Thị trường mỹ thuật Việt:

Bài 3: Không cần phải sợ các “tay nhà giàu“

VietTimes -- Hiểu thế nào cho đúng về sàn đấu giá nghệ thuật, nơi “rửa tiền” hay công cụ thúc đẩy phát triển nghệ thuật?

Ông Trần Quốc Hùng – CEO Chọn Auction House (Hà Nội) trả lời VietTimes về chủ đề nóng này.

Tranh của họa sĩ – nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân.
Tranh của họa sĩ – nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân.

Liệu có được gọi là “rửa tiền” không?

Không ai phủ nhận sự thúc đẩy của các sàn đấu giá nghệ thuật và vai trò khách quan như một trung gian phân minh các giá trị. Nhưng liệu có cần sợ các tay "nhà giàu" thi nhau "thổi giá" và "rửa tiền" ở sàn đấu giá nghệ thuật? Và đó có phải là cách phát triển bình thường đối với sàn đấu giá nghệ thuật? 

- Về khái niệm “thổi giá” hay “rửa tiền” thì theo chúng tôi nghĩ nhìn chung mặt bằng giá tranh của Việt Nam còn tương đối thấp so với giá tranh quốc tế. Thời gian gần đây thông tin nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam được đấu giá ở Hongkong và Pháp đều từ hàng trăm ngàn đến trên triệu đô la Mỹ, trong khi đó giá các tác phẩm trong nước được giao dịch thường chỉ từ vài ngàn, đôi khi đến chục ngàn và hiếm khi trên trăm ngàn đô la Mỹ.

Tranh của họa sĩ Đỗ Anh Hoa.

Tranh của họa sĩ Đỗ Anh Hoa. 

Trong một số cuộc đấu giá của chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp người đấu giá biết nhau “nhường” nhau mà không đấu lại để có được mức giá mua thấp tại đấu giá, đôi khi họ ngầm thống nhất không mua tranh trên đấu giá để “hạ giá” tranh của một họa sĩ nhất định xuống, nhờ đó họ có thể mua các tranh khác của họa sĩ đó với mức giá thấp trên thị trường. Trên các cơ sở thực tế đó diễn ra, chúng tôi nhận thấy khó có được hiện tượng “rửa tiền” trong thị trường tranh Việt Nam hiện nay.

Không phải cứ tác phẩm bán giá triệu đô ở thị trường đấu giá trong nước là có cùng hệ giá trị hoặc ngược lại chỉ tương đồng với tác phẩm bán vài ngàn đô trong thị trường đấu giá nước ngoài, điều đó có đúng không?

 - Chúng tôi ghi nhận các thông tin đấu giá của nước ngoài là thông tin tham khảo, chúng tôi chỉ có đủ khả năng xác định giá gõ búa tại Chọn Auction House là các mức giá thực tế trên thị trường tranh Việt Nam. Qua thực tế các cuộc đấu giá do chúng tôi tổ chức thì nhiều tác phẩm tốt của các họa sĩ có tên tuổi được cho là có mức giá tranh cao trên cả thị trường Việt Nam lẫn quốc tế lại không được ai trả giá hoặc chỉ được trả giá ở mức rất khiêm tốn. Nếu công chúng để ý kĩ hơn có thể thấy sau khi một số tổ chức đấu giá nghệ thuật xuất hiện thì tranh Việt Nam được đưa ra đấu giá tại thị trường quốc tế nhiều hơn hẳn và mức giá ngày càng cao hơn trước. Nếu nhìn theo hướng tích cực thì đây là tín hiệu đáng mừng cho nền hội họa Việt Nam.

Thế giới cũng phải đối mặt với thật – giả

 Đa phần các tác phẩm khó xác định thật giả mà vẫn được đem đấu giá là thuộc về các nghệ sĩ quá cố, các họa sĩ thuộc thời kỳ đầu mỹ thuật Đông Dương, do có giá trị tài chính lớn. Cơ quan nào sẽ xác định thật giả cho tác phẩm đấu giá?

Tranh của họa sĩ Đỗ Anh Hoa.

Tranh của họa sĩ Đỗ Anh Hoa. 

