"Báo chí và người tiêu dùng được quyền lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm"

Mọi tổ chức, cá nhân đều có thể yêu cầu kiểm nghiệm thực phẩm để đánh giá chất lượng. Chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm do tổ chức, cá nhân tự chi trả - bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết khi trả lời Viettimes.

Vụ sản xuất, kinh doanh sữa giả với quy mô lớn vừa được phanh phui đang gây bức xúc dư luận, bởi nó tác động trực tiếp tới sức khoẻ con người, nhất là khi sữa giả đã lọt vào bệnh viện, được dùng cho bệnh nhân và trẻ nhỏ.

VietTimes đã có bài Trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Công Thương trong vụ sữa giả và lỗ hổng pháp luật”. Và nay, để có thông tin nhiều chiều, VietTimes tiếp tục trao đổi với bà Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế, xung quanh vấn đề này.

Bà Trần Việt Nga: Nhiều đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của chính sách mở cửa để vi phạm

Doanh nghiệp tự công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm

-Xin Cục trưởng cho biết mỗi năm có bao nhiêu sản phẩm thực phẩm/TPCN do các doanh nghiệp tự công bố và cơ chế quản lý ra sao, khi hiện có quá nhiều sản phẩm giả trên thị trường?

- Mỗi năm có khoảng 23.800 thực phẩm tự công bố sản phẩm, trong đó, gần 4.800 sản phẩm tự công bố là thực phẩm bổ sung; khoảng 9.200 thực phẩm đăng ký bản công bố sản phẩm, trong đó khoảng 8.800 thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK), gần 100 thực phẩm dinh dưỡng y học và hơn 300 thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt.

Luật ATTP và Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP đã phân công trách nhiệm quản lý ATTP cho 3 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương và UBND cấp tỉnh. Các sản phẩm thực phẩm được tự công bố hoặc đăng ký bản công bố tại cơ quan chuyên môn do UBND cấp tỉnh chỉ định, trừ TPBVSK phải đăng ký bản công bố tại Bộ Y tế.

Hồ sơ khi đăng ký bản công bố và tự công bố chỉ yêu cầu doanh nghiệp nộp phiếu kiểm nghiệm ATTP (gồm các chỉ tiêu an toàn) được kiểm nghiệm trong vòng 1 năm, do phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO-17025 thực hiện, nhưng không yêu cầu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm; bản công bố về sản phẩm các chỉ tiêu an toàn.

Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm và nếu bị phát hiện không đảm bảo sẽ bị xử lý theo hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nếu chất lượng của hàng hóa <70% sẽ bị xử lý là hàng giả.

-Bà có thể cho biết quy định hậu kiểm hiện nay như thế nào?

- Việc hậu kiểm được thực hiện theo kế hoạch hàng năm, trừ trường hợp đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Hậu kiểm có thể thông qua việc kiểm tra tính tuân thủ của hồ sơ công bố, giám sát mẫu trên thị trường, kiểm tra, thanh tra cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm.

Việc kiểm tra tập trung vào chỉ tiêu an toàn; kiểm tra đột xuất khi có phản ánh, hay phát hiện nghi ngờ, hoặc quá trình giám sát thấy nghi ngờ, phát hiện chất cấm. Nếu công ty sản xuất có nhiều mặt hàng thuộc nhiều bộ quản lý thì lập đoàn kiểm tra liên ngành.

Vì thế, năm 2024, ngành Y tế cả nước đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về ATTP; đã xử lý 9.043 cơ sở (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023), trong đó phạt tiền 6.658 cơ sở (tăng 2,9 lần so với năm 2023) với số tiền phạt hơn 33,5 tỷ đồng (tăng 1,69 lần so với 2023); đình chỉ hoạt động 85 cơ sở; 50 cơ sở bị tiêu hủy 450 loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng; chuyển cơ quan khác xử lý 18 vụ.

Tuy nhiên, nhiều đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của chính sách mở cửa trong thương mại, trong hoạt động xuất nhập cảnh, để buôn bán, vận chuyển, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, bán sản phẩm chứa chất cấm theo hình thức ký gửi, không truy xuất được nguồn gốc… nên vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Kiểm tra kho hàng trong đường dây sản xuất 573 loại sữa bột giả

Thách thức trong quản lý

-Quy định tự công bố sản phẩm thực phẩm/TPBVSK tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý chất lượng ở lĩnh vực này ra sao, thưa bà?

- Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ trao quyền cho doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Do đó, hồ sơ doanh nghiệp gửi đến cơ quan chức năng không xét duyệt và doanh nghiệp được sản xuất và kinh doanh ngay.

Nhưng một số doanh nghiệp đã vì lợi nhuận bất chấp đạo đức kinh doanh để sản xuất hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng; hoặc lợi dụng vào chính sách thông thoáng để công bố tối đa các sản phẩm, nếu bán được thì làm tiếp, không sẽ dừng lại.

Việc cho phép các tổ chức, cá nhân chỉ cần có đăng ký kinh doanh là được đăng ký công bố sản phẩm và chi phí thẩm định hồ sơ đăng ký công bố quá thấp, tự công bố sản phẩm không mất phí, nên lượng sản phẩm TPCN do các doanh nghiệp tự công bố và đăng ký bản công bố rất nhiều. Trong khi hồ sơ công bố có hiệu lực vĩnh viễn, nên áp lực cho cơ quan quản lý trong việc hậu kiểm, thanh, kiểm tra, vì khó sát với thực tế.

Hiện chưa có hệ thống liên kết, công khai thông tin các sản phẩm thực phẩm đã đăng ký công bố/tự công bố từ Trung ương đến địa phương, nên việc tra cứu thông tin sản phẩm để làm căn cứ kiểm tra, hậu kiểm còn khó khăn. Nhân lực thực hiện công tác quản lý ATTP từ Trung ương đến địa phương còn thiếu.

-“Lỗ hổng” đã được nhìn thấy. Giải pháp của Bộ Y tế nhằm bịt “lỗ hổng” là gì, thưa bà?

- Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATTP với việc sửa đổi Luật ATTP và Nghị định 15/2018/NĐ-CP để phù hợp với thực tiễn.

Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan tăng chế tài xử phạt và tham gia sửa đổi Bộ luật hình sự để xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không đảm bảo chất lượng.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an triển khai hiệu quả Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc lĩnh vực y tế; Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về ATTP; phối hợp với cơ quan Công an, Hải quan, QLTT, Biên phòng, đấu tranh, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm ATTP, nhất là các vụ việc phức tạp, gây bức xúc dư luận như sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, sử dụng chất cấm, chất ngoài danh mục và cả việc lợi dụng mạng xã hội, bán hàng online để quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng...

Từ lâu, Bộ Y tế và Bộ Công an đã có Quy chế phối hợp, nên Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động chia sẻ thông tin về đối tượng, địa bàn trọng điểm, phương thức, thủ đoạn trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm giả, kém chất lượng, để xử lý vi phạm về ATTP.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh việc công khai cơ sở vi phạm để người dân biết, cùng tham gia giám sát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; ứng dụng CNTT để kịp thời cảnh báo thực phẩm không bảo đảm an toàn; phối hợp thực hiện đúng trách nhiệm quản lý chuyên ngành và UBND các cấp trong phối hợp quản lý nhà nước về ATTP.

Đường dây sữa giả vừa bị phát hiện.

Người dân có quyền giám sát, kiểm nghiệm chất lượng

-Khi vụ sữa giả xảy ra, nhiều người băn khoăn báo chí và người tiêu dùng có được phép tham gia giám sát, hậu kiểm TPCN/thực phẩm không, hay chỉ khi phát sinh hành vi khiếu nại, khiếu kiện, người tiêu dùng mới được yêu cầu cơ quan chức năng kiểm nghiệm, thưa bà?

- Theo Luật ATTP, việc kiểm nghiệm thực phẩm được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan, hoặc phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về ATTP.

Như vậy, mọi tổ chức, cá nhân đều có thể yêu cầu kiểm nghiệm thực phẩm để đánh giá chất lượng ATTP, nhưng chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm do các tổ chức, cá nhân tự chi trả.

Ví dụ khi người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm, thì có thể gửi mẫu sản phẩm đó đến cơ sở kiểm nghiệm để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng, an toàn của sản phẩm. Chi phí kiểm nghiệm sẽ do người tiêu dùng tự chi trả.

Trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về ATTP, chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm do người khởi kiện, khiếu nại chi trả. Khi kết quả kiểm nghiệm khẳng định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm về ATTP, thì tổ chức, cá nhân đó phải hoàn trả chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm ATTP tranh chấp cho người khởi kiện, khiếu nại.

-Cám ơn bà đã trao đổi!