Tuy nhiên, may thay cả hai nước đã kịp lùi lại một bước trước khi cùng kéo nhau rơi xuống “miệng hố” bằng một thỏa thuận đạt được sau ba ngày đàm phán cấp cao thâu đêm suốt sáng.
"Sóng ngầm" chợt lắng
Sau cuộc đối thoại suốt đêm diễn ra chiều 22/8 không đạt được kết quả, các quan chức cấp cao đại diện cho chính phủ Hàn Quốc và Triều Tiên đã có cuộc đàm phán “nước rút” thứ hai kéo dài suốt từ chiều 23/8 đến rạng sáng ngày 25/8 (giờ địa phương) với nỗ lực thu hẹp những bất đồng cũng như tìm giải pháp ngăn cản một kịch bản chiến tranh xảy ra. Thành quả cho nỗ lực không mệt mỏi của các đại diện hai nước là một thỏa thuận có thể nói là tốt hơn mong đợi.
Cụ thể, Triều Tiên bày tỏ lấy làm tiếc trước vụ nổ mìn ngày 4/8 khiến hai binh sĩ Hàn Quốc trọng thương. Còn Hàn Quốc đồng ý tắt hệ thống loa phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên vừa khởi động dọc biên giới sau vụ nổ mìn. Từ 10 giờ ngày 25/8 (giờ Việt Nam), tiếng loa phát thanh bật với âm lượng “khủng” không còn vang lên. Cũng tại thời điểm đó, Triều Tiên chính thức dỡ bỏ “tình trạng bán chiến tranh” mà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố từ tuần trước. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí hợp tác để tổ chức đoàn tụ cho các gia đình ly tán do chiến tranh vào tháng tới, đồng thời sẽ quyết định ngày tháng tổ chức đàm phán cấp chuyên viên hoặc ở Seoul, hoặc ở Bình Nhưỡng.
Các cuộc đàm phán diễn ra theo sau một loạt vụ việc khiến căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên. Tình hình tại đây bắt đầu "tăng nhiệt" từ vài tuần trước sau khi Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đặt mìn ở khu phi quân sự (DMZ) phân chia biên giới hai miền khiến 2 binh sĩ tuần tra nước này bị thương nặng hôm 4/8. Hàn Quốc tuyên bố đây là hành động vi phạm thỏa thuận đình chiến và hiệp ước không tấn công lẫn nhau. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng tuyên bố cáo buộc trên là "vô căn cứ" và từ chối xin lỗi. Để trả đũa, Seoul đã cho nối lại các chương trình tuyên truyền bằng loa phóng thanh chống Bình Nhưỡng dọc biên giới hai nước. Như "đổ thêm dầu vào lửa", ngày 17/8, Hàn Quốc và Mỹ đã khởi động cuộc tập trận chung thường niên mang tên "Người bảo vệ Tự do Ulchi" trong hai tuần bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Triều Tiên khi cho rằng đây là "một hành động tuyên chiến".
"Sóng ngầm" căng thẳng giữa hai miền thực sự cuộn trào khi Hàn Quốc ngày 20/8 đã bắn trả một loạt đạn pháo về phía Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng nã pháo sang khu vực biên giới để phản đối chương trình tuyên truyền chống Bình Nhưỡng của Seoul. Chỉ vài giờ sau vụ đấu pháo, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh cho các lực lượng hỗn hợp ở tiền tuyến bước vào tình trạng sẵn sàng chiến tranh, đồng thời gửi tối hậu thư cảnh báo Seoul rằng nước này sẽ trả đũa quân sự nếu Hàn Quốc không ngừng các buổi phát thanh chống Bình Nhưỡng và dẹp bỏ mọi thiết bị trong vòng 48 giờ kể từ 17 giờ địa phương. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã khước từ yêu cầu trên và ra lệnh quân đội "phản ứng cứng rắn" trước bất kỳ hành động khiêu khích nào từ phía Bình Nhưỡng. Hàn Quốc và Mỹ cũng đã nâng mức báo động giám sát quân sự chung, đồng thời huy động thêm các thiết bị theo dõi chặt chẽ biến động của quân đội Triều Tiên ở biên giới.
Ngay trước thời hạn chót mà Triều Tiên đặt ra để Hàn Quốc chấm dứt hoạt động phát loa tuyên truyền chống Bình Nhưỡng qua biên giới là 17 giờ ngày 22/8, các quan chức cấp cao hai miền đã nhất trí gặp nhau tại làng đình chiến Panmunjom nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc chiến quy mô lớn. Tuy nhiên, bất chấp đàm phán diễn ra, Seoul đã cáo buộc Bình Nhưỡng làm xói mòn tiến trình này khi tiếp tục các hoạt động triển khai trên biển và trên bộ. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay Triều Tiên đã tăng gấp đôi các đơn vị pháo binh tại khu vực biên giới và triển khai 50 tàu ngầm ở bên ngoài các căn cứ của họ. Một quan chức Hàn Quốc đã chỉ trích “Triều Tiên đang áp dụng lập trường hai mặt với cuộc đàm phán đang diễn ra".
