Một cuộc xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên sẽ ra sao? Với nhiều người, đây là một câu hỏi hết sức đáng ngại vì một mặt, Triều Tiên sẵn sàng chấp nhận bạo lực để bảo vệ chế độ. Mặt khác, Mỹ dường như không đủ khả năng để dẹp yên cuộc xung đột quân sự giữa Seoul và Bình Nhưỡng, The Diplomat nhận định.
Một lời lý giải cho sự quan ngại này có thể là ước tính thương vong và tổn thất trên bán đảo Triều Tiên trong trường hợp chiến tranh xảy ra quá lớn. Nếu Bình Nhưỡng thực sự muốn biến Seoul thành biển lửa, con số thương vong chỉ riêng ở các khu vực trung tâm Seoul có thể vượt quá 100.000 người chỉ trong vòng 48 giờ, thậm chí Triều Tiên còn không cần sử dụng vũ khí hủy diệt. Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Mỹ, cuộc chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai có thể khiến quân đội Mỹ và Hàn Quốc thiệt hại 200.000-300.000 nhân mạng chỉ trong 90 ngày đầu tiên, chưa kể hàng trăm nghìn dân thường thiệt mạng.
The Diplomat đã phân tích cách thức cuộc chiến tranh có thể diễn ra, tập trung vào một kịch bản mang tính giả thuyết: đó là một cuộc tấn công bất ngờ của Triều Tiên vào Khu phi quân sự (DMZ), sau khi Tư lệnh tối cao quân đội nhân dân Triều Tiên cho rằng một cuộc tấn công phủ đầu vào các thiết bị vũ khí hạt nhân có thể sắp diễn ra.
Kịch bản này dựa trên bốn giả định. Thứ nhất, dù đã ký những điều khoản trong Hiệp định hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau năm 1961, Trung Quốc sẽ không bảo vệ Triều Tiên nếu nước này bất ngờ tấn công Hàn Quốc. Thứ hai, Bình Nhưỡng sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân để hủy diệt Seoul. Thứ ba, Triều Tiên sẽ không châm ngòi tấn công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ. Và cuối cùng, Mỹ sẽ không phóng tên lửa hạt nhân tấn công Bình Nhưỡng.
Niềm tin cốt lõi của những giả định này là lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, ông Kim Jong-un chỉ muốn chế độ này được duy trì, do đó sẽ không đưa Bình Nhưỡng trở thành mục tiêu cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ một cách không cần thiết, và ngay lập tức có thể leo thang xung đột lên mức sử dụng vũ khí hạt nhân chừng nào Kim Jong-un cảm thấy rằng ông vẫn có thể phát động đợt tấn công thứ hai. Hơn nữa, theo kịch bản này, ông Kim Jong-un cũng giả định rằng các kế hoạch chiến tranh của Hàn Quốc và Mỹ sẽ không hạ bệ ông khỏi quyền lực (giả thiết này rõ ràng là sai lầm).
Hiện nay, Triều Tiên có thể sử dụng 700.000 trong số gần 1 triệu quân thuộc lực lượng bộ binh hùng mạnh, 8.000 khẩu pháo, 2.000 xe tăng, 300 máy bay, hơn 400 tàu chiến và khoảng 50 tàu ngầm để tấn công Hàn Quốc. Tất cả những thiết bị này chỉ nằm cách Khu phi quân sự chưa đến 100 dặm. Do đó nếu tấn công bất ngờ, Triều Tiên sẽ không cần tái triển khai các thiết bị quân sự trên quy mô lớn và cuộc tấn công có thể được thực hiện chỉ trong vòng ba ngày kể từ khi ông Kim Jong-un hạ lệnh. Do đó nước này có thể tấn công Hàn Quốc bất kỳ lúc nào.
The Diplomat giả định rằng mục tiêu cơ bản của cuộc tấn công này sẽ là chiếm được Seoul và kiểm soát lâu nhất có thể, trong khi gây thiệt hại nặng nề lên các công trình quân sự và dân sự ở Hàn Quốc. Việc chiếm được thủ đô Seoul, thậm chí dù là một phần thủ đô Hàn Quốc, không chỉ là chiến thắng mang tính cổ động quan trọng mà còn đảm bảo sẽ phải sử dụng hình thức tác chiến hiện đại, tốn kém và gây nhiều thương vong trong cuộc chiến trên đất Hàn Quốc.
Để đánh chiếm được thủ đô Seoul của Hàn Quốc, quân đội Triều tiên sẽ phải tiến quân dọc mặt trận rộng 75 dặm xuống Chorwon, Kaesong- Munsan và hành lang Kumhwa. Đột phá khẩu chính có thể đến từ tuyến Kaesong- Munsan và phía bắc Seoul, hoặc thung lũng Chorwon ở phía đông bắc. Tốc độ tiến công cũng sẽ là nhân tố cốt yếu để làm nên chiến thắng của quân đội Triều Tiên. Với địa hình đồi núi của bán đảo này, các hành lang có thể nhanh chóng trở thành cái bẫy chết người với quân đội Triều Tiên nếu đối đầu với không lực Mỹ và Hàn Quốc với các vũ khí dẫn đường chính xác được phóng từ các vị trí kiên cố của Hàn Quốc dọc theo các tuyến tiến quân.
Các cuộc tấn công không gian mạng chiến lược và tấn công pháo binh vào các thiết bị chỉ huy và kiểm soát của Mỹ và Hàn Quốc (và các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Seoul) sẽ được thực hiện trước cuộc tấn công thông thường. Triều Tiên có khoảng 500 hệ thống pháo tầm xa, bao gồm các cỗ pháo Koksan 170mm, các hệ thống tên lửa phóng loạt 122mm với tầm bắn mở rộng, cũng như các hệ thống 240 và 300mm với tầm bắn vươn đến khu vực trung tâm Seoul.
Kịch bản cuộc chiến tranh thứ hai trên bán đảo Triều Tiên mà The Diplomat đưa ra còn giả định rằng quân đội Triều Tiên sẽ sử dụng phần lớn các thiết bị pháo binh tầm xa để đối phó với các cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ và Hàn Quốc dọc các tuyến tấn công. Một phần các hệ thống pháo binh sẽ được dùng để tấn công vào các hạ tầng dân sự và kinh tế ở Seoul và các vùng ngoại ô.
Giả định rằng trong tổng số pháo binh của Triều Tiên, gần 70% các hệ thống tầm xa đều hoạt động, một phần được sử dụng để đào tạo phi công,15-25% pháo không nổ thì cũng đã khiến hàng ngàn người, kể cả quân đội và nhân dân Hàn Quốc và Mỹ ở Seoul thiệt mạng, nếu không nói đến hàng chục ngàn người, chỉ trong vài giờ xung đột đầu tiên, trước khi quân đội Triều Tiên sử dụng pháo binh hoặc phải rút lui vì sợ bị tiêu diệt bằng hỏa lực phản kích của Mỹ và Hàn Quốc.
(còn tiếp)