Anh hùng Phạm Tuân và chuyến du hành vũ trụ không thể nào quên cách đây 40 năm

VietTimes – Ngày 23/7/1980, anh hùng trong Chiến tranh chống Mỹ Phạm Tuân đã bay vào vũ trụ cùng với nhà du hành Gorbatko. Từ đó đến nay đã 40 năm trôi qua nhưng với ông, đây là những kỷ niệm không thể nào quên trong sự nghiệp của mình. Nhân dịp này, VietTimes đã có cuộc tiếp xúc thú vị với Trung tướng Phạm Tuân.
Trung tướng Phạm Tuân bên tấm ảnh lớn chụp kỷ niệm cùng phi công vũ trụ Gorbatko trước chuyến du hành vũ trụ cách đây 40 năm
Trung tướng Phạm Tuân bên tấm ảnh lớn chụp kỷ niệm cùng phi công vũ trụ Gorbatko trước chuyến du hành vũ trụ cách đây 40 năm

Chỉ biết trước có 3 ngày

Những năm 1975, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã thống nhất thành lập chương trình khoa học vũ trụ quốc tế Interkosmos. Theo đó, lần lượt phi công của các nước trong khối sẽ được bay lên vũ trụ. Tất cả các nước tham gia đều phải đóng góp chi phí không hề nhỏ nhưng riêng Việt Nam được tài trợ và đó là vinh dự lớn của chúng ta với những phi công từng chiến thắng máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 được tham gia tuyển chọn.

Sau những vòng sơ tuyển gắt gao trong nước, 2 phi công là Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm được tuyển chọn sang Liên Xô để được chính thức huấn luyện trong thời gian 16 tháng. Cả hai người đều như nhau về cơ hội bay vào vũ trụ, song chỉ có một người được chọn và tới ngày 20/7/1980, tức là 3 ngày trước khi chính thức bay, Phạm Tuân mới biết ông là người được chọn.

Phi công Gorbatko và Phạm Tuân
Phi công Gorbatko và Phạm Tuân

Ông cho biết, mặc dù thời gian huấn luyện lên tới 16 tháng nhưng đã bay vào vũ trụ không có bay kèm, bay thử như lái máy bay. Lúc xuất phát là hoàn toàn phụ thuộc vào điều khiển từ trung tâm chỉ huy mặt đất và các phi công chỉ biết được qua trao đổi với chỉ huy. Còn khi đã vào quỹ đạo, tàu vũ trụ chuyển động với vận tốc 7,9 km/giây nên mọi phép đo kiểm về sức khỏe của phi công dưới mặt đất là không thể nói trước điều gì. Cũng có rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ với ông: như lúc bước vào con tàu Liên hiệp 37, lúc con tàu rời bệ phóng, thời điểm tàu Liên hiệp 37 lắp ráp thành công với trạm Chào mừng 6 cùng lúc bước sang và gặp gỡ các phi công thường trực tại đây trong trạng thái không trọng lượng…

8 ngày ở trên vũ trụ cũng là những ngày đặc biệt nhất trong cuộc đời ông. Đồ ăn là những loại đặc biệt được sản xuất dành riêng cho những nhà du hành. Nước uống thì cũng chỉ được một lượng rất hạn chế và nếu không cẩn thận khi dùng thì các giọt nước lớn sẽ bay ra lơ lửng quanh mình. Đi vệ sinh cũng phải sử dụng thiết bị đặc chủng. Còn khi ngủ thì phải chui vào túi được buộc kỹ vào khoang tàu.

Ông nhớ mãi hình ảnh nước Việt Nam được nhìn từ vũ trụ. Phải nói là rất đẹp và có lẽ không biết đến bao giờ mới có người Việt Nam thứ hai có được cơ hội này. Còn về những công việc chính, suốt thời gian ở trên trạm Chào mừng 6, ông đã tiến hành khoảng 30 thí nghiệm khoa học về vật lý vũ trụ, y sinh học vũ trụ, luyện kim trong môi trường không trọng lượng, quan sát chung nhiều vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam… chứ không chỉ có thí nghiệm về bèo hoa dâu như nhiều báo chí thời ấy nhắc đến.

