Từ sáng sớm, từng đoàn người lặng lẽ hướng về nhà văn hóa Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Các hộ dân nơi đây đều treo cờ rủ. Ai cũng tiếc thương, xúc động, chờ đến lượt được dâng nén hương tưởng nhớ Tổng Bí thư.
Bà Nguyễn Thị La (năm nay 85 tuổi ở xóm 11, làng Lại Đà) ngồi ở đối diện nhà văn hoá đã lâu để chờ đến lượt vào viếng. Ngồi kế bên, bà Nguyễn Thị Quất (80 tuổi) cũng liên tục ngó sang nơi tổ chức lễ viếng. Bên ngoài, dòng người xếp hàng ngày một đông, thành hàng dài trong trật tự. Bà La và bà Quất kể rằng tuy là người cùng làng nhưng ít có dịp được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do điều kiện công tác nên khi họ hàng làng xóm có việc, ông về một lát rồi lại phải đi ngay. Những lần về thăm quê, ông không bao giờ “trống dong, cờ mở” mà chọn cách xuất hiện bình thường nhất. Có lần, chính quyền có ý tổ chức đón tiếp, nhưng ông không đồng ý cho làm rình rang.
“Khoảng 20 ngày trước, Tổng Bí thư còn về thắp hương ở nhà thờ họ vừa được tôn tạo. Chỉ 2 tuần sau đã nghe tin ông qua đời, chúng tôi hụt hẫng vô cùng”, gương mặt nhăn nheo của bà La, người quá tuổi xưa nay hiếm càng thêm nhăn lại.
“Ông làm lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng mỗi lần về quê, ông cũng đều ân cần thăm hỏi người làng, từ người già đến trẻ con bằng tình cảm thân tình, ấm áp. Ông động viên người cao tuổi chúng tôi phải sống khỏe, sống có ích để con cháu noi theo”, bà Quất nói và không giấu được niềm tự hào.
Người dân làng Lại Đà vẫn kể lại câu chuyện của ông Vương Khắc Côn (ở xóm 7, người bạn học thủa thiếu thời của Tổng Bí thư) khi mừng thọ 70 tuổi, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đến chúc mừng dù đang giữ vị trí quan trọng của đất nước.
Sự thân tình, gần gũi và giản dị của người đứng đầu đất nước khiến người dân làng Lại Đà cảm thấy không còn khoảng cách, mà như được đón một người con của làng, sinh sống, làm việc ở xa trở về thăm quê.
Sáng nay, Phương Linh, lớp 9A trường THCS Đông Hội, đeo chiếc khăn quàng đỏ trên vai vào viếng Tổng Bí thư.
“Em cùng các thầy cô và các bạn lớp 9A đến viếng bác Tổng Bí thư từ sáng sớm. Em biết bác tuổi đã cao, sức yếu và ốm đã một thời gian rồi nhưng nghe tin bác ra đi em thấy rất buồn. Chúng em thầm hứa sẽ cố gắng học tập tốt, đem sức trẻ để cống hiến thật nhiều cho quê hương, đất nước”, Phương Linh nói.
Trong dòng người ở xa chờ vào viếng, ông Nguyễn Văn Hào, 75 tuổi, rưng rưng nước mắt. Cùng người thân đi xem máy từ Sóc Sơn đến Đông Anh từ sáng sớm, ông Hào nói đêm qua, ông không ngủ được, luôn lòng nghĩ đến công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dẫn lời của Tổng Bí thư, rằng “cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu, và cũng không thể đứng ngoài được...”, ông Hào bày tỏ mong muốn công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, "chống giặc nội xâm" sẽ được nối tiếp.
Nói về tình cảm và sự đón tiếp của bà con quê hương Tổng Bí thư, ông Hào bày tỏ sự trân trọng. Ông chia sẻ với người dân quê hương Đông Hội về việc từ nay sẽ vắng bóng người con ưu tú. Tuy nhiên, hình ảnh về một Tổng Bí thư mang phong cách giản dị, gần gũi, khiêm tốn, chân thành và mẫu mực sẽ luôn sống mãi với người dân Đông Hội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Sáng nay, Công an huyện Đông Anh cùng lực lượng chức năng đã tổ chức phân luồng các tuyến đường vào nơi tổ chức lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội đến hết ngày 26/7.
Người dân đến viếng gửi xe ở khu vực bãi ven đường Trường Sa (phía trước Khu Chung cư Eurowindow, Đông Trù, Đông Hội) rồi đi xe điện hoặc đi bộ vào khu vực lễ viếng theo các hướng chỉ dẫn.
Để đảm bảo an ninh, an toàn, theo yêu cầu của Bộ Công an, người dân khi đến viếng mang theo thẻ căn cước có gắn chíp (hoặc điện thoại có cài đặt VNeID) để quét mã QR tại các điểm kiểm soát