“Bão sa mạc” Nga khiến Mỹ, NATO xây xẩm mặt mày

Nga đang thực hiện chiến dịch “Bão táp sa mạc” phiên bản riêng tại Syria. Các video quay gần như hàng ngày từ buồng lái chiến đấu cơ Nga và tên lửa phóng từ chiến hạm trên biển Caspian khiến hàng triệu người Nga tự hào và mạnh mẽ, còn Mỹ thì bối rối.
Máy bay cường kích tối tân Su-34 của Nga tham chiến tại Syria

Chỉ trong một ngày 21/10, truyền thông Nga tường thuật các chiến đấu cơ nước này đã tiến hành 53 vụ xuất kích, tấn công 72 mục tiêu khủng bố. Điều đáng nói là các báo cáo này thậm chí thuyết phục nhiều người ở Mỹ rằng Nga đang thể hiện tính hiệu quả hơn trong chiến dịch không kích tại Syria hơn cả Mỹ và các đồng minh.

Như nhiều người Mỹ vào các năm 1990-1991, mùa thu 2001 và mùa xuân 2003, hàng ngày được xem các đoạn phim tràn ngập trên truyền thống về các quả bom dẫn đường đánh trúng mục tiêu ngoài mặt trận đã cổ súy tinh thần của công chúng trong nước. Công chúng ấn tượng với video về các loại vũ khí dẫn đường chính xác và các video về việc lần đầu tiên sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk bắn từ chiến hạm trong chiến dịch Bão táp Sa mạc. Và những hình ảnh về sức mạnh và độ chính xác như vậy đã lưu lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của nhiều người Mỹ.

Tên lửa hành trình Nga phóng từ biển Caspian đánh các mục tiêu cách 1.500km tại Syria
Máy bay cường kích Su-25 Nga dội lửa xuống mục tiêu khủng bố tại Syria

26 năm sau, tổng thống Nga Vladimir Putin lại đang sử dụng các đoạn phim về cảnh quân đội chiến đấu để thu hút cảm xúc mạnh mẽ trong công chúng tại Nga như một hiệu ứng thứ hai. Một số chuyên gia phương Tây cho rằng người Mỹ không nên ấn tượng trước động thái của Nga.  Họ bác bỏ chỉ trích của truyền thông Nga cho rằng Mỹ và liên quân “chẳng làm được gì” IS và dẫn ra rằng, chỉ trong 6 tháng đầu tiên của chiến dịch không kích chống IS phát động vào tháng 12/2014, CENTCOM cho biết đã tấn công 4.817 mục tiêu. Chỉ trong chiến dịch Kobani hồi tháng 8 vừa qua, liên quân đã triển khai 2.830 vũ khí chống các mục tiêu IS.

Trong làn sóng những lời chỉ trích “chúng ta chẳng làm gì” hiện nay, không hồ nghi rằng người Mỹ chắc chắn sẽ ngày càng lo lắng về những đoạn phim và bắt đầu tự hỏi: “Với tất cả vũ khí mạnh và chính xác đó, tại sao chúng ta vẫn không chiến thắng?”.

Câu trả lời tất nhiên là chỉ không lực thôi sẽ không đủ để giành thắng lợi trong cuộc chiến này. Nhưng nó đã chứng tỏ hiệu quả trong việc hỗ trợ các lực lượng mặt đất như người Kurd trong trận chiến giành lại Kobani từ tay IS. Người Nga có thể ăn mừng thắng lợi tương tự nếu như chính quyền Syria và lực lượng Iran hậu thuẫn Assad có thể chiến đấu hiệu quả chống lực lượng chống đối và IS. Nhưng điều đó chắc chắn sẽ không nhanh chóng, rẻ tiền và dễ dàng.

