Báo Đài Loan: Trung Quốc đang gia khả năng “sẵn sàng đánh trận” ở Biển Đông

VietTimes -- Báo Chinatimes Đài Loan ngày 20/7 cho rằng sau khi Tòa trọng tài phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 công bố kết quả phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự (có cả hoạt động bất hợp pháp) nhằm khẳng định quyết tâm áp đặt yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp ở Biển Đông. 
Ngày 8/7/2016, tàu khu trục Quảng Châu của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc bắn tên lửa phòng không trong một cuộc tập trận bắn đạn thật của ba hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc từ ngày 5 - 11/7/2016. Ảnh: Tân Hoa xã/Chinatimes.
Ngày 8/7/2016, tàu khu trục Quảng Châu của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc bắn tên lửa phòng không trong một cuộc tập trận bắn đạn thật của ba hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc từ ngày 5 - 11/7/2016. Ảnh: Tân Hoa xã/Chinatimes.

Ngoài việc tổ chức tập trận ở vùng biển phía đông đảo Hải Nam trong thời gian 3 ngày (từ ngày 19 đến ngày 21/7/2016), gần đây Không quân Trung Quốc còn điều động hầu như tất cả các máy bay chủ lực trong đó có máy bay ném bom H-6K tiến hành nhiệm vụ gọi là “tuần tra chiến đấu” (phi pháp) ở Biển Đông. 

Điều này được người phát ngôn Không quân Trung Quốc, Đại tá Thân Tiến Khoa cho biết vào ngày 18/7 ngay trong thời điểm Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ đang thăm Trung Quốc.

Hơn nữa, Tân Hoa xã ngày 19/7 đã tung tin Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đích thân đến thị sát Chiến khu Miền Nam, muốn chiến khu này phải “gấp rút thúc đẩy chuẩn bị đấu tranh quân sự, ra sức tăng cường huấn luyện sát chiến đấu thực tế, không ngừng nâng cao khả năng răn đe và chiến đấu thực tế”. 

Ông ta yêu cầu Chiến khu Miền Nam phải đi sâu triển khai huấn luyện chuyên sâu và có tính chất đối kháng, tập trung xây dựng lực lượng tiên phong để có khả năng triển khai hành động trong những “thời điểm then chốt”, đóng vai trò “then chốt”, tăng cường khả năng ứng phó quân sự và khả năng đột kích ứng phó khẩn cấp. 

Trước khi Tòa trọng tài công bố kết quả phán quyết một ngày, Hải quân Trung Quốc cũng đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn cấp chiến dịch (bất hợp pháp) ở Biển Đông, trong đó có vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thời gian diễn ra từ ngày 5 đến ngày 11/7/2016.

Máy bay ném bom H-6K tuần tra bất hợp pháp trên Biển Đông. Ảnh: Sina Trung Quốc.
Máy bay ném bom H-6K tuần tra bất hợp pháp trên Biển Đông. Ảnh: Sina Trung Quốc.

Trong cuộc diễn tập này có sự tham gia của trên 100 tàu chiến của 3 hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc, vài chục máy bay, tập kết ở Biển Đông, tiến hành diễn tập thực binh bắn đạn thật.

Hơn nữa, trọng tâm của Hạm đội Nam Hải là ở Biển Đông. Hiện nay, Hạm đội Nam Hải sở hữu hơn 80 tàu chiến các loại, trong đó có 10 tàu khu trục tên lửa, 30 tàu hộ vệ tên lửa, 10 tàu ngầm hạt nhân, 20 tàu đổ bộ, 14 tàu quét mìn, 17 tàu ngàm thông thường. 

Ngoài ra, còn có 2 tàu tiếp tế tổng hợp và tàu trinh sát, đứng đầu về thực lực trong các hạm đội của Hải quân Trung Quốc.

Theo bài báo, Hải quân Trung Quốc đã lần lượt chế tạo thành công tàu khu trục tên lửa các phiên bản như Type 052, Type 052B, Type 052C và Type 052D. 

Trong đó tiêu chí nổi bật nhất của tàu Type 052C chính là trang bị radar mảng pha cỡ lớn, có thể đồng thời theo dõi vài trăm mục tiêu trên không và đồng thời dẫn đường cho 12 quả tên lửa hạm đối không trở lên tấn công 12 mục tiêu, có khả năng phòng thủ và tấn công Trung Quốc tự đánh giá là mạnh.

Về hỏa lực, tàu khu trục phòng không Type 052C đạt điểm cao mới trong lịch sử của Hải quân Trung Quốc, làm cho Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba sở hữu tàu chiến lớp Aegis ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau Mỹ và Nhật Bản.

