|
Mỹ và Trung Quốc đang hình thành trận tuyến và tiến dần đến cuộc Chiến tranh Lạnh mới (Ảnh: ET). |
Trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 6/4 đăng bài phân tích về vấn đề này. Bài báo cho rằng, Mỹ là một người chơi lớn trong hệ thống đồng minh. Toàn bộ các nước phương Tây về cơ bản là đồng minh của Mỹ, trong khi ở các nước không thuộc phương Tây, Mỹ cũng có nhiều đồng minh. Mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây dựa trên sự nhất quán cao về các giá trị. Đặc biệt, 4 quốc gia khác trong “Five Eyes” (Liên minh tình báo 5 mắt) và Nhật Bản là nòng cốt và trụ cột trong hệ thống đồng minh của Mỹ. Mặc dù trong thời kì Donald Trump, cách tiếp cận đơn phương của Washington đã dẫn đến sự suy yếu của lực hướng tâm giữa các đồng minh đối với Mỹ, nhưng ông Biden về cơ bản đã sửa chữa được rạn nứt này.
Mỹ và các đồng minh bước đầu đạt được đồng thuận chống Trung Quốc
Trong chính sách Trung Quốc của ông Biden, hệ thống đồng minh là một khâu rất quan trọng, chính phủ Biden rất chú trọng đến việc phối hợp lập trường với các đồng minh, cũng xem xét lợi ích của các đồng minh, sẵn sàng đứng ra dẫn dắt đồng minh cùng nhau chống lại Trung Quốc. Hiệu ứng này đã xuất hiện. Trong các cuộc đàm phán "2+2", "đối thoại bốn bên" trước đó và các cuộc họp giữa các ông Antony Blinken và Joe Biden với NATO và Liên minh châu Âu, Mỹ và các đồng minh đã đạt được đồng thuận sơ bộ về việc chống lại Trung Quốc. Trong số đó, đáng chú ý là về vấn đề Tân Cương; Mỹ, EU cùng Vương quốc Anh và Canada, đã gần như cùng một lúc đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc. Việc trừng phạt chung này là lần đầu tiên kể từ sau Sự kiện Thiên An Môn 1989. Nó cho thấy ảnh hưởng của Mỹ đối với các đồng minh của họ đã trở lại.
|
Ngày 26/3, ông Biden gặp gỡ các nhà lãnh đạo EU trực tuyến đánh dấu sự trở lại của nước Mỹ (Ảnh: Deutsche Welle). |
Các biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt lên Trung Quốc khiến người ta thấy mùi vị Chiến tranh Lạnh đang tái diễn. Đặc điểm chính của Chiến tranh Lạnh Mỹ-Liên Xô 30 năm trước là sự đối đầu về ý thức hệ giữa hai phe, một bên muốn chôn vùi chủ nghĩa xã hội và một bên muốn chôn vùi chủ nghĩa tư bản....Trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung ngày nay, ý thức hệ và quan niệm giá trị vẫn là nội dung quan trọng. Điều Hoa Kỳ lo lắng nhất là mô hình cực quyền của Trung Quốc với sự trỗi dậy về kinh tế đã trở thành mục tiêu bắt chước của đông đảo các nước đang phát triển trên thế giới, do đó tác động đến trật tự quốc tế do Mỹ thiết lập sau Thế chiến II và đe dọa quan niệm giá trị của phương Tây. Điều này đã trở thành thách thức lớn nhất đối với Mỹ và phương Tây. Sau mấy năm đọ sức, hiện toàn bộ các nước phương Tây đã ý thức được điều này. Sứ mệnh chung của thế giới phương Tây là chống lại mô hình cực quyền của Trung Quốc cùng việc truyền bá các giá trị của mô hình này ra thế giới.
Bố cục chống Mỹ của Trung Quốc
Là một vũ khí lợi hại của Mỹ để chống lại Trung Quốc, hệ thống đồng minh dĩ nhiên khiến Trung Quốc phải chịu áp lực lớn. Thực lực tổng thể của Mỹ vốn đã mạnh hơn Trung Quốc, cộng với sức mạnh của nhiều đồng minh phương Tây và không phải phương Tây, Trung Quốc muốn chống lại Mỹ thì không thể tự mình làm được, cũng phải hình thành bè phái và đoàn kết các nước chống Mỹ theo họ. Nhưng trong mặt này, những nhược điểm của Bắc Kinh đã lộ rõ. Trung Quốc tuy cũng có những “bạn đồng hành sắt đá” như Pakistan và Campuchia, nhưng những nước này nhỏ bé, quốc lực yếu, và quan trọng hơn là họ không chống Mỹ, dù họ không thân Mỹ. Vì vậy, nếu Trung Quốc muốn tìm đồng minh, họ chỉ có thể tìm đến các nước chống Mỹ.
