|
Trung Quốc là một trong những quốc gia tiên phong trong việc triển khai và ứng dụng 5G trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ y tế, giao thông, công nghiệp đến giải trí và giáo dục.
Y tế thông minh
Đầu tiên có thể kể đến việc ứng dụng 5G trong lĩnh vực y tế. Vào năm 2019, các bác sĩ tại Bệnh viện Quân Y Trung Quốc đã thực hiện thành công một ca phẫu thuật từ xa đầu tiên trên thế giới thông qua kết nối 5G. Ca phẫu thuật này được thực hiện tại Bắc Kinh trong khi bác sĩ điều khiển các thiết bị phẫu thuật từ một phòng khám cách xa khoảng 50 km.
Các bác sĩ sử dụng một hệ thống robot phẫu thuật kết nối qua mạng 5G, cho phép điều khiển chính xác các dụng cụ phẫu thuật từ xa. Nhờ vào độ trễ cực thấp của 5G (khoảng 2 mili giây), các chuyển động của robot diễn ra gần như tức thì.
Kết quả là ca phẫu thuật đã diễn ra suôn sẻ và bệnh nhân không gặp biến chứng nào. Điều này chứng minh rằng 5G có khả năng cung cấp đường truyền dữ liệu ổn định và có tốc độ cao, cho phép các bác sĩ điều khiển thiết bị y tế từ xa một cách chính xác.
Cũng trong năm 2019, một bác sĩ tại Bắc Kinh đã thực hiện một ca phẫu thuật cấy ghép não từ xa cho một bệnh nhân Parkinson, cách xa hơn 3.000 km tại tỉnh Hải Nam. Đây là ca phẫu thuật từ xa có khoảng cách xa nhất được thực hiện nhờ vào công nghệ 5G tại thời điểm đó.
Các tín hiệu điều khiển và hình ảnh từ camera phẫu thuật được truyền qua mạng 5G, đảm bảo không có độ trễ trong quá trình điều khiển. Bác sĩ có thể quan sát và thực hiện các thao tác chính xác thông qua hình ảnh 4K được truyền trực tiếp. Bệnh nhân đã hồi phục tốt sau ca phẫu thuật và không gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Tại Vũ Hán, trong đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã sử dụng 5G để triển khai các hệ thống chẩn đoán từ xa. Các bệnh viện dã chiến được kết nối với các bệnh viện lớn thông qua mạng 5G, cho phép các chuyên gia y tế chẩn đoán và tư vấn từ xa một cách hiệu quả.
Giao thông thông minh
Không chỉ ứng dụng 5G trong y tế, Trung Quốc còn đi đầu trong triển khai xe tự hành và hệ thống giao thông thông minh. Điển hình như công ty công nghệ Baidu đã hợp tác với nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải để phát triển hệ thống xe tự hành sử dụng 5G. Những chiếc xe tự hành này có thể nhận diện giao thông, điều chỉnh lộ trình và tự lái một cách an toàn nhờ vào khả năng truyền dữ liệu nhanh và chính xác của 5G.
Nhiều thành phố tại Trung Quốc đã triển khai hệ thống đèn giao thông thông minh dựa trên 5G, giúp tối ưu hóa luồng giao thông thông qua việc giám sát và điều chỉnh thời gian đèn giao thông theo thời gian thực.
Nhà máy thông minh
Các nhà máy của Huawei và Foxconn đã ứng dụng 5G để tự động hóa quá trình sản xuất, với việc kết nối các robot sản xuất và hệ thống cảm biến IoT thông qua mạng 5G. Điều này giúp tăng cường độ chính xác trong sản xuất và giảm thiểu sai sót.
Trong khi đó, một số nhà kho tại Thâm Quyến và Quảng Châu sử dụng 5G để quản lý kho hàng tự động, từ việc xếp dỡ hàng hóa bằng robot đến theo dõi vị trí của từng sản phẩm trong kho.
Nông nghiệp thông minh
Nông nghiệp cũng là một lĩnh vực sớm được áp dụng công nghệ 5G. Tại các trang trại lớn ở Nội Mông và Hà Bắc, Trung Quốc sử dụng mạng 5G để kết nối các cảm biến IoT, giám sát tình trạng đất, độ ẩm, và chất dinh dưỡng trong đất theo thời gian thực. Các drone điều khiển từ xa qua 5G cũng được sử dụng để phun thuốc trừ sâu và giám sát mùa màng.
Hệ thống robot thu hoạch tự động được kết nối với 5G giúp tối ưu hóa quá trình thu hoạch và giảm thiểu công sức lao động.
