Hai dự án này là Twin Towers số 1152 – 1154 đường Láng (Cầu Giấy) và D47 (MIC Tower Plaza) số 54 Tố Hữu (Nam Từ Liêm).
Được triển khai trên các khu đất có gốc nhà nước, chúng có kế hoạch khởi công từ cách đây nhiều năm nhưng vì các lý do, đã bị chậm tiến độ.
Đường về với MIC
Cách về Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội của hai dự án này có phần khác nhau. Trong đó, D47 được giao cho MIC ngày từ ngày đầu, còn Twin Towers lại là dự án đã được hình thành từ trước khi có sự tham gia của MIC.
Khu đất D47 nằm ở vị trí đắc địa ngay ngã tư Tố Hữu - Lương Thế Vinh và sát bên công viên hồ điều hòa Phùng Khoang. (Ảnh: X.T)
|
Đúng như tên gọi, khu đất D47 vốn là doanh trại cũ của Tiểu đoàn 47. Năm 2010, MIC đã tiếp nhận lại khu đất gần 2 ha này từ Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Trên cơ sở văn bản số 3564/BQP-TM ngày 23/6/2010 của Bộ Quốc phòng, ngày 15/7/2011, UBND Tp. Hà Nội đã ban hành văn bản số 5859/UBND-KHDT chấp nhận MIC là chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng tòa nhà văn phòng tại số 54 đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm.
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu) vào tháng 7/2016 của Hà Nội, Khu đất D47 có chức năng là đất hỗn hợp, với diện tích sử dụng đất là 19.892 m2, diện tích sàn là 149.659 m2, bao gồm trụ sở văn phòng, kết hợp trung tâm thương mại và nhà ở, có chiều cao từ 3 – 42 tầng.
“Dự án D47 có thời gian thực hiện dự kiến tối thiểu là 6 năm kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền giải phóng mặt bằng ngày 16/10/2014… Dự án đã có Phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng 1/500, Phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất của Quận Nam Từ Liêm và đánh giá tác động môi trường. Tổng Công ty đang tiếp tục hoàn thiện tác thủ tục tiếp theo để được cấp Giấy phép Xây dựng”, một tài liệu của MIC vào năm 2017 viết.
Dù nhiều năm trôi qua, bóng dáng của một doanh trại quân đội vẫn hiện hữu ở thực địa khu đất D47. (Ảnh: X.T)
|
Khảo sát thực địa của PV VietTimes sáng 5/6/2019 cho thấy, khu đất D47 về cơ bản là một khu đất sạch. Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng bóng dáng của một doanh trại quân đội vẫn còn tương đối rõ nét tại khu đất mà MIC đang sử dụng làm trung tâm giám định và bồi thường khu vực Hà Nội, với hàng xà cừ cổ thụ, một tòa nhà doanh trại bỏ hoang và nhiều khoảng sân rộng bỏ hoang gợi nhớ đến thao trường.
Hầu như chưa có một dấu hiệu nào đáng kể về một dự án địa ốc quy mô ở nơi đây. Có chăng, chỉ là những hàng rào tôn bịt kín tứ phía, và một hai người thợ dường như đang thực hiện công tác khảo sát, đo đạc.
Những người này đang khảo sát lại khu đất để chuẩn bị cho việc triển khai dự án địa ốc?...
|
Ấy vậy, nhưng theo báo cáo tài chính, tính đến cuối tháng 3/2019, MIC đã hạch toán chi phí xây dựng cơ bản dở dang cho dự án này là ngót 304 tỷ đồng. Trong đó, trả trước chi phí thiết kế dự án là hơn 36 tỷ đồng, tạm ứng cho dự án là hơn 107 tỷ đồng.
Trong khi đó, đối với dự án Twin Towers, mà MIC hay gọi trong các báo cáo của mình là dự án Tân Phú Long, chi phí xây dựng cơ bản dở dang được ghi nhận tại 31/3/2019 là ngót 11 tỷ đồng.
Dù đã có máy cẩu, máy xúc nhưng công trường dự án số 1152 – 1154 đường Láng vẫn không có một bóng công nhân. Chung quanh dự án quây tôn và lối ra vào được đóng cổng im lìm.
|
Khác với D47, hoạt động thi công đã được thể hiện ít nhiều trên thực địa khu đất số 1152 – 1154 đường Láng. Mặt bằng đã được dọn sạch, máy xúc, cần cẩu cũng đã được đưa đến công trình – dù trên công trường trưa 5/6 vẫn không có lấy một bóng công nhân.
