Theo Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves, Vương quốc Anh sẽ cung cấp cho Ukraine khoản vay 2,26 tỷ bảng Anh (2,94 tỷ USD) cho nỗ lực chiến tranh chống lại Nga dựa trên lượng tiền mặt được tạo ra từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Thông báo này được đưa ra trước cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính nhóm G7, sẽ được tổ chức trong khuôn khổ các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington trong tuần này.
“Khoản tài trợ mới này phục vụ lợi ích quốc gia của Anh vì tuyến phòng thủ của chúng ta – bảo vệ nền dân chủ và các giá trị chung của chúng ta – nằm trong chiến hào của Ukraine”, bà Reeves tuyên bố hôm đầu tuần này.
Vào tháng 6, các nước G7 đã đồng ý cho Ukraine vay 50 tỷ USD, lấy từ lợi nhuận từ các quỹ của Nga. Ban đầu, Mỹ và EU dự kiến mỗi bên đóng góp 20 tỷ USD, trong khi Anh, Canada và Nhật Bản sẽ chi trả phần còn lại. Đầu tháng này, EU đã phê chuẩn khoản tiền lên tới 35 tỷ euro (38 tỷ USD) cho G7 nhưng có thể đóng góp ít hơn nếu Mỹ cung cấp toàn bộ 20 tỷ USD, theo Reuters.
Tờ Financial Times tuần trước đưa tin rằng các nhà tài trợ phương Tây cho Kiev đang cố gắng đẩy nhanh các cuộc đàm phán về khoản vay để đảm bảo nguồn tài trợ trước cuối năm nay, trong bối cảnh lo ngại rằng ông Donald Trump có thể cắt viện trợ của Mỹ cho Ukraine nếu trở lại Nhà Trắng. Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa đã bày tỏ sự hoài nghi về việc tiếp tục tài trợ cho Ukraine.
Khoản vay sẽ được hoàn trả bằng cách sử dụng lợi nhuận từ khoảng 300 tỷ euro tài sản của Nga bị đóng băng trong các tổ chức tài chính phương Tây kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào năm 2022, hành động mà Moscow tố cáo là “trộm cắp”.
Gần 197 tỷ euro (214 tỷ USD) trong số tiền này được cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear của Bỉ phong tỏa. Theo báo cáo của tổ chức tài chính này, vào tháng 7, lượng tài sản này đã tạo ra 3,4 tỷ euro tiền lãi trong nửa đầu năm 2024.
Bất chấp áp lực từ Mỹ, IMF cho đến nay vẫn phản đối việc tịch thu toàn bộ tài sản bị phong tỏa của Nga do lo ngại hành động này có thể làm suy yếu niềm tin vào hệ thống tài chính phương Tây.
“Những gì chúng tôi không làm là tịch thu những tài sản này để tài trợ cho khoản vay”, bà Reeves nói. “Chúng tôi đang sử dụng lợi nhuận lớn từ tài sản và đó là cách chúng tôi tự tin rằng mình có thể làm được điều này trong khuôn khổ pháp lý phù hợp”.
Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc "đánh cắp" tài sản thuộc chủ quyền của nước này sẽ làm suy yếu niềm tin toàn cầu vào toàn bộ hệ thống tài chính phương Tây.