Giải trí và truyền thông
5G được Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) sử dụng để để phát sóng trực tiếp các sự kiện thể thao và văn hóa với chất lượng 8K. Mạng 5G giúp truyền tải video chất lượng cao mà không có độ trễ, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khán giả.
Trong khi đó, tại Bắc Kinh và Thượng Hải, nhiều công viên giải trí đã triển khai các trò chơi VR sử dụng mạng 5G, cho phép người chơi trải nghiệm thế giới ảo với độ phân giải cao và không có độ trễ.
Thành phố thông minh
Từ nhiều năm trước, Trung Quốc đã nổi tiếng với hệ thống camera giám sát được lắp đặt ở mọi thành phố lớn. Hệ thống này có tên gọi là Skynet, gồm hơn 600 triệu camera có nhiệm vụ theo dõi các hoạt động diễn ra tại quốc gia tỉ dân.
Nhiều thành phố trong đó có Bắc Kinh, Thâm Quyến và Quảng Châu đã tích hợp hệ thống camera an ninh kết nối qua 5G để giám sát an ninh đô thị. Hệ thống này sử dụng AI để phân tích dữ liệu video từ camera, giúp phát hiện và cảnh báo kịp thời các hành vi bất thường.
Ngoài ra, một số thành phố cũng sử dụng hệ thống cảm biến kết nối qua 5G giám sát tình trạng tiêu thụ năng lượng và nước, giúp quản lý tài nguyên hiệu quả hơn trong các khu đô thị lớn.
Giáo dục và đào tạo
Tại Bắc Kinh và Thượng Hải, nhiều trường học và đại học đã triển khai các lớp học trực tuyến chất lượng cao dựa trên 5G. Mạng 5G giúp duy trì kết nối video chất lượng cao trong các lớp học từ xa, không có độ trễ, giúp sinh viên ở các vùng xa có thể tiếp cận với giáo dục chất lượng.
Các lớp học với thiết bị thực tế ảo (VR) sử dụng 5G cho phép sinh viên trải nghiệm các mô hình 3D trong các môn khoa học như sinh học, hóa học, và địa lý.
Logistic và chuỗi cung ứng
Một số doanh nghiệp logistic tại Thượng Hải đã phát triển các kho hàng thông minh sử dụng 5G để quản lý hàng hóa, theo dõi vị trí và tình trạng của từng mặt hàng. Xe tải tự hành kết nối 5G được sử dụng để vận chuyển hàng hóa trong các khu vực kho, giúp tối ưu hóa quy trình vận chuyển.
Các hệ thống giám sát hàng hóa thông qua 5G cho phép theo dõi vị trí và tình trạng của các container trên biển, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm chi phí vận hành.
Sự cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến cách tiếp cận đối với các công nghệ mới của Trung Quốc - trong đó có 5G, khác biệt so với Mỹ. Trong khi việc xây dựng mạng 5G ở Mỹ dựa vào các công ty tư nhân, thì ở Trung Quốc chính phủ lại là "nhà tài trợ" lớn.
Trung Quốc muốn vượt Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên phủ sóng 5G trên toàn quốc, thậm chí giúp các công ty viễn thông Trung Quốc có thể vươn ra giành nhiều hợp đồng trên thế giới. (Trên thực tế, mạng 5G do Trung Quốc xây dựng đang lan rộng khắp Châu Phi và Châu Mỹ La tinh). Trung Quốc còn muốn mình trở thành người điều khiển cuộc chơi khi thúc đẩy sự tham gia của các công ty Trung Quốc vào các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đảm bảo rằng các tiêu chuẩn toàn cầu tương thích với công nghệ Trung Quốc cho các thế hệ mạng di động tương lai.
Từ năm 2013, Trung Quốc coi 5G là một phần cốt lõi trong chính sách khoa học và công nghệ của mình. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia và Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập "Nhóm thúc đẩy 5G IMT-2020" vào năm 2013, hình thành nên liên minh giữa chính phủ và ngành công nghiệp để thúc đẩy quá trình 5G.
Trung Quốc cũng đã ban hành 2 chính sách thúc đấy phát triển 5G gồm:
Made in China 2025: Chính sách này khuyến khích sản xuất công nghệ cao, trong đó 5G là một yếu tố cốt lõi để thúc đẩy các ngành công nghiệp, từ sản xuất thông minh đến chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp.
