Bài báo viết, việc ngày 10/10 được tuyên bố lấy làm “Ngày chuyển đổi số quốc gia” cho thấy rõ ràng rằng chính phủ Việt Nam đang quyết tâm thúc đẩy hiện đại hóa đất nước càng nhanh càng tốt.
Các thông tin cho thấy, mục tiêu của việc Việt Nam đặt ra ngày kỷ niệm mới này bao gồm đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình liên quan, nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò, tầm quan trọng và lợi ích của nhiệm vụ chuyển đổi số, cũng như thúc đẩy sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân để đảm bảo nhiệm vụ giành được thành công.
Vào giữa năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt “Quy hoạch chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và Định hướng phát triển đến năm 2030”. Kế hoạch này không chỉ nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số mà còn nhằm đổi mới thể chế và cơ chế để giúp đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông nhớ lại, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới thực hiện kế hoạch như vậy.
Ông cho biết kế hoạch này dựa trên ba trụ cột chính: chính phủ điện tử, kinh tế điện tử và xã hội điện tử.
Đồng thời, để chuyển đổi, cần phải nắm vững một số yếu tố: cơ sở hạ tầng và nền tảng kỹ thuật số, không gian mạng quốc gia được phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, nhân văn và trên diện rộng, và với công nghệ sản xuất “Make in Vietnam”.
Việc thực hiện hiệu quả kế hoạch này sẽ giúp Việt Nam đứng trong top 50 thế giới về lĩnh vực chính phủ điện tử vào năm 2030 và nền kinh tế số sẽ có thể đóng góp ít nhất 30% GDP quốc gia.
Ngoài ra, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán trực tuyến sẽ vượt 80%, đồng thời Việt Nam cũng sẽ lọt vào top 30 quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực an ninh mạng.