“Ba không” với chính sách ân xá thuế

Sau khi không nhận được sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội cũng như gặp sự phản ứng của dư luận về đề xuất xóa nợ thuế cho doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là DNNN, Bộ Tài chính lại tiếp tục trình Chính phủ đề nghị xóa 13.064 tỉ đồng nợ thuế, tiền phạt chậm nộp cho doanh nghiệp.
Những chủ thể đáng được khuyến khích hơn phải là những doanh nghiệp có sức sống, có năng suất cao, có khả năng tăng trưởng, có thể cạnh tranh. Trong ảnh: Doanh nghiệp làm thủ tục về thuế. Ảnh: Tuệ Doanh
Những chủ thể đáng được khuyến khích hơn phải là những doanh nghiệp có sức sống, có năng suất cao, có khả năng tăng trưởng, có thể cạnh tranh. Trong ảnh: Doanh nghiệp làm thủ tục về thuế. Ảnh: Tuệ Doanh

Mặc dù chủ thể được đề nghị xóa nợ thuế lần này mở rộng hơn bao gồm các loại hình doanh nghiệp nói chung, các hộ kinh doanh, song kết cục cũng không khác hơn.

Không công bằng

Khác với các nhà kinh tế, các nhà chính trị thường tập trung vào tính công bằng của các đề xuất. Song, dường như giữa mục tiêu và biện pháp chính sách thường không tương thích với nhau. Điều này được thể hiện rõ ở đề xuất xóa nợ thuế của Bộ Tài chính. Rõ ràng đề xuất này không đảm bảo tính công bằng giữa các chủ thể kinh tế cũng như chủ thể chịu thuế. Đề xuất này đi ngược lại với chính cái nguyên tắc xử lý nợ thuế mà Bộ Tài chính đưa ra khi trình đề nghị này cho Chính phủ.

Tính công bằng ở đây không phải hiểu đơn giản chỉ là chính sách không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế mà còn là giữa các chủ thể chịu thuế với nhau. Đề xuất xóa nợ thuế trước đây bị chỉ trích vì thiên vị cho DNNN, và do vậy đã không nhận được sự ủng hộ, trong khi đề xuất lần này tỏ ra không phân biệt giữa các thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ. Tính công bằng của một chính sách thuế còn nhìn ở góc độ của những chủ thể chịu thuế khác nhau. Khi cùng đối diện với một tình huống phát sinh nghĩa vụ thuế, chẳng hạn phát sinh thu nhập chịu thuế, mua sắm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế... thì chủ thể chịu thuế phải có nghĩa vụ thuế như nhau. Rõ ràng, Bộ Tài chính đã vi phạm chính cái nguyên tắc công bằng mà họ tự đặt ra. Điều này làm phát sinh nhiều hệ lụy.

Thứ nhất, chính sách này tạo ra cơ chế khuyến khích ngược, nghĩa là yếu kém lại được thưởng, tức cũng có nghĩa là làm tốt bị phạt. Những người đã nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước chợt nhận ra rằng thì ra lâu nay họ quá ngây thơ. Tuân thủ thuế có nghĩa là chết! Suy nghĩ và hành xử của họ trong tương lai có thể sẽ thay đổi. Nó khuyến khích các hành vi trốn thuế, tránh thuế, gian lận thuế thay vì tuân thủ thuế. Hệ quả là làm tăng các chi phí thực thi, giám sát và tuân thủ thuế đối với các cơ quan thuế và cho cả bản thân các doanh nghiệp.

Thứ hai, đề nghị xóa nợ thuế thực chất là chính sách ân xá thuế. Chính sách này, như kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, thường có kết quả tồi. Một khi Chính phủ ân xá thuế, người ta tin rằng sẽ có những đợt ân xá lần hai, lần ba trong tương lai. Sao lại không? Và khi người ta tin vào điều này thì những người vốn đã được ân xá thuế lần trước sẽ có thể tái lập hành vi nợ thuế như trước đây của mình, trong khi những người khác cũng sẽ trở nên khôn ngoan hơn khi ứng xử với nghĩa vụ thuế của mình.

Thứ ba, đề nghị này làm xói mòn cơ sở thuế nghiêm trọng. Đề xuất này của Bộ Tài chính đi ngược lại với các nguyên tắc của thuế khóa, làm thu hẹp nghĩa vụ thuế đáng kể trên thực tế so với quy định của luật thuế và làm suy giảm nguồn thu tiềm năng của ngân sách. Có thể những người được xóa nợ thuế sẽ vui vì phúc lợi của họ tăng lên song phần lớn những người đang hưởng phúc lợi từ các chính sách chi tiêu của Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ tư, không có tiền khác với không có lợi nhuận. Cần phải lưu ý rằng việc doanh nghiệp không có tiền nộp thuế với không có lợi nhuận là hai khái niệm rất khác nhau. Về phương diện hạch toán, do nguyên tắc ghi nhận doanh thu (khác với thu tiền) và chi phí (khác với chi tiền) nên có thể doanh nghiệp không có lợi nhuận nhưng vẫn có tiền, ngược lại cũng có doanh nghiệp có lợi nhuận mà không có tiền. Do đó, không thể đánh đồng việc doanh nghiệp gặp khó khăn, kinh doanh không hiệu quả và không có tiền nộp thuế. Ngoài ra, do vấn đề nợ đồng lần nên không chắc những con nợ của những doanh nghiệp được xóa nợ thuế (nếu được) cũng được chính doanh nghiệp này xóa nợ cho.

Không hiệu quả

Chính sách này được đề xuất như thể là một biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh nền kinh tế trải qua nhiều bất ổn vĩ mô những năm qua. Tuy nhiên, chính sách này thực tế không hề có sự hỗ trợ gì cho doanh nghiệp cả vì những chủ thể được xóa nợ thuế, như tờ trình của Bộ Tài chính cho thấy, đều là những chủ thể không còn khả năng hoạt động, đã giải thể, phá sản, mất tích...

