Bài 2: Quan tham dùng ảnh hưởng giúp doanh nghiệp thâu tóm dự án, gói thầu

E-magazine Bài 2: Quan tham dùng ảnh hưởng giúp doanh nghiệp thâu tóm dự án, gói thầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nếu Phan Quốc Việt tạo ra Việt Á để trục lợi thì Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm Chủ tịch HĐQT đã “móc ngoặc” với nhiều cán bộ, quan chức ở TP.HCM, Đồng Nai để “gom thầu”, “rút ruột” ngân sách Nhà nước.

LTS: Mới đi qua hơn 3 năm của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, hơn 100 cán bộ thuộc Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó nhiều người bị cách hết chức vụ, thậm chí vào tù vì liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Tính riêng năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng. Năm 2024, theo báo cáo mới nhất từ Ban Nội chính Trung ương, các cơ quan tố tụng đã khởi tố mới 285 vụ án, 646 bị can về tội tham nhũng. Điều đó cho thấy vấn đề phòng chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, phức tạp.

Nhìn lại các vụ án tham nhũng từ nhỏ đến lớn, VietTimes đã nghiên cứu thủ đoạn, hành vi của từng quan tham trong các vụ án. Loạt bài này sẽ nhận diện các quan tham ở Việt Nam gần đây, từ đó cùng các chuyên gia lý giải và đưa ra các giải pháp phòng ngừa tận gốc nạn tham nhũng.

Bài 1: Quan tham liên minh doanh nghiệp thổi giá, “rút ruột” ngân sách

Trao đổi với VietTimes, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ 1, Ủy ban kiểm tra Trung ương), đánh giá qua các vụ Việt Á hay AIC, hiện tượng “móc ngoặc”, liên kết giữa quan chức với quan chức, quan chức với doanh nghiệp đã được biến tướng, thủ đoạn tinh vi hơn so với trước đây. Nó trở thành hiện tượng phổ biến trong nhiều lĩnh vực, dự án đầu tư công.

Thực tế, nhiều năm qua, Công ty AIC thường xuyên trúng các gói thầu cung cấp thiết bị y tế, giáo dục, công nghệ và triển khai xây dựng các nhà máy xử lý rác thải y tế trên khắp cả nước. Một nguồn tin cho biết, khi xảy ra vụ án tại Công ty AIC, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực Trung ương đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương phải rà soát, báo cáo việc có quan hệ làm ăn (đấu thầu dự án) với AIC và gần 20 công ty liên quan đến AIC.

Kết quả rà soát cho thấy trong khoảng thời gian hơn 10 năm, AIC và các doanh nghiệp liên quan đã trúng hàng nghìn gói thầu mua sắm, đầu tư với tổng giá trị lên đến hơn 100.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy AIC đã có quan hệ làm ăn và ảnh hưởng lớn cỡ nào với chính quyền các cấp.

Trích dẫn Truyền cảm hứng Bài đăng Twitter (9).jpg

Ông Sửu dẫn chứng, ngày nay, một chủ doanh nghiệp chỉ cần được chụp ảnh với lãnh đạo và đem ảnh đó treo trong phòng làm việc, đăng tải trên mạng xã hội đã khiến nhiều người kiêng nể. Từ việc có quan hệ được với quan chức cấp Trung ương, cấp tỉnh, chủ doanh nghiệp như Phan Quốc Việt (Chủ tịch Công ty Việt Á) hay Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế - AIC)… có thể móc nối, thiết lập quan hệ với hệ thống cán bộ thuộc bộ và các sở ngành địa phương từ đó bắt tay nhau trục lợi, ăn chia.

Trước khi Việt Á “liên minh”, “móc ngoặc” với các quan chức, lợi dụng tình hình dịch bệnh cấp bách (dịch COVID-19) để trục lợi như đã nêu ở bài trước thì Công ty AIC do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn điều hành đã “móc ngoặc” với nhiều cán bộ, quan chức ở TP.HCM, Đồng Nai để “làm xiếc” đấu thầu thâu tóm các dự án đầu tư công, từ đó “rút ruột” ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Chủ doanh nghiệp “móc ngoặc” với quan chức cấp cao của tỉnh

Tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, để trúng được toàn bộ 16 gói thầu trị giá hơn 665 tỷ đồng tại dự án, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã “móc ngoặc” với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, từ đó câu kết với đại diện chủ đầu tư, nhân viên công ty thẩm định giá nâng giá thiết bị trong các gói thầu cao hơn giá thực tế, trước khi tung “quân xanh”, “quân đỏ” tham gia đấu thầu để thâu tóm các gói thầu.

Việc “móc ngoặc” này được thể hiện qua việc bà Nhàn gặp gỡ, thiết lập mối quan hệ với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đại diện chủ đầu tư để nhờ quan tâm, tạo điều kiện tham gia các dự án của tỉnh. Đổi lại, nữ chủ tịch AIC đã mạnh tay chi 43,8 tỷ đồng để hối lộ các quan chức tỉnh Đồng Nai.

