|
LTS: Mới đi qua hơn 3 năm của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, hơn 100 cán bộ thuộc Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó nhiều người bị cách hết chức vụ, thậm chí vào tù vì liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Tính riêng năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng. Năm 2024, theo báo cáo mới nhất từ Ban Nội chính Trung ương, các cơ quan tố tụng đã khởi tố mới 285 vụ án, 646 bị can về tội tham nhũng. Điều đó cho thấy vấn đề phòng chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, phức tạp.
Nhìn lại các vụ án tham nhũng từ nhỏ đến lớn, VietTimes đã nghiên cứu thủ đoạn, hành vi của từng quan tham trong các vụ án.
Loạt bài này sẽ nhận diện các quan tham ở Việt Nam gần đây, từ đó cùng các chuyên gia lý giải và đưa ra các giải pháp phòng ngừa tận gốc nạn tham nhũng.
Bài 1: Quan tham liên minh doanh nghiệp thổi giá, “rút ruột” ngân sách
Bài 2: Quan tham dùng ảnh hưởng giúp doanh nghiệp thâu tóm dự án, gói thầu
Bài 3: Lũng đoạn ngân hàng, “rút ruột” nhân dân
Bài 4: Hứa hẹn “chạy án” bất thành, quan chức “ngã ngựa”
Sao tham thế?
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phòng, chống tham ô, lãng phí trong Đảng, Nhà nước; Người cho rằng tham ô, lãng phí là “bất liêm”, là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, là “tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội”. Người chỉ ra bản chất của tham ô là hành vi “ăn cắp của công, của riêng của người ta, hay của nhân dân”, “lấy của công làm của tư”, là “gian lận, tham lam”, là “không tôn trọng của công”. “Của công” chính là “mồ hôi nước mắt của đồng bào làm ra, do xương máu của chiến sĩ làm ra”.
Còn người học trò xuất sắc của Bác là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: Tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng không thể chủ quan, nóng vội, thỏa mãn; không được né tránh, cầm chừng; trái lại, phải rất kiên trì, không "ngừng", không "nghỉ".
Tới nay, có thể khẳng định, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Theo ông Đặng Văn Dũng - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 2/2024, có 105 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.
Trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Trong đó, lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Ngoài ra, các cơ quan tố tụng trên cả nước đã khởi tố hơn 4.500 vụ, hơn 9.370 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 46% về số vụ án so với năm 2022). Riêng án tham nhũng tăng gần 2 lần về số vụ và hơn 2 lần về số bị can.
Theo dõi loạt bài "Nhận diện quan tham ở Việt Nam đã và giải pháp phòng ngừa", nhiều bạn đọc của VietTimes thắc mắc những người đang là bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư tỉnh ủy, phó chủ tịch tỉnh, giám đốc sở… thiếu thốn gì mà sao lại bắt tay với doanh nghiệp trục lợi để rồi "vướng vòng lao lý"?
Để lý giải cho sự tha hóa ấy chắc chắn sẽ có vô vàn lý do nhưng có lẽ, nhiều người đều sẽ quy về cái chung nhất là lòng tham. Thực tế cũng cho thấy, khi kiểm tra vi phạm của ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư tỉnh ủy Hải Dương), ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai)… những quan chức trục lợi trong các vụ án như Việt Á, “Chuyến bay giải cứu”, AIC, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều kết luận, các quan chức này đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Nói về việc đấu tranh phòng chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn là phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai lĩnh vực này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, đây là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Ông cũng không ít lần căn dặn lãnh đạo, cán bộ, đảng viên: "Đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ". Điều quan trọng là đạo đức, danh dự.
Chứng kiến cảnh các cựu quan chức trong các vụ án Việt Á, “Chuyến bay giải cứu”, AIC, Vạn Thịnh Phát… bày tỏ sự ân hận khi hầu tòa, đối diện với công luận mới thấy thấm thía những lời răn dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện đớn hèn vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất".
Những giải pháp diệt tận gốc quan tham
Trao đổi với VietTimes, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban kiểm tra Trung ương) và ông Trương Việt Toàn (nguyên Thẩm phán, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân TP Hà Nội) đều cho rằng sự tham lam, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống của các quan chức là nguyên nhân dẫn tới các vụ án như Việt Á, chuyến bay giải cứu, AIC, Vạn Thịnh Phát.
Vì vậy, việc đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của các bộ, đảng viên là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, là cái gốc cần phải chống như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh.
