao Ninh, Giao Minh, Hải Quang, Hải Thịnh, Rạng Đông, Bình Minh có mưa bão. Gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 2-4 m.
Trên đất liền: ngày và đêm 22/7, khu vực Yên Khánh, Yên Mô, Cổ Lễ, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Phát Diệm, Hải Hậu, Giao Thủy có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10. Khu vực Nam Định, Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên, Hoa Lư, Nam Hoa Lư, Tam Điệp có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Khu vực Nho Quan, Cúc Phương, Gia Viễn, Tam Chúc, Phủ Lý, Duy Tiên, Tân Thanh, Vĩnh Trụ, Bình Mỹ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Đặc biệt, trên biển, toàn bộ tàu thuyền, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản, đê kè biển và các hoạt động khác tại vùng biển tỉnh Ninh Bình đều có nguy cơ cao chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh và sóng lớn. Trên đất liền, gió mạnh có thể làm gãy đổ cây xanh, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.
Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, các khu đô thị thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An.
Bão áp sát ven bờ lúc 7h
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết bão số 3 (tên quốc tế Wipha) lúc 7h ngày 22/7, tâm bão ở khoảng 20,2°N; 106,7°E (ven bờ Hải Phòng – Ninh Bình). Sức gió mạnh nhất cấp 9 (75–88km/h), giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15km/h.
Do ảnh hưởng của bão số 3, tại các đặc khu ven biển đã có gió mạnh: Bạch Long Vĩ cấp 10, giật cấp 12; Cô Tô cấp 8, giật cấp 11; Cát Bà cấp 6, giật cấp 8; Cửa Ông cấp 9, giật cấp 12; Bãi Cháy cấp 8, giật cấp 9; Quảng Hà cấp 8; Tiên Yên cấp 7, giật cấp 9; Thái Bình cấp 7, giật cấp 8; Móng Cái cấp 6, giật cấp 9; Phủ Liễn cấp 6, giật cấp 8.
Đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Thanh Hoá, Nghệ An có mưa vừa đến rất to, phổ biến 70–150mm, có nơi >200mm.

Mưa lớn trên diện rộng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, dự báo trong ngày và đêm nay, hoàn lưu bão Wipha sẽ gây mưa lớn ở khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trọng tâm là Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến 150-250mm, cục bộ có nơi trên 500mm.
Đặc biệt, lưu ý về vấn đề lũ quét sạt lở đất ở khu vực Nam Sơn La, Nam Phú Thọ, khu vực phía tây của tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An không chỉ trong hôm nay mà cả trong 2-3 ngày tới.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (bão Wipha), Hải Phòng đã di dời người dân ở khu vực nguy hiểm đến các điểm tạm lánh phòng, chống bão.
Tại phường Ngô Quyền hiện có 66 điểm tạm lánh, đang tiếp nhận khoảng 2.000 nhân khẩu, chủ yếu là các hộ dân đang sinh sống tại 16 chung cư cấp độ D – công trình cũ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có mưa bão. Tính đến 19h00 ngày 21/7 đã di chuyển 1.016/1.120 hộ dân tại 14 chung cư cấp độ D. Cơ bản hoàn thành việc di dời người già, người bệnh, trẻ nhỏ đến nơi an toàn. Còn lại 104 hộ chưa di chuyển do đi vắng, không có mặt tại nơi cư trú hoặc đã chủ động tạm lánh tại nhà người thân.
Tại Hưng Yên, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tình hình, diễn biến của bão số 3 cũng như các biện pháp ứng phó.
Tỉnh chủ động các phương án di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, gia cố đê điều, cấm biển và kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn. Toàn bộ người và phương tiện đã liên lạc được và đã vào tránh trú bão an toàn.
Chiều 21/7, kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Tân Sơn và khu công nghiệp Liên Hà Thái trên địa bàn xã Thái Thụy, (Hưng Yên), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh bão số 3 là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp, tốc độ di chuyển nhanh, nhưng lại có thời gian dừng lâu ở gần đất liền càng làm tăng nguy cơ thiệt hại khi đổ bộ vào đất liền.
Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hưng Yên phải duy trì nghiêm chế độ thường trực, thường xuyên cập nhật thông tin, hướng đi của bão. Công tác phòng, chống bão phải làm hết sức mình, tuyệt đối không được chủ quan, phải sẵn sàng các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong bão, chủ động phương án liên lạc, hiệp đồng giữa các lực lượng.
Tỉnh Hưng Yên tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát ngay các khu vực trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão, sớm cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó. Cần xác định rõ khu vực đặc biệt xung yếu, những công trình có nguy cơ cao để chuẩn bị kịch bản huy động lực lượng ứng phó kịp thời với các tình huống để xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản do bão có thể gây ra.
Tại Quảng Ninh, theo báo Quảng Ninh, sáng 22/7, khu vực các phường trung tâm của tỉnh như Hạ Long, Hồng Gai, Bãi Cháy… đang có mưa vừa kèm gió cấp 5-6, có lúc giật cấp 7. Một số khu vực mất điện trong đêm đã có trở lại, một số cây nhỏ bị bật gốc, nhiều hàng ăn sáng đóng cửa, đường phố thưa thớt người.

