Áp lực vô hình rất lớn với các thầy thuốc khi chứng kiến bệnh nhân COVID-19 lần lượt ra đi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi chứng kiến bệnh nhân mắc COVID-19 nặng lần lượt ra đi, các nhân viên y tế đã phải chịu áp lực tâm lý cực kỳ lớn.
GS.TS. Trần Bình Giang – Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức (Ảnh - Minh Thuý)
GS.TS. Trần Bình Giang – Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức (Ảnh - Minh Thuý)

Đây là tâm sự của GS.TS. Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức - người trực tiếp chỉ đạo công tác chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng ở Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 đặt tại BV dã chiến số 13 ở TP. HCM.

Xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 từ con số 0

Chia sẻ với PV VietTimes về quá trình thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 tại TP. HCM, GS.TS. Trần Bình Giang tâm sự: Hiện, TP. HCM đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19. Dịch COVID-19 là đại dịch lớn nhất từ trước tới nay. Qua đại dịch lần này, có rất nhiều thứ để tổng kết, rút kinh nghiệm. Một trong những điều kiện để TP được như hôm nay là sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị.

Nhớ lại khoảng thời gian khảo sát để thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 tại TP. HCM, GS. Giang cho biết: “Trước đó, vào tối ngày 27/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã gọi điện chỉ đạo BV đưa các bác sĩ vào TP. HCM chống dịch. Khi vào TP. HCM, tôi trực tiếp đến TP. Thủ Đức để kiểm tra địa hình. Tuy nhiên, TP. Thủ đức không phù hợp để xây dựng, thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19. Đến chiều, tôi đến huyện Bình Chánh và quyết định thành lập Trung tâm Hồi sức ở đây. Dưới sự giúp đỡ của lãnh đạo địa phương, chúng tôi đã cải tạo toàn bộ khu vực được chọn để xây dựng Trung tâm. Khi dịch COVID-19 căng thẳng, tôi xác định sẽ chống dịch COVID-19 từ 4-6 tháng nhưng may mắn, chỉ hơn 2 tháng TP. HCM đã khống chế dịch thành công”.

GS.TS. Trần Bình Giang trực tiếp đi kiểm tra cơ sở vật chất của bệnh viện dã chiến (Ảnh - Hoài Thương)

GS.TS. Trần Bình Giang trực tiếp đi kiểm tra cơ sở vật chất của bệnh viện dã chiến (Ảnh - Hoài Thương)

Thực tế, để thiết lập, tổ chức được Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 lớn ở TP. HCM là cả 1 vấn đề. Ngày đầu tiên khi GS. Giang đến xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh – nơi được chọn làm Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 - thì xung quanh đều là cánh đồng mênh mông với những dãy lán lợp tôn để tiếp nhận bệnh nhân là F1.

Nhưng những dãy lán này không thể trở thành Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 được, nên lãnh đạo BV Hữu nghị Việt Đức đã yêu cầu sửa lại toàn bộ, rồi trang bị đầy đủ oxy, trang thiết bị y tế, nhân lực,… Chỉ trong vòng 1 tuần, Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 được đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) đã hoàn thành đảm bảo các yêu cầu cho điều trị bệnh nhân.
Khi Trung tâm đi vào hoạt động, GS. Giang thường xuyên trực tiếp chỉ đạo các vấn đề chuyên môn, để các bác sĩ có thể điều trị tốt nhất cho bệnh nhân COVID-19.

GS.TS. Trần Bình Giang chia sẻ về quá trình thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 ở TP. HCM (Ảnh - Minh Thuý)

GS.TS. Trần Bình Giang chia sẻ về quá trình thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 ở TP. HCM (Ảnh - Minh Thuý)

Khi Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 tại BV dã chiến số 13 đi vào hoạt động, hơn 600 thầy thuốc của BV Hữu nghị Việt Đức, cùng các bác sĩ của BV Phụ sản Trung ương, BV Bưu Điện đã cùng nhau điều trị, cứu sống nhiều người bệnh. Đặc biệt, các thầy thuốc cũng được đón nhận những tình cảm sâu sắc của người dân địa phương. Người dân TP. HCM rất trân quý các bác sĩ đến TP hỗ trợ chống dịch, vì thế, dường như ngày nào các bác sĩ cũng được nhận những món quà đầy tình nghĩa từ bà con

“Trước khi ra về, các bác sĩ vẫn được người dân gửi rất nhiều quà tặng, nhất là thực phẩm. Tôi yêu cầu các bác sĩ của BV, với những gì Bộ Y tế cấp thì nửa viên thuốc cũng phải mang đi, còn những gì người dân tặng thì phải để lại” – GS. Giang nói.

