Theo Đông Phương ngày 30/1, tờ The Independent của Anh đưa tin, do Trung Quốc chưa cấp phép cho chính quyền Anh, nên chuyến bay thuê bao để di tản kiều dân Anh đã không thể cất cánh vào thứ năm như dự kiến. Bộ Ngoại giao Anh cũng xác nhận rằng mấy trăm công dân Anh mắc kẹt ở Vũ Hán sẽ không thể khởi hành cho đến khi chính quyền có được sự cho phép chính thức của phía Trung Quốc để sơ tán. Mặc dù các chuyến bay thuê bao của Hoa Kỳ và Nhật Bản để di tản người đã được thực hiện, Bộ Ngoại giao Anh nói: “Máy bay của nhiều quốc gia cũng không thể cất cánh như dự kiến”. Phía Anh cho biết họ sẽ tiếp tục thương lượng với Trung Quốc.
Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Vũ Hán vào lúc 1 giờ sáng ngày 30/1 đã thông báo cho các kiều dân đã hủy các chuyến bay thuê bao dự kiến cất cánh lúc 15 và 17 giờ chiều cùng ngày, các công dân Hàn Quốc không cần tập hợp tại sân bay Vũ Hán lúc 10 giờ 45 sáng. Các nguồn tin liên quan tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tiết lộ, bộ này đang đàm phán với phía Trung Quốc để đưa các công dân bị mắc kẹt trở về nhà càng sớm càng tốt. Tin rằng các chuyến bay thuê bao vẫn có thể khởi hành từ sân bay Incheon của Hàn Quốc vào tối thứ Năm, nhưng số lượng chuyến bay sẽ giảm từ 2 xuống còn 1 chuyến.
Nhật Bản đưa máy bay tới Vũ Hán để di tản công dân về nước (Ảnh: Đa Chiều)
|
Ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc và Australia, Liên minh châu Âu (EU) cũng có kế hoạch di tản khoảng 600 công dân EU bị mắc kẹt khỏi Vũ Hán từ ngày 29/1. Ông Janez Lenarcic, Ủy viên kiểm soát khủng hoảng của EU cũng nói, EU đã đề xuất với Trung Quốc rằng họ có thể cung cấp hỗ trợ về kinh tế và đội ngũ y tế.
Hiện tại có hơn 600 công dân Australia bị mắc kẹt ở Vũ Hán, chính phủ Australia dự định thuê máy bay để đưa họ về nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Payne hôm 30/1 cho biết kế hoạch di tản công dân của chính phủ Australia chưa được chính phủ Trung Quốc chấp thuận; Bộ Ngoại giao và Tổng lãnh sự lâm thời của Australia tại Vũ Hán đang giao thiệp với Trung Quốc về vụ việc. Ngoài ra, chính phủ New Zealand hôm thứ Năm cũng cho biết họ dự định đưa máy bay thuê bao đến Vũ Hán để đón những công dân New Zealand bị mắc kẹt về nước.
Cha bị bệnh phải cách ly, con chết đói ở nhà
Chuyện đau lòng xảy ra tại thành phố Hoàng Cương, một khu vực bị dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng loại mới nghiêm trọng khác ở tỉnh Hồ Bắc ngoài thành phố Vũ Hán. Một nông dân làm công từ Vũ Hán về huyện Hồng An, thành phố Hoàng Cương để ăn tết. Anh ta bị cách ly do nghi ngờ nhiễm virus Corona chủng loại mới. Trong thời gian này người con trai lớn 17 tuổi bị bại não đã bị bỏ lại một mình ở nhà suốt 6 ngày và qua đời hôm 29/1, nguyên nhân chết không rõ. Người cô của người quá cố tiết lộ rằng vào ngày trước khi chết cháu trai cả người dính đầy chất thải và bỏ ăn. Chính quyền huyện Hồng An đã thành lập một nhóm điều tra để điều tra vụ việc.
