Báo Đức: Trung Quốc sẵn sàng không cần "thể diện" để độc chiếm Biển Đông

VietTimes -- Deutsche Welle Đức ngày 15/6 cho rằng, mặc dù Washington và nhiều nước không ngừng gây sức ép, Trung Quốc vẫn kiên quyết không tham gia, không chấp nhận kết quả trọng tài của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh.

Có chuyên gia cho rằng, điều này sẽ gây thiệt hại cho những nỗ lực của các nước giải quyết tranh chấp tương tự bằng con đường pháp lý. 

Trung Quốc nếu không sẵn sàng phối hợp với phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, có thể tạo tiền lệ xấu, làm cho các nước khác học theo cách làm này khi đối mặt với tranh chấp tương tự, từ chối chấp nhận trọng tài.

Philippines kiện Trung Quốc ở Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc chủ yếu là yêu cầu Tòa trọng tài phán quyết yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). 

Kết quả trọng tài dự đoán sẽ đưa ra trong thời gian tới, nhưng do Tòa quốc tế chưa có cơ chế chế tài để thực thi phán quyết, kết quả trọng tài rốt cuộc sẽ có ảnh hưởng như thế nào, hiện vẫn chưa rõ.

“Thể diện” là vấn đề thứ yếu

Nhiều tháng qua, quan chức, truyền thông nhà nước cùng nhiều sĩ quan cao cấp Trung Quốc đồng loạt, ra sức lên tiếng phê phán vụ kiện trọng tài của Philippines, cho rằng, việc làm này "vi phạm luật pháp" và là một "trò hề chính trị". 

Trung Quốc đã tìm mọi cách để thao túng dư luận, dùng thủ đoạn “nói nhiều thành quen” để xuyên tạc sự thật, đánh lừa cộng đồng quốc tế.

Đầu tháng 5/2016, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói với một đoàn đại biểu phóng viên Mỹ rằng, Trung Quốc thừa nhận khả năng giải quyết tranh chấp của UNCLOS, nhưng xuyên tạc rằng:

Trung Quốc lấn biển, xây đảo nhân tạo quy mô lớn bất hợp pháp ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Deutsche Welle
Trung Quốc lấn biển, xây đảo nhân tạo quy mô lớn bất hợp pháp ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Deutsche Welle

"Philippines kiện ra Tòa trọng tài và Tòa trọng tài xác lập quyền thụ lý rõ ràng đã vi phạm UNCLOS. Vụ kiện trọng tài của Philippines hoàn toàn là sự thao túng chính trị của một bên để làm nhục một bên khác, sẽ trở thành vụ kiện nổi tiếng trong lịch sử luật pháp quốc tế". 

Trung Quốc thậm chí cho rằng, trọng tài viên của Tòa trọng tài quốc tế là do cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản lãnh đạo, làm cho tình hình toàn bộ vụ kiện càng "đáng buồn cười". 

Ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông, Trung Quốc cho rằng: "Kết quả trọng tài sẽ không khách quan, công bằng, Trung Quốc sẽ không vì duy trì hình tượng tốt đẹp mà từ bỏ quyền lợi lịch sử". 

Bài báo cho rằng, để giành được sự ủng hộ của quốc tế, Trung Quốc và Mỹ (đồng minh chủ yếu của Philippines) đều ra sức lôi kéo "bạn bè" ủng hộ lập trường của mình. 

Ngoài Nga, các nước “ủng hộ” lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông hầu như đều là những nước nhỏ ngoài khu vực, họ không có vai trò ảnh hưởng đối với tranh chấp Biển Đông.

Là học giả của một cơ quan nghiên cứu chính phủ, Ngô Sĩ Tồn cũng cho rằng, vụ kiện trọng tài Biển Đông lần này sẽ tạo ra cục diện “bất lợi” cho Trung Quốc. "Bất kể kết quả thế nào, Trung Quốc chắc chắn sẽ bị thiệt hại, bởi vì chúng tôi (Bắc Kinh) bị buộc phải đóng vai trò bị động". 

Nhà nghiên cứu Yun Sun từ Trung tâm nghiên cứu Stimson Mỹ cho rằng, mặc dù Trung Quốc phủ nhận tính hợp pháp của trọng tài, nhưng kết quả trọng tài "vẫn sẽ gây thiệt hại cho danh dự và hình tượng của Trung Quốc".

Nhưng, Yun Sun cho rằng, để củng cố quyền kiểm soát (phi pháp) ở Biển Đông, những thiệt hại trên là một cái giá tương đối nhỏ, kiểm soát Biển Đông quan trọng hơn là vấn đề "thể diện".

