Hãy thôi tranh luận 44 hay 48!
Một lần nữa, các vị học giả lại làm dấy lên cuộc tranh luận liên tục, bất tận làm việc 48 giờ hay 44 giờ một tuần. Tôi đề nghị, thôi đừng tranh cãi giữa 44 với 48 giờ làm việc mỗi tuần nữa, hãy để nó vẫn yên bình như trước là được rồi. Lý luận rằng để người lao động nghỉ nhiều hơn, sẽ tái tạo sức lao động để làm việc hiệu quả hơn nghe có vẻ rất nhân văn và chan chứa tình thương bao la cho người lao động.
Nhưng xin hỏi các vị trong khu vực hành chính sự nghiệp đã có ai đủ sống cho mình và nuôi dạy con cái ăn học chỉ bằng chính đồng lương lương thiện ít ỏi ấy của mình không? Chắc chắn là không, nếu không muốn nghe lời nói dối từ chính lòng mình! Liệu chúng ta có biết, ở nhiều cơ quan, mỗi ngày, nhân viên ở đó dành bao nhiêu thời gian cho công vụ, bao nhiêu thời gian để theo dõi giá trị cổ phiếu chứng khoán, bao nhiêu thời gian chát chít, buôn bán online, bao nhiêu thời gian trà lá, trò chuyện tầm phào?
Người lao động làm 44 hay 48 giờ mỗi tuần?
|
Bao nhiêu người ở cơ quann chỉ mong mau hết thời gian làm việc để về còn bươn chải thêm, sẵn sàng làm cả những việc chân tay nặng nhọc ngoài đường, ngoài chợ, chạy thêm xe ôm hay làm shipper, có người còn phải đi làm cả thầy cúng cuối ngày, cuối tuần nữa ... chỉ với mục đích tăng thêm được một chút thu nhập cho gia đình. Có mấy ai được nghỉ ngơi sau giờ làm việc ở cơ quan, hay ăn chơi để mà tái tạo sức lao động?
Đấy là một thực tế, ai cũng biết nhưng không nói ra mà thôi.
Tuy nhiên với khu vực này, càng làm ít giờ, càng nghỉ nhiều ngày càng tốt bởi họ càng có nhiều thời gian rảnh rỗi để theo đuổi các mục đích riêng của mình, họ đâu cần phải lo đến tiền lương, các loại tiền bảo hiểm này nọ, bởi đã có Nhà nước trả hết cho họ rồi.
Vị trí của họ hơn giới doanh nghiệp, hơn những người lao động trong doanh nghiệp, cho nên phải bằng mọi cách chạy chọt để mua được chỗ trú nắng, trú mưa trong cơ quan hành chính để sống yên lành, nhàn nhã. Nhiều người cho đó là sự khôn ngoan, thức thời, kiên trì mai phục cơ hội để tìm cách tiến thân sau này.
Có vẻ khá khôi hài khi những người chẳng bao giờ phải lo nghĩ gì đến cơm áo, gạo tiền, lại đang sôi nổi luận bàn, phán xử về sứ mệnh và trách nhiệm của doanh nghiệp và cuộc sống của người lao động trong khi chính mình chẳng biết gì về cuộc sống thực tại đầy gian nan, khổ hạnh của doanh nghiệp thế nào cả. Sự kìm hãm phát triển của đất nước, tôi nghĩ phần lớn bắt nguồn từ những điều như vậy.
Cần hiểu rằng: được làm việc, có việc để làm đủ trong giờ, được thể hiện năng lực trong công việc để thu nhận được những giá trị vật chất, tinh thần hợp lý và xứng đáng, là một nhu cầu, là một nguyện vọng chính đáng không chỉ riêng với người lao động mà còn là điều rất hạnh phúc với giới chủ nữa.
|
Công ty chính là cuộc đời, là nghiệp sống của người lao động
Còn trong doanh nghiệp, xin nói nôm na là "Tay làm, hàm nhai! Tay ngừng làm, hàm ngừng nhai!". Giản đơn vậy thôi nhưng đó là một chân lý sống, một triết lý sống. Rời bỏ chân lý ấy, doanh nghiệp sẽ sụp đổ, người lao động sẽ rơi vào cảnh bần hàn. Không ai thương doanh nghiệp cả, không ai nuôi doanh nghiệp cả. Doanh nghiệp tự đi vay, tự trả tiền thuê đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị, sau khi trả nợ, trả tiền công, rồi nộp đủ các loại thuế, phí, còn lại ít nào, gọi là tích lũy.
