Anh tố Nga có âm mưu cài lãnh đạo "thân Nga" ở Ukraine, chỉ đích danh một số chính trị gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Anh cho hay họ có thông tin rằng Moscow đang âm mưu đưa một nhà lãnh đạo thân Nga lên cầm quyền ở Ukraine, giữa căng thẳng gia tăng.
Một bức ảnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin bị binh sĩ Ukraine lấy làm bia tập bắn (Ảnh: AFP)
Một bức ảnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin bị binh sĩ Ukraine lấy làm bia tập bắn (Ảnh: AFP)

Trong những tuần gần đây, căng thẳng tiếp tục gia tăng khi phương Tây tố hàng chục nghìn binh sĩ Nga được điều động ở biên giới với Ukraine, ngoài ra còn có nhiều xe tăng, xe chiến đấu, pháo và tên lửa.

Chính quyền London tuyên bố họ đã trông thấy bằng chứng rằng một số cựu chính trị gia Ukraine vẫn duy trì mối liên hệ với các cơ quan tình báo Nga, và cựu nghị sĩ Yevgen Murayev đang được xem là người có thể trở thành nhà lãnh đạo mới.

Một số trong những người giữ liên lạc với giới sĩ quan tình báo Nga “hiện đang tham gia vào một kế hoạch tổ chức tấn công Ukraine”, Văn phòng Đối ngoại Anh nói trong một tuyên bố, mặc dù không đưa ra chi tiết về bằng chứng mà họ cho là có trong tay. Một quan chức Mỹ gọi âm mưu này là “cực kỳ đáng quan ngại”.

Moscow đã bác bỏ thông tin trên, cho rằng đây là “tin giả” và hối thúc London “ngừng phát tán những điều ngớ ngẩn”.

“Thông tin sai lệch đang được phát tán bởi Văn phòng Đối ngoại Anh, đây là một bằng chứng thêm cho thấy các thành viên của NATO đang làm tăng căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine” – Bộ Ngoại giao Nga viết trên Twitter.

Lời cáo buộc được Anh đưa ra trong hôm 22/1, sau một tuần hoạt động ngoại giao quốc tế diễn ra dày đặc, kết thúc bằng cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, các nhà ngoại giao đến từ Washington và Moscow. Hai bên nhất trí tiếp tục làm việc để giảm căng thẳng.

Ông Murayev, người được chính quyền London nhắc tới trong cáo buộc của mình, đã mất ghế trong Quốc hội Ukraine khi đảng của ông không giành đủ 5% số phiếu trong kỳ bầu cử năm 2019. Ông được cho là chủ sở hữu kênh truyền hình “Nash” mà các cơ quan quản lý Ukraine tìm cách đóng cửa trong năm ngoái vì cho rằng nó tuyên truyền những nội dung ủng hộ Nga.

4 chính trị gia khác được Anh nhắc tên bao gồm Mykola Azarov, Sergyi Arbuzov, Andriy Kluyev và Volodymyr Sivkovich.

Các ống phóng tên lửa của Nga khai hỏa trong một cuộc tập trận ở Orenberg ngày 16/12/2021 (Ảnh: AP)

Các ống phóng tên lửa của Nga khai hỏa trong một cuộc tập trận ở Orenberg ngày 16/12/2021 (Ảnh: AP)

Ông Azarov từng là giữ chức vụ Thủ tướng dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych. Cả hai người đã rời khỏi Kiev để đến Nga sau khi chính phủ bị lật đổ vào năm 2014. Ông Sivkovich, cựu quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia và Phòng thủ Ukraine, từng bị Mỹ cấm vận vì cáo buộc phối hợp với cơ quan tình báo Nga. Arbuzov và Kluyev đều từng giữ chức Phó Thủ tướng dưới thời ông Yanukovych.

“Thông tin được công bố ngày hôm nay đã cho thấy những hoạt động của Nga nhằm lật đổ Ukraine, và cũng cho thấy sự suy tính của Kremlin” – Liz Truss, Ngoại trưởng Anh, cho hay – “Nga cần giảm căng thẳng, ngừng các chiến dịch hung hăng và tung tin giả, tiến đến con đường ngoại giao.”

Bên trong buồng lái một chiếc Su-30 đang tham gia tập trận ở vùng Krasnodar , Nga (Ảnh: AP)

Bên trong buồng lái một chiếc Su-30 đang tham gia tập trận ở vùng Krasnodar , Nga (Ảnh: AP)

Tại Washington, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily Horne nói rằng: “Kiểu âm mưu này rất đáng quan ngại. Người dân Ukraine có quyền được quyết định tương lai của họ, và chúng tôi sát cánh với các đối tác được bầu chọn một cách dân chủ ở Ukraine.”

Anh hiện là một trong số ít những nước phương Tây đang cung cấp vũ khí sát thương – như tên lửa chống tăng – cho Ukraine trong bối cảnh căng thẳng với Nga gia tăng.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 22/1 đã chỉ trích Đức vì quyết định không cung cấp vũ khí cho Kiev, đồng thời kêu gọi Berlin ngừng “làm suy yếu sự đoàn kết” và ngừng “ủng hộ Vladimir Putin.”

Người đứng đầu lực lượng Hải quân Đức sau đó từ chức vì đưa ra một số phát ngôn về cuộc khủng hoảng này. Trước đó, ông Kay-Achim Schoenbach nói rằng ý nghĩ cho rằng Nga muốn “xâm lược” Ukraine là “ngớ ngẩn”, thêm rằng ông Putin xứng đáng được tôn trọng.

Theo SCMP