Tin giả về thuốc phòng và trị COVID-19:

Bài 2: Chuyên gia y tế nói gì về các đơn thuốc trị COVID-19 trôi nổi trên mạng?

VietTimes – Một đơn thuốc gồm 3 loại thuốc (Hydroxy Chloroquine, Azithromycin, zinc sulfateđang) đang được lan truyền trên mạng với lời giới thiệu là đơn thuốc được kê bởi một bác sĩ chống dịch COVID-19 tuyến đầu ở Mỹ. Thông tin về đơn thuốc này đã khiến nhiều người lo lắng thắc mắc những loại thuốc trong đơn thực sự có tác dụng hỗ trợ, dự phòng COVID-19 hay không.
Bác sĩ thăm hỏi tình hình sức khỏe của bệnh nhân (Ảnh: Minh Thúy)
Bác sĩ thăm hỏi tình hình sức khỏe của bệnh nhân (Ảnh: Minh Thúy)

Tiềm ẩn những tác dụng phụ có hại

Để làm rõ thông tin lan truyền trên mạng về đơn thuốc dự phòng, điều trị COVID-19, PV VietTimes đã trao đổi với BS. Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo BS. Cấp, một số nghiên cứu nhỏ ban đầu cho thấy phác đồ điều trị gồm thuốc Hydroxy Chloroquine, Azithromycin và zinc sulfate có tác dụng rút ngắn thời gian mang virus SARS-CoV2 ở bệnh nhân mắc COVID-19 nên một số nước trong giai đoạn dịch bùng phát đã khuyến cáo sử dụng phác đồ điều trị này cho người bệnh.

Tuy nhiên, các nghiên cứu lớn và chuẩn mực hơn sau này đã khẳng định phác đồ điều trị COVID-19 với 3 loại thuốc trên không có giá trị trong điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 mà còn có nguy cơ khiến người bệnh mắc những tác dụng phụ có hại.

“Đến nay Tổ chức Y tế thế giới và hầu hết các quốc gia đã khuyến cáo không sử dụng phác đồ này để điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Chúng ta không nên chạy theo những lời đồn thổi thiếu căn cứ trên mạng, mà có thể gây hại cho bản thân.” – BS. Cấp nói.    

BS. Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thúy)
BS. Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thúy) 

Qua quá trình thực tế điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BS. Cấp cho hay: “Giai đoạn đầu khi có nghiên cứu ở nước ngoài công bố thuốc Hydroxy Chloroquine, Azithromycin và zinc sulfate có tác dụng điều trị COVID-19, một số bệnh nhân đã xin tình nguyện sử dụng. Các bác sĩ tại Bệnh viện đã báo cáo Bộ Y tế cho phê duyệt điều trị thử nghiệm phác đồ này trên một số ít bệnh nhân tình nguyện. Tuy nhiên, tôi cùng các đồng nghiệp sớm phát hiện phác đồ này không có tác dụng, nên đã nhanh chóng chấm dứt sử dụng.”

Chia sẻ về thông tin đơn thuốc trị COVID-19 trên mạng, dược sĩ Phan Văn Hiệu - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI (CVI Pharma) - cho hay: Toàn bộ thông tin về đơn thuốc có tác dụng dự phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19 đang lan truyền trên mạng đều chưa có cơ sở khoa học và không chính xác. Bởi đến nay vẫn chưa có một phác đồ điều trị COVID-19 đã được thông qua, ngoại trừ phác đồ điều trị đang được cập nhật của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Phác đồ điều trị của Bộ Y tế và WHO vẫn đang cập nhật các loại thuốc điều trị mới mang tính thực nghiệm. Từ đó, tìm ra phương thuốc điều trị phù hợp với từng bệnh nhân cũng như tình trạng bệnh lý của bệnh nhân ở các giai đoạn khác nhau. Vì thế, hiện vẫn chưa có một phác đồ chuẩn để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Dược sĩ Phan Văn Hiệu (Ảnh: Đoan Trang)
Dược sĩ Phan Văn Hiệu (Ảnh: Đoan Trang) 

Theo dược sĩ Hiệu, cả 3 loại thuốc gồm: Hydroxy Chloroquine, Azithromycin và zinc sulfate đều được dư luận quan tâm và đã được sử dụng trong thực tế điều trị. Các nước trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu đánh giá nhưng vẫn chưa có kết luận chính thức nào cho rằng 3 loại thuốc này điều trị hiệu quả COVID-19.