|
Ngày 27/3, ông Vương Nghị kí Hiệp định chiến lược 25 năm với Iran (Ảnh: Deutsche Welle). |
Một trong những nhiệm vụ chính trong chuyến công du gần đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới 6 nước Trung Đông (Ả Rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, UAE, Bahrain và Oman) là tạo dựng mối quan hệ thân thiết với Iran để cùng nhau chống Mỹ. Trung Quốc và Iran đã đạt được Hiệp nghị chiến lược kéo dài 25 năm. Trung Quốc thẳng thừng cự tuyệt các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran, cho thấy hai nước trong tương lai sẽ dựa vào nhau và cùng chống Mỹ. Ngoài ra, Vương Nghị cũng du thuyết các quốc gia Hồi giáo, bao gồm Ả Rập Xê-út đồng minh của Mỹ và thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, không đứng về phía Mỹ và phương Tây trong vấn đề Tân Cương. Ở một mức độ nhất định, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu này. 6 quốc gia này đã đáp ứng không lên án hành động của Bắc Kinh ở Tân Cương. Đối với một số quốc gia, chẳng hạn như Ả Rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà lãnh đạo của họ đã trở nên rất cứng rắn với Mỹ trong những năm gần đây. Ngoài ra, hai nhân tố chung khác là ngoại giao vaccine của Trung Quốc và thu mua dầu. 6 quốc gia này đều sử dụng vaccine của Trung Quốc và Trung Quốc đã trở thành nước mua dầu lớn nhất của Trung Đông, trong khi nhập khẩu dầu từ Trung Đông của Mỹ đã giảm đáng kể. Dầu mỏ là mạch máu kinh tế của các nước Trung Đông, những ai nhập khẩu nhiều dầu thô hơn sẽ có tiếng nói ở Trung Đông mạnh hơn. Mặc dù 5 quốc gia còn lại ngoại trừ Iran sẽ không chống Mỹ, nhưng cách bài binh này của Trung Quốc rõ ràng là có lợi cho việc chống Mỹ.
|
Ông Vương Nghị gặp Ngoại trưởng Nga Lavrov tại Quế Lâm ngày 22/3 (Ảnh: Deutsche Welle). |
Trước chuyến công du 6 nước Trung Đông, ông Vương Nghị cũng đã tiếp Ngoại trưởng Nga Lavrov tại Quế Lâm. Hai bên ra tuyên bố chung và hình thành quan hệ bán liên minh. Cùng với Triều Tiên, có lẽ cả Venezuela và Cuba, Trung Quốc đã hình thành phe chống Mỹ của riêng mình. Trận tuyến này không dựa trên các giá trị chung, nhưng điều gắn kết họ lại với nhau là cùng có nhu cầu chống Mỹ. Nga, Iran và Triều Tiên đều đã bị Mỹ chèn ép quá nhiều trong những năm gần đây. Với Trung Quốc, một nước lớn, sẵn sàng xông lên để chống lại Mỹ nên họ vui lòng nhờ vào sức mạnh của Trung Quốc để chống Mỹ.
Động thái mới đây nhất của Trung Quốc là Ngoại trưởng Vương Nghị hội đàm song phương với ngoại trưởng 4 nước ASEAN và Hàn Quốc tại Phúc Kiến (từ 31/3 đến 3/4), tranh thủ họ ít nhất là giữ trung lập trong cuộc đối đầu Trung-Mỹ. Do đó, 4 nước này đã được Trung Quốc lựa chọn kỹ càng. Dù Philippines dưới sự lãnh đạo của ông Duterte có quan hệ thân thiết với Trung Quốc và xa lánh Mỹ, nhưng xét cho cùng, nước này có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và là đồng minh của Mỹ ở châu Á; Indonesia và Malaysia là hai quốc gia Hồi giáo trong ASEAN, Singapore có vai trò nhất định như một quạt báo hướng gió ở ASEAN. Là một quốc gia Đông Á, Trung Quốc có ý định thông qua họ lôi kéo ASEAN không công khai đứng về phía Mỹ. Hiện nay xem ra mục tiêu này có vẻ đã đạt được.
