Trong lần hiếm hoi chia sẻ trước truyền thông trong buổi lễ đón nhận phần thưởng "thành tựu trọn đời" do Forbes Việt Nam trao tặng ngày 18/10, bà Mai Kiều Liên nhắc những kỷ niệm ngày đầu lựa chọn đi theo ngành sữa và dẫn dắt Vinamilk trở thành doanh nghiệp tỷ USD như hiện nay.
Nữ tướng ngành sữa cho biết người có ảnh hưởng nhiều nhất để bà đi theo con đường này chính là bố của mình.
Thích học về vật lý hơn công nghệ sữa
Bà Mai Kiều Liên cho biết trước năm 1975, bà là một trong 176 người được cho đi học thạc sĩ tại Liên Xô cũ. Ở thời điểm đó, không ai biết trước ngành mình học là gì, Nhà nước định hướng gì thì phải học nấy. Ngành sữa là khái niệm hoàn toàn xa lạ không chỉ với bà mà với cả bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.
Thời điểm đó, cả miền Bắc chỉ có mỗi nông trường Mộc Châu với vài chục con bò sữa nên việc hình dung ra ngành này là điều không thể. Việc nấu bánh sữa hay chế biến sữa đặc có đường thời đó cũng là một công việc phức tạp và khó khăn.
“Khi đoàn học viên di chuyển tới biên giới Trung Quốc - Liên Xô thì có thông báo 4 người được lựa chọn học ngành công nghệ sữa trong đó có tôi. Thú thật khi nhận được thông tin này, tôi ngỡ ngàng lắm. Tôi có đam mê với vật lý và cũng mong muốn được học ngành này. Thời điểm đó, vật lý, hóa học được xem là ngành thời thượng của xã hội” - bà Liên cho hay.
Tuy nhiên, bởi không có lựa chọn, bà vẫn cố theo đuổi ngành học này. Cơ duyên thực sự với ngành sữa, theo lời bà Liên, chỉ đến sau khi được tư vấn của ba mình - một bác sĩ quân đội.
“Sau một năm học tiếng Nga tôi vẫn nuôi hi vọng được chuyển ngành mà mình yêu thích. Tôi xin ý kiến của ba mình về việc học ngành nào cho đúng đắn thì nhận được lời khuyên là tiếp tục học ngành sữa. Ba tôi đưa ra lời khuyên trước khi đi B chiến đấu và ông cho rằng sau chiến tranh việc cần thiết nhất vẫn là cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và sữa chính là chìa khóa để làm chuyện này. Sau lời khuyên này thì tôi đã xác định theo đuổi ngành sữa một cách nghiêm túc” - bà Liên kể lại.
Cơ duyên đầu tiên đó là nền móng đã đưa bà Liên gắn bó 40 năm với Vinmilk, đưa giá trị vốn hóa doanh nghiệp từ 100 triệu USD năm 2003 lên hơn 100 lần hôm nay (hơn 10 tỷ USD). Thậm chí khi Vinamilk lên sàn vào năm 2006, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng lên gấp đôi trong một ngày.
Bà chia sẻ: mỗi giai đoạn có một đặc thù. Doanh nghiệp Nhà nước bây giờ đang trong xu thế cổ phần hóa đồng nghĩa với việc giải phóng sự tử chủ của doanh nghiệp. "Chúng tôi từng đã trải qua quá trình phát triển của doanh nghiệp Nhà nước, cái gì cũng xin, cũng trình, không chỉ trình với người quản lý trực tiếp mà ba bốn nơi. Cơ hội vì thế tuột mất nhiều", bà nói.
Từ trải nghiệm ở Vinamilk, bà Liên cho rằng nếu doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần sớm có lẽ còn thành công hơn nữa. "Cổ phần hóa, chúng ta hoạt động quy củ, đúng luật hơn, có trách nhiệm với cổ đông hơn, phòng ngừa rủi ro tốt hơn. Ở giai đoạn niêm yết rồi, có thể nhiều người ngại vì để lộ hết doanh số, lợi nhuận, chiến lược… nhưng riêng tôi thì không ngại chuyện này vì mọi thứ minh bạch, nhiều người giám sát, cho ý kiến thì càng tốt” - bà nói.
