Nhà lãnh đạo được dân yêu mến
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7h ngày 25/7 nhưng từ 5h sáng, người dân đã tới khu vực tổ chức lễ viếng để xếp hàng, chờ vào tiễn biệt Tổng Bí thư.
Chia sẻ cảm xúc khi tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người dân đều bày tỏ sự tiếc thương nhà lãnh đạo đã cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, cho Đảng, Nhà nước và nhân dân.
“Tổng Bí thư là người có tâm, có tầm nên chúng tôi muốn đến thắp một nén tâm nhang vĩnh biệt bác lần cuối. Nhờ có những người lãnh đạo vì dân, vì nước như bác Trọng mà những người cao tuổi như chúng tôi được quan tâm, chăm lo.
Từ 3 giờ sáng, vợ chồng tôi và 2 người hàng xóm ở Hải Phòng nhà tang lễ quốc gia với mong muốn thắp cho bác Trọng một nén tâm nhang, thỏa lòng ước nguyện gặp bác lần cuối” - bà Nguyễn Thị Mưu (75 tuổi, ở Hải Phòng) xúc động.
Đã 84 tuổi nhưng ngay từ sáng sớm, ông Đỗ Quang Đăng (ở phố Lò Đúc, Hà Nội) đi bộ đến nhà tang lễ quốc gia để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đứng trước cổng, ông Đăng xúc động nói: "Tổng Bí thư là nhà lãnh đạo tuyệt vời, cống hiến cả đời cho nhân dân và đất nước. Tôi mong rằng thế hệ sau sẽ kế thừa, phát huy tinh thần của Tổng Bí thư, đưa đất nước ta ngày càng lớn mạnh”.
Hòa cùng dòng người lặng lẽ xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nhà văn hóa thôn Lại Đà (xã Đông Hội, quê của Tổng Bí thư), ông Phạm Quang Thành (72 tuổi, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết ông từng công tác ở Trung đoàn 269 Bộ tư lệnh Công binh. Khi hay tin Tổng Bí thư từ trần, ông mất ngủ mấy ngày liền. Sau khi biết tin lễ viếng sẽ được tổ chức tại quê nhà Tổng Bí thư, ông Thành đã đi xe buýt tới thôn Lại Đà từ hôm qua để đăng ký sáng nay vào viếng sớm.
"Tôi toại nguyện khi sáng nay đã được dâng nén hương đến Tổng bí thư. Tôi thường xem các phát biểu của ông tại nhiều hội nghị. Ông đã đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp chung của đất nước, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sự ra đi của ông để lại trong tôi niềm thương tiếc vô bờ", ông Thành chia sẻ.
Trên sổ tang điện tử của các cơ quan báo chí, người dân cả nước cũng gửi lời chia buồn tới gia quyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - vị lãnh đạo tài đức của dân tộc Việt Nam. Bác đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, làm việc đến hơi thở cuối cùng” – bạn đọc tên Quân viết trên sổ tang điện tử.
“Xin kính cẩn nghiêng mình kính viếng Bác Tổng Bí thư, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Xin cảm ơn Bác đã dành trọn cuộc đời vì dân vì nước, làm việc đến hơi thở cuối cùng. Mong Bác về nơi vĩnh hằng an giấc ngàn thu. Vĩnh biệt Bác!” – anh Hoàng Mạnh Hồng viết.
“Một đời thanh bạch, chẳng vàng son. Kính tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam. Cả một đời ông đã tận hiến phục vụ đến hơi thở cuối cùng. Thương ông và sẽ mãi nhớ về Ông” – anh Nguyễn Hữu Tiễn viết.
Con người gần gũi, chân tình
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Sơn (89 tuổi, giảng viên khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cùng các cựu sinh viên lớp Văn khóa 8 đã tới Nhà tang Lễ quốc gia đưa tiễn học trò, bạn học Nguyễn Phú Trọng.
Trong mắt thầy Sơn, Tổng Bí thư là người chân chất, hiền lành, chịu khó, ham học, một người sống rất gần gũi chân thành, trong sáng. “Khi gặp về gặp bạn bè lớp K8, anh ấy (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) cũng rất chân tình, sống lại hồn nhiên như thuở còn ngồi trên ghế nhà trường", thầy Sơn nói.
Ông Sơn nhớ những lần hội ngộ lớp Văn, mọi người chủ yếu hỏi thăm sức khỏe nhau, nói chuyện xoay quanh chữ "tình", là tình thầy trò, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình người.
Trong một lần gặp mặt, thầy Sơn nói: "Anh Trọng ơi, hôm nay về họp lớp, anh nói chữ tình nặng lắm, thầy tặng anh đôi câu đối chữ Hán sưu tầm được: Thế gian vạn sự giai bào ảnh/Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình. Nghĩa là trên đời này mọi sự mọi việc cuối cùng rồi chỉ là bọt bèo, ảo ảnh. Nghìn kiếp qua đi, cái còn lại chỉ là cái tình với nhau thôi, tình đời, tình người. Anh ấy thích quá và bảo: Thầy ơi! câu thơ rất hay, rất trùng hợp với suy nghĩ và phong cách sống của em. Em cảm ơn thầy!"
Nghe tin Tổng Bí thư mất, ông Sơn hụt hẫng, tiếc thương. “Thương anh ấy, mấy đêm nay tôi không ngủ được” - Thầy Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.