Anh hùng Phạm Tuân (bên trái) cùng phi công vũ trụ Gorbatko trong dịp kỷ niệm 35 năm chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam (Ảnh:ST)
Anh hùng Phạm Tuân (bên trái) cùng phi công vũ trụ Gorbatko trong dịp kỷ niệm 35 năm chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam (Ảnh:ST)

Có thể nói, anh hùng Phạm Tuân là niềm tự hào của Việt Nam về du hành vũ trụ. Và vào nhiều dịp kỷ niệm sự kiện này của Quân chủng Phòng không Không quân, phi công vũ trụ Gorbatko luôn là vị khách được mời thcũng có phần thiếu vui.am dự. Tuy nhiên, cách đây 3 năm, phi công Gorbatko đã mất nên dịp kỷ niệm năm nay 

Công nghiệp quốc phòng và ngân hàng: Sự nghiệp trước khi chia tay đời lính

Năm 1997, anh hùng Phạm Tuân được chuyển công tác từ Quân chủng Phòng không Không quân sang làm Phó Chủ nhiệm rồi đến năm 2000 làm Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

Nói đến công nghiệp quốc phòng, đó là nền công nghiệp sản xuất vũ khí và khí tài quân sự, quân trang, quân dụng... Với mọi quốc gia, việc tự túc sản xuất phục vụ quân đội là rất quan trọng và phụ trách hoạt động này thì phải nắm vững cả về kỹ thuật lẫn kinh tế.

Rất may, từng là một phi công chiến đấu nên các kiến thức kỹ thuật của không quân cho phép ông bao quát được về nhu cầu sản xuất vũ khí và khí tài quân sự. Tuy nhiên, làm lãnh đạo là chỉ đạo về mặt đường hướng phát triển. Còn cụ thể việc thiết kế, chế tạo như thế nào thì đó là việc nên để các cơ sở sản xuất chủ động.

Tất nhiên, khoa học và công nghệ quân sự luôn phải cập nhật những thành tựu khoa học mới nhất và trình độ trong nước cũng từng bước phải theo kịp. Vì thế, ông rất tin tưởng vào sự thành công của một tập đoàn như Viettel, không chỉ kinh doanh viễn thông mà còn chủ động sản xuất các trang thiết bị công nghệ cao phục vụ quân đội. Ngoài ra, còn phải kể đến các nhà máy đầu ngành của công nghiệp quốc phòng.

Ông cũng tâm sự, dù đất nước đang sống trong hòa bình, nhưng nhiệm vụ của quân đội là vẫn luôn phải sẵn sàng chiến đấu. Khoa học và công nghệ quân sự luôn phải ứng dụng những thành tựu mới nhất để có thể tác chiến tốt nhất. Nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ đất nước, quân đội làm kinh tế là điều cần thiết, nhưng chỉ nên tập trung vào những gì mà dân sự không làm được.

Đến năm 2002, ông lại một lần nữa chuyển công tác sang làm Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội. Đây là một nhiệm vụ hoàn toàn mới vì ngân hàng này không chỉ phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp quốc phòng mà còn phải cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng khác. Tuy nhiên, ông đã làm tốt công việc của mình trên cương vị này để thanh thản nghỉ hưu vào năm 2008.

Nói về những đồng chí của mình, Trung tướng Phạm Tuân luôn nhắc đến phi công Bùi Thanh Liêm, người không được may mắn bay vào vũ trụ như mình và đã hy sinh trong một chuyến huấn luyện phi công trên biển năm 1982. Ông và các cựu chiến binh của Quân chủng Phòng không Không quân vẫn thường đến thăm hỏi gia đình phi công Bùi Thanh Liêm vào bất cứ lúc nào có thể chứ không chỉ riêng ngày mất và 27/7 hàng năm.