Ở Việt Nam hiện tại, chỉ một số rất ít doanh nghiệp có năng lực về kĩ thuật công nghệ hay lợi dụng được nguồn tài nguyên dồi dào của đất nước, họ đã giầu lên, thậm chí là rất giầu.
Nhưng 90-95% số doanh nghiệp của đất nước còn lại đang sống và hoạt động thế nào? Phải nói thật là rất nhỏ bé, rất èo uột. Họ cũng muốn vươn lên nhưng không thể tự thoát ra được vì nhiều nhẽ. Hàng hóa đầu ra thì luôn bấp bênh, giá cả từ người đặt hàng luôn mỗi ngày một giảm vì sức ép từ thị trường tiêu thụ. Khi hàng hóa như vậy, đầu tư như vậy thì lấy đâu ra năng suất cao để mà có thu nhập cao, để mà tích lũy tài chính dồi dào sẵn sàng bù đắp cho người lao động mỗi khi thị trường thất bát, gió mưa chẳng thuận.
Cần hiểu rằng: được làm việc, có việc để làm đủ trong giờ, được thể hiện năng lực trong công việc để thu nhận được những giá trị vật chất, tinh thần hợp lý và xứng đáng, là một nhu cầu, là một nguyện vọng chính đáng không chỉ riêng với người lao động mà còn là điều rất hạnh phúc với giới chủ nữa. Nhiều khi tôi lo lắng đến “thất sắc, thất thần” mỗi khi không tìm được đủ công việc cho công nhân hoặc được đột nhiên nghe thông báo về một loại phí vô hồn nào đó đè nặng lên vai doanh nghiệp.
Thông thường, chỉ có trả lương theo sản phẩm lũy tiến chứ không ai trả lương thời gian lũy tiến cả.
|
Nhiều năm nữa, xin hãy để cho doanh nghiệp và người lao động làm đủ 48 tiếng mỗi tuần, đừng tranh luận gì thêm nữa làm chúng tôi thêm rầu lòng. 90-95% số doanh nghiệp Việt nam nghèo lắm, không đủ tiền để chi trả phần lương vượt trội thời gian như các vị ngồi tính nhẩm kiểu bắt "cua trong lỗ" đâu, đừng xô đẩy doanh nghiệp khó khăn thêm nữa, thậm chí còn là phạm pháp khi bị kết tội là không tuân thủ pháp luật.
Thông thường, chỉ có trả lương theo sản phẩm lũy tiến chứ không ai trả lương thời gian lũy tiến cả. Nếu trả lương lũy tiến theo thời gian thì cực kì nguy hiểm bởi sẽ kéo theo sự bùng phát và dung dưỡng cho thói lười nhác, vô trách nhiệm, vô kỉ luật, vốn đang là điều tệ hại phổ biến nhất của số đông người lao động Việt Nam. Trả lương kiểu vậy sẽ triệt tiêu mọi động lực tích cực và chỉ tàn phá nhanh chóng mọi nguồn lực xã hội mà thôi.
Ở doanh nghiệp chúng tôi không thể chấp nhận chuyện đó. Các nhân viên của chúng tôi ở trong nước hay nước ngoài, kể cả các nhân viên người nước ngoài đang làm việc cho Công ty và tôi đã thăm nhiều doanh nghiệp nước ngoài, họ luôn tự giác tới mức tối đa, hết việc mới về chứ không phải hết giờ là về. Mặc dù phải làm việc trái múi giờ tới 6-7 tiếng, thậm chí là 12 tiếng/ngày đêm...nhưng họ luôn hoàn thành công việc mà không một lời kêu ca, oán thán vì họ đã xác định Công ty chính là cuộc đời, là nghiệp sống của họ rồi.
