Bamboo Capital: Vừa tiêu hết gần 600 tỷ đồng tăng vốn, đã lại muốn tăng

VietTimes -- Kế hoạch phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu của Bamboo Capital sẽ được thực hiện thế nào, khi mà thị giá cổ phiếu BCG hiện chỉ dao động quanh mức trên dưới 5.000 đồng/cổ phiếu…
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

CTCP Bamboo Capital (HSX: BCG) vừa công bố báo cáo tiến độ sử dụng vốn từ đợt tăng vốn theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông số 01/2016/NQ-ĐHĐCĐ ngày 02/03/2016 và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông số 02/2016/NQ-ĐHĐCĐ ngày 05/04/2016 của công ty.

Báo cáo đã được Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán phía nam (AASCS) xem xét và đánh giá. “Theo ý kiến của chúng tôi, Báo cáo tiến độ sử dụng vốn từ đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của CTCP Bamboo Capital đến ngày 30/10/2016 đã phản ánh phù hợp các mục đích sử dụng vốn theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông số 02/2016/NQ-ĐHĐCĐ ngày 02/03/2016 và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông số 02/2016/NQ-ĐHĐCĐ ngày 05/04/2016, phù hợp với chuẩn mực kế toán doanh nghiệp Việt Nam hiện hành và các quy định pháp lý có liên quan”, AASC xác nhận.

Tuy vậy, hãng kiểm toán này cũng khuyến cáo rằng những xác nhận của họ về báo cáo tình hình sử dụng vốn mà BCG phát hành “chỉ sử dụng cho mục đích Báo cáo cho Ủy ban chứng khoán nhà nước theo quy định tại Thông tư 115/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 của Bộ Tài chính về việc “hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán” và không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác”.

Thu ròng 640,335 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu…

Trở lại với báo cáo tình hình sử dụng vốn mà BCG mới phát hành, báo cáo cho biết, đến ngày 30/10/2016, BCG đã hoàn thành việc phát hành 3.255.760 cổ phiếu trả thưởng trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, phát hành 61.050.000 cổ phiếu ra công chúng và phát hành 3.000.000 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP),  tăng vốn điều lệ công ty tương ứng 1.080.057.600.000 đồng.

Cụ thể, tại đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng từ 14/06 – 07/07/2016, công ty đã phân phối thành công 61.050.000 cổ phiếu, chiếm 100% tổng số cổ phiếu được phép phát hành. Qua đó, thu về 610,5 tỷ đồng, trừ chi phí kiểm toán, tư vấn phát hành là 165 triệu đồng, còn thu ròng 610,335 tỷ đồng.

Tại đợt chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP) từ ngày 07/10 – 21/10/2016, BCG đã phân phối thành công 3.000.000 cổ phiếu cho 43 lao động, thu về 30 tỷ đồng.

Tổng cộng, tính đến ngày 30/10/2016, BCG đã thu ròng 640,335 tỷ đồng từ các đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ nêu trên.

Tình hình sử dụng vốn của BCG.

Thông tin trong BCTC Quý 3/2016 của BCG tiết lộ, tính đến ngày 30/9/2016, BCG đang có hai khoản phải thu dài hạn khác trị giá tới 980 tỷ đồng. Liên quan tới 2 pháp nhân xuất hiện trong danh mục giải ngân bên cạnh: Tracodi và Viet Golden Farm.

Với Tracodi, là khoản phải thu trị giá 540 tỷ đồng có thời hạn 3 năm theo hợp đồng hợp tác kinh doanh số 10/2016/HTKD-BCG-VGF ngày 12/5/2016. Theo đó, BCG đồng ý chuyển cho Tracodi 540 tỷ đồng để hợp tác đầu tư (không hình thành pháp nhân mới). Cuối mỗi năm tài chính, các bên sẽ tiến hành quyết toán khoản thu nhập và chi phí phát sinh của các dự án để phân phối lợi nhuận.

Với Viet Golden Farm, là khoản phải thu trị giá 440 tỷ đồng có thời hạn 3 năm theo hợp đồng hợp tác kinh doanh số 09/2016/HTKD-BCG-VGF ngày 09/5/2016. Theo đó, BCG đồng ý chuyển cho Tracodi 540 tỷ đồng để hợp tác đầu tư (không hình thành pháp nhân mới). Năm đầu tiên BCG sẽ được hưởng lợi nhuận cố định là 14,1% không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của VGF, các năm sau BCG sẽ được hưởng lãi suất tương đương lãi suất tiền gửi cơ bản của TPBank + 6,6%.

Giá trị khoản phải thu dài hạn lên tới 980 tỷ đồng tại Tracodi và Viet Golden Farm của BCG là rất đáng bàn. Bởi nó đã ngang ngửa với vốn điều lệ của (1.050 tỷ đồng) và chiếm non nửa tổng tài sản BCG.

…và đã tiêu hết 592,5 tỷ đồng

“Công ty đã giải ngân số vốn huy động nêu trên theo nội dung Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông…”, BCG thông tin.

