Bàn về “7 dám” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“7 dám là nét đặc sắc trong tư duy lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác cán bộ" - PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chia sẻ với VietTimes.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Hoàng Hà.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc, "7 dám" gồm: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung là nét đặc sắc trong tư duy lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác cán bộ, là sự đúc kết, khái quát sâu sắc về lý luận và thực tiễn, mang tính biện chứng, logic, dễ nhớ, dễ thuộc.

Tư duy đặc sắc về công tác cán bộ

- Trong bài phát biểu tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến công tác bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh, đủ đức, đủ tài, có uy tín cao; cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, chỉ huy phải mẫu mực trước toàn đơn vị. Ông đúc kết bằng khái niệm “7 dám: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung”. Ông nhìn nhận như thế nào về bài học của Tổng bí thư?

- PGS Nguyễn Trọng Phúc: Thấm nhuần tư duy lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát tinh thần “7 dám” của cán bộ quân đội nói riêng, cán bộ, đảng viên nói chung. Đây là nét đặc sắc trong tư duy lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác cán bộ, là sự đúc kết, khái quát sâu sắc về lý luận và thực tiễn, mang tính biện chứng, logic, dễ nhớ, dễ thuộc.

Cũng cần phải nhấn mạnh một điều là các bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương thể hiện sự am hiểu sâu sắc, tư duy chiến lược của người đứng đầu Đảng ta về đường lối quân sự, quốc phòng Việt Nam; trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh hoa nghệ thuật quân sự Việt Nam và bằng nhãn quan chính trị sắc bén, những kinh nghiệm phong phú trong thực tiễn cách mạng.

NPT 01.jpg
Tổng bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị của Quân ủy Trung ương.

- Cái “dám” thứ nhất là dám nghĩ. Theo tư duy lý luận mới của Tổng bí thư, "dám nghĩ" cần được hiểu như thế nào?

-PGS Nguyễn Trọng Phúc: Về bản chất, dám nghĩ trong “7 dám” là tư duy lý luận, thể hiện được cái tâm - tầm - trí của người cán bộ. Dám nghĩ vì lợi ích chung của tập thể, của xã hội; đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

Dám suy nghĩ tích cực để có sáng kiến mới, phát kiến mới mang lại hiệu quả trong công việc chứ không phải dám nghĩ để đạt được lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy tùy theo chức trách, nhiệm vụ thì “dám nghĩ” đến chiến lược, sách lược mang tính định hướng dài hạn và cả trong ngắn hạn cho cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành... Cán bộ cấp tổ chức thực hiện thì “dám nghĩ” đến sáng kiến để đề xuất biện pháp, cách thức thực hiện mang lại hiệu quả tốt nhất. Đó là tư duy, cách nghĩ của người cán bộ, đảng viên vì nước, vì dân.

- Cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng ta khởi xướng và tiến hành đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Nhiều cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao đã bị xử lý. Tuy nhiên gần đây, có ý kiến cho rằng xử lý cán bộ như vậy lấy ai để làm việc; hoặc cán bộ sẽ chùn tay không dám dám làm việc. Đến mức có lần Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải nói “không sợ thiếu cán bộ. Ai không làm thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Trong bối cảnh hiện nay, làm thế nào để khơi dậy tinh thần “Dám làm” của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, thưa ông?

-PGS Nguyễn Trọng Phúc: Về mặt lý luận, mỗi lần gặp một vấn đề gì đấy cần đúc kết, theo kinh nghiệm của tôi, ta cần quay về với Bác. Bác Hồ là người đầu tiên đề cập đến tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Ở Bác, hội tụ tư duy lý luận khoa học và hành động đặc biệt sâu sắc, sáng tạo và đổi mới. Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự vận dụng nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, nói đi đôi với làm.

Chúng ta còn nhớ, ngày 13/2/1962, trong bức thư gửi thư cho đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), Người viết: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”.

Bác đã cổ vũ tinh thần đổi mới, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm trong phát triển sản xuất và xây dựng hợp tác xã. Cũng chính Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng trong việc chủ động, kiên quyết khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, đường mòn lối cũ, chậm đổi mới.

img8929-15617166349681413799068.jpg
PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Tổ quốc.

- Đó là “dám nghĩ”. Còn “dám nói” thì sao? Nói thì ai cũng nói được, nhưng vấn đề là ở chỗ nếu cấp dưới nói mà lại trái ý của cấp trên, dù là đúng thì có được chấp nhận không mới là quan trọng?

