Bảo lãnh Chính phủ: Đừng ném tiền qua cửa sổ

Mỗi ngày, mỗi tuần trôi qua dư luận lại được biết thêm về những con số hàng ngàn tỉ đồng là số tiền có khả năng mất trắng trong những dự án đầu tư đủ loại của nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN). 
Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng) có vốn đầu tư gần 7.000 tỉ đồng đã“đắp chiếu”, lỗ hơn 1.700 tỉ đồng, đứng trước nguy cơ phá sản…Ảnh Mai Công Thành/Tuổi trẻ
Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng) có vốn đầu tư gần 7.000 tỉ đồng đã“đắp chiếu”, lỗ hơn 1.700 tỉ đồng, đứng trước nguy cơ phá sản…Ảnh Mai Công Thành/Tuổi trẻ

Nhiều trong số những dự án kiểu này, ví dụ như Gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ, hay các nhà máy sản xuất xăng sinh học từ Bắc vào Nam, hoặc thậm chí các dự án hạ tầng cơ sở như đường sắt trên cao, chỉ được biết đến rộng rãi khi chủ dự án, các DNNN, lên tiếng kêu cứu Chính phủ để xin ưu đãi đặc biệt, xin “chính sách hỗ trợ” nhằm giúp các dự án này hoàn tất hoặc thoát khỏi cảnh đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả.

Điều đáng nói là đa phần những dự án này được thu xếp vốn xây dựng với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước dưới sự bảo lãnh vay vốn của Chính phủ.

Tại sao Chính phủ phải bảo lãnh vay vốn?

Nhiều dự án được đầu tư xây dựng theo quy hoạch phát triển của ngành, của địa phương, của trung ương nên tính hiệu quả và cấp thiết nhiều khi chỉ là yếu tố phụ, hoặc là được “vẽ” ra để hợp lý hóa chủ trương đầu tư theo quy hoạch, trong khi bản thân các quy hoạch cũng còn nhiều bất cập.

Bởi vậy, thông thường nếu chủ đầu tư mang những dự án này ra để huy động vốn theo các điều kiện thương mại, qua các kênh như trái phiếu dự án, trái phiếu doanh nghiệp, hoặc vốn vay ngân hàng, thì sẽ chẳng mấy nhà đầu tư nào dám mua trái phiếu của họ, hay ngân hàng nào dám cho họ vay vì sự rủi ro quá cao. Còn nếu trông chờ vào vốn rót từ ngân sách thì cũng chẳng thể nào có (đủ), cho dù Chính phủ có muốn trợ giúp đến đâu chăng nữa trong bối cảnh thâm hụt ngân sách kinh niên với nợ công vượt trần.

Mọi sự sẽ khác đi về cơ bản nếu thay vì trực tiếp rót vốn vào dự án, Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho vay cho dự án. Bằng cách này, các chủ nợ tiềm năng của dự án đã bớt đi được một rủi ro, mối lo chính, là khả năng con nợ - chủ dự án - không trả được nợ đã vay, vì khi đó Chính phủ sẽ là người phải đứng ra gánh trách nhiệm chi trả.

Bảo lãnh của Chính phủ còn có tác dụng tích cực khác là giúp cho lãi suất đi vay thấp hơn và các điều kiện khác của khoản vay cũng dễ dàng hơn. Nhờ đó, tính hiệu quả, nếu có, của dự án cũng được “nâng tầm” để các chủ dự án dễ dàng xin được phê duyệt của các cấp có thẩm quyền, còn Chính phủ cũng “dễ ăn dễ nói” hơn với quốc dân khi phải giải trình cho việc chấp nhận chủ trương đầu tư này (chẳng hạn như, dự án có hiệu quả cao, không sử dụng ngân sách).

Tại sao các dự án được Chính phủ bảo lãnh lại hay “trục trặc”?

Thực ra hay “trục trặc” không phải là thuộc tính riêng của các dự án có bảo lãnh vay vốn của Chính phủ, mà điều này còn đúng cho phần lớn các dự án của DNNN, dự án có sử dụng vốn ngân sách. Điểm chung của các dự án loại này là các chủ dự án không có động cơ tính toán chi li và sử dụng hiệu quả đồng vốn bỏ ra như với dự án của các ông chủ tư nhân.

