|
LTS: Mới đi qua hơn 3 năm của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, hơn 100 cán bộ thuộc Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó nhiều người bị cách hết chức vụ, thậm chí vào tù vì liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Tính riêng năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng. Năm 2024, theo báo cáo mới nhất từ Ban Nội chính Trung ương, các cơ quan tố tụng đã khởi tố mới 285 vụ án, 646 bị can về tội tham nhũng. Điều đó cho thấy vấn đề phòng chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, phức tạp.
Nhìn lại các vụ án tham nhũng từ nhỏ đến lớn, VietTimes đã nghiên cứu thủ đoạn, hành vi của từng quan tham trong các vụ án.
Loạt bài này sẽ nhận diện các quan tham ở Việt Nam gần đây, từ đó cùng các chuyên gia lý giải và đưa ra các giải pháp phòng ngừa tận gốc nạn tham nhũng.
Bài 1: Quan tham liên minh doanh nghiệp thổi giá, “rút ruột” ngân sách
Bài 2: Quan tham dùng ảnh hưởng giúp doanh nghiệp thâu tóm dự án, gói thầu
Bài 3: Lũng đoạn ngân hàng, “rút ruột” nhân dân
Nhận 18 tỷ đồng lừa “chạy án”
Trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, ngoài cán bộ, quan chức trục lợi thông qua việc nhận tiền "bôi trơn" để được cấp phép chuyến bay, còn có cán bộ công an trục lợi từ hành vi nhận “chạy án” cho lãnh đạo doanh nghiệp đưa hối lộ. Trong đó, phải kể đến ông Hoàng Văn Hưng (cựu cán bộ Cục An ninh điều tra Bộ Công an) và ông Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội).
Hồ sơ vụ án thể hiện, trong quá trình xin cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước và cách ly, Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Bluesky) và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky) đã đưa hối lộ 63 lần với tổng số tiền hơn 38,5 tỉ đồng cho nhiều quan chức tại các bộ, ngành, địa phương.
Do có quen biết với ông Nguyễn Anh Tuấn nên bà Hằng bàn bạc với ông Sơn trước khi trực tiếp đến nhà ông Tuấn (khi đó là thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) nhờ “chạy án” để không bị xử lý hình sự về tội đưa hối lộ cho các quan chức.
Nói về lý do nhận lời “chạy án” cho bà Hằng, khai trước tòa, ông Tuấn bật khóc nói rằng vì mình thương người. Ông Tuấn nói coi bà Hằng như em gái nên khi nghe trình bày cảm thấy thương em gái nên đã liên hệ với ông Hoàng Văn Hưng (khi đó là Trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an) để nhờ giúp.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Anh Tuấn điện thoại hỏi ông Hưng về việc của bà Hằng và ông Sơn trong vụ án, ông Hưng nói là điều tra viên đang thụ lý chính vụ án, ông Sơn và bà Hằng là đối tượng đang bị điều tra. Do vậy, ông Tuấn đã nhờ ông Hưng giúp 2 lãnh đạo Công ty Bluesky không bị xử lý hình sự và được ông Hưng đồng ý.
Với sự sắp xếp của ông Tuấn, ông Hưng đã gặp gỡ bà Hằng nhiều lần để hướng dẫn bà Hằng và ông Sơn khai báo gian dối khi làm việc với cơ quan điều tra.
Tới khi chuyển công tác từ Phòng Điều tra sang làm Trưởng phòng Phòng Chính trị hậu cần Cục An ninh điều tra Bộ Công an, dù không còn nhiệm vụ, quyền hạn điều tra vụ án nhưng ông Hưng vẫn liên lạc với ông Nguyễn Anh Tuấn và nhiều lần gặp gỡ bà Hằng để trao đổi, cung cấp thông tin sai sự thật về vai trò của mình trong điều tra, giải quyết vụ án để ông Tuấn và bà Hằng tin tưởng việc “chạy án”, đưa tiền theo yêu cầu.
Trong rất nhiều cuộc gặp sau đó, ông Hưng tạo ra nhiều lý do như "viện kiểm sát rất căng thẳng với Sơn, một số điều tra viên cũng có quan điểm phải xử lý đối với sai phạm của Sơn". Ông Hưng yêu cầu ông Tuấn nói với Hằng nếu "quyết tâm cứu Sơn" phải chuẩn bị tiền để chi cho kiểm sát viên và một số điều tra viên.
Quá trình “chạy án”, Hằng và Sơn đã 13 lần đưa cho ông Tuấn để chuyển cho Hưng. Còn Hưng được xác định đã nhận từ ông Tuấn 800.000 USD, tương đương hơn 18 tỷ đồng. Ban đầu tại phiên tòa sơ thẩm, Hưng một mực chối tội, không nhận tiền từ ông Tuấn nhưng sau đó tại phiên tòa phúc thẩm đã thừa nhận cáo buộc nên được giảm án.