Yên Thành (áo xanh) khi còn sống và em trai (Ảnh: Thanh niên Trung Quốc)
|
Theo báo Thanh niên Trung Quốc ngày 30/1, Yên Tiểu Văn, 49 tuổi, vợ chết sớm. Ông và con trai lớn, là Yên Thành và đứa thứ bị tự kỷ 11 tuổi từ nơi làm thuê ở Vũ Hán trở về thôn Yên Gia, thị trấn Hoa Hà, huyện Hồng An hôm 17/1 để đón Tết. Ba ngày sau khi trở về nhà, Yên Tiểu Văn nghĩ rằng ông bị sốt do cảm lạnh nên đến phòng khám ở thôn để được truyền dịch. Sau khi Vũ Hán đóng cửa thành phố do dịch bệnh vào thứ Năm tuần trước (23/1), ông trở thành đối tượng bị giám sát y tế. Trung tâm y tế thị trấn sau khi kiểm tra, cho rằng ông bị nghi nhiễm bệnh, nên đã chuyển ông cùng với đứa con trai nhỏ không có triệu chứng gì đến một bệnh viện khác để cách ly.
Điều khiến Yên Tiểu Văn không yên lòng là Yên Thành, cậu con lớn bị liệt tứ chi phải ở nhà một mình. Lúc đó Yên Thành không bị sốt, nhưng cần một người cho ăn và chăm sóc suốt ngày đêm. Yên Tiểu Văn tìm kiếm sự giúp đỡ từ tổ chức phi lợi nhuận “Oa Ngưu gia viên” ở Vũ Hán để họ báo cáo với Liên đoàn người khuyết tật của tỉnh Hồ Bắc. Sau đó Liên đoàn những người khuyết tật tỉnh Hồ Bắc chỉ thị Liên đoàn những người khuyết tật huyện Hồng An liên lạc với ủy ban thôn Yên Gia yêu cầu mỗi ngày chuyển đến cho Yên Thành một bữa ăn.
Bà Chu Văn Tẩm, người phụ trách “Oa Ngưu gia viên” tiết lộ rằng ngoài việc bị liệt, Yên Thành không nói được mà chỉ biết gọi “Mẹ ơi”. Bà dẫn lời một cán bộ ủy ban thôn nói Yên Thành đã được cho ăn vào ngày 24 và 26/1 và người bác sĩ của thôn đã cho anh ta uống hai cốc axit amin vào ngày 28/1. Hôm 28/1, ủy ban thôn thông báo cho bà ý định gửi cậu bé đến khách sạn để cách ly, nhưng đến buổi chiều có tin Yên Thành đã chết, khiến Chu Văn Tẩm và người cha rất bất ngờ.
Các nhân viên y tế đến chuyển Yên Thành tới khách sạn để cách ly, sau đó báo tin em bị chết (Ảnh Đông Phương)
|
Người cô của Yên Thành nói bà đã thay bỉm tã cho cháu trai của mình, nhưng khi đến thăm lại vào ngày 28/1, thì thấy cháu đang nằm trên một cái ghế đầu thõng xuống, miệng và mặt đầy chất thải bẩn, chăn cũng đầy phân. Sau khi thay bỉm tã và dọn dẹp sạch sẽ, bà cho cháu uống nước và ăn lưng bát cơm nhỏ, rồi Yên Thành không ăn nữa. Nhân viên chính quyền thị trấn Hoa Hà đã xác nhận vụ việc, nhưng phủ nhận đã bỏ bê việc chăm sóc Yên Thành khiến cháu bị chết.
Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc xác nhận virus Corona chủng mới đến từ loài dơi
Viện nghiên cứu Virus học Vũ Hán trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ngày 29/1 đã công bố kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy virus Corona chủng loại mới có thể bắt nguồn từ dơi.
Nhóm nghiên cứu Thạch Chính Lợi (Shi Zhengli) thuộc Viện Virus học Vũ Hán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã công bố báo cáo “Phát hiện virus Corona chủng loại mới và nguồn gốc có thể từ dơi của nó” cho rằng virus Corona chủng loại mới có thể có nguồn gốc từ dơi.
Bài báo này lần đầu tiên xác nhận rằng virus Corona chủng loại mới sử dụng các tế bào giống như virus Corona SARS để xâm nhập vào thụ thể (ACE2) và nhận thấy trình tự giữa virus Corona chủng loại mới và virus Corona của một loại dơi giống nhau tới 96%. Điều này là căn cứ quan trọng cho việc nghiên cứu cơ chế gây bệnh và nguồn gốc của virus.
Các nhà khoa học thuộc Viện Virus học Vũ Hán cho rằng virus Corona chủng loại mới có nguồn gốc từ loài dơi (Ảnh: Đông Phương)
|
Theo báo cáo, ngày 30/12/2019, khi bệnh dịch mới bùng phát, Viện Virus học Vũ Hán đã tích cực thu thập các mẫu virus và tiêu chuẩn hóa việc nhập kho.