-PGS Nguyễn Trọng Phúc: Dám nghĩ” thì phải “dám nói”. “Dám nói” thể hiện được “cái dũng” của cán bộ, biện chứng với những điều dám nghĩ tích cực. Nói và dám nói có mối quan hệ nhưng không đồng nhất. Dám nói có nội hàm rộng, sâu, chứa đựng tư duy phản biện, sáng tạo, tự phê bình và phê bình, phản ánh bản chất dân chủ của một Đảng chân chính cách mạng.

Nghĩ mới chỉ trong tư duy. Tư duy phải thể hiện bằng lời nói và hành động, mà ở đây là dám nói, tức là nói những điều không phải nằm trong sách vở mà từ thực tiễn, từ cuộc sống, từ đòi hỏi của yêu cầu đổi mới và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Công cuộc đổi mới với hai từ “đổi mới” đã chứa đựng trong đó cái mới, cái dám, cái bản lĩnh. Không có những người dám nói, dám chất vấn, dám phản biện thì xã hội không thể phát triển. Những chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội đã đem lại nguồn sinh khí mới, sinh lực mới, chất lượng mới, không chỉ thể hiện ở bề nổi, mà còn có tác dụng to lớn trong chỉ đạo thực tế.

Đây là bài học lớn từ di sản của Bác, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết, cô đọng. Tuy nhiên, dám nói nghĩa là phải nói đúng nơi, đúng lúc, đúng thời điểm, đúng người; nói trên tinh thần xây dựng; nói để phản biện xã hội, để đạt được cái thống nhất chứ không phải đụng đâu nói đó, nói một cách tùy tiện, nói để thỏa mãn cái tôi.

- Đối với cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, thì “dám làm” trong bối cảnh hiện nay mới thực sự là thể hiện “cái dũng”, như ông nói ở trên. Vì hiện nay ở một số địa phương, bộ ngành đang có hiện trạng cán bộ “sợ làm”, vì chẳng may “làm sai” lại vào tù.

- PGS Nguyễn Trọng Phúc: Dám làm” thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của người cán bộ, đó cũng là thước đo bản lĩnh, năng lực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao của cán bộ. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý thì dám làm là năng lực xây dựng kế hoạch, chương trình hành động với các phương pháp tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, chính xác, phát huy được sức mạnh tập thể.

Đối với cán bộ tổ chức thực hiện thì dám làm là khả năng vận dụng linh hoạt năng lực, trình độ cá nhân, khả năng phối hợp, làm việc nhóm để thực hiện ý định của cấp trên một cách nhanh chóng, hiệu quả; biến lý luận thành thực tiễn. Dám làm còn được hiểu là làm đúng, làm đủ và làm tròn nhiệm vụ được giao trên tinh thần quyết tâm, tư duy khoa học, sáng tạo..., khác với làm liều, làm ẩu, làm qua loa, đại khái, làm cho xong việc, làm đối phó với cấp trên, làm chỉ vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

NPT 02.jpg
Tổng bí thư, Bí thư Quân ủy Trung Ương Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo Bộ Quốc phòng

Dám làm, dám chịu trách nhiệm thể hiện bản lĩnh người cán bộ

- “Dám làm” đã khó rồi, nhưng “dám chịu trách nhiệm” mới thực sự là thể hiện bản lĩnh chính trị và năng lực của một cán bộ lãnh đạo. Tuy nhiên cũng cần phải có cơ chế bảo vệ người “dám làm”, “dám chịu trách nhiệm”. Có phải vì vậy mà, ngày 29/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?

-PGS Nguyễn Trọng Phúc: Chắc chắn rồi! Vì suy cho cùng “dám chịu trách nhiệm” là kết quả của dám nghĩ, dám nói, dám làm. “Dám chịu trách nhiệm” chính là bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Dám chịu trách nhiệm còn là sự thể hiện năng lực dám tiếp nhận phê bình, đóng góp từ tập thể, kể cả từ cấp dưới để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế và chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định của mình.

Tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai sót, làm việc cầm chừng trong thực thi công vụ là hiện tượng khá phổ biến đang diễn ra hiện nay. Đây không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà bắt nguồn từ việc “sợ trách nhiệm, sợ sai sót”, thụ động trong công việc. Người cán bộ, lãnh đạo là người được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, phải thực hiện nhiệm vụ trên cương vị, chức trách của mình.