Và cũng khác với D47, MIC không trực tiếp là chủ đầu tư của Twin Towers, mà gián tiếp chi phối thông qua tỷ lệ sở hữu 69% ở pháp nhân dự án: Công ty cổ phần Tân Phú Long (Tân Phú Long).
Tân Phú Long được thành lập vào năm 2005 bởi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico 6) và một số cái tên – nhưng không có MIC – nhằm mục đích triển khai dự án tại khu đất hơn 6.046,4 m2 của Công ty Giống cây trồng (nay là Công ty Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội) và Công ty Giống gia súc Hà Nội, tại số 1152 – 1154 đường Láng.
Biên bản thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất này và chuyển mục đích sử dụng để xây dựng tổ hợp văn phòng cao tầng được Handico 6 và các bên liên quan ký vào năm 2006. Nhưng dự án cứ mãi đình đốn nhiều năm.
Khoảng năm 2011 thì MIC xuất hiện, thâu tóm lại cổ phần từ hàng loạt cổ đông sáng lập để trở thành cái tên chi phối lớn nhất ở Tân Phú Long. 33 tỷ đồng vốn điều lệ của doanh nghiệp sở hữu dự án nghìn tỷ Twin Towers gói gọn ở 3 cái tên: MIC (69%); Handico 6 (30%), Công ty Bất động sản An Cư (1%).
Tính đến 31/3/2019, MIC vẫn ghi nhận việc sở hữu 2,277 triệu cổ phần Tân Phú Long, với giá trị ghi sổ là hơn 155 tỷ đồng, tương ứng với giá gốc là 68.171 đồng/cổ phần.
Đáng chú ý là mặc dù sở hữu 69% cổ phần Tân Phú Long nhưng suốt nhiều năm, MIC lại chẳng xem là công ty con mà chỉ hạch toán như một khoản đầu tư tài chính (tiểu khoản: chứng khoán kinh doanh). Cách hạch toán này phần nào cho thấy định hướng “lướt” của MIC trong cuộc chơi Tân Phú Long. Hay nói cách khác là ngay từ đầu, MIC đã không xác định làm đến nơi đến chốn với Twin Towers.
Thoái vốn
Định hướng thoái vốn tại Tân Phú Long và Dự án D47 bắt đầu được MIC đề cập tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 diễn ra sáng 12/4 vừa rồi, Chủ tịch MIC Uông Đông Hưng cho biết, năm 2018 cơ bản đã hoàn thành việc chuyển nhượng dự án Tân Phú Long, tiến độ thoái vốn tại dự án D47 đã hoàn thành được 95%. Sau khi thoái vốn tại 2 dự án này lợi nhuận dự kiến MIC thu được là 160 tỷ đồng.
Tuy nhiên có thông tin cho hay, MIC đã phải chấp nhận bán cắt lỗ dự án Tân Phú Long với giá 80 tỷ đồng (giá vốn đầu tư của 10 năm trước vào khoảng 160 tỷ đồng). Nếu quả như vậy thì hẳn việc chuyển nhượng dự án D47 phải có lãi rất lớn, để không những bù đắp khoản lỗ từ Tân Phú Long mà còn đen lại lợi nhuận dự kiến tới 160 tỷ đồng từ việc thoái vốn 2 dự án.
Lưu ý rằng, hôm 12/4 vừa rồi, ĐHĐCĐ MIC mới thông qua việc ủy quyền cho HĐQT phê duyệt đầu tư, hợp tác đầu tư, chuyển nhương dự án D47. Nhưng trên thực tế, hoạt động chuyển nhượng dự án đã được tiến hành từ cách đó nhiều tháng.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, từ đầu năm 2018, MIC đã nhận đặt cọc hơn 297 tỷ đồng cho việc bán dự án D47. Ít tháng sau, công ty này cũng tiếp tục nhận đặt cọc gần 76 tỷ đồng cho việc bán dự án Tân Phú Long.