Được biết, Viện nghiên cứu virus Vũ Hán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã xác định toàn bộ trình tự bộ gene của virus Corona chủng loại mới vào ngày 2/1 và đã phân ly thành công chủng virus vào ngày 5/1. Vào ngày 9/1, tài nguyên virus đã được đưa vào ngân hàng tài nguyên virus quốc gia theo tiêu chuẩn và thực hiện lưu trữ theo tiêu chuẩn hóa.
Ông Tập Cận Bình yêu cầu quân đội tham gia dập dịch, bệnh viện dã chiến thứ hai 1.600 giường đang được xây dựng gấp ở Vũ Hán
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tiết lộ, ông Tập Cận Bình đã đề cập đến việc sử dụng quân đội để đối phó với sự lây lan của bệnh viêm phổi ở Vũ Hán, yêu cầu PLA “nghe lệnh hành động”, tích cực hỗ trợ địa phương phòng chống, kiểm soát dịch bệnh. Được biết, đây là lần thứ tư ông Tập Cận Bình lên tiếng về dịch bệnh viêm phổi kể từ ngày 25/1 (Mồng một Tết Nguyên đán). Người ta cho rằng việc Trung Nam Hải quan tâm đối phó với cuộc khủng hoảng như thế, cho thấy tình trạng viêm phổi hiện nay ở Vũ Hán vẫn rất nguy cấp.
Ông Tập Cận Bình chỉ đạo quân đội tham gia phòng chống và kiểm soát dịch bệnh cho thấy tình hình dịch bệnh vẫn rất gay cấn, phức tạp (Ảnh: Đa Chiều)
|
Theo Tân Hoa Xã ngày 29/1, ông Tập Cận Bình gần đây đã chỉ thị về việc quân đội để làm tốt công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng loại mới. Trong chỉ thị, ông Tập Cận Bình thừa nhận rằng “tình hình phòng chống dịch bệnh hiện nay vẫn nghiêm trọng và phức tạp”, đồng thời yêu cầu toàn quân “nghe lệnh hành động, dám đánh quyết đánh, tích cực hỗ trợ địa phương phòng chống dịch bệnh”.
Ông đặc biệt đề cập đến Bệnh viện Hỏa Thần Sơn Vũ Hán, hiện đang được xây dựng sẽ được quân đội sử dụng hỗ trợ điều trị y tế. Bệnh viện được xây dựng mô phỏng theo mô hình Bệnh viện Tiểu Thang Sơn của Bắc Kinh để điều trị bệnh nhân tập trung đối phó với dịch SARS hồi 2003. Bệnh viện Hỏa Thần Sơn có tổng diện tích xây dựng 33.900 mét vuông và có sức chứa 1.000. Ngày 24/1/2020, kế hoạch thiết kế có liên quan đã được hoàn thành và bắt đầu xây dựng, dự kiến bệnh viện sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào ngày 3/2.
Một bệnh viện khác cùng loại là Lôi Thần Sơn cũng đang được gấp rút xây dựng ở Bãi đỗ xe Đại hội TDTT quân sự Hoàng Gia Hồ, quận Giang Hạ, Vũ Hán. Bệnh viện Lôi Thần Sơn khởi công ngày 25/1, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 5/2. Bệnh viện này có tổng diện tích 60 ngàn mét vuông, sức chứa 1.600 giường.
Bệnh viện Lôi Thần Sơn có sức chứa 1.600 giường đang được xây dựng cấp tốc tại Vũ Hán (Ảnh: Đa Chiều)
|
Được biết, ông Tập Cận Bình đã đưa ra nhiều tuyên bố về sự lây lan của bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng loại mới ở Vũ Hán. Ngày 25/1, khi Ban Thường vụ của Bộ Chính trị Trung ương họp bàn về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố thành lập một nhóm lãnh đạo để ứng phó với dịch bệnh làm việc dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Ngoài ra, cuộc họp này cũng quyết định phân loại phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh và “kiên quyết ngăn chặn sự lây lan của dịch” từ cấp tỉnh đến các huyện, xã; đồng thời, yêu cầu dốc sức cứu chữa những người nhiễm bệnh “quyết không vì vấn đề chi phí mà để lỡ việc cứu chữa bệnh nhân”.