Trong cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc từ ngày 5 - 11/7/2016, có tới 4 Thượng tướng đến hiện trường chỉ đạo trực tiếp. Ảnh: Sina Trung Quốc.
Trong cuộc tập trận phi pháp ở Biển Đông mà Hải quân Trung Quốc đã tiến hành từ ngày 5 - 11/7/2016, có tới 4 Thượng tướng đến hiện trường chỉ đạo trực tiếp. Ảnh: Sina Trung Quốc.

Trong khi đó, tàu khu trục Type 052D mới nhất và tàu Type 052C đã trang bị radar mảng pha và hệ thống tên lửa phòng không khu vực bắn thẳng đứng, nhưng tàu khu trục Type 052D có khả năng tấn công lớn hơn.

Lực lượng tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc chủ yếu gồm có các chủng loại như Type 053H, Type 054 và Type 056. Từ năm 2013 đến nay, đã đã có nhiều tàu chiến như Mai Châu, Doanh Khẩu, Uy Hải và Khúc Tĩnh được bố trí ở Biển Đông.

Có chuyên gia cho rằng Hải quân Trung Quốc phát triển các tàu chiến mặt nước nhằm chuẩn bị cho biên chế nhiều tàu sân bay hơn trong tương lai.

Trong khi đó, tờ Phượng Hoàng Hồng Kông trước đây dẫn lời quan chức cho rằng tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc trong tương lai rất có thể sẽ triển khai ở đảo Hải Nam để tăng cường khả năng "kiểm soát thực tế" (bất hợp pháp) của Trung Quốc đối với các đảo trên Biển Đông.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 có thể thích ứng với các cuộc xung đột cường độ thấp, cũng có thể thực hiện nhiệm vụ “tuần tra hộ tống ngư dân” ở vùng biển trọng điểm, làm cho cơ cấu binh lực hợp lý hơn, thực hiện nhiệm vụ tác chiến linh hoạt hơn, có thể trở thành trang bị chủ lực của lực lượng phòng thủ căn cứ.

Từ ngày 17 - 19/7/2016, Đô đốc John Richardson đến thăm Trung Quốc. Ảnh: Đa Chiều.
Từ ngày 17 - 19/7/2016, Đô đốc John Richardson đến thăm Trung Quốc. Ảnh: Đa Chiều.

Khi tàu khu trục USS William P. Lawrence DDG-110 Hải quân Mỹ tiến vào Biển Đông, Trung Quốc đã điều tàu khu trục tên lửa Quảng Châu, tàu hộ vệ tên lửa Miên Dương và tàu hộ vệ Lâm Phần tiến hành nhận dạng, theo dõi tàu chiến Mỹ, đồng thời tiến hành "cảnh cáo, xua đuổi".

Trong khi đó, tàu đổ bộ Trung Quốc được quan tâm là tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071, chủ yếu có Côn Luân Sơn, Tỉnh Cương Sơn và Trường Bạch Sơn. 

Đây là tàu chiến tác chiến lớp 10.000 tấn do Trung Quốc chế tạo đầu tiên, cũng là tàu đổ bộ đa năng cỡ lớn đầu tiên của Trung Quốc, có thể liên tục hoạt động trên biển, lượng vận chuyển lớn; đồng thời có thể thao tác các phương tiện trên biển, trên không như máy bay trực thăng và tàu đệm khí, đã gia tăng khả năng tác chiến đổ bộ cho Hải quân Trung Quốc, có thể điều động lượng lớn binh sĩ và trang bị từ bờ biển tới địa điểm săn sâu trong đất liền.
 
Còn về lực lượng chiến lược dưới mặt biển (tàu ngầm), hiện nay, Trung Quốc chủ yếu có tàu ngầm thông thường Type 039A, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 và tàu ngầm hạt nhân lắp tên lửa hành trình Type 093G. 

Năm 2014, Trung Quốc lần đầu tiên triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 ở Biển Đông. Tháng 10/2015, tờ Giải phóng quân đã công khai hình ảnh tên lửa Cự Lang-2 (JL-2) trong một bài xã luận.

Bài viết cho rằng, từ sau khi tên lửa đạn đạo JL-2 và tàu ngâm hạt nhân Type 094 bước vào đội hình sẵn sàng chiến đấu biển xa, hệ thống lực lượng tấn công hạt nhân "tam vị nhất thể" của Trung Quốc đã bước vào trạng thái có thể tiến hành đáp trả hạt nhân. Theo báo Mỹ, tàu ngầm Type 094 có thể đã bắt đầu tuần tra chiến đấu.