Bác sĩ chuyên khoa khuyên phải chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong tình hình dịch sốt xuất huyết tiếp tục hoành hành kéo dài, nhiều bệnh nhân chuyển nặng, các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn những biện pháp chăm sóc khuyến cáo theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu.
Số ca mắc sốt xuất huyết ở TP.HCM tiếp tục gia tăng nhanh. Ảnh: Hòa Bình
Số ca mắc sốt xuất huyết ở TP.HCM tiếp tục gia tăng nhanh. Ảnh: Hòa Bình

Một gia đình có thể có nhiều bệnh nhân SXH

Chia sẻ với phóng viên VietTimes, một gia đình sống tại Quận 12 – một trong những điểm nóng sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TP.HCM - cho hay, gia đình có hai con, một bé 10 tuổi và một bé 6 tuổi, không may cả hai đều mắc SXH, phải nhập viện điều trị nội trú trong cùng một ngày, khiến ba mẹ phải chia nhau trong khu nội trú của hai bệnh viện, mỗi người chăm sóc một bệnh nhi. Tuy nhiên, biểu hiện bệnh của mỗi bé có nhiều điểm khác biệt.

Hai bệnh nhi cùng sốt cao tới 40 độ, ở ngày thứ nhất thì cứ mỗi 4 tiếng lại lên một cơn sốt mới, ngày thứ hai, cơn sốt của bệnh nhi sau mỗi 6 tiếng. Gia đình thấy cho con uống thuốc hạ sốt nhưng khó có thể kiểm soát được nên đã ngay lập tức cho cả hai con nhập viện vào Bệnh viện Quận 12.

Cả hai bé đều sốt li bì, không ăn uống được, hai ngày đầu bé nôn ói nhiều. Bé thứ nhất 10 tuổi, cân nặng hơi thiếu một chút, chiều cao bình thường, kết luận của các bác sĩ là trường hợp bệnh nhi này không quá khó để điều trị nên sau 5 ngày của chu kỳ bệnh, bé vẫn đang tiếp tục điều trị nội trú tại Bệnh viện Quận 12. Tuy nhiên, bệnh nhi sốt cao, bị mất nước nhiều, thoát huyết tương nên cũng có biểu hiện bị đông máu.

TS. BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa SXH BV Nhi Đồng 1 - Ảnh: Hòa Bình

TS. BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa SXH BV Nhi Đồng 1 - Ảnh: Hòa Bình

TP.HCM: Bác sĩ Trưởng khoa dự báo sốt xuất huyết tiếp tục “nóng” tới cuối năm

Còn bệnh nhi thứ 2, ngược lại với người anh của mình, bé hơi dư cân so với lứa tuổi nên có dấu hiệu diễn tiến nặng, huyết áp kém, khó đo mạch, vì thế các bác sĩ BV Quận 12 đã phải cho chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp tục điều trị.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 lưu ý: Các bé dư cân, mập phì có nhiều khả năng bị diễn tiến nặng khi mắc SXH.

Cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân SXH

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn giải thích, bệnh SXH thông thường diễn tiến qua 3 giai đoạn. Giai đoạn sốt, từ ngày 1 đến ngày 4 của bệnh, trong đó sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sau đó sốt trở lại. Ngoài ra người bệnh có thể có các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn…

Bệnh nhi SXH chuyển từ BV Quận 12 tới BV Nhi Đồng 1- Ảnh: Hòa Bình

Bệnh nhi SXH chuyển từ BV Quận 12 tới BV Nhi Đồng 1- Ảnh: Hòa Bình

Đa số trường hợp bệnh sẽ tự thuyên giảm sau 5 ngày và bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau 1 tuần. Tuy nhiên có một tỷ lệ bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nguy kịch. Cuối cùng là giai đoạn hồi phục hồi, thường sau ngày thứ 7 của bệnh.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn khẳng định: “Cha mẹ không nên chủ quan khi trẻ mắc SXH, cần theo dõi chặt chẽ. Ngay cả người lớn mắc SXH cũng không thể chủ quan, nếu có các biểu hiện nặng như chảy máu (các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo); nôn liên tục; đau bụng dữ dội; lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; xanh tím, tay và chân lạnh ẩm; khó thở… thì cần phải đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra, kịp thời chẩn đoán và điều trị”.

