|
Cụm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đang trên đường hướng tới Biển Đông |
(tiếp theo kỳ trước)
NI: Mỹ nguy cơ đối đầu Trung Quốc theo 5 kịch bản ở Biển Đông, Hoa Đông
3. Một sự cố trên biển
Một cuộc đụng độ trên biển khiến các thủy thủ người Trung Quốc hay người Mỹ thiệt mạng cũng chắc chắn sẽ châm ngòi gia tăng căng thẳng hoặc một cuộc xung đột kinh hoàng tại khu vực.
Hãy cùng xem xét lại sự cố ngày 5/12/2013, khi một tàu hải quân Mỹ và một tàu chiến Trung Quốc áp sát đến mức suýt va chạm. Theo tuyên bố của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, “Trong khi hoạt động hợp pháp trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông, tàu USS Cowpen (CG 63) và tàu của hải quân Trung Quốc đã phải nỗ lực để tránh va chạm”.
Và phía Mỹ tiếp tục giải thích rằng “sự cố này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất trong lái tàu chuyên nghiệp, bao gồm liên lạc giữa các tàu để giảm thiếu nguy cơ xảy ra sự cố hoặc rủi ro ngoài ý muốn.” Đây không phải là sự cố duy nhất gần gây ra một vụ va chạm trên biển. Cần phải cân nhắc khả năng tàu Mỹ và tàu Trung Quốc có thể va chạm trong tương lai gần.
Dù khó có thể xảy ra một cuộc chiến tranh lớn chỉ từ một cuộc đụng độ giữa các tàu của đôi bên, nhưng nếu như thiệt hại về tính mạng nghiêm trọng và sự cố được ghi lại và công bố trên toàn thế giới (nhờ vào truyền thông xã hội và vòng xoáy tin tức 24h), chắc chắn rằng quan hệ Mỹ-Trung sẽ lâm vào khủng hoảng. Và điều đó chắc chắn sẽ làm gia tăng nguy cơ dẫn đến tình hình căng thẳng. Nếu có các sức ép khác, dù trên Biển Đông hay biển Hoa Đông, hay thậm chí là trả đũa trên không gian mạng, cũng rất dễ kéo theo một loạt sự kiện khiến một bên cảm thấy buộc phải hành động quyết đoán nếu họ cảm thấy xung đột là không thể tránh khỏi.
4. Một sự cố trên không
Đã từng xảy ra sự cố trên không giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm 2001, máy bay P-3 Orion của Mỹ đã va chạm với máy bay chiến đấu của Trung Quốc, gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy trong quan hệ Mỹ-Trung kể từ sau thời Chiến tranh lạnh. Tại Washington đã diễn ra những cuộc thảo luận về một sự thay đổi trong cách tiếp cận với Trung Quốc, có thể là một cách cứng rắn hơn nhiều. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan ngại rằng “hai nước sẽ xảy ra đối đầu khi Trung Quốc trỗi dậy trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự ở châu Á”. Trong khi tình hình có thể sẽ còn căng thẳng hơn nữa trong ngắn hạn, sự kiện 11/9 đã khiến Mỹ chuyển trọng tâm khỏi châu Á và quay trở lại Trung Đông.
Khả năng xảy ra đụng độ Mỹ-Trung trên không lại là một khả năng có thực. Quay trở lại hồi tháng 8/2014, khi một máy bay Trung Quốc đã áp sát máy bay trinh sát Mỹ P-8 Poseidon. Quan chức Mỹ lúc đó đã giải thích rằng “Máy bay Trung Quốc đã bay ngang qua máy bay P-8, chúng tôi tin rằng đây là hành vi phô trương vũ khí máy bay này mang theo…”.
Các nhà chức trách cũng lưu ý rằng Trung Quốc đã bay ngay phía dưới và bay dọc theo chiếc P-8, đầu cánh chiến đấu cơ Trung Quốc chi cách P-8 chỉ trong phạm vi 20 feet, và sau đó bay ngang qua P-8, chỉ cách 45 feet.” Điều gì sẽ xảy ra nếu một tai nạn chết người xảy ra vào lúc đó?
