Tai nạn pháo nổ là một trong số các tai nạn thường gặp trong dịp Tết Nguyên đán. Theo thống kê của ngành Y tế, chỉ trong 6 ngày Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019, có đến 287 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm, có thể gây bỏng và các vết thương ở tất cả các vị trí trên cơ thể, thậm chí tử vong. Trong pháo có chứa chất phốt pho, lưu huỳnh, người đốt pháo dễ gặp phải các tổn thương nặng ở đầu, mặt, cổ, mắt, tay,…
Sử dụng, gây ra nhiều tai nạn nghiệm trọng. Ảnh minh họa: Internet
|
Khi bị tai nạn do pháo nổ, tùy vào vị trí vết thương mà có những cách sơ cứu khác nhau. Bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Hà - Khoa Cấp cứu (Bệnh viện (BV) Đại học Y dược TP.HCM) - cho biết, nếu bạn hay người thân bị bỏng vùng mắt, hoặc dị vật rơi vào mắt do tai nạn pháo nổ, nên rửa mắt bằng dòng nước sạch liên tục trong ít nhất 10 phút. Trong khi rửa, nên chớp mắt để loại dị vật ra khỏi mắt, sau đó băng mắt bằng gạc sạch. Tuyệt đối không cố gắng lấy dị vật ra khỏi mắt bằng mọi giá
Khi nạn nhân bị gãy xương, dập nát bàn tay,… do đốt pháo, người thân nên cố định xương gãy và băng vết thương cẩn thận. Trường hợp bệnh nhân bị bỏng da, bác sĩ Hà khuyên bạn nên tưới nước sạch liên tục lên vùng da bị bỏng khoảng 10 phút. Cách này sẽ giúp vùng da bị bỏng dịu lại, hạn chế những tổn thương nặng hơn.
Ngay sau khi thực hiện các bước sơ cứu, ta nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được tiếp tục xử trí.
BV Đại học Y dược TP.HCM khuyến cáo người dân không nên buôn bán hay sử dụng pháo nổ để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình của mình, tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.