Chia sẻ với các bậc phụ huynh có con nhỏ đang điều trị SXH tại nhà, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn khuyên: “Trường hợp bệnh nhân không có dấu hiệu chuyển nặng như đau bụng nhiều, nôn ói nhiều, lừ đừ, bứt rứt, vật vã, tiểu ít, xuất huyết niêm mạc bất thường như chảy máu mũi, ói ra máu… thì vẫn có thể điều trị tại nhà. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, ăn uống được thì tốt nhất người thân chăm sóc tại nhà nên chủ động cho bệnh nhân uống nước nhiều, uống nước đun sôi để nguội, nước trái cây”.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn khám bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Hòa Bình

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn khám bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Hòa Bình

Ngoài ra, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn khuyên bệnh nhân nên ăn thức ăn mềm lỏng, dễ tiêu như cháo, tránh những thức ăn có màu nâu hoặc màu đỏ vì khi đi ngoài phân có thể có màu đỏ, dễ bị nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.

“Có thể cho bệnh nhân hạ sốt với Paracetamon khi bệnh nhân sốt cao từ 39 độ C trở lên, kết hợp với lau mát hạ sốt bằng nước ấm, đắp khăn ẩm lên những vị trí mà các mạch máu lớn chạy qua như hai bên cổ, hai bên nách hoặc hai bên bẹn. Không nên dùng Aspirin hạ sốt, khá nguy hiểm cho người bệnh. Nên nới rộng quần áo cho trẻ bị SXH để cơ thể được thoáng và theo dõi chặt mọi biểu hiện bất thường, nếu có dấu hiệu chuyển nặng cần cho trẻ nhập viện ngay để được cấp cứu kịp thời” – TS.BS Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Ths.BS Phạm Ngọc Oanh – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết thêm các chi tiết: “Bệnh nhân SXH có hai kiểu xuất huyết, nếu là xuất huyết ra ngoài thì dễ nhận biết nhưng xuất huyết bên trong thì khó theo dõi hơn, trong quá trình điều trị sẽ phải quan sát xem bệnh nhân SXH có bị đi ngoài phân đen hay không. Thế nên, trong giai đoạn mắc SXH, nên hạn chế cho người bệnh ăn các thực phẩm và rau củ có màu đỏ sậm như củ dền chẳng hạn, vì dễ dẫn đến nhầm lẫn là bệnh nhân bị xuất huyết bên trong”.

Ths.BS Phạm Ngọc Oanh khuyên: “Bệnh nhân mắc SXH có tình trạng bị thoát huyết tương ra khỏi thành mạch máu. Cho nên máu của bệnh nhân SXH rất dễ bị cô đặc, dẫn đến sốc SXH. Chính vì thế, việc bù nước cho bệnh nhân SXH là cực kỳ quan trọng”.

Ths.BS Phạm Ngọc Oanh đưa lời khuyên chi tiết về cách chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết

Ths.BS Phạm Ngọc Oanh đưa lời khuyên chi tiết về cách chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM vẫn đang tăng nhanh

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM vẫn đang tăng nhanh

“Để bù nước cho bệnh nhân SXH cũng có thể cho uống các loại nước điện giải như Oresol. Để tăng đề kháng, có thể cung cấp vitamin C trực tiếp từ nước trái cây các loại như cam, dừa… Bệnh nhân SXH thường sẽ bị chán ăn, người nhà cũng không nên quá căng thẳng với việc này, chỉ cần lưu ý cho bệnh nhân ăn các loại thực phẩm, rau củ có màu xanh đậm, cung cấp nhiều vitamin A và C” - Ths.BS Phạm Ngọc Oanh phân tích.

“Với bệnh nhân SXH, bù nước là quan trọng nhưng nên hạn chế uống nước ngọt có ga, chất kích thích như cà phê, thực phẩm quá béo, chiên rán, quá chua hoặc nhiều cay, vì các thực phẩm này đều sẽ rất khó tiêu” - Ths.BS Phạm Ngọc Oanh hướng dẫn.

Như TS.BS Nguyễn Minh Tuấn đã phân tích và cảnh báo, khi trong nhà có người mắc SXH, cần hết sức tránh việc lạm dụng truyền dịch, tự sử dụng thuốc hạ sốt có thể gây xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng, ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân. “Nên nhớ, truyền dịch ở nhà sớm cũng không phòng được SXH mà có thể gây sốc phản vệ do phản ứng với dịch truyền hoặc truyền dịch vào sớm sẽ gây thoát huyết tương, khi bệnh vào giai đoạn nguy hiểm sẽ gây khó thở, suy hô hấp, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn” – BS Tuấn nhắc nhở.