Vẫn còn kịch bản chiến tranh
Trên thực tế, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh từ 65 năm nay bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) mới chỉ được đánh dấu bằng một thỏa thuận đình chiến, và chưa bao giờ một hiệp định hòa bình được chính thức ký kết. Do vậy, các vụ nã pháo ở khu vực biên giới được xem là điều cực kỳ hiếm khi xảy ra bởi hai bên đều nhận thấy rõ nguy cơ từ việc căng thẳng leo thang bất ngờ giữa hai quốc gia láng giềng trên thực tế vẫn đang trong tình trạng chiến tranh này. Tuy nhiên, dù hai nước vẫn đang đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, hầu hết các nhà phân tích đều có chung quan điểm khả năng xảy ra một cuộc giao tranh trên diện rộng giữa hai miền Triều Tiên khó có thể xảy ra ngay trong thời điểm này cho dù các cuộc đàm phán thất bại.
Giới quan sát cho rằng việc Triều Tiên nã pháo vào Hàn Quốc thực chất là một động thái mang tính khiêu khích, răn đe nhằm truyền đạt một thông điệp cụ thể, thay vì thực sự muốn châm ngòi cho một cuộc chiến thực sự. Nhà phân tích John Grisafi chuyên nghiên cứu vấn đề Đông Á của trường Đại học Pennsylvania (Mỹ) nhận định việc Triều Tiên đưa ra lời cảnh báo 48 tiếng đồng hồ sau cuộc đấu pháo ngày 20/8 cho thấy Bình Nhưỡng chỉ muốn đe dọa thay vì thực sự muốn châm ngòi cho một cuộc chiến quy mô lớn. Ông cũng cho rằng việc đạn pháo cả hai bên không gây tổn thất về nhân mạng và tài sản là một dấu hiệu cho thấy những phát pháo chỉ là hành động cảnh cáo và hai nước đều không muốn xung đột vũ trang. Đồng quan điểm, nhà phân tích Philip Yun, Giám đốc Quỹ Ploughshares của Mỹ, cho rằng Triều Tiên không có khả năng đẩy căng thẳng hiện tại đến mức xung đột quân sự. Bình Nhưỡng có khả năng huy động một số lượng lớn binh sĩ áp sát biên giới, sau đó rút lui, và tất cả chỉ là hành vi khiêu khích.
Chuyên gia Daniel Pinkston thuộc Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế của Bỉ lại khẳng định việc Bình Nhưỡng gây chiến vào thời điểm này sẽ gặp nhiều bất lợi, trong bối cảnh hiện Mỹ có tới gần 30.000 quân nhân đồn trú tại Hàn Quốc để phục vụ cho cuộc tập trận song phương. Trong khi đó, phía Hàn Quốc cũng sẽ không mong muốn một cuộc chiến tranh thực sự bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vốn đang đối mặt những yếu tố tiêu cực như xuất khẩu trì trệ, sức mua giảm sút và đồng won yếu đi.
Nhận định về cuộc đàm phán liên Triều, Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học nghiên cứu vấn đề Triều Tiên ở Seoul nói rằng "việc hai bên đồng ý đàm phán là tin tốt lành, đặc biệt khi các quan chức đều thảo luận không chỉ về cách thức thoát khỏi các cuộc khủng hoảng hiện tại mà còn hướng đi để phát triển mối quan hệ liên Triều trong tương lai”. Không phải ngẫu nhiên khi Triều Tiên cử hai quan chức gồm Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội Hwang Pyong-so và quan chức hàng đầu phụ trách các vấn đề Hàn Quốc Kim Yang-gon, tham gia đàm phán bởi cả hai đã từng có chuyến thăm bất ngờ đến Hàn Quốc hồi tháng 10 năm ngoái để tham gia lễ bế mạc Asean Games, nơi họ gặp ông Kim Kwan-jin - cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Park Geun-hye và cũng là một trong những quan chức tham gia đàm phán về phía Hàn Quốc lần này. Theo giáo sư Yang Moo-jin, "thực tế các quan chức quyền lực trên tham gia đối thoại đồng nghĩa đây là thời gian thuận lợi để biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội, và đây là một bước đột phá".
Mặc dù trong suốt những năm qua, Triều Tiên thường có hành động khiêu khích quân sự và Hàn Quốc sẵn sàng đáp trả, tuy nhiên cả hai bên đều tránh đẩy các cuộc xung đột thành chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên vì lợi ích của hai bên. Tuy vậy, nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh trong tương lai thực sự vẫn còn tiềm ẩn. Việc chặn đứng một cuộc giao tranh trên diện rộng có thành công hay không còn tùy thuộc vào chính sách của hai nước, khả năng kiểm soát của từng quốc gia cũng như thiện chí của hai bên trong việc sẵn sàng đối thoại để thu hẹp những bất đồng.
Phương Oanh theo Báo Tin Tức