Trong bài bình luận viết cho tờ báo sặc mùi dân tộc chủ nghĩa Hoàn Cầu (Global Times ), một báo khá lá cải của Trung Quốc, chuyên gia quân sự hải quân Lý Kiệt cho rằng: quyết định đưa chiến hạm và máy bay do thám của Mỹ tới Biển Đông, vùng nước mà Trung Quốc đang bị cáo buộc về những hành vi hung hăng cực đoan như bồi đắp, xây dựng hạ tầng căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo thuộc vùng tranh chấp, dường như không mang lại kết quả như mong muốn của Washington.Trung Quốc tiếp tục những hoạt động củng cố tiền đồn, trong khi Mỹ bị “chỉ trích” thổi bùng căng thẳng và nguy cơ rủi ro hiểu lầm có thể dẫn đến xung đột không chủ ý, ông Lý nói.
Kết quả là Mỹ dường như đã giảm những chỉ trích về phía Trung Quốc, Lý cho biết và nhận định rằng nhận xét gần đây về cách ứng xử của Trung Quốc ở Biển Đông của trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel là “dịu đi” đáng kể, "nhẹ nhàng" hơn so với những phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trong Đối thoại Shangri-La hồi tháng Năm.
Thay vì gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực, Lý tin rằng Washington đang thực hiện chiến lược "tái cân bằng châu Á" theo kế hoạch mới.
Phần đầu tiên của kế hoạch, theo Lý là thổi bùng hiểm họa Trung Quốc ở Biển Đông nhằm lôi kéo các nước khác đứng lên chống lại Trung Quốc.Mỹ tập trung sự quan tâm đến các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Philippines và Việt Nam, bao gồm bán vũ khí và cam kết giúp đỡ mua thêm các tàu tuần tra biển.
Trong kế hoạch này, Mỹ kêu gọi các nước khác như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ tham gia vào những hoạt động tích cực trên Biển Đông, đặc biệt trong các đợt diễn tập chung. Điển hình nhưMỹ, Australia, Nhật Bản và New Zealand đang kết thúc cuộc diễn tập hai tuần tác chiến mô hình đất liền – không - biển với sự tham gia của hơn 30.000 người ở khu vực phía bắc Australia.
Cuộc diễn tập có nội dung tập kích lên các đảo đã bị “kẻ thù” chiếm đoạt, cho thấy rõ những lực lượng tham gia diễn tập đang đặt Biển Đông trong ý đồ chiến lược. Ông Lý cho rằng: những hoạt động này là một phần trong chiến lược Washington là đưa các nước khác lên chiến tuyến đối đầu với Trung Quốc còn Mỹ sẽ điều hành ở phía sau.
Phần thứ hai của kế hoạch, theo ông Lý là ý đồ đưa lực lượng vũ trang ra xa hơn vùng nước Biển Đông.Trong những năm gần đây, mặc dù nhiều nước hy vọng Mỹ đưa nhiều hơn nữa chiến hạm, chiến đấu cơ vào các căn cứ trong khu vực, Lầu Năm Góc thực sự đang di chuyển binh lực và vũ khí trang bị từ “chuỗi đảo đầu tiên” đến các căn cứ chính trong "chuỗi đảo thứ hai" và xa hơn nữa , chẳng hạn như các căn cứ hải quân Mỹ ở các thành phố Yokosuka, Guam Nhật Bản và thành phố Darwin ở phía bắc Úc.
Mục đích chủ yếu là thiết lập hai " bàn đạp đầu cầu quan trọng" trong Yokosuka và Guam, cũng như hai "bàn đạp đầu cầu thứ cấp" ở Darwin và Singapore, ông Lý nói.
Washington có thể thực hiện hành động bố trí lại binh lực một phần vì Lầu Năm Góc và các chính khách Mỹ tin tưởng rằng vũ khí tầm xa có độ chính xác cao có đủ khả năng tấn công hiệu quả Trung Quốc trong tình huống xung đột. Quân đội Mỹ cho rằng họ có thể nằm ngoài vùng sát thương hiệu quả vũ khí tầm trung của Trung Quốc đồng thời công kích dựa vào khả năng tấn công tầm xa của tên lửa hành trình phóng từ các máy bay chiến lược B-52H, B-2 và B-1B. Tướng Lý nói thêm.
Nguồn báo Want Chinatimes
Trịnh Thái Bằng theo QPAN