Bác sĩ cảnh báo đi chơi lễ, không đeo khẩu trang có thể gặp hậu quả khó lường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TS. Huỳnh Minh Tuấn (giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM) đưa cảnh cáo về việc bắt buộc tuân thủ đeo khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng, đông người đi chơi lễ. 
BS.TS Huỳnh Minh Tuấn (bên phải) hướng dẫn nhân viên y tế mặc các loại phương tiện phòng hộ cá nhân (Ảnh: TB)
BS.TS Huỳnh Minh Tuấn (bên phải) hướng dẫn nhân viên y tế mặc các loại phương tiện phòng hộ cá nhân (Ảnh: TB)

Đeo khẩu trang cả trong nhà vệ sinh công cộng

+ Thưa BS, dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, người dân tới các tụ điểm vui chơi có thể rất đông. Đối mặt với nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, việc đeo khẩu trang đã được quy định bắt buộc ở những nơi công cộng. Theo đó, phải đeo khẩu trang khi ra đường, nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm. Xin BS giải thích thêm và đưa cảnh báo tới công chúng về cơ chế khuếch tán trong không khí của virus đối với SARS-CoV-2 và các biến chủng mới?

TS. Huỳnh Minh Tuấn: Virus SARS-CoV-2 lây truyền theo cơ chế giọt bắn. Khi người bệnh hoặc người lành mang bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi… làm bắn ra những giọt nước nhỏ li ti, có thể chứa mầm bệnh, khiến người đứng cạnh trong khoảng cách dưới 2m có nguy cơ hít trực tiếp phải giọt bắn mang virus SARS-CoV-2. Đây là cơ sở cho việc mang khẩu trang, giống như thiết lập một màng chắn bao kín mũi và miệng, tránh bị hít trực tiếp phải giọt bắn mang Virus SARS-CoV-2.

Dĩ nhiên, khẩu trang cũng có nhiều loại với công dụng và đặc thù sử dụng khác nhau (đây là vấn đề hot mà trong thời gian qua cũng đã có khá nhiều tranh luận sôi nổi). Hiện tại, với các hướng dẫn của Bộ Y tế, chúng ta an tâm sử dụng các loại khẩu trang vải đạt chất lượng, còn khẩu trang y tế được sử dụng trong môi trường BV với những chỉ định khác nhau cho từng loại.

Điều quan trọng là phải sử dụng khẩu trang cho đúng cách: Khẩu trang phải che kín mũi và miệng, mặt ngoài của khẩu trang phải có tính kháng thấm, để giọt bắn rớt xuống chứ không thấm vào trong, trong khi mang khẩu trang thì hạn chế dùng tay sờ chạm vào mặt ngoài khẩu trang, khi khẩu trang bị bẩn hoặc ướt thì phải thay ngay và vệ sinh tay ngay sau đó, nên bỏ khẩu trang vào thùng rác có nắp đậy, hoặc mang theo 1 cái túi nhỏ để đựng các khẩu trang đã sử dụng, giặt khẩu trang bằng nước và xà bông và phơi nắng là tốt nhất.

BS Huỳnh Minh Tuấn
BS Huỳnh Minh Tuấn tham gia nhiều chương trình phòng chống COVID-19 (Ảnh: TB)

+ Có thông tin cho rằng cần phải đeo khẩu trang cả trong nhà vệ sinh công cộng, vì nơi đây cũng có nguy cơ lây nhiễm, khiến công chúng khá lo lắng, thưa bác sĩ?

TS Huỳnh Minh Tuấn: Các nhà nghiên cứu trên thế giới giải thích rằng việc xả nước trong nhà vệ sinh công cộng có thể giải phóng các hạt lơ lửng trong không khí. Sau đó các giọt bắn này có thể rơi xuống khu vực nhà vệ sinh, mang theo mầm bệnh SARS-CoV-2. Thực ra thì việc luôn luôn đeo khẩu trang không thừa. Bởi những người không đeo khẩu trang trong nhà vệ sinh công cộng có thể hít phải những hạt lơ lửng trong không khí này, do đó bị nhiễm virus.

Không phòng bị cẩn thận, nhận hậu quả khó lường

+ Thưa bác sĩ, liệu có thể khẳng định được hiệu quả của việc đeo khẩu trang trong nhà vệ sinh công cộng, vốn là môi trường nhiều người cùng đến?

TS. Huỳnh Minh Tuấn: Theo tôi nghĩ, phân tích chuyên môn như vừa rồi cho thấy khó khẳng định chắc chắn hiệu quả của việc đeo khẩu trang trong nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, đeo khẩu trang cũng không hại gì, nếu muốn phòng tránh cẩn thận nhất, hạn chế tối thiểu nguy cơ hít phải giọt bắn, thì mọi người vẫn nên đeo khẩu trang, trong bất cứ một môi trường công cộng nào, bao gồm cả nhà vệ sinh.