Hiện nay, nhiều người Mỹ gọi đòn đánh tên lửa hành trình tầm xa của Nga mang tính “quyết định”. Phản ứng ban đầu dựa trên sự thừa nhận rằng 25 năm độc bá sử dụng các tên lửa hành trình tầm xa của Mỹ trong các chiến dịch (Iraq 199—2015, Sudan 1998, Serbia 1999, Afghanistan 1998 và 2001, Yemen 2009 và Syria 2014) đã kết thúc.  Quan điểm thực dụng hơn về vấn đề này cho rằng Nga đã huy động khả năng quân sự chúng ta đã từng biết từ những năm 1980. Sử dụng các phương tiện đặc biệt này liệu có thực sự thay đổi cuộc chơi?

Tâm lý người Mỹ từ lâu đã ở trạng thái liên tưởng các video về những vụ phóng tên lửa hành trình và bom dẫn đường laser với kỳ vọng về một chiến thắng nhanh chóng và mang tính quyết định kiểu “Sốc và kinh hoàng”. Sự thật là những công cụ chiến tranh đó chỉ có hiệu quả về chiến thuật trong nhiều trường hợp, nhưng không bao giờ mang tính quyết định chiến lược với Mỹ và cũng như với Nga.

Trong ngôn ngữ chiến lược, từ quyết định mang một ngữ nghĩa đặc biệt. Nó đồng nghĩa với những sự kiện có tính chất quyết định như trận Waterloo, hải chiến eo biển Tsushima hay việc sử dụng vũ khí nguyên tử khiến phát xít Nhật phải đầu hàng.

Những hành động quân sự mang tính quyết định chiến lược nhằm chấm dứt chiến tranh hay ít nhất là nhằm gây được ảnh hưởng lớn tới phương hướng của cuộc chiến. Một số chuyên gia Mỹ như Daniel Dolan “dìm hàng” rằng chiến dịch quân sự của Nga trong tuần đầu đã không thay đổi được tình thế mặt trận tại Syria. Nhiều nhóm quân chống Assad vẫn đang kiểm soát các khu vực lãnh thổ chiếm được trước chiến dịch không kích của Nga.

Căn cứ không quân Latakia, nơi không quân Nga xuất kích chống khủng bố

Dolan cho rằng, các nhà quân sự lỗi lạc như Tôn Tử, Karl Clausewitz, Alfred Mahan và những bậc thầy về nghệ thuật chiến tranh khác đã dạy rằng tất cả đòi hỏi những nguyên lý chiến lược. Chân lý đó bao gồm cả Nga. Do vậy, vấn đề không phải ông Vladimir Putin có thể thúc đẩy được bao nhiêu, việc đó cũng không giúp ông hay các công cụ sức mạnh quân sự của ông miễn trừ trước các nguyên tắc chiến lược. Theo Dolan, Nga có lý do để có mặt tại Syria. Syria nằm trong lợi ích quốc gia của Nga, nhưng điều đó không có nghĩa Nga sẽ đạt được các mục tiêu dễ dàng và ông Putin có thể sớm đối mặt với thực tế này.

Dolan cảnh báo, Nga có thể giành được một ghế trong bàn đàm phán về giải pháp chính trị cho Syria, nhưng việc này sẽ phải mất mát nhiều hơn việc phô trương hàng ngày về số lần xuất kích và các đoạn phim ghi cảnh không kích của Nga. Như Mỹ đã học được nhiều trong các cuộc chiến kể từ chiến tranh Việt Nam, trong khi những khả năng chiến thuật vượt trội và bền vững của Mỹ không thể sánh được, một nền hòa bình cuối cùng và tốt hơn thường khó nắm bắt và rất khó khăn mới đạt được.

*Lược dịch bài viết trên tạp chí của Học viện Hải quân Hoa Kỳ của Daniel Dolan, giảng viên về chiến lược và chiến tranh thuộc chương trình giảng dạy của Trường Hải chiến Hoa Kỳ. Dolan còn là nhà sử học và phụ tá giáo sư tại Đại học Maine và nguyên là sĩ quan thực thi nhiệm vụ trên máy bay trinh sát P-3 hải quân.

Theo QPAN