Báo Nga: bị lính Azerbaijan khiêu khích ở Nagorno-Karabakh, Nga lập tức cảnh cáo sắc lạnh

VietTimes – Quân đội Azerbaijan kéo vào Nagorno-Karabakh tiếp quản một số vùng do Armenia giao lại đã có hành động khiêu khích lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, nhưng lập tức bị cảnh cáo: “Đừng quên cuộc chiến tranh Gruzia!”.
lực lượng gìn giữ hòa bình Nga lập chốt cách ly quân đội hai bên Azerbaijan và Armenia (Ảnh: Sina).

Trang tin Sina.com ngày 27/11 dẫn tin báo chí Nga cùng ngày cho biết, quân đội Azerbaijan gần đây đã tiến vào khu vực Nagorno-Karabakh với tư thế bên chiến thắng, nhanh chóng tiếp quản lãnh thổ mà Armenia nhượng lại, đồng thời truy quét những phần tử vũ trang không chịu rút đi.

Tuy quân đội Azerbaijan cũng bị thiệt hại ít nhiều trong giai đoạn này, nhưng là quân đội chính quy đối phó với số ít dân quân không được tổ chức, thắng bại chỉ là vấn đề thời gian trước khi họ hoàn toàn làm chủ tình hình, loại bỏ các tổ chức kháng chiến. Trong bối cảnh này quân đội Azerbaijan có vẻ bị chiến thắng làm cho thiếu tỉnh táo; sự có mặt của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga trở nên nghịch mắt, họ cho rằng quân đội Nga đã gây “vướng víu” quân đội Azerbaijan.

Đặc biệt sau khi quân đội Nga triển khai bảo vệ tu viện địa phương và các cơ sở tôn giáo khác ở Nagorno-Karabakh, quân đội Azerbaijan rất bất bình và cho rằng hành động của quân đội Nga là “rách việc”. Có thông tin nói, binh lính Azerbaijan đã giả dạng quân đội Nga để giết người dân vô tội ở Nagorno-Karabakh ý đồ đổ lỗi cho quân đội Nga nhằm mục đích trục xuất họ khỏi khu vực này.

Ba lính Azerbaijan với số đông lăm lăm súng đạn phía sau đối thoại với 2 lính Nga (áo sẫm). Ảnh: Sina.

Ảo tưởng vì chiến thắng, lính Azerbaijan dùng súng đe dọa quân đội Nga

Theo truyền thông Nga, ngày 25/11 theo giờ địa phương, lực lượng Azerbaijan đã tiến vào quận Kalbajar của Nagorno-Karabakh và tiếp xúc trực tiếp với lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, tuy nhiên, cuộc gặp giữa quân đội hai bên lại “nồng nặc mùi thuốc súng”.

Theo video quay tại hiện trường, khi lực lượng Nga và Azerbaijan cử đại diện Nga gặp nhau trên đường cao tốc, quân Nga chỉ cử hai người, trong khi Azerbaijan cử một số lượng lớn binh sĩ lăm lăm súng đạn áp sát phía sau, sau đó cử người cầm cờ để gặp đại diện quân đội Nga. Điều này khiến người Nga cảnh giác, họ cho rằng quân đội Azerbaijan định uy hiếp quân Nga, hoặc cố gắng khiêu khích quân Nga để gây ra xung đột. Về vụ này, các chuyên gia quân sự Nga chế giễu rằng Azerbaijan điều động nhiều binh sĩ như vậy vì họ lo sợ hai người lính Nga sẽ bất ngờ ra tay giết hết họ chăng?

Truyền thông Nga cho rằng một số người trong quân đội Azerbaijan rõ ràng cản thấy bất an về lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga và cho rằng các hành động của quân đội Nga bảo vệ lợi ích của người Armenia là "rách việc". Theo báo cáo, quân đội Azerbaijan gần đây sau khi chiếm lại hầu hết khu vực Nagorno-Karabakh, đã ra tay phá hoại "di sản" địa phương của người Armenia.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã ngăn chặn lính Azerbaijan cướp phá nhà thờ của người Armenia ở Nagorno-Karabakh và trực tiếp cho quân đến canh gác tu viện địa phương, điều này khiến một số người phái cứng rắn trong quân đội Azerbaijan bất bình.