Gắn bó máu thịt giữa doanh nghiệp và người lao động là như thế đấy. Thứ văn hóa cốt lõi đem lại sự hưng thịnh hay lụi tàn cho doanh nghiệp, bài học sơ đẳng ban đầu ấy, giới doanh nhân ai cũng biết rất rõ. Do vậy xin bỏ hẳn khái niệm trả lương theo thời gian lũy tiến, vì đó là mối nguy hiểm tiềm tàng khôn lường cho xã hội, kìm hãm, thậm chí sẽ phá nát nền kinh tế đất nước.
Hàng hóa luôn vận hành theo cơ chế thị trường
Xin thưa, thực lòng không ai mong muốn làm thêm 400 hay 500 giờ/năm cả. Rất bất đắc dĩ phải cần làm như vậy bởi vật tư, hàng hóa luôn vận hành theo cơ chế thị trường, luôn biến động khôn lường.
Thực lòng không ai mong muốn làm thêm 400 hay 500 giờ/ năm cả. Rất bất đắc dĩ phải cần làm như vậy bởi vật tư, hàng hóa luôn vận hành theo cơ chế thị trường, luôn biến động khôn lường.
|
Với ngành may mặc, chủ yếu phải nhập vải từ nước ngoài nên luôn bị động bởi các chính sách về giá cả, về môi trường từ nước xuất khẩu. Còn nhà nhập khẩu thì luôn thay đổi rất nhanh về mẫu mã, quyết định tức thời việc thêm bớt hay cắt bỏ đơn hàng tùy theo chiều thuận hay nghịch của thị trường tiêu thụ...làm nhà sản xuất chúng tôi nhiều khi khốn đốn và bối rối vô cùng. Khi kế hoạch sản xuất bị đảo lộn, nếu không làm thêm giờ ở một số thời điểm nào đó, không giao hàng kịp, hoặc bị phạt, hoặc phải vận tải bằng máy bay, coi như hết cả công lẫn lãi.
Nhưng khi làm thêm giờ, tiền công sản phẩm ngoài giờ trả cho người lao động không những cao hơn gấp bội đơn giá bình thường mà lại còn không được tính vào chi phí giá thành, phải trừ vào lợi nhuận doanh nghiệp. Vậy nên đâu có ai mong muốn thêm giờ làm gì cho thêm mệt mỏi và tốn kém vô cùng.
Tôi đề nghi tăng thêm giờ lên 400 hay 500 giờ/ năm vì 3 mục đích chính:
Người lao động có thêm một lượng thời gian vừa phải để làm việc trên cơ sở máy móc, thiết bị và hàng hóa hiện hữu của doanh nghiệp để tăng thêm một khoản thu nhập lương thiện, thiết yếu cho cuộc sống mà khi về nhà, không cần phải đôn đáo tìm làm thêm nhiều việc khác nữa (đây là nhu cầu chính đáng của người lao động).
Doanh nghiệp có khoảng thời gian an toàn để xử lý các tình huống bất bình thường về hàng hóa trong một số thời điểm nào đó mà không lo ngại tới việc vi phạm pháp luật. Vì các chi phí làm ngoài giờ về tiền công, năng lượng...rất cao, nên doanh nghiệp hoàn toàn không coi đó là khoảng thời gian làm việc nhằm thu thêm lợi nhuận như lâu nay các vị đang hiểu để phê phán gay gắt doanh nghiệp.
Các đối tác nước ngoài không vịn vào cớ quá khắc nghiệt khi giới hạn về thời gian làm việc thêm để kết luận rằng doanh nghiệp vi phạm pháp luật, rồi từ đó cắt bỏ đơn hàng... Xin nói thêm, không ít doanh nghiệp đã phải chịu tổn thất nặng nề vì qui định thời gian làm việc ngặt nghèo ở Việt nam, hàng nghìn lao động ở các nơi đó đã bị rơi vào thảm cảnh mất việc làm. Vậy nên đề nghị khung làm thêm giờ cho các doanh nghiệp khoảng 450- 500 giờ/mỗi năm là ổn thỏa và đủ an toàn.
Từ đôi điều thực tiễn doanh nghiệp, tôi muốn làm rõ thêm những khoảng mờ trong lý luận rất khác biệt với thực tế cuộc sống mà doanh nghiệp chúng tôi và hàng ngàn hàng vạn doanh nghiệp khác đang trải qua hàng ngày.