"Ảo giác tiền tệ" giúp các thị trường đồng loạt tăng giá nhưng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kể cả khi Fed thực sự giảm lãi suất danh nghĩa, lãi suất thực tế vẫn có thể tăng.
Đừng bị đánh lừa bởi "ảo giác tiền tệ"!
Đừng bị đánh lừa bởi "ảo giác tiền tệ"!

Ảo giác tiền tệ” (money illusion) nằm trong số những khái niệm được nhắc tới khá nhiều trong lĩnh vực kinh tế. Nó ám chỉ một sai lầm mà người ta mắc phải khi họ tập trung vào giá trị danh nghĩa thay vì giá trị thực tế. Trong năm 2022, bất cứ ai cảm thấy vui mừng khi thấy tiền lương của họ tăng mà chưa tính toán xem liệu – sau lạm phát – họ có thực sự mua được nhiều hơn hay không, đều là nạn nhân của thứ ảo tưởng này.

Các nhà đầu tư tài chính có thể tinh tường hơn, nhưng ngay cả họ cũng có thể bị quyến rũ bởi một câu chuyện danh nghĩa. Việc Fed giảm nhịp độ nâng lãi suất chính là một trường hợp cụ thể. Nhìn có vẻ như họ đang muốn giảm bớt mức độ “diều hâu” trong chính sách tiền tệ của mình, nhưng thực tế là quan điểm của ngân hàng trung ương Mỹ cứng rắn hơn nhiều so với vẻ ngoài.

Vào ngày 1/2 vừa qua, Fed nâng lãi suất thêm chỉ 1/4 điểm phần trăm, đưa lãi suất trần lên 4,75%, điều đã được dự đoán từ trước. Mức nâng này chỉ bằng một nửa so với lần gần nhất, một nửa điểm trong tháng 12 năm ngoái, và giảm nhiều nếu so với nhiều lần nâng 3/4 điểm trong năm ngoái.

Một bộ phận cho rằng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất chỉ 1/4 điểm phần trăm trong tháng tới và sau đó ngừng lại nhờ xuất hiện bằng chứng cho thấy lạm phát giảm nhiệt. Ngay cả những người quan ngại về lạm phát cao cũng đặt cược cho viễn cảnh đó, và họ cho rằng Fed nhiều nhất là sẽ nâng lãi suất thêm nửa điểm và rồi sẽ ngừng. Đây là thứ “ánh sáng” ở cuối “đường hầm” thắt chặt tiền tệ, giúp cho thị trường chứng khoán đồng loạt tăng trong những tuần gần đây.

Thế nhưng, điều quan trọng nhất đối với những công ty và hộ gia đình đang cần vay mượn tiền là lãi suất thực, chứ không phải lãi suất danh nghĩa. Và viễn cảnh ở đây có phần phức tạp hơn – cũng ít lạc quan hơn.

Các thị trường đặt cược rằng Fed sẽ giảm lãi suất trong khoảng nửa cuối năm nay (Ảnh: Bloomberg)

Các thị trường đặt cược rằng Fed sẽ giảm lãi suất trong khoảng nửa cuối năm nay (Ảnh: Bloomberg)

Lãi suất thực

Thông thường, nhiều nhà quan sát đơn giản là lấy lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát để có lãi suất thực tế. Ví dụ, với lạm phát giá tiêu dùng 6,5% trong tháng 12 năm ngoái và lãi suất quỹ liên bang trong tháng đó có mức trần 4,5%, có thể tính ra được lãi suất thực tế là -2%, là con số đáng lạc quan.

Tuy nhiên, điều này phản ánh một sai lầm cơ bản. Do lãi suất là một biến số nhận định tương lai (ví dụ lượng tiền nợ sẽ là bao nhiêu trong tương lai), nên sự so sánh với lạm phát cũng mang tính nhận định tương lai (ví dụ giá cả sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai đó). Đương nhiên, không ai có thể dự đoán một cách hoàn hảo về nền kinh tế trong tương lai, nhưng có một vài chỉ số hoàn thiện về kỳ vọng lạm phát rút ra từ định giá trái phiếu và dữ liệu nghiên cứu. Lấy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ trừ đi một chỉ số như vậy – kỳ vọng về lạm phát 1 năm của Fed Cleveland – sẽ cho ra con số lãi suất thực tế chính xác hơn, cụ thể là 2%, mức cao nhất kể từ năm 2007.

Kể cả khi Fed có ngừng nâng lãi suất danh nghĩa, lãi suất thực tế vẫn có thể tiếp tục tăng lên trong một khoảng thời gian nữa. Trước COVID-19, kỳ vọng về lạm phát một năm là khoảng 1,7%. Giờ nó là 2,7%. Nếu kỳ vọng về lạm phát trở về mức tiền đại dịch, lãi suất thực tế sẽ tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm – đạt mức cao thường thấy trong giai đoạn trước một cuộc suy thoái.

Mọi chuyện rất khó đoán định. Nếu lạm phát tiếp tục dai dẳng trong năm nay, kỳ vọng về lạm phát trong tương lai có thể tăng, dẫn tới lãi suất thực tế giảm. Fed cuối cùng có thể giảm lãi suất danh nghĩa sớm hơn so với dự báo, như nhiều nhà đầu tư dự đoán. Một số nhà kinh tế học cũng tin rằng lãi suất tự nhiên có thể đã tăng lên kể từ đại dịch, có nghĩa rằng nền kinh tế có thể chống đỡ được lãi suất thực tế cao hơn mà không lao vào một cuộc suy thoái.

Nhưng dù có như thế nào đi chăng nữa, tốt hơn hết là luôn nhìn vào thực tế và thoát khỏi ảo tưởng./.

Theo The Economist