Ngược lại, sự vụ lợi làm cho các bên liên quan của dự án, từ chủ dự án, đến nhà thiết kế, tư vấn, phê duyệt, xây dựng và giám sát dự án, có xu hướng cố tình che giấu sự yếu kém, không hiệu quả của dự án.

Bởi vậy mới có chuyện khi thiết kế và phê duyệt dự án người ta đã “quên” không đưa các hạng mục cơ bản như thăm dò, xử lý nền móng đất yếu, đào tạo nhân viên, làm đường vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm, hoặc một số loại chi phí khác như “trượt giá” và tỷ giá... vào trong tính toán tổng chi phí dự án, làm cho dự án thoạt đầu có tổng mức đầu tư thấp xa so với thực tế sau này.

Bởi vậy mới có chuyện nhà thầu thiết kế và tư vấn dự án thì luôn “chưa có kinh nghiệm”, nên luôn bỏ sót, tính thấp đi hoặc làm phát sinh chi phí. Và bởi vậy mới có chuyện dự án dang dở, đội vốn, hoặc có hoàn thành thì cũng “năm ngày ba tật” với giá thành sản phẩm đội lên trời.

Đến đây, cần lưu ý một điểm chung khác có trong nhiều dự án như nêu trên. Đó là nhiều dự án sử dụng công nghệ và thiết bị Trung Quốc, nhà thầu xây dựng Trung Quốc. Thực tế này đã hướng dư luận tập trung vào phê phán việc sử dụng các yếu tố liên quan đến Trung Quốc như là nguồn gốc của mọi vấn đề. Công bằng mà nói, nhà thầu Trung Quốc, thiết bị và công nghệ Trung Quốc hiện diện khắp nơi trên thế giới, kể cả ở nhiều nước tiên tiến. Nên sự thất bại của các dự án ở Việt Nam trước tiên và chủ yếu là do các yếu tố chủ quan, ở phía Việt Nam, chứ không hẳn hoàn toàn đều ở phía Trung Quốc. 

Chính phủ nên làm gì?

Như đã nói, dù chỉ là đứng ra bảo lãnh vay vốn, nhưng Chính phủ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay chủ dự án khi dự án thất bại, và kết quả nhãn tiền hầu như là như vậy.

Nếu Chính phủ không muốn sự bảo lãnh của mình được hiện thực hóa ngay thành nghĩa vụ trả nợ thay cho chủ đầu tư thì Chính phủ buộc phải tiếp tục trò chơi rủi ro hơn, tốn kém hơn. Đó là tiếp tục bảo lãnh hoặc chỉ định cho vay để “nuôi” dự án cho đến lúc nó được hoàn thành hoặc, nếu đã hoàn thành, tiếp tục tồn tại kiểu “xác sống”. Nhưng cách này cũng chỉ là để mua thời gian.

Vậy, với những dự án dang dở, đang kêu cứu Chính phủ, thì “thà đau một lần”, kết thúc các dự án này, chấp nhận gánh chịu những hậu quả và tổn thất do chúng để lại để khép lại một giai đoạn.

Trong tương lai, cần nhanh chóng giảm thiểu bảo lãnh Chính phủ nói riêng, và đầu tư công nói chung, chỉ thực hiện trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, bất khả kháng như thiên tai địch họa hay khủng hoảng đồng hành bởi các rủi ro đổ vỡ to lớn cho nền kinh tế làm cho không mấy nhà đầu tư nào còn dám tin tưởng bỏ vốn ra nữa.

Trong hoàn cảnh thông thường, hầu như không có lĩnh vực nào, địa phương nào lại không thể kêu gọi, không thể để cho nhà đầu tư tư nhân tham gia sản xuất, cung cấp sản phẩm và dịch vụ theo yêu cầu của Nhà nước, kể cả những lĩnh vực như an ninh quốc phòng, theo đó Nhà nước đứng ra đặt hàng qua đấu thầu và dùng ngân sách để chi trả, như mô hình ở nhiều nước khác cho thấy.

Nếu vì một lý do nào đó mà Chính phủ vẫn thấy cần phải trực tiếp đầu tư, trực tiếp đứng ra bảo lãnh cho một doanh nghiệp nào đó trong một lĩnh vực nào đó thì điều này chỉ nên được thực hiện khi đảm bảo được rằng mọi quyết định đầu tư được xây dựng, phản biện, đánh giá, thực hiện, giám sát, và giải trình một cách công khai, minh bạch, cầu thị và đúng đắn.

Theo TBKTSG