Kế hoạch phát triển ngành công nghệ thông tin và truyền thông 5 năm (2021-2025): Kế hoạch này đặt mục tiêu tăng cường phát triển mạng 5G, mở rộng phạm vi phủ sóng, và đạt được 560 triệu thuê bao 5G vào năm 2023, tạo điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành công nghệ.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã cấp giấy phép 5G thương mại cho ba nhà khai thác viễn thông nhà nước lớn của nước này là China Mobile, China Unicom và China Telecom vào tháng 6 năm 2019. Vào tháng 11 cùng năm, cả ba đều đã ra mắt mạng 5G thương mại, đánh dấu sự triển khai nhanh chóng từ các kế hoạch ban đầu của Trung Quốc là ra mắt vào năm 2020. Chính phủ đã hỗ trợ ngân sách rất lớn để 3 nhà mạng triển khai hàng triệu trạm gốc 5G trên toàn quốc.
Đối với băng tần dùng để khai thác 5G, trong khi các nhà mạng Hoa Kỳ phải đấu giá 2,7 tỉ USD cho phổ tần 5G, thì chính phủ Trung Quốc cung cấp băng tần gần như miễn phí.
Chính phủ Trung Quốc cũng cung cấp các khoản vay ưu đãi và trợ cấp cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ 5G. Các công ty Huawei, China Mobile và ZTE đã tham gia chặt chẽ vào việc phát triển công nghệ 5G. Theo một bài báo nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard, ngân sách dành cho R&D của một số công ty công nghệ lớn của Trung Quốc là 22%, trong đó bao gồm các khoản trợ cấp của chính phủ. Các ngân hàng chính sách nhà nước Trung Quốc có thể cung cấp các khoản vay lớn và đảm bảo thị phần cho các doanh nghiệp phát triển công nghệ 5G đối với các hợp đồng trong nước.
Tất nhiên, chính phủ cũng khuyến khích khu vực tư nhân và nhà nước nhanh chóng áp dụng các ứng dụng của 5G trong các lĩnh vực mà bài viết đã đề cập ở trên.
Nhờ sự tài trợ của chính phủ mà 5G giờ đây đã trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Theo thống kê của Hiệp hội ngành công nghiệp di động (GSMA), Trung Quốc đã vượt qua 800 triệu thiết bị kết nối 5G vào cuối năm 2023 (tức là hơn một nửa dân số Trung Quốc đã kết nối 5G) và dự kiến con số này sẽ tăng lên 1 tỉ vào cuối năm 2024.
Cũng theo GSMA, đóng góp của 5G vào GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt gần 260 tỉ USD vào năm 2030. Các nhà mạng viễn thông của nước này hiện đã sẵn sàng cho "giai đoạn tiếp theo" của quá trình phát triển công nghệ, trong đó tăng cường đầu tư vào 5G-Advanced, được coi là mạng di động thế hệ thứ 5 rưỡi (5G+).
Mạng 5G ở Hàn Quốc được triển khai từ năm 2018. Theo hãng nghiên cứu thị trường Omdia, tỉ lệ dân số sử dụng 5G ở Hàn Quốc là khoảng 36%. Năm 2021, Hàn Quốc xếp ở vị trí số 1 thế giới về tốc độ tải dữ liệu của mạng 5G, nhanh hơn Đài Loan (Trung Quốc) 4 lần và nhanh hơn Mỹ khoảng 10 lần, theo dữ liệu của Speedcheck.
Tương tự như Trung Quốc, chính phủ Hàn Quốc cũng đã ban hành những chính sách để khuyến khích và tập trung phát triển 5G. Tiêu biểu có thể kể đến:
ICT Vision 2025: Hàn Quốc đặt mục tiêu đưa công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) thành động lực chính cho nền kinh tế, trong đó 5G là nền tảng quan trọng để thúc đẩy công nghệ thông minh như AI, dữ liệu lớn, và IoT.
Digital New Deal: Đây là một trong những sáng kiến lớn của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, và giao thông thông qua ứng dụng 5G. Chính phủ đầu tư hàng tỉ USD vào hạ tầng 5G, hỗ trợ doanh nghiệp và nghiên cứu công nghệ mới.
Từ năm 2019 đến nay, chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ các nhà mạng lớn như SK Telecom, KT Corporation và LG U+ để triển khai mạng lưới 5G rộng rãi cũng như liên tục cải tiến chất lượng mạng, tăng cường tốc độ kết nối và độ phủ sóng.
