Nỗi đau của nghệ thuật múa:

Bài 2: Đằng sau ánh đèn sân khấu

Viettimes -- Sau ánh đèn sân khấu là nơi người nghệ sĩ lặng lẽ quay về đời sống thật, đối mặt thực tế cuộc sống với những được, mất...
NSƯT Trần Ly Ly thị phạm cho các diễn viên trên sân khấu múa
NSƯT Trần Ly Ly thị phạm cho các diễn viên trên sân khấu múa

Trong ánh đèn sân khấu, khi những tràng pháo tay vang lên không dứt và những tiếng hô vang cổ vũ khắp khán phòng, khán giả chỉ biết múa tức là thăng hoa của cảm xúc tuyệt vời trên sân khấu, nhưng ít ai hiểu nỗi khó nhọc hậu trường nghề múa.

Những nỗi đau âm thầm

Bài 1: Chân dung múa

“Đôi giày mũi cứng như người bạn thân thiết nâng đỡ toàn bộ cơ thể diễn viên. Khán giả chỉ nhìn thấy những cử động thanh thoát như thiên thần trên sân khấu. Nhưng khi tháo đôi giày ra, người nghệ sĩ không thể nhận ra ngón chân bình thường của mình…” – Nghệ sĩ ballet Trần Hoàng Yến kể.

Sử dụng cơ thể như một công cụ khiến cho bệnh tật đến với nghệ sĩ múa từ rất sớm. Chảy máu ngón chân, mòn sụn gối, đứt dây chằng, chấn thương nặng nề về cơ, xương, khớp, thoát vị đĩa đệm… đã xảy đến với rất nhiều người.

Trần Ly Ly làm việc hết mình với múa cho đến khi không thể bước lên sân khấu
 Trần Ly Ly làm việc hết mình với múa cho đến khi không thể bước lên sân khấu

NSƯT Trần Ly Ly từng phải trải qua ca phẫu thuật đứt dây chằng đầu gối vì múa. Nhắc đến cái ngày hôm đó, Trần Ly Ly xúc động kể: “Đang thị phạm cho học sinh trên lớp thì bất ngờ chỉ trong một tích tắc, cơn đau khủng khiếp ập đến, mắt nhòe hết không nhìn thấy gì nữa, tôi ngã xuống, bất tỉnh. Học trò đưa vào viện cấp cứu. Hóa ra tôi bị đứt dây cả hai dây chằng trước và sau đầu gối, một cách không thể tưởng tượng được”.

Điều trị suốt ba năm nhưng không thể khắc phục được, nghệ sĩ Trần Ly Ly đã chuyển sang làm công tác quản lý. “Vượt qua nỗi đau thể chất không phải quá khó nhưng nỗi đau tinh thần khó chấp nhận hơn rất nhiều” – Trần Ly Ly nói.

Nghệ sĩ Trần Hoàng Yến cũng từng phải vượt qua khủng hoảng để theo nghề múa. “Cách đây mấy năm, khi được là solist trong vở Cô bé búp bê tôi rất mừng, song song với đó là một vai diễn trong vở múa đương đại để đi Hàn Quốc diễn, rồi lại đồng thời phải tập bài tập tốt nghiệp. Ngày nào cũng sáng ballet, chiều múa đương đại, khi hoàn thành hết các nhiệm vụ, mới biết mình bị tràn dịch đầu gối. Đến khi nhận ra thì đầu gối đã sưng rất to, không thể đi lại được nữa. Bác sĩ nói rằng chắc chắn tôi phải bỏ nghề, không thể múa tiếp được. Nghe vậy, mọi thứ trước mắt tôi đã sụp đổ…”

Trần Hoàng Yến không chịu chấp nhận số phận và đã vượt qua cơn đau tràn dịch đầu gối một cách kỳ diệu
 Trần Hoàng Yến không chịu chấp nhận số phận và đã vượt qua cơn đau tràn dịch đầu gối một cách kỳ diệu 

Không chấp nhận chuyện không may của số phận, không chấp nhận đã giành cả thanh xuân để giành cho múa mà lại phải bỏ nghề, ráng vượt qua chấn thương, Trần Hoàng Yến vẫn trở lại sân khấu, tiếp tục là cái tên gây nhiều chú ý với khán giả yêu múa qua những vai chính trong các vở diễn lớn của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO): Kẹp hạt dẻ, Cô bé Lọ Lem, …; các vở múa đương đại: Đánh mất và tìm lại, Đi qua tình yêu, Cây nỏ thần, Vọng phu biển, Còn mãi bản hùng ca, Người giữ cồn…

Đừng “lãnh cảm” với nghệ thuật

Ngoài múa ballet cổ điển, còn có múa dân tộc và múa đương đại nữa. Dường như cái thời đưa các động tác múa dân tộc lấy cảm hứng từ những bức tranh Đông Hồ như “Hứng dừa”, “Đám cưới chuột”… đã trôi qua quá xa?

Vậy chỗ đứng của các vở múa đương đại như Tễu, Yes yes no no – Lạc giới, Living in the box, Đi qua tình yêu… ở đâu? “Đúng là mang múa đương đại lên sân khấu diễn xong, khán giả chả có phản hồi gì cả, chẳng biết thích hay ghét, chấp nhận hay phản đối. Tôi nhận ra rằng có lẽ mình thất bại. Trận thất bại với múa đương đại đã khiến tôi ốm một trận thập tử nhất sinh, nằm suốt hai tháng trong bệnh viện. Đau đớn tâm hồn còn dữ dội hơn đau đớn thể xác nhiều lần” – NSƯT Trần Ly Ly hồi ức.

Múa Kiều được đưa lên lộng lẫy trên sân khấu
 Múa Kiều được đưa lên lộng lẫy trên sân khấu 

“Có những cái mình không lường trước được, đặc biệt là bệnh tật. Đam mê đến mấy mà vẫn có những lúc cảm thấy mình không đủ sức khỏe. Dù sao thì múa đã là duyên, hay nghiệp, cứ định buông xuôi rồi lại nhận ra là mình không thể bỏ được, lại ráng vượt lên” – Nghệ sĩ Trần Hoàng Yến chia sẻ.

Thời gian gần đây, rất nhiều đoàn múa đương đại nước ngoài từ Châu Âu rất danh tiếng như cũng đã đến với Việt Nam, trong sự giao lưu mạnh mẽ đó chắc chắn các nghệ sĩ của chúng ta học hỏi được rất nhiều.

“Đừng lãnh cảm với nghệ thuật. Cho dù ghét hoặc phê bình tác phẩm cũng được nhưng hãy sống với nó. Chắc chắn phải xem say sưa thì mới có thể lên tiếng phản hồi về vở diễn. Nên trước hết là hãy cứ bước vào nhà hát, và sống với tác phẩm đi đã” – NSƯT Trần Ly Ly tha thiết nói.