Cần phân biệt tái phát và tái nhiễm
Không chỉ Trung Quốc, tại Nhật Bản, một người phụ nữ (40 tuổi) là hướng dẫn viên du lịch, từng dẫn một đoàn khách đến từ Vũ Hán, cũng được cho là bị tái nhiễm COVID-19 sau 14 ngày xuất viện.
Thời gian qua, Việt Nam ghi nhận 16 ca nhiễm, tất cả đều đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện. Tuy nhiên, các thông tin về tái nhiễm COVID-19 ở người đã được chữa khỏi khiến người dân hoang mang. Liệu rằng với sự tái nhiễm như vậy thì bệnh nhân nhiễm COVID-19 được chữa khỏi đã đảm bảo hoàn toàn hết bệnh, an toàn sức khỏe, tính mạng hay chưa.
Trao đổi với VietTimes, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong – Trưởng khoa Nhiễm D (BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM), cho biết cần phân biệt tái phát và tái nhiễm. Nếu hiểu rõ hai khái niệm này thì người dân sẽ yên tâm hơn.
“Tái phát là trường hợp bệnh nhân bị bệnh do một tác nhân nào đó, các bác sĩ đã điều trị khỏi bệnh, sau 1 thời gian, bệnh nhân quay trở lại khám thấy bị bệnh trở lại do tác nhân cũ chưa hết (ví dụ như bệnh sốt rét).
Trong khi đó, tái nhiễm là bệnh nhân đã được trị khỏi bệnh, nhưng khi trở về đã tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như người bị nhiễm bệnh thì bị nhiễm lại”.
Như vậy, người nhiễm COVID-19 sau khi được chữa khỏi bệnh không nên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như người bị nhiễm bệnh để bị tái nhiễm.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong cho biết bệnh nhân sau khi điều trị khỏi bệnh COVID-19 mà tiếp xúc với người bị nhiễm thì có thể tái nhiễm. Ảnh: Hòa Bình
|
BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là nơi tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhân T.K.H (73 tuổi) Việt kiều Mỹ nhiễm COVID-19 (được xuất viện vào chiều 21/2). Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong cho biết, bệnh nhân được cách ly nghiêm ngặt trong phòng áp lực âm, được thở ô xy qua mask, thuốc truyền tĩnh mạch, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý,... Đặc biệt, các bác sĩ khoa Nhiễm D luôn chú trọng quan tâm hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân, giúp tinh thần ông H. luôn thoải mái, vui vẻ.
Nhân viên y tế khi vào chăm sóc bệnh nhân đều được mặc đồ bảo hộ kỹ, tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Bộ Y tế và BV.
Trong ngày xuất viện, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tặng ông T.K.H bức ảnh làm kỷ nhiệm. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
Khi biết bác sĩ Phong điều trị, tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm COVID-19, nhiều người xung quanh đã có thái độ ngần ngại khi tiếp xúc với ông. Tuy nhiên, bác sĩ Phong không cảm thấy lo lắng, nghi ngại về việc mình sẽ mang mầm bệnh rồi lây cho cộng đồng vì đã tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy tắc bảo vệ sức khỏe trước nguồn lây.
Bác sĩ Phong khẳng định: “Khi biết cơ chế lây của virus COVID-19 thì các bác sĩ ở đây đều phải biết tự bảo vệ mình khi tiếp xúc với nguồn lây. Do đó, bác sĩ trang bị đồ bảo hộ y tế an toàn, điều trị, chăm sóc bệnh nhân theo quy trình, tuân thủ các quy tắc của Bộ Y tế và BV thì sẽ không bị lây nhiễm.
Điều này cho thấy rằng với cộng đồng, khi chúng ta hiểu được các cách phòng tránh, chủ động bảo vệ chính mình trước dịch bệnh COVID-19 thì sẽ tránh được nguy cơ lây nhiễm, tái nhiễm”.