Tại Mỹ, trong giai đoạn đầu dịch COVID-19 bùng phát, tổng thống Donal Trump cùng các cơ quan quản lý của Mỹ và một số nước cũng dùng đơn thuốc có thuốc Chloroquine là thuốc trị sốt rét kết hợp với Azitthromycin. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh các loại thuốc này không phải là phương thuốc điều trị COVID-19 hữu hiệu. Tuy nhiên, các loại thuốc này vẫn đang được một số nước sử dụng như Ấn Độ, Brazil.

“Thuốc Hydroxy Chloroquine, Azitthromycin đều đã và đang được nghiên cứu, sử dụng ở các cơ sở y tế để điều trị COVID-19 trong các giai đoạn với những phác đồ điều trị khác nhau nhưng đây không phải là phương thuốc thần kỳ có thể áp dụng với tất cả bệnh nhân mắc COVID-19. Bởi việc sử dụng thuốc phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng bệnh lý, phác đồ điều trị, tình trạng của bệnh nhân, các trang thiết bị y tế, nguồn lực tại chỗ của đơn vị điều trị.” – ông Hiệu nói.

Đơn thuốc trị COVID-19 lan truyền trên mạng (Ảnh: MT)
Đơn thuốc trị COVID-19 lan truyền trên mạng (Ảnh: MT) 

Hiện, thuốc dexamethasone mới được công bố có tác dụng trong điều trị COVID-19 là thuốc chứa corticoid dùng để kháng viêm, sử dụng trong việc cấp cứu các bệnh lý liên quan đến viêm, dị ứng, tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Để đưa ra một phác đồ điều trị chuẩn thì các bác sĩ phụ thuộc rất nhiều vào bệnh lý nền, quan điểm điều trị, tình trạng của người bệnh,…Do đó, chỉ những cơ sở chuyên biệt điều trị COVID-19 mới có thể quyết định được phác đồ điều trị cho bệnh nhân.

Về bản chất, người dân không biết mình có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không, nếu bị nhiễm thì ở giai đoạn nào và mức độ đáp ứng thuốc khi mắc bệnh của cơ thể ra sao và không theo dõi được những tác dụng phụ sau khi dùng thuốc.

Chloroquine là thuốc trị sốt rét có hại cho gan, thận, nếu dùng quá liều sẽ gây hại cho cơ thể. Còn Azitthromycin bản chất là một kháng sinh, nếu sử dụng không đúng có thể gây kháng thuốc. Nếu các loại thuốc này có hiệu quả thực sự thì nó cũng không có tác dụng phòng, ngừa COVID-19 mà chỉ có thể được sử dụng trong các phác đồ đi kèm, không sử dụng đơn độc. Hơn nữa, những thuốc này đều là thuốc kê đơn, phải có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, tất cả những thuốc y học cổ truyền, ứng dụng y học cổ truyền để hỗ trợ điều trị COVID-19 đều dựa trên một số bài thuốc cổ phương chưa được chứng minh khoa học một cách bài bản. Vì thế, những đơn thuốc hoặc bài thuốc trên mạng, thông tin về thuốc chữa COVID-19 đều không chính xác và không được kiểm chứng. Để những loại thuốc này chứng minh được công dụng thì phải có các cơ quan chức năng xác nhận, không được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.

Chính vì vậy, dược sĩ Phan Văn Hiệu khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng, dự trữ tràn lan 3 loại thuốc ở đơn thuốc đang được lan truyền trên mạng, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Khi có bất kỳ triệu chứng nào của COVID-19 (sốt, ho, khó thở,...) người dân nên đến ngay những cơ sở y tế chuyên khoa để theo dõi, điều trị đúng theo quy định của Bộ Y tế.