Hình ảnh cho thấy hai lính Nga đối mặt với ít nhất 18 lính Azerbaijan (Ảnh: Sina).

Phía Azerbaijan đã tìm cách khiêu khích quân đội Nga để thách thức "sức mạnh quân sự và sự thống trị" của Nga, tuy nhiên, điều này có thể là hăng quá hóa dở, bởi năm 2008 chính quyền Saakashvili của Gruzia cũng đã cố gắng "thể hiện cơ bắp" của mình trước Nga. Tuy nhiên, kết quả của cuộc chiến tranh Nga-Gruzia đã được thế giới biết đến: chỉ sau 8 ngày chiến tranh, quân đội Nga đã phá hủy sinh lực của quân đội Gruzia, công nhận Nam Ossetia và Abkhazia tách khỏi Gruzia. Nếu Azerbaijan không rút ra bài học kinh nghiệm, rất có thể sẽ lặp lại những sai lầm trong chiến tranh Gruzia.

Lính Azerbaijan giả dạng quân Nga giết người rồi đổ vấy?

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga gồm 1.960 người được triển khai tới khu vực Nagorno-Karabakh để thực hiện nhiều nhiệm vụ, bao gồm hỗ trợ người Armenia địa phương trở về quê hương, đón những người Azerbaijan di cư đến, đảm bảo việc quân đội Armenia chuyển giao khu vực phòng thủ cho quân đội Azerbaijan, tham gia tìm kiếm người mất tích và thiệt mạng.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga làm nhiệm vụ ở Naka bao gồm lữ đoàn bộ binh cơ giới số 15 tinh nhuệ. Lực lượng này đã thực hiện nhiều chiến dịch quân sự lớn, bao gồm chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008 và chiếm đóng Crimea dưới hình thức của những “người áo xanh”, tham gia luân chiến ở miền Đông Ukraine và Syria...

Hãng thông tấn Nga TASS ngày 26/11 đưa tin, thời gian gần đây tin đồn “quân đội Nga giết dân thường bừa bãi” bắt đầu rộ lên ở khu vực Nagorno-Karabakh. Các phần tử vũ trang mặc quân phục Nga đã giết chết những người Armenia không kịp di tản, khiến người dân địa phương hoảng sợ. Tin tức lan đến Armenia khiến làn sóng chống Nga ở nước này càng lên cao: Nga thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn Nagorno-Karabakh, Thủ tướng Armenia thừa nhận thất bại, nhưng người Armenia cho rằng họ đã bị người Nga phản bội một lần nữa.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga triển khai bảo vệ tu viện của người Armenia ở Nagorno-Karabakh (Ảnh: Sina).

Tuy nhiên, quân đội Armenia tuyên bố, sự thật đã được làm rõ, chính lính Azerbaijan mặc quân phục Nga đã mưu đồ giết người rồi đổ lỗi cho lực lượng gìn giữ hòa bình Nga; thủ phạm đã bị bắt và đã thú nhận điều này. Phía Nga đã yêu cầu Azerbaijan đưa ra lời giải thích, các phóng viên nước ngoài ở vùng Nagorno-Karabakh cũng đã xác nhận sự việc.

Truyền thông Nga cho rằng, việc người khác cố ý mặc quân phục Nga sát hại những người vô tội rõ ràng là có mục đích chính trị. Xem xét việc quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý đưa quân tới vùng Nagorno-Karabakh, phía Nga kiên quyết phản đối việc này, nên không loại trừ việc có ai đó đang tìm cách tạo cớ để tạo điều kiện cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Nagorno-Karabakh thuận lợi.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp tổn thất ủng hộ quân đội Azerbaijan giành chiến thắng trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh. Mục đích quan trọng là dùng Nagorno-Karabakh làm bàn đạp để tiến sâu hơn vào Kavkaz, còn phía Nga đưa quân đội đến "gìn giữ hòa bình" chính là nhằm ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ thâm nhập vào phạm vi ảnh hưởng của họ.