Sẽ không phải là bản sao của Chiến tranh Lạnh Mỹ-Xô
Hai trận tuyến đã bước đầu thành hình. Tuy nhiên, so với phe chống Trung Quốc của Mỹ và các đồng minh phương Tây, vốn có nền tảng vững chắc về các giá trị dân chủ và tự do, thì liên minh chống Mỹ do Trung Quốc dùng lợi ích để xây dựng có vẻ yếu hơn nhiều. Vì lợi ích có thể bị đánh đổi, các nước này hiện đang bị chiến lược của Mỹ chèn ép nên đang ngả sang Trung Quốc. Nếu Mỹ nới lỏng chèn ép họ, ngay cả một đồng minh truyền thống của Trung Quốc như Triều Tiên cũng sẽ rời khỏi Bắc Kinh. Xét về sức mạnh tổng thể của hai phe, rõ ràng trận tuyến của Trung Quốc yếu hơn của Mỹ. Ngoài ra trận tuyến của Trung Quốc cũng có vấn đề về quyền lãnh đạo của Trung Quốc và Nga.
|
Một cuộc gặp gỡ cấp cao Joe Biden - Tập Cận Bình thời điểm này đã trở nên xa vời (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã bước đầu hình thành một thế trận Chiến tranh Lạnh, nhưng có một số điểm khác biệt rõ ràng giữa Chiến tranh Lạnh lần này và Chiến tranh Lạnh trước đây giữa Mỹ và Liên Xô. Thứ nhất là lực hút của Mỹ và Trung Quốc đối với trận tuyến của họ không mạnh. Chẳng những Trung Quốc mà sức hấp dẫn của Mỹ cũng yếu hơn lần trước, chủ yếu là do quyền tự chủ của EU đã được tăng cường, Mỹ không còn có thể ra lệnh cho các đồng minh của mình. Thứ hai, sự đối đầu về ý thức hệ giữa Mỹ và Trung Quốc rất quyết liệt, nhưng sự áp chế của Mỹ đối với Nga, Iran, Bắc Triều Tiên, ...chủ yếu do cân nhắc về địa chính trị. Trong Chiến tranh Lạnh lần trước, đối đầu về ý thức hệ là trục chính của hai phe. Thứ ba, mối quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh. Tuy Mỹ đang tạo dựng chuỗi cung ứng của phương Tây và tìm cách tách khỏi nền kinh tế Trung Quốc, nhưng giờ đây rất khó để hoàn toàn đạt được. Điều này khiến Trung Quốc luôn có khả năng dùng kinh tế chia rẽ mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh. Đây là một sự khác biệt rất rõ so với Chiến tranh Lạnh lần trước. Vào thời điểm đó, nền kinh tế của hai phe chỉ trao đổi trong nội bộ phe, rất ít trao đổi với nhau. Thứ tư, mối quan hệ giữa các quốc gia khác nhau ở hai phe không đơn giản là đen trắng rõ ràng. Ví dụ, Hàn Quốc là đồng minh của Mỹ, nhưng mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc cũng khá tốt; Ấn Độ và Trung Quốc rất căng, nhưng Ấn Độ cũng là thành viên của BRICS và SCO - hai tổ chức do Trung Quốc chi phối. Đồng thời, quan hệ Ấn-Nga rất tốt, điều này sẽ hạn chế việc Ấn Độ theo Mỹ chống lại Trung Quốc. Còn Chiến tranh Lạnh lần trước về cơ bản được vạch rõ ranh giới bởi ý thức hệ.
Bốn điểm khác biệt trên quyết định việc Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung lần này sẽ không phải là bản sao của Chiến tranh Lạnh Mỹ-Xô, mà mang những đặc điểm mới của thời đại. Trên thực tế, Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang định hình. Liệu cuối cùng nó có trở thành hai trận tuyến riêng biệt và thể hiện cục diện đối đầu hay chỉ là Chiến tranh Lạnh giữa hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc sẽ cần thêm thời gian để biết rõ, hiện nay vẫn chưa chắc chắn. Tuy nhiên, xu thế này xem ra có vẻ đã hiển nhiên.
Bài báo kết luận, để tránh cho thế giới quay lại cục diện Chiến tranh Lạnh và phải lựa chọn một bên, điều này phụ thuộc vào cách các nước lớn liên quan, nhất là Mỹ và Trung Quốc đưa ra lựa chọn; đặc biệt là các cân nhắc chiến lược và hành động của Trung Quốc bên được coi là yếu hơn.