Để một loại thuốc được đưa vào sử dụng phải trải qua 4 giai đoạn

Trước những thông tin lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội về thuốc trị COVID-19, PV VietTimes đã trao đổi với GS. TS. Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

GS. TS. Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thúy)
GS. TS. Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thúy) 

Theo ông Kính, thông tin về thuốc phòng và trị COVID-19 là không đúng. Để được công nhận là thuốc phòng và chữa bệnh thì bất kỳ loại thuốc nào cũng phải trải qua 4 giai đoạn và thử nghiệm thuốc trên lâm sàng. Giai đoạn đầu thuốc sẽ được thử nghiệm trên động vật để thử độ độc của thuốc, đánh giá tính an toàn hay không an toàn cho động vật. Giai đoạn 2 là thử nghiệm các liều để đánh giá tác dụng của thuốc, liều nào là phù hợp. Giai đoạn 3 là thử nghiệm trên người xem xét đáp ứng của cơ thể người như thế nào. Giai đoạn cuối là đưa thuốc ra thị trường, tiến hành thương mại hóa, tiếp tục theo dõi tác dụng.

Để một loại thuốc có thể đưa vào sử dụng, trên thực tế mất rất nhiều giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm trên lâm sàng, nên cần thời gian dài. Do đó, những thông tin lan truyền thất thiệt trên mạng xã hội về thuốc trị COVID-19, khi thời gian có dịch diễn ra mới chỉ khoảng 8-9 tháng, chưa đủ để kiểm chứng sự thật. "Người dân không nên tin vào những thông tin này để mua thuốc và sử dụng" - Ông Kính lưu ý.

Ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (ảnh: Vũ Mạnh Cường)
Ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (ảnh: Vũ Mạnh Cường)

Ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế - cho hay, các thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội hiện nay về thuốc phòng và điều trị khỏi COVID-19,… đều là thông tin giả. Những thông tin này không chỉ khiến người dân hoang mang mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cả nước, cũng như công tác phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch.

Không có thực phẩm chức năng nào dự phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19

Về thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trà thanh nhiệt Dr Thanh được quảng cáo có công dụng hỗ trợ, điều trị COVID-19 trên các trang mạng xã hội, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị Cục Báo chí chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị phát hành thông tin, phát hành quảng cáo không đúng sự thật gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh: Việc một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đưa thông tin không rõ ràng có thể dẫn đến người tiêu dùng hiểu lầm một số loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó có Trà Thanh nhiệt Dr Thanh của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát có tác dụng hỗ trợ, dự phòng COVID-19. Đây là những thông tin không đúng bản chất của sản phẩm, đồng thời, gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính Phủ.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho biết, vào ngày 19/8, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát yêu cầu Công ty phối hợp, giải trình và làm rõ sự việc trên.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế (Ảnh: C.L.)
PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế (Ảnh: C.L.)

“Không có một sản phẩm thực phẩm chức năng nào được đăng ký, hoặc xác nhận ở Cục An toàn thực phẩm có tác dụng dự phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19. Những thông tin lan truyền về thực phẩm chức năng có tác dụng điều trị, dự phòng COVID-19 là hoàn toàn sai sự thật. Đến nay, Cục An toàn thực phẩm mới phát hiện thông tin cho rằng trà thanh nhiệt Dr Thanh có tác dụng dự phòng, điều trị COVID-19 là không chính xác. Thời gian tới Cục sẽ tiếp tục kiểm tra để cảnh báo tới người tiêu dùng. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm” – ông Phong nói.

Cục An toàn thực phẩm cũng đã chủ động cảnh báo tới người tiêu dùng về việc: “Cẩn trọng với thông tin trà thanh nhiệt Dr Thanh có tác dụng dự phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19”.

Ngoài tình trạng các trang mạng xã hội đăng tải thông tin về sản phẩm có công dụng hỗ trợ, điều trị COVID-19, nhiều website, trang Facebook cũng đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nội dung sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi Cục An toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra, các công ty chịu trách sản phẩm lại không thừa nhận các website đang quảng cáo sản phẩm là của công ty.