Nói về các giải pháp căn cơ để ngăn chặn tham nhũng và hiện tượng cán bộ, quan chức móc ngoặc trục lợi, ông Ngô Văn Sửu cho rằng cần phải thực hiện 6 giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục đấu tranh phòng chống tham nhũng làm trong sạch Đảng, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Rèn luyện cán bộ có tài, có đức, chỗ nào chưa trong sạch thì phải thanh lọc. Tiếp tục đấu tranh không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý nghiêm người đứng đầu.
“Việc này phải kiên trì, lâu dài, làm từng bước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói.” – ông Sửu nói.
Thứ hai, trong công tác cán bộ phải kịp thời phát hiện xử lý được cán bộ cơ hội. Chạy chức, chạy quyền hay lạm quyền, thiếu nguyên tắc, thiếu tập trung dân chủ… là biểu hiện cụ thể của cán bộ cơ hội.
“Cán bộ cơ hội giỏi luồn lách nên cần cả một quá trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì mới dần hạn chế và tiến tới chấm dứt.” – ông Sửu nói.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên, bất cứ một quyết định quản lý chủ trương nào của nhà nước đều phải được kiểm tra để xác định chủ trương đó đúng hay không đúng. Quyết định ấy có chính xác hay không chính xác.
Thứ tư, phải cắt được “đường dây quan chức móc ngoặc” khép kín với nhau để trục lợi. Muốn phát hiện được đường dây quan chức móc nối với nhau trục lợi chỉ có cách làm tốt công tác tổ chức cán bộ, cắt đứt được mối liên kết, luân chuyển tổ chức cán bộ.
Thứ năm, phát hiện sớm doanh nghiệp “sân sau” của công chức nhà nước, đặc biệt là quan chức cấp cao, xem xét, kết luận, nếu có phải triệt tiêu “sân sau” của họ.
Thứ sáu, cần xem xét, bổ sung hoàn chỉnh, hoàn thiện tất cả các văn bản thuộc hệ thống pháp luật của Đảng và nhà nước. Làm sao các văn bản ấy phải chính xác, khoa học, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia xét xử các vụ “đại án”, ông Trương Việt Toàn cho rằng, để phòng ngừa quan chức trục lợi nhờ vị trí công tác thì công tác cán bộ đóng vai trò hết sức quan trọng.
“Có những người đứng đầu cơ quan, đơn vị như những “ông vua con”, cố tình làm trái, không quan tâm đến ý kiến của đội ngũ cán bộ, trong nội bộ đơn vị. Lợi dụng vị trí của mình để đưa ra các quyết định có lợi cho bản thân và gia đình”. Hệ quả theo ông, không chỉ người lãnh đạo đó sai phạm mà còn kéo theo nhiều người ở dưới sai phạm theo.
Những vi phạm đó không được kịp thời phát hiện, dẫn đến người vi phạm, sau mỗi nhiệm kỳ lại “leo cao”. Nên hàng loạt quan chức cấp cao vừa qua bị xử lý do những sai phạm ở vị trí công tác trước đó.
Theo ông Toàn, qua thực tiễn xét xử, có thể thấy, cần phải làm tốt hơn nữa việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.
“Qua một số vụ án tôi thấy, có người đứng đầu các đơn vị đã lợi dụng quy định này để tiến hành luân chuyển những người có tiếng nói khác, hoặc không cùng ê kíp. Đúng là có những vị trí cần phải chuyển đổi, nhưng cũng có những vị trí đâu nhất thiết phải luân chuyển.
Nếu chúng ta không có những quy định chặt chẽ thì người ta sẽ lợi dụng vào đó để luân chuyển những người góp ý, phê bình, và đưa những người cùng ê kíp vào nhằm thực hiện các “thương vụ” vi phạm." - ông Toàn nói.
Ông Trương Việt Toàn cho biết thêm, để phòng chống quan chức trục lợi “rút ruột” ngân sách từ các dự án đầu tư công, cần có những giải pháp minh bạch hóa quá trình đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, chấm dứt cơ chế xin – cho, tăng cường giám sát, thanh kiểm tra. Tuy nhiên, ông Toàn cũng nhấn mạnh, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất nên trong việc tổ chức cán bộ, phải chọn đúng người có đủ năng lực, có tư chất đạo đức vững vàng, không bị cám dỗ bởi vật chất tầm thường thì quan tham sẽ “không có đất sống”.
Ngoài ra, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân TP Hà Nội còn cho rằng, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy tốt nguồn nhân lực cũng là việc làm rất quan trọng từ đó tiết kiệm chi phí ngân sách, tiến tới tăng thu nhập cho cán bộ công chức, viên chức có năng lực, chuyên môn cao. Khi có thu nhập tốt thì ít người nghĩ tới việc sách nhiễu, tham nhũng.
"Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đây là chiến lược đúng đắn, "một xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược" như Thủ tướng nói.