Theo đó, danh mục giải ngân chi tiết của BCG hầu hết tập trung vào hoạt động mua cổ phần (chiếm 562,5 tỷ đồng/592,5 tỷ đồng tổng giá trị giải ngân).

Bao gồm: Chi tiền mua cổ phần CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp - Tracodi 120,9 tỷ đồng (theo Nghị quyết ĐHCĐ là 128 tỷ đồng); Chi mua cổ phần của Công ty Nguyễn Hoàng 30 tỷ đồng (30 tỷ đồng); Chi tiêu mua cổ phần của Công ty Thành Phúc 0 đồng (20 tỷ đồng); Góp vốn xây dựng Casa Marina Resort 10 tỷ đồng (30 tỷ đồng); Góp vốn Viet Golden Farm 49,2 tỷ đồng (50 tỷ đồng); Đầu tư M&A gồm: Đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất ô tô 132,5 tỷ đồng (132,5 tỷ đồng), Đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất chế biến và kinh doanh nông sản 180 tỷ đồng (180 tỷ đồng), Đầu tư vào các doanh nghiệp thu mua, chế biến và kinh doanh café xuất khẩu 40 tỷ đồng (40 tỷ đồng); Bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong khi, giá trị giải ngân cho hoạt động bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh lại đạt con số khá khiêm tốn, chỉ 30 tỷ đồng.

Như vậy, tại ngày 30/10/2016, số vốn chưa sử dụng hết từ các đợt phát hành tăng vốn điều lệ của BCG còn là 47,8 tỷ đồng. “Ban Tổng giám đốc công ty cam kết sẽ tiếp tục thực hiện trong giai đoạn sau” – BCG ghi chú.

Lại tiếp tục tăng vốn thêm 200 tỷ đồng

Bamboo Capital cũng vừa công bố Biên bản kiểm phiếu về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản cho việc đầu tư các dự án, công ty bất động sản và phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phần.

Theo đó, BCG phát ra 1.628 phiếu, tương ứng 1.628 cổ đông nắm giữ 105.005.760 cổ phần có quyền biết quyết theo danh sách cổ đông chốt ngày 02/12/2016.

Tổng số phiếu lấy ý kiến thu về là 86 phiếu, tương ứng 86 cổ đông nắm giữ 83.180.993 cổ phần có quyền biểu quyết. Trong đó số phiếu hợp lệ là 86/86 phiếu thu về, tương ứng 83.180.993 cổ phần, chiếm 79,22% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.

Kết quả là tất cả 4 nội dung được BCG đưa ra lấy ý kiến đều được thông qua với tỷ lệ tán thành trên dưới 79%.

Như vậy, cổ đông BCG đã nhất trí thông qua 4 nội dung:

(1)    Thông qua việc đầu tư vào các dự án BĐS và/hoặc Cty BĐS với số vốn tự có tham gia dự kiến là 720 tỷ đồng nhưng đảm bảo nhỏ hơn 35% tổng tài sản Công ty tại thời điểm BCTC gần nhất;

(2)    Thông qua việc ủy quyền cho HĐQT toàn quyền quyết định dự án BĐS và/hoặc công ty BĐS để đầu tư; lựa chọn thời điểm, thực hiện ký kết các văn bản, hợp đồng liên quan đến việc đầu tư, nhận chuyển nhượng dự án BĐS và/hoặc công ty BĐS;

(3)    Thông qua việc phát hành riêng lẻ cổ phần BCG với nội dung chủ yếu như sau: Số lượng cổ phần chào bán riêng lẻ 20 triệu cổ phần; Mệnh giá và giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phần; Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 01 năm kể từ ngày hoàn tất phát hành; Mục đích là toàn bộ số vốn thu được từ việc phát hành riêng lẻ sẽ được sử dụng cho mục đích thực hiện đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT/BT;

(4)    Thông qua việc ủy quyền cho HĐQT được toàn quyền tìm kiếm lựa chọn NĐT để phát hành cổ phần riêng lẻ, thực hiện thủ tục phát hành riêng lẻ theo quy định của pháp luật chứng khoán; thực hiện sửa đổi điều lệ, thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ và thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký DN phù hợp với vốn điều lệ mới sau khi kết thúc đợt phát riêng lẻ; thực hiện thủ tục lưu ký, niêm yết bổ sung cổ phiếu tương ứng và báo cáo ĐHĐCĐ tại cuộc họp gần nhất.

Từ vùng giá 21.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, BCG đã tụt dốc không phanh về chỉ còn trên dưới 5.000 đồng/cổ phần như hiện tại.

Như vậy, nếu kế hoạch phát hành 20 triệu cổ phiếu nêu trên diễn ra suôn sẻ, vốn điều lệ BCG sẽ lại phình thêm 200 tỷ đồng.

Nhưng kế hoạch này sẽ được thực hiện thế nào, khi mà thị giá cổ phiếu BCG hiện chỉ dao động quanh mức trên dưới 5.000 đồng/cổ phiếu; Trong khi phương án phát hành mà BCG nêu ra lại quy định “mệnh giá và giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phần”(?!).

Có khi nào các khoản ủy thác đầu tư sẽ tìm đường trở lại công ty….