Nếu họ không dám hoặc không thể thực hiện trách nhiệm đó thì phải bị loại ra khỏi bộ máy công quyền. Nhiều tập thể, cá nhân bị xử lý kỷ luật thời gian qua do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, làm trái quy định, độc đoán, chuyên quyền, tham ô, tham nhũng... Hệ lụy của vấn đề này đã dẫn đến tâm lý cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai sót. Thậm chí, một số cán bộ ở nhiều nơi vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, không dám quyết, không dám làm, sợ sai, không dám chịu trách nhiệm.

Hậu quả của thực trạng này dẫn đến làm chậm quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là những công việc cần sự khẩn trương, kịp thời, làm chậm sự phát triển xã hội; dẫn tới việc cải cách, đổi mới không được thúc đẩy, tư duy đột phá không có cơ hội để bộc lộ, tạo tâm lý trông chờ, đùn đẩy, trì trệ. Tình trạng an toàn để “giữ ghế”, tâm lý “co cụm” là hết sức nguy hiểm, làm cho cán bộ không thể hiện được toàn diện năng lực, phẩm chất của mình để cống hiến cho xã hội.

- Khoản 5, Điều 4 của Nghị định số 73 mà chúng ta vừa nhắc ở trên có quy định: “cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định”. Có phải đây là điểm tựa để cán bộ lãnh đạo yên tâm thực hiện “7 dám” mà Tổng bí thư đã quán triệt tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vừa qua?

- PGS Nguyễn Trọng Phúc: Đó cũng là một điểm tựa, như anh nói. Nhưng thực ra Đảng còn có nhiều văn bản khác nữa đảm bảo cho cán bộ đảng viên “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, tuy có lúc sai sót, nhưng không vì tư lợi, trục lợi cá nhân và phe cánh.

Điều ở đây tôi muốn nhấn mạnh là, theo tư duy của đồng chí Tổng bí thư thì “dám đổi mới, sáng tạo” là sự đánh giá năng lực tổng hợp dựa trên nền tảng tri thức khoa học với bản lĩnh chính trị tư tưởng của cán bộ, đảng viên.

TBT - TThang.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Thuận Thắng.

Đổi mới và sáng tạo là xu thế tất yếu khách quan của sự phát triển. Cán bộ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững chắc, nắm chắc xu thế phát triển sẽ mạnh dạn dám đổi mới, sáng tạo. Nói cách khác, dám đổi mới, sáng tạo là chuỗi nhân quả được rút ra từ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Dám đổi mới về cách nghĩ, cách nói, cách làm; dám thay đổi tư duy bảo thủ, tiêu cực; dám sáng tạo là cách thức vận dụng tri thức mới ứng dụng vào quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Mỗi ý tưởng đổi mới, sáng tạo của cán bộ thường xuất phát từ đam mê, khát vọng cống hiến cho xã hội, cho đất nước.

- “Dám đương đầu với khó khăn, thử thách” và “Dám hành động vì lợi ích chung” là hai trong “7 dám” được Tổng bí thư khái quát. Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?

- PGS Nguyễn Trọng Phúc: “Dám đương đầu với khó khăn, thử thách” là phẩm chất dũng cảm, cao quý, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết của người cán bộ. Phẩm chất dám đương đầu với khó khăn, thử thách giúp người cán bộ tiên phong sẵn sàng đảm nhận, thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; lấy lợi ích của tập thể và quốc gia - dân tộc làm mục tiêu chi phối mọi hoạt động tu dưỡng, rèn luyện, học tập, công tác; không xâm phạm, gây hại đến lợi ích chung. Hiện nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là khi công cuộc đổi mới của đất nước ngày càng đi vào chiều sâu, càng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải dám đương đầu với khó khăn, thử thách.

Còn “dám hành động vì lợi ích chung”, việc gặp phải những khó khăn, thử thách khi thực hiện nhiệm vụ là điều đương nhiên. Tuy nhiên, cán bộ phải dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung mới là thước đo thực sự về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực công tác của cán bộ các cấp, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, điều hành. Họ là những người cán bộ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, đặt lợi ích tập thể lên trên, để dấn thân, cống hiến vì sự nghiệp chung.

Có thể thấy, “7 dám” là những phẩm chất tiêu biểu, có quan hệ chặt chẽ, tạo thành một chỉnh thể thống nhất trong phẩm chất, nhân cách của người cán bộ, đảng viên. Dù trên cương vị nào, cán bộ, đảng viên cũng cần phải phát huy tinh thần “7 dám”, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Lấy tinh thần “7 dám” soi rọi vào từng cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao, chúng ta càng thấy rõ, nếu thiếu hoặc coi nhẹ các tiêu chí đó, cán bộ không những không hoàn thành nhiệm vụ mà còn dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

- Xin cám ơn ông!