Báo Mỹ: Ông Tập Cận Bình ban phát ghế cao cho 'tôi trung'

 Wall Streeet Journal (WSJ) nêu ông Tập Cận Bình ban phát ghế cao cho "tôi trung", tức là những “trung thần”. Ông chuyển cơ cấu lãnh đạo tập thể nhất trí với mọi chính sách lâu nay, sang cơ chế tập trung quyền lực nhiều hơn cho chức Chủ tịch Trung Quốc của ông, cùng cho một nhóm trợ lý và cố vấn.
Ông Lật Chiến Thư (trái) ngồi cạnh tỷ phú Bill Gates
Ông Lật Chiến Thư (trái) ngồi cạnh tỷ phú Bill Gates

WSJ dẫn chứng việc ông Tập Cận Bình ban phát ghế cao cho "tôi trung" bằng chuyện ông Lật Chiến Thư, chánh văn phòng chính phủ trung ương đảng Cộng sản TQ (CPC):  

Ngày 22.9, khi ông Tập bắt đầu chuyến thăm Mỹ ở Seattle, tại tiệc chiêu đãi, ông Lật ngồi cách ông Tập 4 ghế, cạnh tỷ phú Bill Gates. Ngày 23.9, ông Lật ngồi cạnh ông Tập, ở cuộc gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ.

Không thể rõ vai trò chính xác của ông Lật trong chuyến đi Mỹ của ông Tập. Theo lệ thường, chánh văn phòng sẽ tháp tùng lãnh đạo đi nước ngoài và ở các cuộc xuất hiện trước công chúng.

Nhưng theo các quan chức nước ngoài và các nhà phân tích, cách xếp chỗ này cho thấy ông Lật là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong nhóm thân cận của ông Tập, có vai trò nặng ký hơn cả các nhà ngoại giao cấp cao TQ.

Ông Lật “đi sứ” riêng cho ông Tập

Từ tháng 9.2012, vai trò chính thức của ông Lật là chánh văn phòng trung ương CPC. Cơ quan này nắm lịch làm việc của lãnh đạo, cung cấp tài liệu và vệ sĩ nhưng không thường xuyên hoạt động ngoại giao.    

Tháng 3. 2015, ông Tập phá tiền lệ bằng cách cử ông Lật đến Moscow nói chuyện với chủ nhân Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin, thay vì cử một nhà ngoại giao TQ.  

Nhà sử học-bình luận chính trị độc lập Zhang Lifan nói: “Ông Tập thích dùng người quen là đồng chí cũ, thủ hạ và thậm chí là bạn cũ thời đại học”.

Ông nói tiếp: “Chánh văn phòng trước đây thường cân nhắc quyền lợi của tất cả các phái. Nay, cơ quan này chú trọng vào ông Tập, đại diện ý chí của ông.

Khi ông Lật đi Moscow, giống như ông ấy đi sứ riêng cho ông Tập. Chưa hề có tiền lệ như thế”. 

Ông Lật có nhiều quyền hơn các tiền nhiệm, vì ông có quan hệ bạn bè thân cận với ông Tập từ thập niên 1980, khi hai người là cán bộ cấp huyện ở tỉnh Hà Bắc. Hai ông cũng xuất thân từ gia đình có công lớn với cách mạng.

Theo người biết rõ cơ chế nội bộ của CPC, ông Lật nay giống “người gác cổng, bảo đảm sự trung thành với ông Tập ở từng cấp đảng ủy”.

Hồi tháng 9.2014, tạp chí Mishu Work của văn phòng trung ương CPC có bài viết dài của ông Lật, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “trung thành tuyêt đối” với ông Tập:

“Xuyên suốt 5.000 lịch sử Trung Hoa, việc phán xét một nhân vật chính trị tốt hay xấu thường dùng đến chữ trung thành. Các trung thần được lưu danh hậu thế, còn bọn phản bội thì bị lên án vĩnh viễn”.

Ông Lật cũng là một trong 25 ủy viên Bộ chính trị CPC, và có vai trò trong chính sách đối ngoại, vì ông là chủ nhiệm Ủy ban an ninh quốc gia, một cơ quan do ông Tập lập năm 2013.

