|
Pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A do Nga sản xuất tại Triển lãm Quân đội 2021 được tổ chức gần Moscow. Ảnh Vitaly Kuzmin |
TOS-1A là hệ thống pháo phản lực hạng nặng, được trang bị tên lửa đầu đạn nhiệt áp. Hệ thống vũ khí đặc biệt này chỉ có trong biên chế của quân đội Liên Xô, hiện là quân đội Nga nhờ công nghệ độc quyền chế tạo đầu đạn nhiệt áp phóng loạt từ pháo phản lực. Vũ khí được nhiều quốc gia quan tâm do khả năng hủy diệt đáng sợ trên chiến trường.
Tổ hợp pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A (Solntsepek) là hỏa lực đi cùng các đơn vị bộ binh cơ giới, tăng thiết giáp của quân đội Nga, được sử dụng rộng rãi trên các chiến trường khác nhau.
Nguyên mẫu đầu tiên của pháo phản lực nhiệt áp là TOS-1 “Buratino” 30 ống dẫn hướng 220 mm của Liên Xô nguyên bản là (Object 634 hoặc TOS-1M), phiên bản nâng cấp để tăng cường giáp cho hệ thống phóng có 24 ống dẫn hướng (Object 634B hay TOS-1A Solntsepek), sử dụng rocket không điều khiển mang đầu đạn nhiệt áp, lắp đặt trên khung gầm xe tăng T-72 / T-90.
Là vũ khí thuộc binh chủng Phòng hóa, TOS-1 được thiết kế để tấn công các vị trí kiên cố, trận địa phòng ngự vững chắc, các công trình đô thị và các phương tiện chiến đấu của đối phương. Tổ hợp TOS-1 tham gia các cuộc chiến đầu tiên vào năm 1988 và 1989 tại Thung lũng Panjshir ở Afghanistan và cho ấn tượng đặc biệt về hiệu quả chiến đấu của vũ khí. TOS-1 được trưng bày lần đầu tiên trước công chúng vào năm 1999 tại Omsk.
TOS-1 không nằm trong biên chế của của Lực lượng pháo binh Nga mà thuộc biên chế của Binh chủng hóa học, nhưng trong các cuộc xung đột, vũ khí cho thấy hiệu quả tác chiến đặc biệt cao của hệ thống pháo phản lực nhiệt áp.
Đạn rocket 220 mm của tổ hợp TOS-1 được trang bị liều nổ nhiệt áp, còn được gọi là đạn chân không, khi đầu đạn nổ sẽ phân tán một đám mây sol-khí các vi hạt nhiên liệu trong một vùng không gian lớn. Ngòi nổ tiếp theo sẽ khiến đám mây sol-khí bùng cháy với tốc độ cao, áp suất rất lớn và thiêu hủy không khí trong vùng nổ. Một loạt đạn phóng từ TOS-1A sẽ hủy diệt tất cả trong khu vực 40000m2. TOS-1A sử dụng đạn tiêu chuẩn có tầm bắn tối đa 6 km, các loại đạn mới hơn cho tầm bắn đến 10 km.
Pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A được lắp đặt trên thân xe T-72A sửa đổi, bệ phóng 24 ống dẫn hướng cỡ nòng 220 mm quay 360 độ. 24 tên lửa được phóng loạt trong vòng 12 giây. TOS-1A được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực với máy tính đường đạn, kính ngắm quang điện tử, thiết bị đo xa laser 1D14, kính quan sát, điều khiển hỏa lực TKN-3A dành cho trưởng xe, hệ thống định vị vệ tinh GPK-59. TOS-1A được trang bị động cơ diesel 800 mã lực, cho tốc độ cực đại trên đường bê tông là 60 km/h. Kíp pháo thủ cho một pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A là 3 người.
Trên chiến trường Syria, sư đoàn đặc biệt tinh nhuệ số 25 của thiếu tướng Suheil al-Hassan, còn được gọi là “Lực lượng Tiger” đã sử dụng TOS-1A chống lại tổ chức khủng bố IS với hiệu quả cao.
Từ kinh nghiệm trên chiến trường Syria, Nga đã phát triển tổ hợp pháo phản lực nhiệt áp TOS-2 mới, được gọi là "Tosochka". Hệ thống pháo phản lực nhiệt áp được lắp đặt trên khung gầm xe Ural cấu hình 4x4, tăng cường tính cơ động linh hoạt. TOS-2 có 18 ống dẫn hướng nhưng được trang bị thêm thiết bị nạp đạn. Khối lượng của "Tosochka" là 20 tấn, trong khi "Solntsepek" là 44,3 tấn. Hệ thống điều khiển hỏa lực TOS-2 hoàn toàn tự động, độ chính xác và tầm bắn của vũ khí được tăng cường.
Cùng với TOS-1A, Nga đang phát triển hệ thống pháo phản lực nhiệt áp thế hệ thứ ba, TOS-3 có tên gọi là "Dragon". TOS-3 là phiên bản nâng cấp của TOS-1A, được phát triển trên khung gầm xe thiết giáp bánh xích.
Ưu điểm ban đầu, theo trang Russian Gazeta là vũ khí sẽ có 15 ống dẫn hướng, cho phép phóng loạt 15 đạn nhiệt áp thế hệ mới có sức phá hủy lớn hơn. Đạn nhiệt áp mới TBS-M3 có có tầm bắn lên đến 15 km. Điều này cho thấy, Nga đang tập trung phát triển các loại đạn nhiệt áp có tầm bắn xa hơn, tương tự như đạn pháo binh để gây thương vong, thiệt hại nặng hơn cho đối phương và giảm thiểu tổn thất của thiết bị trên chiến trường.
Đồng thời, tương tự như xe tăng, TOS-3 sẽ được trang bị hệ thống giáp phản ứng nổ hạng nhẹ (ERA) bổ sung để chống lại các cuộc tấn công của đạn pháo độ chính xác cao và máy bay không người lái (UAV) tự sát.
Sự quan tâm của Arab Saudi đối với hệ thống pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A cho thấy quốc gia này hiện đang có nhu cầu tăng cường năng lực quân sự bằng các loại vũ khí, đã chứng minh hiệu quả tác chiến thực tế trên chiến trường Trung Đông.
Mối quan hệ giữa Nga và Arab Saudi trong lĩnh vực quốc phòng đang phát triển, các bên hiện đang tăng cường đối thoại và đã có những cuộc đàm phán cho các thỏa thuận tiềm năng trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự và công nghệ.
Mối quan hệ hợp tác quốc phòng đang phát triển giữa Nga và Arab Saudi có mô hình tương tự như giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ. Nga không đặt các mục tiêu địa chính trị trong các thỏa thuận cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại, đồng thời nỗ lực sử dụng những ưu thế trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự để vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Theo Army Recognition