Báo Mỹ: Thực lực Hải quân Trung Quốc thua Nhật Bản

VietTimes -- Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản hiện có 114 tàu chiến, có tàu chiến mặt nước mạnh nhất là là tàu khu trục tên lửa lớp Kongo, nổi tiếng với khả năng săn ngầm và quét mìn, là đối thủ mạnh của Trung Quốc.
Tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Tờ Đa Chiều của người Hoa tại Mỹ ngày 16/10 dẫn lời Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa công bố cho biết số lần cất cánh khẩn cấp nửa đầu năm 2016 của máy bay chiến đấu Nhật Bản lập kỷ lục mới, trong đó 70% là để đối phó Trung Quốc.

Trong thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng căng thẳng do tranh chấp đảo Senkaku, so sánh sức mạnh trên biển giữa hai nước cũng ngày càng gây chú ý hơn.

Tạp chí The National Interest Mỹ ngày 17/10 đăng bài viết "Xin lỗi Trung Quốc: Vì sao Hải quân Nhật Bản tốt nhất châu Á" (Sorry, China: Why the Japanese Navy is the Best in Asia).

Bài viết cho rằng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản hiện nay có 114 tàu chiến bao gồm tàu khu trục chở trực thăng (tàu sân bay trực thăng), tàu ngầm, tàu khu trục và tàu hộ vệ. Lực lượng Phòng vệ có khả năng săn ngầm mạnh, hơn nữa có thể bắn rơi tên lửa đạn đạo đối phương.

Về công nghệ, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản là "lực lượng tự vệ", nhằm khắc phục hạn chế của Hiến pháp đối với quân đội.

Thành phần chủ yếu của Lực lượng Phòng vệ Biển là 46 tàu khu trục và tàu hộ vệ, Lực lượng Phòng vệ Biển có mục đích giúp Nhật Bản đoạt lại lãnh thổ và bảo đảm sự thông suốt của các tuyến đường hàng hải.

Tàu khu trục tên lửa Aegis lớp Kongo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Tàu chiến mặt nước mạnh nhất của Nhật Bản phải là tàu khu trục tên lửa lớp Kongo. Nó có thể thông qua phóng tên lửa đánh chặn SM-3 Block IA, tiến hành đánh chặn trước đối với tên lửa đối phương ở tầng cao, bảo vệ có hiệu quả lãnh thổ Nhật Bản.

Một chiếc tàu khu trục tên lửa lớp Kongo có thể tiến hành bảo vệ phòng không khu vực cho toàn bộ cụm tàu hộ vệ. Hiện nay, Nhật Bản có 4 tàu khu trục Aegis lớp Kongo.

Một lực lượng quan trọng khác của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản là tàu khu trục chở trực thăng Izumo. Tàu Izumo nhiều nhất có thể chở 14 máy bay trực thăng. Những máy bay trực thăng này thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, từ săn ngầm, quét mìn đến phát động tấn công đường không.

Trong 4 cụm hạm đội hộ vệ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, tàu khu trục chở trực thăng chiếm vị trí quan trọng. Chúng vừa làm tàu chỉ huy, đóng vai trò "linh hồn" của hạm đội vừa đảm đương nhiệm vụ săn ngầm nặng nề.

Chúng không chỉ phù hợp với tác chiến ở biển gần, mà còn có lợi cho các hành động trên biển xa, có thể đáp ứng nhu cầu tác chiến ở nước ngoài của Nhật Bản.

Ngoài ra, sức mạnh của lực lượng tàu ngầm Nhật Bản cũng không thể coi thường. Hiện nay, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đặc biệt nổi tiếng bởi nhiệm vụ săn ngầm và quét mìn trên biển. Khả năng săn ngầm của lực lượng này đứng thứ hai thế giới, khả năng quét mìn trên biển đứng đầu thế giới.

Tàu ngầm thông thường AIP Kenryu lớp Soryu Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Nếu nói khả năng quét mìn trên biển còn chưa đủ để tạo ra mối đe dọa với láng giềng, thì thực lực săn ngầm và phòng không mạnh của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã tạo ra "mối đe dọa hiện thực" đối với các nước xung quanh.

Nhật Bản đang xây dựng một lực lượng có 22 tàu ngầm để đối phó Hải quân Trung Quốc đang không ngừng lớn mạnh. Trong đó, lực lượng sát thương nhất là tàu ngầm lớp Soryu, không chỉ có thể lặn dưới nước dài tới 2 tuần, mà còn trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, về lý thuyết còn có thể phóng tên lửa Harpoon và rải mìn trên biển để ngăn chặn đối phương xâm phạm các eo biển quan trọng.

Tàu đổ bộ lớp Osumi là lực lượng đoạt đảo quan trọng của Nhật Bản. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sở hữu 3 tàu vận tải đổ bộ lớp Osumi. Đây là lực lượng cốt lõi trong việc tiến hành tác chiến đổ bộ đoạt đảo của Lực lượng Phòng vệ Biển.

Loại tàu này nhiều nhất có thể chở 1.400 tấn hàng hóa, chở 14 xe tăng Type 10 hoặc Type 90 và trên 1.000 binh sĩ lực lượng mặt đất, tiến hành hỗ trợ quan trọng cho tác chiến đoạt đảo.

Trong tình hình như vậy, Hải quân Trung Quốc sẽ đối mặt với một đối thủ mạnh có trình độ công nghệ tiên tiến và hệ thống tác chiến hoàn chỉnh.

Tàu tấn công đổ bộ lớp Osumi Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)