Chính phủ cũng hỗ trợ tài chính cho các công ty công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu để phát triển các ứng dụng mới dựa trên 5G. Bài báo của The Korea Herald cho biết số tiền tài trợ của chính phủ Hàn Quốc cho việc nghiên cứu và triển khai 5G trong giai đoạn vừa qua là hơn 30 nghìn tỉ won (26,2 tỉ USD). Trong năm nay, chính phủ Hàn Quốc tiếp tục đầu tư 130 triệu USD cho 5G và triển khai nghiên cứu 6G.
Nhờ những chính sách này mà Hàn Quốc hiện nay nằm trong top các quốc gia triển khai 5G thành công nhất trên thế giới.
Trong khi Trung Quốc thực hiện ca phẫu thuật từ xa qua nền tảng 5G lần đầu tiên vào năm 2019, thì Hàn Quốc trong năm đó cũng thực hiện một ca phẫu thuật tương tự.
Các bác sĩ của Đại học Quốc gia Seoul đã thực hiện một ca phẫu thuật từ xa trên một chú chó bằng mạng 5G. Ca phẫu thuật được thực hiện tại hai địa điểm cách nhau hàng trăm km, đã diễn ra rất thành công.
Sau đó một năm các bác sĩ tại Hàn Quốc đã thực hiện một ca phẫu thuật từ xa khác, hợp tác với các chuyên gia của Mỹ. Ca phẫu thuật này sử dụng công nghệ video truyền hình 4K qua mạng 5G, cho phép các bác sĩ tại Hàn Quốc và Mỹ làm việc cùng nhau trong thời gian thực. Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, khẳng định rằng 5G có thể vượt qua rào cản địa lý và kết nối các chuyên gia y tế trên toàn cầu.
Cũng giống như Trung Quốc, Hàn Quốc đã thử nghiệm xe tự hành trên nền 5G tại hai thành phố Busan và Seoul, cũng như triển khai hệ thống đèn giao thông thông minh giúp giảm ùn tắc giao thông và tăng cường an toàn nhờ vào việc phân tích dữ liệu giao thông thời gian thực.
Trong lĩnh vực nhà máy thông minh, tập đoàn Samsung đã triển khai nhà máy sản xuất điện thoại thông minh tại Seoul, sử dụng 5G để kết nối các robot sản xuất và hệ thống quản lý.
Một "ông lớn" khác là LG thì cũng áp dụng 5G trong việc giám sát và điều khiển từ xa các thiết bị sản xuất tại nhà máy, giúp giảm thiểu thời gian dừng máy và tối ưu hóa hiệu suất hoạt động.
Về khía cạnh thành phố thông minh, tại Seoul, mạng lưới camera an ninh kết nối qua 5G giúp giám sát an ninh tại các khu vực đông dân cư. Camera có khả năng phát hiện hành vi bất thường và gửi cảnh báo ngay lập tức tới các trung tâm kiểm soát.
Một số khu vực tại Hàn Quốc đã triển khai hệ thống quản lý rác thải thông minh dựa trên 5G, cho phép theo dõi lượng rác thải và tối ưu hóa việc thu gom thông qua cảm biến IoT.
Đối với lĩnh vực logistics, công ty CJ Logistics đã sử dụng 5G để quản lý chuỗi cung ứng, từ kho hàng đến vận chuyển cuối cùng. Xe tải tự hành kết nối qua 5G giúp cải thiện hiệu quả vận chuyển và giảm thời gian giao hàng. Hệ thống theo dõi hàng hóa dựa trên 5G giúp giám sát vị trí và tình trạng của hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển.
5G còn được áp dụng trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Hàn Quốc. Các cửa hàng không người bán sử dụng công nghệ 5G đang trở thành một xu hướng phổ biến, được thúc đẩy bởi các tập đoàn viễn thông lớn nhằm tăng cường trải nghiệm mua sắm tiện lợi và không tiếp xúc.
Cửa hàng tự động này tận dụng các công nghệ tiên tiến như nhận diện khuôn mặt, mã QR và trợ lý ảo AI để giúp khách hàng tự phục vụ một cách dễ dàng.
Chẳng hạn, tại các cửa hàng không người bán của SK Telecom, khách hàng có thể đăng ký dịch vụ mới, mua điện thoại, và tự chọn gói cước qua các ki-ốt tự động hoặc chatbot AI, giúp tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa quy trình mua sắm.
LG Uplus cũng đã mở cửa hàng không người bán ở Seoul, cho phép khách hàng mua sản phẩm và nhận tư vấn qua chatbot, đặc biệt vào ban đêm khi không có nhân viên.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những nước triển khai và ứng dụng hiệu quả 5G. Việc triển khai 5G là một phần của chiến lược tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế của quốc gia này.