Trên địa bàn 3 phường Uông Bí, Vàng Danh, Yên Tử có lượng gió, mưa nhẹ. Mực nước tại các hồ, sông, suối thấp, dòng chảy thông suốt. Xảy ra một số điểm sạt lở nhỏ, phần lớn là tại những điểm sạt lở cũ do hậu quả cơn bão số 3/2024 để lại.
Hà Nội nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Wipha, nguy cơ mưa lớn, gió mạnh. Chính quyền thành phố xác định trong số khu vực xung yếu có chung cư G6A Thành Công, quận Ba Đình cũ (chung cư nguy hiểm cấp độ D). Khu nhà G6A gồm 5 tầng với 3 khối.
Lãnh đạo phường Giảng Võ cho biết tổng cộng 18 nhân khẩu đang sinh sống tại 8 căn hộ, trong đó hai người trên 75 tuổi và hai trẻ dưới 14 tuổi.
Theo vị lãnh đạo phường Giảng Võ, trong thời gian phải tạm di dời tránh bão, chính quyền sẽ tổ chức hỗ trợ, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân, đồng thời bố trí dân quân chốt trực để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản cho cư dân ở chung cư cũ.
Dự báo thời tiết ngày 22/7 các vùng trên cả nước:
Hà Nội: Nhiều mây, có mưa to đến rất to. Gió mạnh dần lên cấp 3-4, từ ngày 22/7 mạnh lên cấp 5-6, giật cấp 7-8.
Nhiệt độ thấp nhất 23-25 độ C; nhiệt độ cao nhất 27-29 độ C.
Tây Bắc Bộ: Nhiều mây, có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, có nơi dưới 22 độ C; nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C, có nơi trên 30 độ C.
Đông Bắc Bộ: Nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, riêng khu vực Đông Bắc và đồng bằng có mưa to đến rất to.
Khu vực các tỉnh, thành Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, riêng vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có gió mạnh dần lên cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Các nơi khác có gió mạnh dần lên cấp 3-4.
Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, có nơi dưới 22 độ C; nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C, riêng vùng núi có nơi trên 30 độ C.
Thanh Hóa đến Huế: Nhiều mây, phía Bắc có mưa vừa, mưa to và dông, riêng Thanh Hóa - Nghệ An có mưa to đến rất to; phía Nam có mưa rào và dông rải rác. Vùng ven biển Thanh Hóa - Nghệ An gió mạnh dần lên cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền Thanh Hóa gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Các nơi khác gió Tây Nam cấp 3-4.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C; nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C, phía Nam có nơi trên 31 độ C.
Duyên hải Nam Trung Bộ: Có mây, có mưa rào và dông vài nơi. Gió Tây Nam cấp 3-4. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Nhiệt độ thấp nhất 26-29 độ C; nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C.
Cao nguyên Trung Bộ: Có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Gió Tây Nam cấp 3-4. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C; nhiệt độ cao nhất 25-28 độ C, có nơi trên 28 độ C.
Nam Bộ: Có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Gió Tây Nam cấp 3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C; nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C.
TP.HCM: Có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Gió Tây Nam cấp 3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C; nhiệt độ cao nhất 31-33 độ C.

Bão Wipha tàn phá Hong Kong (Trung Quốc): Nhiều người bị thương, hàng nghìn hành khách mắc kẹt

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 3