Cùng với việc chuyển đổi số, chúng ta có thể tinh gọn bộ máy, giảm bớt thủ tục hành chính vốn gây phiền hà cho người dân, đồng thời tránh tình trạng hết cấp này đến cấp khác nhũng nhiễu, tham nhũng vặt.
Từ việc tinh gọn bộ máy, áp dụng công nghệ số thì Nhà nước thể tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập cho người cán bộ, quan chức có năng lực. Khi thu nhập được cải thiện, nhổ gốc tham nhũng vặt thì cán bộ công chức sẽ có thói quen làm việc công khai, minh bạch, hiệu quả." - ông Trương Việt Toàn phân tích.
TS toán học Nguyễn Ngọc Chu thì cho rằng việc giám sát kê khai tài sản, theo dõi, giám sát thu nhập và biến động tài sản của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các quan chức cấp cao rất quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn sớm hành vi tham nhũng.
“Cần có thước đo cho chính cán bộ, đảng viên, những thước đo từ cả bên trong lẫn cả bên ngoài. Thước đo ngoại vi ấy là gì? Chính là công cụ thuế, công cụ theo dõi, giám sát thu nhập và biến động tài sản thường niên để mỗi khi phát hiện quan chức gia tăng tài sản đột biến đều có thể mở ra một cuộc điều tra, điều trần minh bạch.
Nói thẳng, các công cụ thước đo bên ngoài này phải làm quan chức, cán bộ cảm thấy sợ sa ngã, sợ vi phạm và hình thành tập quán mới về minh bạch thu chi cá nhân của mình.
Trong xu hướng số hóa dữ liệu công dân và thống nhất tích hợp các thông tin cơ sở của mỗi công dân hiện nay, việc theo dõi, giám sát các nguồn thu bất thường đang ngày càng trở nên dễ dàng hơn”, TS toán học Nguyễn Ngọc Chu nói.
Trao đổi với GS Nguyễn Hữu Liêm, nguyên Chủ nhiệm khoa triết (San Jose City College, California, Hoa Kỳ) về kinh nghiệm phòng chống tham nhũng ở Mỹ và các nước phương Tây, ông cho biết: “Ở Mỹ và các nước Tây Âu, việc chống lạm quyền nói chung và chống tham nhũng nói riêng chủ yếu được nhấn mạnh ở khâu thể chế, tức là việc tổ chức bộ máy nhà nước sao cho các nhánh quyền lực có thể kiểm tra, giám sát lẫn nhau và thiết lập sự kiểm soát từ phía xã hội. Nguyên tắc này được thể hiện trong một loạt chính sách về tổ chức bộ máy chính trị và công quyền.
Thể chế, cơ chế, chính sách dù có chặt chẽ và hoàn thiện đến đâu đi chăng nữa thì yếu tố con người để thực thi cơ chế, chính sách vẫn là quan trọng nhất. Vì vậy công tác lựa chọn nhân sự cho các cấp quản lý, lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu (tại Hội nghị của Tiểu Ban Công tác nhân sự Đảng XIV) vừa qua: “Lựa chọn những cán bộ có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương. Có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, có “sản phẩm” cụ thể, rõ rệt; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công. Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc (“chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”)”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi chống “móc ngoặc” từ năm 1978
Trong bài viết “Móc ngoặc” đăng trên Tạp chí Cộng sản số tháng 8/1978, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đưa ra tầm nhìn chiến lược trong việc phòng chống, đấu tranh, chặn đứng hiện tượng “móc ngoặc” để tham nhũng.“Chỉ cần mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là những người lãnh đạo, thật sự bắt tay vào thực hiện, thực hiện nghiêm chỉnh, kiên quyết, triệt để; thực hiện không hề có chữ “nhưng” nào đi kèm, thì chúng ta sẽ chặn đứng được hiện tượng móc ngoặc, sẽ quét sạch được những con “sâu mọt” muốn đục khoét tài sản của Nhà nước, những “con sâu bỏ rầu nồi canh” làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của đội ngũ chúng ta.”
(Trích bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên Tạp chí Cộng sản số tháng 8/1978).
Trung Quốc, một quốc gia có thể chế giống Việt Nam sau nhiều năm chống tham nhũng quyết liệt đã đạt được những kết quả khả quan. Còn Singapore, là một trong số ít quốc gia trong sạch nhất thế giới. Vậy, chính sách chống tham nhũng của hai nước này có gì đặc biệt để tham khảo, học hỏi?
Trong bài cuối của tuyến bài "Nhận diện quan tham ở Việt Nam và giải pháp phòng ngừa", VietTimes trân trọng mời quý độc giả đón đọc bài viết: “Bài học chống quan tham từ Trung Quốc và Singapore".