Thái Lan đấu giá xong phổ tần 5G và chính thức thương mại hóa vào tháng 2/2020. Hai năm sau, chính phủ Thái Lan đã hợp tác với các tổ chức tư nhân để thành lập Liên minh 5G Thái Lan nhằm thúc đẩy việc ứng dụng 5G trên nhiều lĩnh vực bao gồm y tế công cộng, giáo dục, giao thông vận tải và nông nghiệp.
Thủ tướng Thái Lan khi đó là ông Prayut Chan-o-cha đã công bố sự kiện ra mắt tại Hội nghị thượng đỉnh 5G Thái Lan 2022. Ông cho biết liên minh này được thiết kế để hỗ trợ nỗ lực của Thái Lan trở thành trung tâm kỹ thuật số cho khu vực ASEAN, nâng cao lợi thế cạnh tranh của đất nước.
Liên minh 5G Thái Lan do Cơ quan xúc tiến Kinh tế số của nước này đứng đầu, với sự tham gia của đại diện từ các nhà mạng AIS, True Corp, Huawei, Văn phòng Ủy ban Kinh tế và Xã hội số, Ủy ban Viễn thông Phát thanh Quốc gia, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, Hiệp hội IoT Thái Lan và Hiệp hội Viễn thông Thái Lan.
Chính phủ Thái Lan giao nhiệm vụ cho Bộ Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật số xây dựng khuôn khổ chính sách và kế hoạch hành động để thúc đẩy các ứng dụng 5G và quản lý cơ sở hạ tầng viễn thông hỗ trợ công nghệ này.
GSMA đánh giá việc thành lập Liên minh 5G là "một cột mốc quan trọng đối với Thái Lan" vì đây là liên minh đầu tiên phát triển hệ sinh thái 5G tại Đông Nam Á. Dữ liệu của GSMA Intelligence cho thấy Thái Lan hiện đang có 5,7 triệu thuê bao 5G.
Về ứng dụng 5G, tại cảng biển Laem Chabang Thái Lan, thành công của điều khiển từ xa cho RTG (cần cẩu) thông qua băng thông cao 5G và độ trễ thấp đã được chứng minh 5G đem lại giá trị kinh tế cho cảng, không chỉ giải phóng 80% nhân sự tại chỗ mà còn cải thiện việc sử dụng và hiệu quả RTG.
Xe tải tự hành Yard EV cũng được điều khiển bởi trung tâm điều phối thông qua kết nối 5G. Xe không chỉ hoạt động vào ban ngày mà có thể hoạt động cả vào ban đêm. Mạng 5G giúp kết nối các thiết bị và phương tiện vận hành tại cảng, từ các robot bốc dỡ, cần cẩu tự động, đến xe vận chuyển hàng hóa tự hành.
Ngoài ra, 5G còn giúp nâng cao khả năng giám sát an ninh tại cảng biển thông qua các hệ thống camera kết nối thời gian thực với độ phân giải cao, giúp phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống bất thường.
Đối với ngành sản xuất ô tô của Thái Lan, bằng cách áp dụng các lợi thế của 5G như băng thông cao, độ trễ thấp và tính di động, hoạt động từ xa tại các công ty lắp ráp ô tô giúp cải thiện môi trường làm việc và tăng tính hiệu quả.
Trước đây, người vận hành phải điều khiển thiết bị khi ngồi bên trong khoang lái, một công việc nguy hiểm và không hấp dẫn khiến việc tuyển dụng trở nên khó khăn. Với 5G và điện toán đám mây, người vận hành có thể điều khiển thiết bị trong một căn phòng có máy lạnh. Một người vận hành có thể điều khiển nhiều cần cẩu, theo dõi chúng qua video HD, giúp giảm đáng kể chi phí lao động của nhà sản xuất.
Lắp ráp ô tô và cảng biển chỉ là một trong số những ứng dụng 5G mà chính phủ Thái Lan đang khuyến khích áp dụng. Chính phủ nước này cũng tỏ rõ quyết tâm ứng dụng mạnh mẽ 5G để phát triển kinh tế, xã hội.
Với hiệu quả thực tiễn từ các quốc gia đã triển khai 5G cũng như những chính sách mà họ đã đề ra, chúng ta hy vọng Việt Nam có thể nhanh chóng thương mại hóa 5G, áp dụng những chính sách thúc đẩy ứng dụng 5G để tạo cú hích phát triển kinh tế số, xã hội số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.