Trăn trở vì áp lực mà các nhân viên y tế phải đối mặt

Mặc dù chịu trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm trong thời gian ngắn, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với GS.TS. Trần Bình Giang là buổi họp toàn bộ Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 qua hệ thống Zoom. Trong cuộc họp ấy, 1 nữ bác sĩ làm ở Khoa Hồi sức của BV gần như khóc và nói với GS. Giang rằng: “Em không thể tưởng tượng được dịch COVID-19 lại kinh khủng như thế này. Khi làm việc ở BV Hữu nghị Việt Đức em đã quen với việc mặc bộ đồ bảo hộ 24/24 trong thời tiết 42 độ C, nóng em chịu được, khổ em cũng chịu được, nhưng áp lực lớn nhất đối với em là bệnh nhân COVID-19 mắc bệnh nặng và ra đi rất nhanh với số lượng nhiều. Điều này đã khiến các bác sĩ, nhân viên y tế chịu áp lực tâm lý cực kỳ lớn”.

Nghe chia sẻ của nữ bác sĩ, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức càng thêm trăn trở về vấn đề tâm lý cũng như tinh thần của các bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 khi điều trị cho người bệnh trong giai đoạn khốc liệt của dịch bệnh.

Đến nay, gần 1.000 bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 đã được cứu sống, khỏi bệnh, trong đó có 1 bệnh nhân 93 tuổi. Bệnh nhân để lại cho GS. Giang ấn tượng nhất là bệnh nhân đầu tiên đến Trung tâm Hồi sức tích cực của BV Hữu nghị Việt Đức. Đó là bệnh nhân là N.V.T., sinh ngày 1/11/1961. Mặc dù mắc bệnh nặng nhưng bệnh nhân đã chiến thắng COVID-19, được xuất viện trở về nhà.

TS. Nguyễn Vũ Trung – Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (BYT) (Ảnh - Minh Thuý)

TS. Nguyễn Vũ Trung – Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (BYT) (Ảnh - Minh Thuý)

Cũng tham gia hỗ trợ TP. HCM chống dịch COVID-19, TS. Nguyễn Vũ Trung – Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (BYT) – tâm sự: “Bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào được BYT cử vào tham gia công tác phòng, chống dịch ở TP. HCM. Trước đó, tôi may mắn được công tác tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và đã trải qua nhiều đợt phòng, chống dịch. Tuy nhiên, dịch COVID-19 lần này là đợt dịch vô cùng đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo chuyên môn của Bộ Y tế với vai trò quan trọng đã giúp TP. HCM khống chế dịch thành công. Thời gian chống dịch COVID-19 tại TP. HCM đã để lại cho tôi nhiều bài học đáng quý. Tôi được ở ngay tại trụ sở UBND của huyện Củ Chi. Đến giờ tôi không bao giờ quên suất cơm, cân táo,… mà lãnh đạo huyện và người dân dành cho các bác sĩ, nhân viên y tế tham gia hỗ trợ chống dịch COVID-19. Để thích ứng với điều kiện thực tế, tôi đã được người dân và lãnh đạo huyện giúp đỡ, phối hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

“Đến giờ tôi vẫn nhớ những con đường của trụ sở, nhắm mắt lại tôi còn thấy nhớ. Việc người dân cùng các tổ, thôn, ấp chống dịch vô cùng quan trọng. Tôi luôn trân trọng và biết ơn người dân cùng lãnh đạo nơi tôi làm việc đã động viên, tạo điều kiện giúp tôi vượt qua khó khăn khi chống dịch, có được thành công bước đầu” – TS. Trung bày tỏ.

Như vậy, trong đợt dịch lần thứ 4 vừa qua tại TP. HCM gần 25.000 bác sĩ, nhân viên y tế tham gia hỗ trợ TP chống dịch đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Buồn có, vui có, áp lực có và những giọt nước mắt cùng mồ hôi đã rơi trên khuôn mặt họ để có được thành quả ngày hôm nay khi TP. HCM cơ bản khống chế được dịch COVID-19, từng bước thích ứng linh hoạt với tình hình mới.