Sáng 25/7, rất đông người dân có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Xem lại những hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được lưu trong máy, bà Đoàn Thị Ngọc Lan (65 tuổi, hội cựu chiến binh xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội liên tục lấy tay gạt nước mắt.
Đoàn của bà Lan gồm hơn 10 người bắt xe đến khu vực Nhà Tang lễ Quốc gia từ hôm qua (24/7). Mọi người thuê trọ nghỉ qua đêm. Đến 4h sáng nay, bà Lan ra đứng trước cổng, chờ đợi đến giờ vào viếng.
“Tôi rất xúc động chờ đợi giây phút được viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối. Tôi thương vì bác đã hết lòng vì dân, vì nước. Ông là người lãnh đạo tài ba", bà Lan nói và cho biết sẽ chờ đợi để vào viếng Tổng Bí thư lần cuối.
Còn bà Lê Thị Nhung (hơn 80 tuổi) bắt xe buýt từ Láng Thượng, Đống Đa đến nhà tang lễ lúc 6h sáng để mong được vào thắp hương cho Tổng Bí thư.
Cầm trên tay nhiều tờ báo có bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nhung rưng rưng nói: "Tôi vô cùng tiếc thương ông. Sáng nay tôi tranh thủ đi mua một số báo có hình ảnh của ông cầm theo để vào tiễn đưa ông lần cuối".
Không kìm nén được cảm xúc khi có mặt tại nhà tang lễ, chị Đoàn Việt Hoa (ở Hà Nội) bật khóc nói: "Hôm nay đến đây tôi muốn thắp cho bác một nén hương, để có thể nhìn di ảnh bác. Đối với tôi, bác như một người cha, một Tổng Bí thư hết lòng vì dân vì nước".
Bà Nguyễn Thị Mưu (75 tuổi) từ Hải Phòng lên Hà Nội từ sáng sớm để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Chị Hoa kể, đêm hôm trước trằn trọc, cứ thao thức, mong đến sáng để đi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dù chưa từng được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng trong lòng chị luôn "quý mến vị lãnh đạo liêm khiết, giản dị".
Chị Hoa chia sẻ, hôm nay, nếu phải chờ 7 hay 10 tiếng để được vào viếng và tiễn biệt Tổng Bí thư, chị vẫn đợi.
Tại Đông Anh, Hà Nội, sáng sớm 25/7, ban tổ chức đã lập các hàng rào mềm từ xa để hướng dẫn, phân luồng giao thông từ trụ sở xã Đông Hội vào đến Nhà văn hóa làng Lại Đà. Đồng thời bố trí xe điện đưa người dân từ trụ sở xã Đông Hội vào cổng làng Lại Đà để đăng ký vào viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dọc hai bên đường từ trụ sở xã Đông Hội về làng Lại Đà, người dân đều treo cờ rủ để tưởng nhớ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lực lượng chức năng, công an, y tế, đoàn thanh niên tại huyện luôn nhiệt tình, hỗ trợ cho công tác chuẩn bị cũng như đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân đến viếng.
Là một trong những người xếp hàng đầu tiên tới viếng Tổng bí thư, những giọt nước mắt không thể ngừng rơi trên má bà Thanh (80 tuổi, xã Đông Hội). Theo lời kể của bà, Tổng Bí thư là một người vô cùng giản dị gần gũi. Dịp lễ Tết hay ngày gặp mặt người cao tuổi tại xã, Tổng Bí thư đều dành thời gian thăm nom, tặng quà.
"Tôi xót xa lắm, không đêm nào tôi ngủ ngon giấc. Ông Trọng là cậu trong họ của tôi, ông giản dị, thân thương lắm, người trong ngoại tộc ai cũng quý mến", bà Thanh bồi hồi xúc động.
Trong đoàn vào viếng, bà Nguyễn Thị Xiêm (91 tuổi, Mai Lâm) chia sẻ khoảng 4h30 sáng bà đã thao thức, bồn chồn, dậy sớm chuẩn bị quần áo, được con cháu đưa đến viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nhà văn hóa thôn.
"Từ ngày ông Trọng mất, cứ xem tivi là nước mắt tôi lại rơi, không kìm lòng được. Cứ đêm đến, tôi không thể ngủ được vì thương vị lãnh đạo vừa giản dị lại chân thành", bà Xiêm bày tỏ.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7, được tổ chức đồng thời tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TPHCM và quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Lễ an táng diễn ra chiều 26/7 tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.