Chuyên gia an ninh quốc tế Michael Desch từ Đại học Notre Dame Mỹ cũng đồng ý với quan điểm này, cho rằng: "Xét đến tài nguyên dầu khí và tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông, tôi cho rằng, Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng chịu một cái giá như vậy" - tức sẵn sàng không cần "thể diện" để độc chiếm Biển Đông

Kiên trì đàm phán "một chọi một"

Hãng tin AP Mỹ cho rằng, mặc dù Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự quy mô lớn (phi pháp) ở Biển Đông, nhưng cũng đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã "bớt phóng túng", không tiếp mở rộng yêu sách chủ quyền, hoặc ép buộc lực lượng quân sự các nước khác ra khỏi các đảo theo yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của họ. 

Sau khi Trung Quốc chiếm đoạt bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012, gần đây chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ tiến hành lấn biển, xây đảo nhân tạo quy mô lớn ở vùng biển này. 

Đây có thể là do Trung Quốc không ngừng đề cập đến Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) ký với ASEAN vào năm 2002, đồng thời họ muốn bảo vệ cái gọi là "uy tín". 

Căn cứ vào DOC, các nước ký kết phải "áp dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền quản lý, không thể đe dọa hoặc sử dụng vũ lực". 

Đến nay, Trung Quốc chưa từ bỏ tiến hành đàm phán "một chọi một" với Philippines (hình thức này có lợi cho Trung Quốc gây sức ép và không giống như con đường pháp lý công khai, minh bạch). 

Ngày 8/6/2016, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, tái khẳng định kiên trì giải quyết tranh chấp bằng đàm phán, "không chấp nhận bất cứ phương thức giải quyết tranh chấp nào của bên thứ ba, không chấp nhận bất cứ phương án giải quyết tranh chấp nào cưỡng ép Trung Quốc".

Đồng thời, Trung Quốc cũng nhấn mạnh "Cánh cửa lớn đàm phán song phương Trung Quốc-Philippines luôn rộng mở". 
Trong vấn đề Biển Đông, Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte đã thể hiện "tính linh hoạt" hơn so với người tiền nhiệm Benigno Aquino.

Jay Batongbacal, Viện trưởng Viện nghiên cứu Luật biển và Các vấn đề biển, Đại học Philippines cho rằng, nhìn vào quan điểm của ông Rodrigo Duterte để phán đoán, ông này không có nhiều khả năng áp dụng lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc giống như ông Benigno Aquino. 

Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp đường băng sân bay trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc
Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp đường băng sân bay trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc

Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia dự đoán, nếu Trung Quốc coi thường phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc, sẽ dẫn tới cục diện “bế tắc ngoại giao”. 

Jose Cuisia nói: "Chúng tôi sẽ nhấn mạnh việc Trung Quốc không tuân thủ luật pháp. Tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng bị miêu tả thành một nước vô lại. Vì vậy, họ có lẽ sẽ ngồi xuống đàm phán với chúng tôi, nói với chúng tôi rằng 'Tốt rồi, để chúng ta dùng biện pháp ngoại giao giải quyết vấn đề này?'". 

Giáo sư hải dương và luật pháp quốc tế James Kraska từ Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng, bất kể kết quả thế nào, Trung Quốc từ chối hợp tác với Tòa trọng tài sẽ gây thiệt hại cho cơ chế trọng tài quốc tế.
 
Thái độ không phục tùng của Trung Quốc cũng sẽ phá hoại UNCLOS, gián tiếp khuyến khích các hành vi không tuân theo các quy định khác.

Như vậy, bài viết trên báo Đức đã chỉ rõ bộ mặt thật của Bắc Kinh, đó là bất chấp luật pháp quốc tế, cho dù có bị mất thể diện, Bắc Kinh sẽ quyết tâm bành trướng đến cùng, quyết biến Biển Đông thành “ao nhà”. 

Nhưng, rõ ràng, Bắc Kinh đã vấp phải những trở lực to lớn từ cộng đồng quốc tế. Một dấu hiệu cho thấy điều này là quan chức Trung Quốc đã thừa nhận nội bộ Trung Quốc có “tranh cãi” về các yêu sách của họ tại Biển Đông khi tham dự Đối thoại Shangri-La 2016. 

Nếu Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc, chắc chắn họ sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng như dư luận đã phân tích nêu trên và có nhiều tiếng nói trong cộng đồng quốc tế đã cảnh báo.
 
Nếu Trung Quốc không chấp nhận phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines, rõ ràng các nguyên tắc, quy tắc quốc tế đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Đây chính là một nhân tố bất ổn mới của cộng đồng quốc tế, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hợp tác ngăn chặn một cách có hiệu quả.