Bệnh nhân và bác sĩ ngồi sát cạnh nhau, thoải mái chia sẻ niềm vui và không ai mang khẩu trang y tế. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
Đặc biệt, trong buổi bệnh nhân Việt kiều Mỹ được xuất viện, chiều 21/2, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh, Ban giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới cùng toàn thể bác sĩ, điều dưỡng ở khoa Nhiễm D đều không mang khẩu trang y tế.
Bác sĩ Phong nhấn mạnh: “Khi nói bệnh nhân khỏi bệnh, nghĩa là bệnh nhân đã khỏi bệnh hoàn toàn, không còn tác nhân gây bệnh, không còn khả năng lây bệnh. Do đó, khi bệnh nhân được xuất viện, chúng tôi không mang khẩu trang, ngồi bên cạnh, trò chuyện thoải mái cùng ông T.K.H”.
Tuy nhiên, không phải người nhiễm COVID-19 khi được chữa khỏi, xuất viện sẽ không bị tái nhiễm. “Khi cho xuất viện, chúng tôi đã đảm bảo bệnh nhân đã hoàn toàn khỏi bệnh, không còn tác nhân gây nhiễm để tái phát. Nhưng nếu bệnh nhân sau khi khỏi bệnh lại tiếp xúc với người bị nhiễm hay đi vào vùng dịch thì rất có thể sẽ bị tái nhiễm. Đây là điều hoàn toàn bình thường” – bác sĩ Phong khẳng định.
Có hay không COVID-19 lây qua đường nước, phân người?
Đáng nói, có nhiều nguồn thông tin cho rằng COVID-19 lây qua đường không khí, nguồn nước, phân người. Bác sĩ Phong khẳng định thông tin COVID-19 lây qua đường không khí là giả thiết. Nếu COVID-19 bay lơ lửng trong không khí thì nguy hiểm cực kỳ, chúng ta không thể nào tránh khỏi dịch bệnh này.
Thực tế, COVID-19 nằm trong những giọt bắn và bám vào các vật dụng như tay cầm cửa, bàn, ghế,… chứ không bay lơ lửng trong không khí.
“Việc có hay không COVID-19 lây qua đường nước, phân người,… đến nay vẫn chưa có căn cứ nào rõ ràng về việc lây nhiễm này và chưa có tổ chức y tế nào khẳng định. Cần nhấn mạnh cơ chế lây của COVID-19 là qua giọt bắn và các vật có hình dạng, vật dụng. Do đó, việc rửa tay thường xuyên là rất cần thiết. Mỗi người phải trang bị cho mình dung dịch rửa tay khô để rửa tay nhanh, gọn vào bất cứ lúc nào” – Bác sĩ Phong nói.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong chia sẻ về việc có hay không việc COVID-19 lây nhiễm qua đường nước, phân người. Ảnh: Hòa Bình
|
Bác sĩ Phong nhấn mạnh cơ chế lây của COVID-19 là lây qua qua giọt bắn khi tiếp xúc gần 1-2m và lây qua tiếp xúc. Đặc biệt nhất là lây qua giọt bắn khi đứng cách nhau từ 1-2m. Trường hợp đứng cách 3m thì an toàn về giọt bắn, đồng nghĩa với việc chúng ta không cần đeo khẩu trang.
Lây qua tiếp xúc là một người bị nhiễm bệnh, khi nói chuyện, hắt hơi văng giọt bắn xuống bàn, ghế, tay cầm cửa,… thì virus sẽ nằm tại những vị trí đó. Khi một người bình thường chạm phải sẽ bị lây nhiễm.
Do đó, chúng ta cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần (dưới 2m) và rửa tay thường xuyên để bảo vệ mình không bị lây nhiễm. Đặc biệt, người bệnh sau khi được chữa khỏi COVID-19 không nên tiếp xúc với nguồn lây nhiễm để tránh tái nhiễm.
Ngoài ra, bác sĩ Phong khuyên người dân nên đọc tin tức, đặc biệt là về dịch bệnh COVID-19, tại các trang thông tin chính thống để biết các biện pháp bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần, phòng ngừa dịch bệnh tốt hơn.