Anh 1.jpeg
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Trong số những người nhận tiền của bà Nhàn có ông Trần Đình Thành, Bí Thư tỉnh ủy Đồng Nai từ 2004-2015. Vị quan chức này nhận tổng số tiền 14,5 tỷ đồng trực tiếp từ bà Nhàn. Với số tiền lớn như vậy, dễ hiểu khi người đứng đầu tỉnh Đồng Nai là một trong những lãnh đạo tỉnh “nhiệt tình” giúp đỡ bà Nhàn và AIC nhất.

Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai khởi công tháng 12/2008, đưa vào sử dụng tháng 4/2015 với quy mô 700 giường giai đoạn 1, nâng lên 1.400 giường trong tương lai.

Sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án lên đến 2.076 tỷ đồng, trong đó chi phí thiết bị là 1.009 tỷ đồng.

Nhờ có sẵn mối quan hệ với ông Trần Đình Thành, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt danh mục thiết bị y tế tại Dự án xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, bà Nhàn đã dẫn theo cấp dưới là bà Hoàng Thị Thúy Nga (khi đó là Trưởng ban quản lý dự án phụ trách khu vực phía Nam của AIC, sau này là Phó Tổng giám đốc) tới gặp ông Thành đề nghị hỗ trợ, giới thiệu gặp gỡ lãnh đạo tỉnh và các sở ngành, bệnh viện.

Ông Thành đồng ý và giới thiệu nữ Chủ tịch AIC với ông Đinh Quốc Thái (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai), bà Bồ Ngọc Thu (khi đó là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), ông Phan Huy Anh Vũ (khi đó là Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, đại diện chủ đầu tư dự án) và một số người khác.

Ông Thành sau đó còn trực tiếp giới thiệu Công ty AIC cho Phan Huy Anh Vũ và nói ông Vũ tạo điều kiện thuận lợi cho AIC tham gia đấu thầu dự án mua sắm thiết bị y tế.

Bai2-ba-nhan.jpg

Cũng nhận 14,5 tỷ đồng như ông Trần Đình Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cũng tích cực giúp đỡ bà Nhàn. Sau khi được Bí thư Tỉnh ủy “kết nối”, ông Thái biết bà Nhàn đã hỗ trợ, giúp UBND tỉnh xin tăng vốn đầu tư dự án và quen thân với ông Thành nên phải tạo điều kiện cho AIC trúng thầu.

Quá trình thực hiện dự án, ông Thái đã nhiều lần nhận tiền của bà Nhàn để ký các quyết định phê duyệt, điều chỉnh dự án, phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án trái quy định pháp luật và chỉ đạo, tác động Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bồ Ngọc Thu, ông Phan Huy Anh Vũ tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng 16 gói thầu trái quy định.

Với hàng loạt vi phạm tạo điều kiện cho AIC trúng thầu, ông Phan Huy Anh Vũ được bà Nhàn hối lộ 14,8 tỷ đồng, còn bà Bồ Ngọc Thu nhận tiền từ AIC 1 tỷ đồng vào dịp Lễ, Tết.

Hành vi “móc ngoặc” giữa bà Nhàn và các quan chức tỉnh Đồng Nai để AIC thâu tóm 16 gói thầu trị giá hơn 665,7 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 152 tỷ đồng.

Tại TP.HCM, với thủ đoạn gần như tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và AIC đã “thâu tóm” cả 8 gói thầu tại dự án mua sắm trang thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm thuộc Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) TP.HCM.

Anh 1.jpeg
Cựu Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành.

Một trong những “mắt xích” quan trọng để nữ Chủ tịch AIC “mở đường” thâu tóm các gói thầu là ông Dương Hoa Xô (Giám đốc Trung tâm CNSH, đại diện chủ đầu tư dự án).

Theo đó, khoảng tháng 4/2014, bà Nhàn đã gặp ông Dương Hoa Xô (Giám đốc Trung tâm CNSH, đại diện chủ đầu tư dự án) và trao đổi về các gói thầu tại dự án liên quan tới Trung tâm CNSH. Bà Nhàn đề nghị ông Xô tạo điều kiện cho AIC tham gia, trúng thầu để thực hiện các gói thầu này và gợi ý phía công ty sẽ gửi quà cảm ơn ông Xô và anh em trong Trung tâm CNSH.

Hiểu ý bà Nhàn, ông Dương Hoa Xô sau đó đã tích cực giúp Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định tham gia đấu thầu, trúng thầu trái luật. Ông Xô cũng chỉ đạo nhân viên Trung tâm CNSH nâng khống giá trị gói thầu, thực hiện hành vi thông thầu. Với thủ đoạn tung “quân xanh”, “quân đỏ” quen thuộc, AIC đã trúng 8 gói thầu tại dự án.

