Báo Anh cảnh báo Trung Quốc định xây căn cứ quân sự gần Hawaii

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Báo Anh đưa tin Trung Quốc có kế hoạch xây căn cứ quân sự gần Hawaii của Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố giải thích trong khi các chuyên gia quân sự bác bỏ, cho rằng đó là “suy đoán vô căn cứ”.
Theo Daily Mail, Trung Quốc có kế hoạch cải tạo sân bay bỏ hoang ở Kiribati thành sân bay quân sự (Ảnh: Đa Chiều).
Theo Daily Mail, Trung Quốc có kế hoạch cải tạo sân bay bỏ hoang ở Kiribati thành sân bay quân sự (Ảnh: Đa Chiều).

Trang tin Đa Chiều ngày 10/5 dẫn nguồn Daily Mail của Anh hôm 9/5 đưa tin, Trung Quốc có kế hoạch cải tạo một sân bay đã bị bỏ hoang trên Thái Bình Dương, cách đảo Hawaii của Mỹ 1.800 dặm Anh và nói đây là một phần trong kế hoạch bành trướng quân sự toàn cầu của Trung Quốc.

Theo bài báo, đây vốn là một sân bay bị bỏ hoang của Mỹ. Trong Thế chiến thứ hai, nó là một căn cứ cho máy bay quân sự của Mỹ. Trung Quốc có kế hoạch nâng cấp một đường băng sân bay và một cây cầu trên một hòn đảo biên viễn của đảo quốc Kiribati. Đảo này nằm cách Hawaii chưa đầy 2.000 dặm về phía Nam. Việc này đồng nghĩa với việc khôi phục sân bay quân sự thời Chiến tranh Thế giới thứ Hai này.

Sân bay này nằm trên một đảo san hô, cách Hawaii 1.864 dặm. “Hòn đảo này giống như một tàu sân bay cố định”; đường băng của sân bay dài gần 8.000 feet (tương đương 2.400 mét), nhưng có khoảng một phần năm đường băng hiện không sử dụng được.

Kiribati án ngữ bị trí chiến lược quan trọng giữa Australia và Hawaii của Mỹ (Ảnh: Google Map).

Kiribati án ngữ bị trí chiến lược quan trọng giữa Australia và Hawaii của Mỹ (Ảnh: Google Map).

Nếu sân bay được hiện đại hóa và cải tiến, đồng thời tăng quy mô sử dụng, nó có thể hỗ trợ việc triển khai các máy bay chiến đấu.

Hòn đảo này nằm ở vị trí chiến lược quan trọng giữa Hawaii và lục địa Australia, đảo có thể được sử dụng để triển khai các máy bay do thám.

Đảo quốc Kiribati tuy diện tích nhỏ nhưng lại kiểm soát một trong những vùng biển đặc quyền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong những năm gần đây, Kiribati là trung tâm của cuộc đấu tranh giành giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh Mỹ ở Thái Bình Dương.

Trang tin Đa Chiều cho biết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố gửi tới hãng Reuters của Anh rằng, theo lời mời của chính phủ Kiribati, Trung Quốc đang nghiên cứu thảo luận về kế hoạch nâng cấp và cải thiện sân bay này để tạo thuận lợi cho giao thông nội địa của Kiribati.

Vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón vợ chồng Tổng thống Kiribati Taneti Maamau thăm Trung Quốc tháng 1/2020 (Ảnh: AP).

Vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón vợ chồng Tổng thống Kiribati Taneti Maamau thăm Trung Quốc tháng 1/2020 (Ảnh: AP).

Tuyên bố nói, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Kiribati là trên cơ sở quan niệm "hợp tác cùng có lợi" và Trung Quốc cung cấp hỗ trợ trong khả năng của mình mà không cần bất kỳ điều kiện chính trị nào.

Theo bài viết của Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, ngày 9/5 các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng tất cả những suy đoán được đề cập trong bài báo của Daily Mail rằng "Trung Quốc sẽ sử dụng sân bay của hòn đảo để triển khai máy bay chiến đấu" là không có cơ sở.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng hiện nay, một số cơ quan truyền thông phương Tây về cơ bản là “mỗi khi Trung Quốc có chuyện đều chống lại", và họ thường “đuổi hình bắt bóng”, bỏ qua kiến thức chung cơ bản và đạo đức báo chí, "bôi nhọ Trung Quốc" hoặc "tạo ra sự hoảng loạn"; khi Trung Quốc có bất kỳ hợp tác nào với nước ngoài, họ đều “lôi kéo vào chủ đề quân sự”. Ví dụ, khi Trung Quốc giúp các nước khác xây dựng cảng, họ suy đoán rằng tàu chiến Trung Quốc sẽ đóng quân; khi Trung Quốc giúp xây dựng sân bay, họ nói rằng sân bay có thể hỗ trợ máy bay chiến đấu của Trung Quốc.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Trung Quốc không cần quan tâm đến kiểu truyền thông thổi phồng này, nhưng cần làm tốt công tác chuẩn bị phương án đối phó việc bị các thế lực chính trị phương Tây can dự “trà trộn”.

Hội đàm giữa lãnh đạo Trung Quốc và Kiribati trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Taneti Maamau tới Trung Quốc sau khi hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao (Ảnh: AP).

Hội đàm giữa lãnh đạo Trung Quốc và Kiribati trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Taneti Maamau tới Trung Quốc sau khi hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao (Ảnh: AP).

Tổng thống Kiribati Taneti Maamau người đã đến thăm Trung Quốc đầu tháng 1/2020 theo lời mời của ông Tập Cận Bình, hồi cuối tháng 2/2021cho biết, hai nước cũng đã kí văn bản về việc Trung Quốc giúp đỡ cải tại một khu đất ở đảo Fiji thành nông trường thương mại. Tuy nhiên hợp đồng này đã gây nên những dị nghị, ông Banuera Berina, người thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống với ông Taneti Maamau nói với tờ The Guardian: “Kế hoạch này và mọi dự án hợp tác với Trung Quốc đều không minh bạch”.

The Guardian cũng cho rằng việc Kiribati quay sang Bắc Kinh đã làm dấy lên lo ngại ở phương Tây - điều này có thể mở đường cho việc Trung Quốc sử dụng vị trí chiến lược của căn cứ để mở rộng quân sự ở Thái Bình Dương.