5. “Thùng thuốc súng” Đài Loan
Hiện nay dưới chính quyền bà Thái Anh Văn, tình hình quan hệ giữa Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan xấu đi nghiêm trọng. Không có gì bảo đảm Trung Quốc lại không tìm cách gia tăng áp lực nhằm “thu hồi” Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh luôn xem là một “tỉnh ly khai” của mình. Thực tế, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng tuyên bố rằng “vấn đề bất đồng chính trị tồn tại giữa hai bên dần dần từng bước cũng phải đạt được một giải pháp cuối cùng, và những vấn đề này không thể tiếp diễn từ thế này sang thế hệ khác được”.
Vậy Đài Loan đóng vai trò ra sao trong khả năng gây ra cuộc chiến Mỹ-Trung. Rất đơn giản. Theo một báo cáo của Trung tâm phân tích chiến lược và ngân sách Mỹ (CSBA) giải thích, động lực trong căng thẳng Trung-Đài vẫn không thay đổi:
“Cho dù có những cải thiện trong quan hệ giữa hai bờ eo biển, bản chất tranh chấp vẫn không thay đổi. Bắc Kinh vẫn từ chối từ bỏ sử dụng vũ lực như một biện pháp để tái thống nhất đất nước, và việc Trung Quốc đang dần tích lũy tên lửa và các thiết bị phòng không nhằm vào Đài Loan là một lời nhắc nhở liên tục và nghiêm túc. Đồng thời, các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy phần lớn người dân Đài Loan đều phản đối thống nhất với Trung Quốc.
Trong khi lập trường chính thức của cả hai bên vẫn không thay đổi, cân bằng quân sự giữa hai nước đã chuyển dịch theo hướng hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc. Hai thập kỷ Trung Quốc gia tăng chi tiêu quân sự ở tốc độ hai con số hàng năm đã khiến Bắc Kinh vượt trội đáng kể về sức mạnh thông thường so với Đài Loan, khiến gia tăng quan ngại rằng Đài Loan không thể chịu được một cuộc tấn công quy mô lớn của Trung Quốc vào hòn đảo này và do đó dấy lên nguy cơ bị thôn tính trước khi quân đội Mỹ kịp can thiệp”.
Thực tế, sự thay đổi vị trí lãnh đạo Đài Loan với sự thắng cử của bà Thái Anh Văn- một chính khách thuộc Đảng Dân Tiến cũng đã khiến căng thẳng Trung Quốc và Đài Loan leo thang vì chính quyền mới đã ngừng những nỗ lực thúc đẩy quan hệ Đài Loan với Đại Lục của chính quyền tiền nhiệm của ông Mã Anh Cửu. Rõ ràng Mỹ phải lo lắng về việc xu hướng quan hệ này sẽ nhanh chóng tạo ra khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Trung. Nếu Trung Quốc quyết định nỗ lực thống nhất với Đài Loan bằng cách sử dụng vũ lực hoặc xâm lược, có vẻ như xung đột Mỹ-Trung chắc chắn sẽ nổ ra.
Trong khi một cuộc đụng độ có vẻ còn khó xảy ra, lại có quá nhiều những điểm gây căng thẳng có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột, đến mức không thể loại trừ khả năng này. Đó là lí do vì sao cả hai bên cần phải hợp tác tìm ra một cách giảm căng thẳng, để không dẫn tới một cuộc xung đột quân sự.
Rõ ràng Mỹ và Trung Quốc còn có nhiều lý do để thúc đẩy một mối quan hệ tốt đẹp về lâu dài, bất chấp những căng thẳng gần đây. Chỉ tính riêng thương mại song phương giữa hai nước ước tính đã đạt 550 tỷ USD. Tuy nhiên, như Graham Allison đã lý giải gần đây, “khi một cường quốc đang trỗi dậy đối đầu với một cường quốc thống trị từ lâu đời, rắc rối chắc chắn sẽ xảy ra. 11 trong 15 trường hợp như vậy đã xảy ra trong 500 năm qua, và chúng đều có chung một kết quả là chiến tranh”.
Theo National Interest, chỉ riêng sự thật đó đã buộc các nhà hoạch định chính sách ở cả hai nước Mỹ và Trung Quốc phải cùng hợp tác với nhau để tránh thứ mà ông Allison gọi là “cái bẫy Thucydide”. Thật khó để tưởng tượng điều kinh khủng gì sẽ xảy ra nếu hai bên không hành động sáng suốt.