Giúp nhân viên thấy 5h chiều muốn về nhà, 8h sáng muốn đến công ty
Chia sẻ về triết lý lãnh đạo, bà Liên cho rằng điều quan trọng là sự chân thành, làm gương, phải chứng minh được mình dẫn dắt đội ngũ công ty đi lên, cuộc sống mọi người khá lên.
"Làm sao để mọi người cảm thấy năm giờ chiều thích về nhà và tám giờ sáng thích đến công ty. Tôi nghĩ đó là thành công", bà nói.
Chia sẻ bí quyết, bà cho rằng việc chuẩn bị tốt kiến thức để nắm bắt cơ hội mới là vấn đề tất yếu để thành công.
"Làm lãnh đạo ai cũng có mong muốn đặt mục tiêu cao hơn, lớn hơn. Tuy nhiên, tôi thấy cần phải đảm bảo được kiến thức trước hết. Có kiến thức thì mình ra quyết định đúng đắn hơn, sát thực hơn" - bà nói.
Nữ tướng ngành sữa lấy dẫn chứng về tham vọng bất thành của Vinamilk trong việc thành tập đoàn thực phẩm quy mô lớn. Theo bà, doanh nghiệp chỉ thành công phần nào trên phương diện chuyển nhượng các dự án. Đơn vị này cũng đã từng làm cà phê, làm bia, bánh kẹo… nhưng việc tính toán đầu tư sai thời điểm vì không hiểu rõ thị trường và rất khó cạnh tranh.
Bà Mai Kiều Liên nhận giải thưởng "thành tựu trọn đời" do Forbes Vietnamtrao tặng. |
Với cà phê, Vinamilk khó cạnh tranh về giá đối với những người buôn bán lề đường vì thời điểm đó nhận thức của người tiêu dùng chưa cao về thực phẩm sạch.
Với sản phẩm bia, ban đầu doanh nghiệp liên doanh với Bia Sài Gòn nhưng có nhiều thay đổi nhân sự nên không thể tiếp tục. Không am hiểu về ngành này, doanh nghiệp đã phải dừng lại sau gần 2 năm triển khai.
"Ai cũng hỏi vì sao tôi không có người giúp việc"
Gặp mặt ngay trước ngày 20/10, bà Liên cũng chia sẻ về vai trò của lãnh đạo nữ. Bà cho rằng con số 25% CEO Việt Nam là nữ xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử khi trải qua mấy chục năm chiến tranh, nam giới ra trận còn phụ nữ làm hết mọi việc ở nhà, từ xây nhà, đến đi cày... Môi trường đó làm cho người phụ nữ tự lập, tự quyết định.
“Tôi rất khâm phục các chị em tự xây dựng doanh nghiệp. Ngoài ý tưởng, họ cần có người hỗ trợ và rất nhiều thứ. Quan trọng là ý chí không buông bỏ, nếu mình biết mình làm đúng thì cứ đi tới, từng bước một. Tôi nghĩ những người có ý chí, kiến thức, đam mê sẽ thành công” - bà Liên chia sẻ.
Tại cuộc trao đổi, bà Liên cũng được hỏi về việc cân đối công việc ở công ty và gia đình ra sao trong khi bà không thuê người giúp việc nhà, nhất là người lãnh đạo của một doanh nghiệp tỷ USD. Đáp lời, bà chia sẻ nguyên tắc dành tám tiếng ở công ty, tám tiếng ở nhà và tám tiếng để ngủ.
“Mọi người đều hỏi vì sao không có người giúp việc. Tôi không muốn có người giúp việc. Tôi không muốn con tôi ỷ lại và giúp con không có khái niệm sai khiến người khác, không làm phiền người khác. Với mong muốn đó, vợ chồng cùng con cái cùng nhau tìm cách giải quyết việc nhà” - bà Liên cho biết.
Theo Zing News
Link gốc: https://news.zing.vn/ba-mai-kieu-lien-toi-tung-rat-that-vong-khi-duoc-chon-hoc-nganh-sua-post885432.html