Báo cáo của nhóm chuyên gia chỉ trích Trung Quốc và WHO
Trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 19/1 đưa tin, hôm 18/1, một nhóm chuyên gia độc lập do Tổng thư ký Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ định đã thẳng thắn lên tiếng trong báo cáo, cho rằng các quan chức Trung Quốc lẽ ra cần áp dụng các biện pháp y tế công cộng hiệu quả hơn vào tháng 1 năm ngoái để ngăn chặn sự lây lan ban đầu của dịch COVID-19. Nhóm chuyên gia cũng chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới vì đã trì hoãn đến ngày 30/1/2020 mới tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu do dịch bệnh COVID-19.
Nhóm chuyên gia này do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf dẫn đầu. Họ đã dốc sức xem xét phương pháp xử lý đối với bệnh dịch COVID-19 trên toàn cầu; đồng thời kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới cần tiến hành cải cách.
Chuyên gia hàng đầu của WHO về ứng phó khẩn cấp Mike Ryan chỉ vài giờ sau khi báo cáo được công bố, đã cho biết số người chết trên toàn cầu vì SARS-CoV-2 dự kiến sẽ "rất nhanh" vượt quá mức 100.000 người một tuần.
Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark , một trong hai người lãnh đạo nhóm chuyên gia của WHO (Ảnh: Deutsche Welle). |
Báo cáo của nhóm chuyên gia cho biết: “Điều mà nhóm chuyên gia biết rõ ràng là các cơ quan y tế địa phương và quốc gia của Trung Quốc vốn ra có thể đã thực hiện hiệu quả hơn các biện pháp y tế công cộng vào tháng 1 năm ngoái để ứng phó với đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên”.
Ngoài ra, nhóm chuyên gia cũng đặt câu hỏi tại sao mãi đến tuần thứ ba của tháng 1/2020, ủy ban khẩn cấp của WHO mới triệu tập họp và trì hoãn ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu cho đến cuộc họp lần thứ hai vào ngày 30/1.
Báo cáo viết: "Mặc dù thuật ngữ dịch bệnh không được sử dụng trong “Điều lệ Y tế Quốc tế”, cũng không định nghĩa cụ thể thế nào là dịch bệnh, nhưng việc sử dụng thuật ngữ này quả thực có thể thu hút sự chú ý của mọi người về mức độ nghiêm trọng của các sự cố y tế. Tổ chức Y tế Thế giới mãi đến ngày 11/3/2020 mới sử dụng thuật ngữ này để mô tả đại dịch COVID-19. Hệ thống cảnh báo đại dịch toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới chủ đạo đã không hoạt động. Tổ chức Y tế Thế giới không có đủ lực lượng để hoàn thành công việc này".
Nhóm chuyên gia cũng nhấn mạnh trong báo cáo rằng, những sai lầm của WHO không nên trở thành cái cớ cho những sai lầm lặp lại của các nhà lãnh đạo thế giới trong công tác phòng chống dịch. Báo cáo chỉ ra rằng, mặc dù các quan chức y tế đã phát đi tín hiệu cảnh báo rõ ràng nhưng "ở quá nhiều quốc gia, tín hiệu này đã bị bỏ qua".
Chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán, nơi xuất hiện các ca bệnh COVID-19 do SARS-CoV-2 đầu tiên trên thế giới (Ảnh: AFP). |
Báo cáo cũng chỉ trích các nhà lãnh đạo y tế công cộng phản ứng chậm trễ với các bằng chứng xuất hiện trong giai đoạn đầu của đại dịch, nhấn mạnh rằng họ không nhận thức được khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2 của những người bệnh không triệu chứng. Cả một báo cáo do Trung Quốc đưa ra trong giai đoạn đầu của vụ dịch và một báo cáo của Đức đều cho thấy những người nhiễm COVID-19 không triệu chứng cũng có thể truyền bá virus. Tuy nhiên, các cơ quan y tế lớn, bao gồm cả WHO, lại đưa ra những lời khuyên mâu thuẫn và thậm chí gây hiểu lầm.
Khoảng cách giàu nghèo ảnh hưởng đến việc phân phối vaccine
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng việc phân bổ nguồn lực không đồng đều có thể gây nguy hiểm cho việc quảng bá vaccine trên toàn thế giới. Để minh họa cho sự khác biệt này, báo cáo tạm thời đưa ra một biểu đồ cho thấy thời điểm các quốc gia dự kiến tiêm phòng cho công dân của họ. Các quốc gia giàu có như Mỹ dự kiến sẽ hoàn thành các hoạt động tiêm chủng cơ bản vào cuối năm 2021; trong khi các quốc gia nghèo thậm chí không thể bắt đầu tiêm chủng cho các nhóm người yếu thế của nước họ vào thời điểm đó, việc tiêm chủng dự kiến đến cuối năm 2023 mới hoàn thành.
Báo cáo viết: "Cho dù bạn sinh ra ở Liberia, New Zealand hay bất cứ nơi nào khác, nơi sinh của bạn không nên trở thành thứ tự ưu tiên trong việc quyết định bạn nhận được vaccine COVID-19”.
Dân chúng các nước nghèo sẽ phải tiêm vaccine muộn hơn các nước giàu (Ảnh: Dwnews). |
Deutsche Welle viết, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, sau khi bùng phát COVID-19, Mỹ đã liên tục cáo buộc WHO “lấy Trung Quốc làm trung tâm”, nhưng WHO phủ nhận chỉ trích này. Các quốc gia châu Âu do Pháp và Đức đứng đầu chủ trương giải quyết những thiếu hụt về kinh phí, quản trị và quyền lực pháp lý của WHO. Nhóm chuyên gia kêu gọi cộng đồng quốc tế chỉnh đốn lại trật tự toàn cầu và tuyên bố rằng họ sẽ đệ trình báo cáo cuối cùng lên các bộ trưởng y tế của 194 quốc gia thành viên của WHO vào tháng 5 và sẽ đưa ra các khuyến nghị trong báo cáo.