Với việc “giúp sức”, tạo điều kiện cho AIC trúng thầu, ông Dương Hoa Xô được bà Nhàn “cảm ơn” số tiền 14,4 tỷ đồng. Ngoài ông Dương Hoa Xô, còn nhiều cán bộ, quan chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước cũng vì vụ lợi đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để làm trái các quy định, từ đó tạo điều kiện cho AIC trúng thầu dự án trên gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 94 tỷ đồng.

Công thức thâu tóm gói thầu

Từ 2 vụ án xảy ra tại Việt Á và AIC, có thể thấy, Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Phan Quốc Việt đã sử dụng chung công thức để thâu tóm các gói thầu được chi trả bằng ngân sách Nhà nước.

Bước đầu tiên, Nhàn và Việt sẽ sử dụng mối quan hệ có sẵn hoặc tiếp xúc, thiết lập mối quan hệ với lãnh đạo cấp cao ở Trung ương, người đứng đầu bộ ngành, các tỉnh thành và các sở ban ngành, đại diện chủ đầu tư dự án. Từ đó, Nhàn và Việt đề nghị quan chức tác động, tạo điều kiện để AIC, Việt Á tham gia đấu thầu và trúng thầu, thậm chí còn hứa hẹn cảm ơn, ăn chia với nhau.

Sau khi đã móc ngoặc được với các quan chức, Nhàn và Việt sẽ làm đẹp hồ sơ của công ty, thổi giá sản phẩm.

Tới giai đoạn đấu thầu, công ty của Nhàn và Việt sẽ móc nối với cán bộ quan chức để thông đồng với nhau hợp thức hóa hồ sơ chỉ định thầu hoặc tung “quân xanh”, “quân đỏ” tham gia đấu thầu để trúng thầu.

Quá trình “gom thầu”, thực hiện dự án, Nhàn và Việt mạnh tay chi hàng chục tỷ đồng để “lobby”, hối lộ các quan chức đã tạo điều kiện giúp công ty của mình trúng thầu.

Trao đổi với VietTimes, ông Trương Việt Toàn, nguyên Thẩm phán, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân TP Hà Nội, cho rằng từ góc độ người làm công tác pháp luật, xét xử nhiều vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, ông nhận thấy các quy định về đấu thầu hiện nay rất chặt chẽ, không có kẻ hở nhưng quan chức và doanh nghiệp bất chấp vi phạm để trục lợi. Vì thế, có thể nói, nguyên nhân dẫn nhiều vụ án vi phạm đấu thầu là do yếu tố con người.

Theo ông Toàn, về phía doanh nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp biết năng lực công ty không đáp ứng được yêu cầu dự thầu nhưng vì chi phí bỏ ra để xây dựng, phát triển công ty có đủ năng lực tham gia dự thầu lớn nên họ chọn cách “đi cửa sau”, “đi đêm” với quan chức, đơn vị thẩm định, chủ đầu tư để thông thầu lấy dự án rồi ăn chia. Phương án “đi cửa sau” vừa có chi phí thấp hơn lại có khả năng thắng thầu lớn nên được nhiều chủ doanh nghiệp lựa chọn.

toaTPn.png

Ngoài ra, theo ông Toàn, cơ chế xin – cho cũng tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau. Trong khi về phía cơ quan nhà nước, cơ chế này tạo nên các nhóm lợi ích, các quan chức liên kết với nhau thành đường dây để trục lợi.

“Từ việc doanh nghiệp không đủ năng lực nhưng vẫn trúng thầu nhờ thông đồng với quan chức mới dẫn tới việc nhiều gói thầu bị nâng khống giá, bị chậm tiến độ, bị treo gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.” – ông Toàn nói và cho rằng, để phòng chống các vi phạm về đấu thầu cần có giải pháp để minh bạch hóa quá trình đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, chấm dứt cơ chế xin – cho, đặc biệt phải làm tốt công tác sắp xếp, tổ chức cán bộ, chọn người có đủ năng lực, tư chất đạo đức vững vàng, tăng cường giám sát, thanh kiểm tra.

“Khi doanh nghiệp đủ năng lực, làm ăn nghiêm túc, không xin - cho, cán bộ thanh tra giám sát không vụ lợi, không bị mua chuộc như vụ Vạn Thịnh Phát, làm đúng quy trình, quy định thì quan tham sẽ hết đất sống vì các sai phạm bị đưa ra ánh sáng, chủ doanh nghiệp cũng phải làm ăn đàng hoàng nếu không muốn vướng vòng lao lý” - ông Trương Việt Toàn nói.

Không chỉ với liên minh, móc ngoặc với doanh nghiệp để “rút ruột” ngân sách, nhiều cán bộ, quan chức còn nhận hối lộ để “nhắm mắt làm ngơ”, bỏ qua sai phạm, thậm chí ép buộc, vòi vĩnh tiền từ doanh nghiệp trắng trợn khiến người dân gánh chịu thiệu hại lớn.

VietTimes trân trọng mời quý độc giả đón đọc bài tiếp theo “Lũng đoạn ngân hàng, “rút ruột” nhân dân" nằm trong tuyến bài "Nhận diện quan tham ở Việt Nam và giải pháp phòng ngừa".