Phát biểu kịch tính với dư luận nhất có lẽ là sự ví von của ông Tuất về việc bán Sabeco một lần trên sàn (chứng khoán) như ông bố có con gái xinh lại mang ra chợ và lấy số đấu giá, trúng ai thì lấy người ấy.
Ví von trên thoạt nghe thì rất hùng biện và thuyết phục, chắc hẳn làm không ít người đang từ phản đối chuyển ngay sang ủng hộ quan điểm chưa (thể) bán ngay Sabeco được.
Nhưng vấn đề không như vậy...
So sánh không tương thích
Thực ra, việc bán Sabeco, một doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được xác định là Nhà nước không cần giữ vốn, trên sàn, qua hình thức đấu giá, về bản chất đơn thuần chỉ là một giao dịch mua bán tài sản. Trong khi đó, trừ khi có ông bố nào lâm vào hoàn cảnh “chị Dậu” thời mở cửa thì mới mang con ra chợ rao bán cho ai trả giá cao nhất. Còn trong hoàn cảnh bình thường, chẳng ông bố nào lại tìm chồng cho con theo kiểu rao bán giữa chợ, nơi công cộng, bởi con ông không phải là một thứ hàng hóa để mua bán.
Như vậy, có thể nói ngay rằng hai việc nêu trên (bán Sabeco và gả chồng cho con) trong hoàn cảnh bình thường là hoàn toàn không tương thích để so sánh với nhau. Nếu cố tình (hoặc vô tình vì không hiểu) so sánh thì đây là một sự ngụy biện, đánh tráo khái niệm, đánh vào tình cảm đám đông để lấy sự ủng hộ.
Đấu giá không nhất thiết tiêu cực như thế
Kể cả cho dù Sabeco có là “đứa con tâm huyết” của Nhà nước thì việc bán Sabeco theo hình thức đấu giá trên sàn là hoàn toàn bình thường, nhất là một khi Nhà nước đã xác định rõ là phải bán và bán hết. Đấu giá trên sàn là một hình thức bán hàng ở nơi có tổ chức và quy định chặt chẽ, vì thế không thể bi kịch hóa việc đấu giá này như việc bán ở chợ trời.
Sabeco nói.
Ông Tuất lo rằng bán đấu giá trên sàn thì sẽ không biết được người mua là ai. Lo lắng này vừa sai vừa thừa. Để tham gia đấu giá thì người mua tiềm năng phải đăng ký và đặt cọc. Tức là ông chủ Sabeco sẽ biết trước được ai sẽ là người mua Sabeco. Nếu muốn loại những thành phần “bất hảo”, giữ lại những đối tượng phù hợp theo mong muốn thì Nhà nước sẽ đặt ra những điều kiện để được tham gia đấu giá.
Chuyện bắt người mua cam kết giữ thương hiệu cũng vừa thiếu vừa thừa. Thiếu vì cam kết nếu chỉ là cam kết “suông”, không có ràng buộc thì kể cả có mua kín (qua thỏa thuận, không qua đấu giá) người mua vẫn có thể “lật kèo”, không giữ cam kết nữa. Vì vậy, nếu muốn người mua theo hình thức đấu giá giữ thương hiệu sau khi thắng đấu giá thì Nhà nước chỉ cần quy định ngay điều kiện để được tham gia đấu giá là sẽ phải giữ thương hiệu sau khi thắng đấu giá và Nhà nước sẽ, chẳng hạn, trưng thu tài sản của Sabeco nếu người chủ mới vi phạm cam kết về giữ thương hiệu.
Chuyện cam kết giữ thương hiệu này lại thừa vì chắc chắn không ông chủ mới nào của Sabeco lại dại dột tìm cách xóa bỏ một thương hiệu mạnh trong ngành, chính là cái mà họ phải chật vật để đoạt lấy. Ngược lại, họ chắc chắn sẽ phải tìm cách, và có nhiều khả năng hơn trong việc phát triển hơn nữa thương hiệu này.
Tương tự như vậy là chuyện lo ngại Sabeco sẽ rơi vào tay ai đó qua đấu giá mà lại không (tìm cách) phát triển doanh nghiệp này lên, có lợi cho đất nước trong dài hạn. Nếu bán không qua đấu giá thì điều này cũng chẳng có gì đảm bảo sẽ tránh được. Ngược lại, như nói ở trên, dù là qua đấu giá hoặc không qua đấu giá, chắc sẽ không có ông chủ mới nào lại không muốn phát triển Sabeco hơn nữa, vì cái hấp dẫn họ cuối cùng là lợi nhuận, và lợi nhuận chỉ được tối đa hóa khi doanh nghiệp liên tục phát triển.
Điều còn “lấn cấn” ở đây là chuyện liệu sự “phát triển” của doanh nghiệp dưới tay ông chủ mới có lợi cho đất nước trong dài hạn hay không. Sabeco của ông chủ mới vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của Việt Nam nên sự phát triển, nếu có, của nó đương nhiên là hợp pháp, và vì nó là một thực thể hữu cơ của nền kinh tế nên sự phát triển (hợp pháp, lành mạnh) này đương nhiên là có lợi cho Việt Nam (trong dài hạn).
Riêng về lo ngại là người mua qua hình thức bán đấu giá sẽ liên kết với nhau để dìm giá, làm mất vốn của Nhà nước, lẽ ra nên đặt câu hỏi ngược lại là, với hình thức mua kín, thỏa thuận với nhau sau hậu trường thì liệu sự liên kết, thông đồng giữa một số ít người mua với nhau để lũng đoạn, dìm giá có dễ dàng hơn nhiều so với hình thức mang ra bán công khai, qua đấu giá.
Và cuối cùng, như ông Phan Đăng Tuất cho biết, Chính phủ đang tính “chọn nhà đầu tư nào để có ràng buộc” khi bán bớt vốn nhà nước tại Sabeco. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, bán bằng cách nào không liên quan gì đến chuyện có ràng buộc được nhà đầu tư hay không.
Theo TBKTSG