"Tôi trung" làm quan chức ngoại giao mất việc

Theo WSJ, các nhà phân tích nói: việc ông Tập tập trung quyền lực vào nhóm “tôi trung” của ông làm tăng nguy cơ này: chính phủ nước khác sẽ hiểu sai hoặc bị bất ngờ trước các hành động của Bắc Kinh.

Cơ chế lãnh đạo mới này do ông Tập lập, nhằm cho phép ông thoát khỏi thói quan liêu giấy tờ, cải thiện sự điều phối liên cơ quan.

Nhưng nó loại bỏ nhiều nhà ngoại giao cùng các cán bộ mà chính phủ Mỹ và nước ngoài thường tiếp xúc.

Trước khi ông Tập nắm quyền lực hồi tháng 11.2012, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ (từ 2010 đến 2013) là Tom Donilon có quan hệ làm việc chặt chẽ với nhà ngoại giao hàng đầu TQ là ông Đới Bỉnh Quốc.

Nhưng mối quan hệ này không lập lại, giữa nữ cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice với ông Dương Khiết Trì, cựu Ngoại trưởng TQ và hiện là ủy viên quốc vụ viên đặc trách vấn đề đối ngoại: quan chức ngoại giao cấp cao nhất TQ.

Trong khi các cố vấn kinh tế của ông Tập không thường gặp các quan chức nước ngoài, thì không ai có thể tiếp cận nhóm cố vấn chính trị-an ninh của ông Tập, theo nhiều quan chức nước ngoài.

Theo người biết chuyện, các quan chức Mỹ đã nhiều lần đề nghị làm việc với ông Lật nhưng không được đáp ứng.

Christopher Johnson, từng là nhà phân tích của CIA, nay làm việc ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), nói: CPC đang giữ vai trò trực tiếp hơn trong việc lập chính sách… khiến các bộ thường không biết được gì”.

Theo WSJ, ngay cả các chuyên gia TQ cũng có câu chuyện đùa: ông Tập chỉ có một có một cố vấn chính sách đối ngoại: chính ông Tập.

David Lampton, chủ nhiệm khoa nghiên cứu TQ của Trường nghiên cứu quốc tế Johns Hopkins, gần đây viết trên Trung Quốc đương đại tạp chí:

“Có sự lẫn lộn ngầm trong quy trình chính sách đối ngoại ở Bắc Kinh. Phần nào là do việc lập Ủy ban an ninh quốc gia, phần khác do vai trò ông Tập quá lớn, cùng nhiều nhân vật mới do ông đưa vào”.

Dẫn đầu nhóm nhân vật mới này là ông Lật. Ghế chánh văn phòng của ông luôn là ghế quyền lực: Nhiều tiền nhiệm của ông được chọn làm ủy viên thường vụ Bộ chính trị (hiện gồm 7 ủy viên) và ông Lập là ứng viên hàng đầu vào tổ chức này trong năm 2017.  

Ghế chánh văn phòng của ông Lật càng có ý nghĩa hơn, từ sau khi tiền nhiệm Lệnh Kế Hoạch (thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào) bị “chuyển công tác” xuống một chức vụ “chỉ có tiếng, không thực quyền” hồi năm 2012, vì cậu ấm Lệnh Cốc con ông chết sau vụ  phóng xe Ferrari bạt mạng ở Bắc Kinh.  

Tháng 12.2014, Lệnh bị điều tra, đến tháng 7.2015 thì bị buộc tội chính thức: nhận hối lộ, lạm quyền, quan hệ bất chính và lén thu thập bí mật quốc gia.

Vụ tai tiếng của Lệnh khiến ông Tập cần “thủ hạ thân tín” làm chánh văn phòng trung ương CPC, khi ông tiến hành chiến dịch bài trừ tham nhũng “đả hổ đập ruồi”, cùng một chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng.

Vĩnh Thụy - Theo The Wall Street Journal, Một thế giới