Về hưu vẫn nhận tiền để “chạy án”
Nếu như sai phạm của Hoàng Văn Hưng xảy ra khi còn đang đương chức thì ông Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng dù đã về hưu vẫn nhận “chạy án” cho "ông trùm" mua bán hóa đơn trái phép Trương Xuân Đước (Giám đốc Công ty Cổ phần Khánh Dung) – người mà ông Ca khai trước tòa là coi như em ruột.
Hồ sơ vụ án "mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" thể hiện, khi biết tin Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra về công ty, Đước bỏ trốn và dặn vợ Nguyễn Thị Ngọc Anh đến gặp ông Đỗ Hữu Ca khi đó đã nghỉ hưu, người có mối quan hệ thân thiết với mình để nhờ chạy tội.
Bà Ngọc Anh đến gặp ông Ca nhờ "tìm hiểu, tác động chạy án" cho Đước không bị xử lý hình sự về tội hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, mọi chi phí sẽ chuẩn bị theo yêu cầu của ông Ca.
Mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước và Ngọc Anh thoát khỏi việc bị xử lý về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” nhưng ông Ca đã gian dối hứa hẹn giúp. Vợ chồng Đước đã 4 lần đưa tiền tổng cộng 35 tỷ đồng cho ông Ca nhờ “chạy tội” và được ông Ca đồng ý.
Sau 4 lần đưa tiền chạy tội nhưng vẫn không có kết quả phản hồi. Đến ngày 3/2/2023, Trương Xuân Đước bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ về hành vi mua bán trái phép hóa đơn.
Sau khi chồng bị bắt, bà Ngọc Anh đến nhà gặp ông Ca hỏi về việc đã lo chạy tội rồi mà chồng mình vẫn bị bắt và xin lại số tiền 35 tỷ đồng nhưng ông Ca không trả lại tiền.
Ông Đỗ Hữu Ca sau đó cũng bị Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt giữ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và toàn tuyên phạt 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong khi đó, với hành vi “chạy án” bất thành trong vụ “chuyến bay giải cứu”, ông Nguyễn Anh Tuấn bị tòa tuyên phạt 4 năm tù về tội “Môi giới hối lộ”, còn Hoàng Văn Hưng 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trao đổi với VietTimes về hiện tượng quan chức lừa đảo “chạy án”, ông Trương Việt Toàn – nguyên thẩm phán, nguyên phó chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân TP Hà Nội đánh giá, Hoàng Văn Hưng trong vụ án “chuyến bay giải cứu” và Đỗ Hữu Ca là những người đã và đang làm công tác pháp luật nhưng lại không tuân thủ nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng sự kém hiểu biết, hoang mang trước vi phạm của những người có hành vi phạm pháp, từ đó đưa ra thông tin gian dối, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của họ.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn thì lợi dụng mối quan hệ trong ngành để môi giới hối lộ, giúp đối tượng điều tra “chạy án”, từ đó tiếp tay cho Hưng lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ người quen của mình.
Theo ông Trương Việt Toàn, vụ án đang trong quá trình điều tra, khởi tố thì việc “chạy án” là rất khó, không có ý nghĩa. Việc ai đó nói “có thể tác động đến cơ quan thi hành pháp luật” để “chạy án” theo ông chỉ là lừa đảo.
“Thực tiễn cho thấy, Hưng, ông Ca đều bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn ông Tuấn bị xử lý về hành vi môi giới hối lộ chứ không thể “chạy án” được khi cơ quan điều tra đã vào cuộc”, ông Toàn nói.
Nói về giải pháp để ngăn chặn việc “chạy án”, nguyên thẩm phán tòa hình sự cho rằng, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền về hiểu biết pháp luật cho người dân. Trong đó, cả người dân bình thường, lẫn người có hành vi vi phạm. Người dân phải có nhận thức đúng đắn về việc, cơ quan thực thi pháp luật sẽ ngăn chặn được việc “chạy án”.
Đối với lực lượng công an, ông Trương Việt Toàn cho rằng, cần thấm nhuần 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vững vàng về chính trị, tư tưởng, tăng cường tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống, phát huy tinh thần ‘‘thượng tôn pháp luật” phục vụ nhân dân.
Ông Toàn cũng đánh giá cao việc ngành công an xử lý nghiêm “không có vùng cấm” cả với những cán bộ công an từng giữ chức vụ cao, đang đương chức và cả trường hợp đã về hưu.
“Quan điểm của Đảng trong phòng chống tham nhũng là ‘không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, cứ vi phạm là bị xử lý, dù là cán bộ công an hay bất kỳ lãnh đạo nào”, ông Toàn nói và đánh giá, việc xử lý nghiêm cán bộ trong ngành vi phạm cho thấy nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” của lực lượng công an.
Nhìn lại các hành vi tham nhũng của quan tham thời nay, các chuyên gia đã hiến kế nhiều giải pháp ngăn chặn tham nhũng.
VietTimes trân trọng mời quý độc giả đón đọc bài tiếp theo “Cách nào diệt tận “gốc” quan tham?" nằm trong tuyến bài "Nhận diện quan tham ở Việt Nam và giải pháp phòng ngừa".