Trung Quốc và Mỹ đá xéo nhau tại hội nghị của WHO
Trong một tin liên quan, trang tin Hoa ngữ Dwnews (Đa Chiều) ngày 19/1 đưa tin: Sau khi nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến Trung Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới ngày 18/1 đã tổ chức cuộc họp ủy ban điều hành. Đại biểu Mỹ yêu cầu Trung Quốc giao các tài liệu thông tin liên quan đến virus SARS-CoV-2, phía Trung Quốc thì nhấn mạnh “cần chấm dứt gây áp lực chính trị”.
Theo AFP ngày 18/1, Hội nghị Ủy ban điều hành (EB) lần thứ 148 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến từ ngày 18/1 đến ngày 26/1. Các cơ quan y tế công cộng ở các quốc gia khác nhau sẽ tập trung vào các vấn đề hiệu quả phòng chống dịch, phân phối vaccine và rà soát tình hình dịch bệnh. Khi thảo luận về chương trình nghị sự để ngăn ngừa và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, đại diện từ nhiều quốc gia đã phát biểu về việc nhóm chuyên gia quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới đến Trung Quốc để truy xuất nguồn gốc của SARS-CoV-2, bày tỏ quan tâm đến tính minh bạch của công việc này.
Hội nghị trực tuyến Ban điều hành WHO khai mạc hôm 18/1 (Ảnh: Dwnews). |
Ông Garrett Grigsby, Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Toàn cầu của Bộ Y tế Mỹ, cho biết kể từ khi các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới nhất trí thông qua một nghị quyết vào tháng 5 năm 2020, yêu cầu nhanh chóng điều tra nguồn gốc của dịch bệnh, đến nay 8 tháng đã trôi qua, cuối cùng nhóm điều tra đã đến Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ khi các nhà chức trách Trung Quốc giao nộp các thông tin họ nắm trong tay mới có thể tìm ra kết quả.
Ông Grigsby chỉ ra rằng những thông tin này bao gồm trình tự gen của virus trong các ca bệnh ở chợ thủy sản Hoa Nam Vũ Hán, kết quả thí nghiệm trên động vật, thí nghiệm từ năm 2019 và các nghiên cứu về huyết thanh; đồng thời cho phép nhóm điều tra tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế, các bệnh nhân và nhân viên thí nghiệm. Ông cũng nhấn mạnh rằng với sự xuất hiện liên tiếp của các loại virus đột biến, điều rất quan trọng đối với các nhà khoa học trên thế giới là phải chia sẻ công khai và tức thì thông tin về trình tự gen và mẫu virus.
Ngoài ra, ông Grigsby công khai cảm ơn Vương quốc Anh, Nam Phi, Brazil, Nhật Bản và Mexico đã chia sẻ thông tin về biến thể của virus theo cách "ngay lập tức, công khai, chi tiết và minh bạch".
Ông Garrett Grigsby: chỉ khi các nhà chức trách Trung Quốc giao nộp các thông tin họ nắm trong tay, việc điều tra mới có thể tìm ra kết quả (Ảnh: Getty). |
Đại sứ Áo tại Geneva, Elisabeth Tichy Fisslberger, phát biểu thay mặt cho Liên minh Châu Âu, chỉ ra rằng Tổ chức Y tế Thế giới là một tổ chức khoa học về y tế sức khỏe toàn cầu. Việc điều tra và hiểu rõ về nguồn gốc của virus sẽ cho phép thế giới kiểm soát và ứng phó tốt hơn với đại dịch này và các mối đe dọa sức khỏe trong tương lai. EU cho rằng nhóm chuyên gia quốc tế cuối cùng cũng được phép đến Trung Quốc và hợp tác với Trung Quốc để tiến hành điều tra. EU rất coi trọng cuộc điều tra này, nhấn mạnh việc điều tra cần minh bạch, cần phải đến được các địa điểm liên quan, lấy được các số liệu cần thiết và yêu cầu WHO phải định kỳ thông báo tiến độ của nhóm chuyên gia.
Đại diện Australia phát biểu cho biết nhóm chuyên gia quốc tế đã đến Trung Quốc và mong nhận được các thông tin liên quan. Australia coi trọng tính minh bạch và yêu cầu WHO báo cáo thường xuyên về vấn đề này.
Nhóm điều tra của các chuyên gia WHO từ Singapore đến sân bay Vũ Hán hôm 14/1/2021 (Ảnh: AP). |
Trong bài phát biểu của mình, đại biểu Trung Quốc ca ngợi WHO đã nỗ lực không ngừng để ứng phó với dịch bệnh và tin tưởng rằng công tác ứng phó của WHO đã có kết quả. Trung Quốc nhấn mạnh rằng “kể từ khi dịch bùng phát, Trung Quốc đã công bố thông tin về dịch một cách công khai, minh bạch và có trách nhiệm”. Liên quan đến việc truy tìm nguồn gốc của coronavirus mới (SARS-CoV-2), đại biểu Trung Quốc chỉ ra rằng nghiên cứu khoa học có quy luật và yêu cầu khoa học riêng, cần do các nhà khoa học bàn bạc cụ thể, phải tin tưởng các nhà khoa học và "ngừng gây áp lực chính trị ngoài khoa học".