Hơn nữa, những chủ thể này cũng không phải là những “tế bào” khỏe mạnh của nền kinh tế nên không thể là trụ cột cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, những chủ thể đáng được khuyến khích hơn phải là những doanh nghiệp có sức sống, có năng suất cao, có khả năng tăng trưởng, có thể cạnh tranh.

Với mục tiêu đó, có rất nhiều chính sách và công cụ khác quan trọng hơn có thể giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động và đạt được sức cạnh tranh tốt hơn chẳng hạn như xóa bỏ các chi phí không chính thức, giảm các chi phí tuân thủ và thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cải thiện môi trường kinh doanh... Tăng cường năng lực quản lý vĩ mô của Chính phủ nhằm đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng kinh tế cũng là một chính sách hết sức quan trọng để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Rõ ràng, khi cùng đối diện với những bất ổn kinh tế vĩ mô và khó khăn như nhau (ngoại trừ có những vấn đề thuộc về cái gọi là “tội lỗi nguyên căn”) sự sống chết của một doanh nghiệp là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường. Không thể lấy những lý do như doanh nghiệp chịu lạm phát cao, vay vốn với lãi suất cao, hợp đồng tín dụng đã ký nhưng không giải ngân, đối tác phá bỏ hợp đồng... như Bộ Tài chính giải thích để biện minh cho lý do “khách quan” làm cho doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế.

Cần nhận ra rằng những nguyên nhân “khách quan” này chỉ là những rủi ro hết sức bình thường trong kinh doanh mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt trong nền kinh tế thị trường. Tương tự như vậy, những rủi ro về mặt pháp lý như việc phá vỡ hợp đồng của đối tác, cơ quan nhà nước không có tiền để thanh toán cho doanh nghiệp (trong đầu tư xây dựng cơ bản), cam kết giải ngân nhưng không giải ngân, việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư trong giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp không giải quyết phá sản theo đúng trình tự, thủ tục... thì phải buộc giải quyết ở góc độ pháp lý chứ không thể dùng chính sách tài khóa để xử lý.

Chẳng hạn đối với trường hợp doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đã giải thể, phá sản nhưng không làm đầy đủ trình tự, thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật. Trường hợp này cơ quan quản lý nhà nước phải buộc doanh nghiệp thực hiện phá sản đúng quy định nhằm đảm bảo quyền phân chia tài sản của Nhà nước phù hợp với trình tự trong Luật Phá sản (2014) thay vì chấp nhận “mất trắng” như đề xuất của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, một số người cho rằng hiện Việt Nam là nước có tỷ lệ thuế, phí mà doanh nghiệp phải nộp là quá cao, do đó đề xuất xóa nợ thuế cũng là góp phần giảm gánh nặng thuế. Lập luận này không đúng, bởi vì không chỉ các doanh nghiệp đang nợ thuế chịu gánh nặng thuế cao mà cả những doanh nghiệp khác cũng chịu một bối cảnh tương tự.

Hơn nữa, nếu muốn giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp thì giải pháp hợp lý là giảm thuế suất chung và áp dụng ngay từ đầu chứ không phải đến khi doanh nghiệp không nộp thuế thì sau đó mới đề xuất xóa nợ thuế. Chính sách này chắc chắn sẽ được nhiều người ủng hộ.

Không khả thi

Trước hết, việc để doanh nghiệp nợ thuế thể hiện sự bất cập không chỉ của cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thuế trực tiếp mà cả đối với các cơ quan làm công tác quản lý kinh tế nói chung, và cả những yếu kém của bộ máy quản lý hành chính các cấp, của hệ thống tòa án và tư pháp. Chẳng hạn như vấn đề để nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh, Nhà nước kêu gọi doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho Nhà nước nhưng không có khả năng cân đối ngân sách để thanh toán; vấn đề doanh nghiệp biến mất hoặc phá sản không theo trình tự quy định; vấn đề bảo hộ kém các quyền lợi của những bên liên quan trong hợp đồng kinh tế; vấn đề điều chỉnh các nội dung trong giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước kéo dài khiến cho doanh nghiệp bị động, tăng chi phí kinh doanh...

Việc đề xuất danh sách những chủ thể được xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt... được giao cho cơ quan thuế thực hiện có thể làm phát sinh tiêu cực, dẫn đến động cơ thương lượng và mặc cả, ngay cả khi có yêu cầu phối hợp với cơ quan liên quan. Bằng không, để hạn chế rủi ro này, Nhà nước buộc phải tăng chi phí cho việc giám sát tuân thủ. Điều này vô hình trung lại làm cho ngân sách tốn thêm một khoản chi phí không đáng có, ngoài số nợ thuế 13.064 tỉ đồng sẽ bị xóa nếu được chấp nhận.

Như để hạn chế các rủi ro đạo đức phát sinh cũng như để đảm bảo chặt chẽ trong việc thực thi quy định tránh tình trạng người sáng lập doanh nghiệp hay người đại diện theo pháp luật tiếp tục thành lập doanh nghiệp khác, tờ trình của Bộ Tài chính đề nghị quy định chế tài tối thiểu hai năm kể từ thời điểm doanh nghiệp giải thể, phá sản mới được cấp mã số thuế.

Câu hỏi thay cho lời kết là: liệu quy định này có cản trở quyền kinh doanh của người dân vốn đã được quy định trong Hiến pháp (điều 33) và Luật Doanh nghiệp (điều 5, điều 7) hay không? n

(*) Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright

Theo TBKTSG