- Về các vấn đề thật giả trong tranh của các cố họa sĩ thì tất cả các cá nhân, tổ chức đều cần có cái nhìn khách quan tránh quy chụp khi chưa có đầy đủ bằng chứng rõ ràng trước khi đưa ra phát biểu hay khẳng định. Hiện tại ở nước ta chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm về vấn đề này, nên mọi tranh cãi chỉ dừng ở mức độ thông tin của các cá nhân, ít khi có sự khẳng định mang tính chính thống. Theo thông lệ của các nhà đấu giá quốc tế, đặc biệt là Sotheby’s và Christie’s đã hoạt động hàng trăm năm nay không bao giờ công khai danh tính của các chuyên gia thẩm định, chúng tôi cũng hoạt động trên nguyên tắc tương tự.

Liệu ranh giới thật giả của tác phẩm có vi phạm đạo đức nghề nghiệp đối với người làm nghề?

  - Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi – cháu ngoại cố họa sĩ Nam Sơn - có một phát biểu: “Tranh giả bảo là tranh thật là tội một, còn tranh thật bảo là tranh giả thì tội mười”. Hay như một số nhà buôn tranh còn có thủ thuật để mua được tranh thật với giá tốt là tung tin bảo tranh đó là giả để họ mua được. Vấn đề thật-giả luôn là vấn đề tồn tại trong mọi lĩnh vực ngành nghề ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhưng ứng xử ra sao với vấn đề đó, đặc biệt sự việc thật-giả liên quan đến tranh cần có các phát biểu hết sức cẩn trọng và kĩ lưỡng. Nếu đã xác định được chắc chắn thật – giả, chẳng hạn như vụ bức tranh giả danh cố họa sĩ Vũ Giáng Hương, chúng tôi sẵn sàng xin lỗi gia đình họa sĩ, bỏ bức tranh ra khỏi lot đấu giá và tuyên bố chống hành vi làm giả bằng mọi nỗ lực cao nhất.

Thế giới có phải đối diện với những vấn đề tương tự hay không thưa ông?

 - Thực tế ở Việt Nam chưa có thị trường mỹ thuật. Nếu điểm lại thì chúng ta có bao nhiêu gallery hoạt động chuyên nghiệp, những tác phẩm được cho là đương đại thực tế đã xuất hiện hơn 20 năm nay, phong cách đã rất cũ. Các nhà sưu tầm tranh cũ hoạt động đơn lẻ, trao đổi với nhau thành nhóm. Việc chơi tranh cũng mới phổ biến hơn 10 năm nay. Các họa sĩ, giám tuyển xuất hiện nhiều nhưng hoạt động không tốt vì thiếu tài chính cũng như khả năng tổ chức.

Chân dung cố nhạc sĩ Văn Cao – Tranh của họa sĩ Văn Thơ tại phiên đấu giá số 17 “Ảo ức”.

Chân dung cố nhạc sĩ Văn Cao – Tranh của họa sĩ Văn Thơ tại phiên đấu giá số 17 “Ảo ức”. 

Vai trò thực sự của sàn đấu giá tác phẩm nghệ thuật là “công cụ rửa tiền” hay biện pháp “hà hơi thổi ngạt” cho nền nghệ thuật đương đại?

 - Chọn Auction House thường hợp tác với các nhà sưu tầm lớn và có uy tín ở Việt Nam như ông Nguyễn Minh, ông Nguyễn Mạnh Phúc, gia đình nhà sưu tầm Lâm café, gia đình nhà sưu tầm Đôn Thư… Quyết định mua là quyền cá nhân và chúng tôi tin rằng mỗi cá nhân hoàn toàn tự ý thức được về quyết định của mình.  

Nếu hoạt động sưu tầm tranh chỉ dừng ở mức trao đổi giữa các cá nhân thì rất khó có cơ hội cho công chúng nhìn thấy hay thậm chí biết tới sự tồn tại của các tác phẩm. Trước khi có hoạt động đấu giá nghệ thuật xuất hiện thì thị trường nghệ thuật Việt Nam đang ở giai đoạn “tĩnh”, rất ít hoạt động diễn ra, giao dịch tranh thực tế rất ít. Bây giờ thì mọi người biết nhiều hơn về hội họa Việt Nam và có xu hướng tìm hiểu kĩ về mỹ thuật Việt Nam. Và giá tranh nói riêng, giá bán các tác phẩm nghệ thuật nói chung đang đi lên trông thấy.