Cũng nên lưu ý rằng các nhà nghiên cứu trên thế giới và cơ quan có thẩm quyền có hai chức năng khác hẳn nhau. Nghiên cứu của các nhà chuyên môn dù được công bố trên các tạp chí y khoa chuyên ngành nhưng cũng chưa chắc đã ảnh hưởng đến các hướng dẫn và quy định của cơ quan y tế có thẩm quyền như WHO (Tổ chức y tế thế giới), CDC Hoa Kỳ và Bộ Y tế ở nước ta.

Chẳng hạn như một nghiên cứu cho rằng virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền qua đường không khí. Nếu đúng như thế thì bắt buộc toàn dân cả thế giới cùng phải đeo khẩu trang N95 mới có thể phòng chống lây nhiễm, chứ khẩu trang y tế với khẩu trang vải không có ý nghĩa gì. Nhưng thật ra, virus này đúng là có thể lây truyền qua đường không khí, nhưng phải là môi trường có thể tạo ra khí dung, chẳng hạn như đặt nội khí quản cho người bệnh COVID-19. Nên WHO, CDC Hoa Kỳ và Bộ Y tế đều không khuyến cáo toàn thế giới phải đeo khẩu trang N95, mà chỉ giành cho những nhân viên y tế sinh hoạt và làm việc trong môi trường điều trị bệnh nhân COVID-19 và khi có các chỉ định đặc biệt.

Thí nghiệm về các hạt khuếch tán trong nhà vệ sinh công cộng khi bồn cầu được xả nước cho thấy 57% các hạt sẽ phát tán từ bồn tiểu. Bồn tiểu được sử dụng thường xuyên hơn. Các hạt được phóng ra bởi nước xả có thể chạm đến đùi của một người đàn ông trong 5,5 giây và lan rộng hơn trong 35 giây.

Cũng có nghiên cứu cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể bắn xa tới 5m và lơ lửng trong không khí đến ít nhất là 3 giờ đồng hồ… Nếu thật sự như thế thì giãn cách xã hội 2m không có hiệu quả gì. Nhưng quy định hiện tại của cả thế giới vẫn đang thống nhất là khoảng cách 2m là tương đối an toàn.

Hãy thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Nhiều thành phố, vùng miền, quốc gia đã phải nhận hậu quả khó lường khi người dân chủ quan lơ là không đeo khẩu trang khi ra đường.

Đúng là virus SARS-CoV-2 có thể lơ lửng trong không khí nhưng bao lâu và các hạt này có thể mang được mầm bệnh hay không thì chưa có giải đáp cuối cùng. Các nhà nghiên cứu trên thế giới cho biết virus SARS-CoV-2 có thể được phát hiện trong phân. Tuy nhiên, các cơ quan quan trọng nhất như WHO, Bộ Y tế thì đều chưa khẳng định việc này.

BS Huỳnh Minh Tuấn
BS.TS Huỳnh Minh Tuấn Giảng bài online trong loạt bài hòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm COVID-19


Vaccine
không phải là tấm lá chắn vĩnh viễn

+ Mặc dù Việt Nam về cơ bản có thể kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, nhưng việc phát hiện nhiều biến chủng của con virus này (ở Việt Nam là 6 chủng và trên thế giới còn nhiều chủng khác). Như những trường hợp tái nhiễm chủng khác sau vài tháng khỏi bệnh của các bệnh nhân trên thế giới đã được phát hiện, khiến các BS cũng kết luận là ngay cả khi đã sản xuất thành công vaccine COVID-19, cũng chưa chắc vaccine này đã chống lại mọi chủng của SARS-CoV-2. Điều này có đúng không thưa bác sĩ?

TS Huỳnh Minh Tuấn: Chính xác là vậy, các bệnh truyền nhiễm thông thường khác cũng đều thế cả. Chỉ là con virus cúm thôi nhưng mỗi năm lại có một số chủng virus cúm mới.

Áp dụng trong trường hợp vaccine COVID-19, khi virus SARS-CoV-2 có quá nhiều biến chủng, hiện tại ở Việt Nam đã phát hiện tới 6 chủng virus. Nếu giả sử vắc-xin được chế tạo ra có thể bảo vệ cho con người trước 6 chủng virus này, thì khi người bệnh nhiễm phải một chủng mới từ nước ngoài hoặc là 1 biến chủng mới thì các vaccine này sẽ không bảo vệ được họ.

Bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn cảnh báo vaccine không giải quyết được toàn bộ dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Hòa Bình)
Bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn cảnh báo vaccine không giải quyết được toàn bộ dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Hòa Bình)


Dù vậy, vaccine là vấn đề sống còn của công tác chống dịch. Tuy nhiên, cho dù trong thời gian tới có vaccine đi chăng nữa, thì khả năng tiếp cận với vaccine, hiệu lực của vaccine, hay cơ địa của mỗi người có khả năng đáp ứng tạo miễn dịch bảo vệ hay không, đặc biệt đối với bệnh Covid-19 này là một bệnh mới, vẫn còn là những câu hỏi cần phải có thời gian mới trả lời được chinh xác.

Do vậy, người dân hãy luôn nâng cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng chống lây lan dịch bệnh cơ bản theo hướng dẫn của BYT như vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa thoáng khí, rửa tay sát khuẩn thường xuyên và đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn.

+ Trân trọng cảm ơn BS!