Dễ hiểu khi Chủ tịch MIC tuyên bố “tiến độ thoái vốn tại dự án D47 đã hoàn thành được 95%”!
Ở đây, có một vấn đề nên đặt ra, rằng đối tác nào đã được MIC lựa chọn để thoái vốn tại D47 và Tân Phú Long (?).
Nhiều dấu hiệu cho thấy MIC đã bán lại cổ phần Tân Phú Long cho Tập đoàn Trung Thủy.
|
Thực địa tại dự án Tân Phú Long sẽ đem đến gợi ý, với tấm biển dự án được làm mới khá nổi bật: Dự án Lancaster, Phát triển bởi TTG Holding.
TTG Holding ở đây là Tập đoàn Trung Thủy, “ông lớn” địa ốc phương Nam và ít nhiều tạo dấu ấn tại Hà Nội với dự án Lancaster Hà Nội, số 20 Núi Trúc trên nền đất 1.624 m2 của Viện nghiên cứu da dày (Bộ Công thương).
Xuất hiện trong vai trò nhà phát triển dự án, sẽ là không bất ngờ nếu, TTG Holding hay một doanh nghiệp nào đó trong hệ sinh thái này chính là bên đã nhận chuyển nhượng 69% cổ phần Tân Phú Long từ MIC.
Là “ông lớn” địa ốc phương Nam, Tập đoàn Trung Thủy ít nhiều tạo dấu ấn tại Hà Nội với dự án Lancaster Hà Nội, số 20 Núi Trúc. |
Thông tin thay đổi trong đăng ký kinh doanh của Tân Phú Long cũng phần nào ủng hộ điều này. Theo đó, ngày 13/04/2018, bà Phan Thị Trang (SN 1986) đã thay thế ông Lê Như Hải (SN 1977, Phó Tổng Giám đốc MIC) làm người đại diện theo pháp luật của Tân Phú Long. Mà bà Trang, theo tìm hiểu của VietTimes là người của TTG Holding. Tuy vậy, bà Phan Thị Trang cũng chỉ giữ vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Tân Phú Long trong một thời gian không lâu, trước khi nhường lại cho người khác vào hạ tuần tháng 01/2019.
Đầu tháng 5/2019 vừa rồi, Tân Phú Long đã bất ngờ tăng vốn điều lệ từ mức 33 tỷ đồng lên 215 tỷ đồng. Động thái tăng vốn này có khả năng là nhằm giúp Tân Phú Long đảm bảo quy định về vốn tự có để triển khai dự án nghìn tỷ Lancaster Luminaire số 1152 – 1154 đường Láng. Tuy nhiên với mức tăng tới gần 7 lần, nếu không phải là phân phối đều cho các cổ đông hiện hữu, nó sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu sở hữu Tân Phú Long, qua đó đưa dự án Lancaster Luminaire về thuộc chi phối chủ yếu của bên nhận phát hành.
Cái tên nào sẽ thay thế MIC khai thác dự án tại khu đất D47 này?
|
Trong khi đó, đối với dự án D47, vẫn chưa rõ đâu là đối tác đã đặt cọc cho MIC gần 300 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng dự án đắc địa ( nằm ngay ngã từ Tố Hữu – Lương Thế Vinh và sát cạnh công viên hồ điều hòa Phùng Khoang) rộng gần 2ha này.
Bên cạnh việc thoái vốn tại Tân Phú Long và D47, được biết, trong năm 2018, MIC cũng đã hoàn tất việc triệt thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần đầu tư MIC (MIC Invest). Trước đó, MIC sở hữu 68,12% cổ phần MIC Invest và hạch toán doanh nghiệp này là công ty con.
MIC Invest được thành lập vào ngày 18/03/2011 với ngành nghề kinh doanh chính là “kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính, xây dựng và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật”. Có trụ sở đặt tại số 54 đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm – tức là trùng với nền đất của dự án D47, song chưa rõ MIC Invest có phải là pháp nhân dự án của D47 hay không.
Được biết, sau khi đổi chủ vào tháng 8/2018, MIC Invest cũng đã bất ngờ tăng vốn từ mức 20,865 tỷ đồng lên mức 300 tỷ đồng.
Nguồn tin của VietTimes cho hay, đối tác đã nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của MIC tại MIC Invest là Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội (MIPEC)./.