Anh cấm Huawei: Mỹ hoan nghênh, Trung Quốc giận dữ!

VietTimes – Ngày 14/7, chính phủ Anh đã chính thức quyết định cấm Huawei khỏi cơ sở hạ tầng mạng 5G của nước này. Quyết định đã gây ra khá nhiều phản ứng trái chiều.
Ảnh: Medium
Ảnh: Medium

Anh thay đổi lập trường


Vương quốc Anh tuyên bố đã cấm Huawei khỏi mạng 5G của mình, hủy bỏ quyết định vào hồi tháng 1/2020 cho phép công ty công nghệ Trung Quốc tham gia vào cơ sở hạ tầng 5G nước này nhưng ở vai trò hạn chế.

Các nhà khai thác mạng di động của Anh như BT và Vodafone được gia hạn cho đến năm 2027 để loại bỏ hoàn toàn thiết bị của Huawei khỏi mạng 5G của hai nhà mạng này, theo chính phủ Anh tuyên bố vào hôm 13/7. Bộ trưởng Văn hóa và Kỹ thuật số Anh Oliver Dowden cho biết các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào Huawei vào hồi tháng 5 đã “thay đổi đáng kể” bối cảnh.

“Với sự không chắc chắn xung quanh chuỗi cung ứng của Huawei, Anh không đủ tự tin đặt cược nền an ninh quốc gia vào các thiết bị 5G của Huawei trong tương lai” – ông Dowden nói.

Mỹ hoan nghênh lệnh cấm

Ảnh: MoneyControl
Ảnh: Money Control

Động thái trên của Anh được coi là một chiến thắng đối với Tổng thống Trump bởi trong thời gian vừa qua, Washington đã gia tăng sức ép với các đồng minh trong việc loại bỏ các thiết bị của Huawei trong mạng viễn thông vì có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia.


“Chúng tôi hoan nghênh quyết định của Anh” - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với những người bạn Anh nhằm phát triển một hệ sinh thái 5G an toàn và đầy sôi động, điều này rất quan trọng đối với nền an ninh và sự thịnh vượng chung khu vực Đại Tây Dương” - ông nói.

Trên trang Twitter, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien cho rằng: “Hành động của Anh phản ánh sự đồng thuận quốc tế ngày càng cao rằng Huawei và các nhà cung cấp không đáng tin cậy khác là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”.

Phản ứng của Huawei và Trung Quốc


Quyết định là một cú sốc lớn đối với Huawei bởi công ty đã hoạt động ở Anh trong hơn 20 năm. Châu Âu cũng là một thị trường trọng điểm của công ty, chiếm 24% doanh thu vào năm ngoái. Đầu tuần này
Huawei đã công bố kết quả doanh thu nửa đầu năm khởi sắc nhưng tăng trưởng lại chậm chạp so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty đã phải đối mặt với sự sụt giảm doanh số điện thoại thông minh sau khi Washington chặn quyền truy cập của hãng vào các ứng dụng phổ biến của Google. Kết quả là những chiếc smartphone mang thương hiệu Huawei trở nên kém hấp dẫn hơn tại các thị trường ngoài Trung Quốc.

Mặc dù vẫn lạc quan cho rằng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến “khả năng phục hồi và bảo mật” trên các sản phẩm của mình nhưng Huawei đã mô tả động thái của Anh là “đáng thất vọng”.

Ảnh: BT
Lệnh cấm là một cú sốc với Huawei nhưng Anh quốc cũng không thoát khỏi thiệt hại. Ảnh: BT

“Động thái này sẽ khiến Anh tụt hậu trong lĩnh vực kỹ thuật số. Điều đáng tiếc là tương lai của chúng tôi ở Anh đã trở thành con bài chính trị, nó nằm trong chính sách thương mại của Mỹ chứ không phải vấn đề an ninh”, Ed Brewster, người phát ngôn của Huawei tại Anh cho biết.


Trước quyết định mới, ông Dowden cũng thừa nhận rằng “nó có nguy cơ đối mặt với phản ứng dữ dội từ Trung Quốc và sự trì hoãn việc triển khai 5G trên toàn quốc ít nhất một năm”.

Lệnh trừng phạt của Mỹ đã hạn chế các công ty như TSMC bán chip và các thành phần quan trong khác cho Huawei. Không có chúng, Huawei không thể xây dựng các trạm gốc 5G và những sản phẩm khác.

“Dựa trên các quy tắc xuất khẩu hiện tại mà Mỹ đưa ra, tôi thực sự nghĩ rằng mảng kinh doanh thiết bị 5G của Huawei đang phải đối mặt với nguy hiểm nghiêm trọng” - nhà phân tích Edison Lee của Jefferies cho biết.

Anh được gì và mất gì từ lệnh cấm?


Thủ tướng Anh, ông Vladimir Johnson đã phải đối mặt với áp lực gia tăng từ phía các nhà lập pháp trong chính đảng của mình và chính phủ Tổng thống Donald Trump cho rằng các thiết bị của Huawei có thể bị Bắc Kinh sử dụng làm phần mềm gián điệp.

Washington đã cảnh báo rằng việc chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác quân sự giữa Mỹ và Anh có nguy cơ kết thúc nếu Anh thực hiện kế hoạch cũ cho phép Huawei tham gia vào mạng 5G nước này. Quyết định mới của Anh một lần nữa “hâm nóng” mối quan hệ đồng minh giữa Anh và Mỹ.

Ngay trước khi lệnh cấm được đưa ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lặp lại cảnh báo ông từng đưa ra trước đó rằng việc cấm Huawei sẽ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ vĩ mô giữa Anh và Trung Quốc.

“Việc Anh có thể cung cấp một môi trường kinh doanh cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử đối với các công ty Trung Quốc hay không là điều cần phải suy nghĩ lại, đây cũng là chỉ số đầu tư của Trung Quốc vào Anh”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Zhao Lijian cho biết trong một tuyên bố.

Được lòng Mỹ lại mất lòng Trung Quốc, nhưng quan trọng hơn là lệnh cấm có nguy cơ khiến mạng 5G của Anh đối mặt và sự chậm trễ cùng chi phí tăng lên tới hàng tỷ USD.

Anh có thể sẽ phải trả giá đắt cho việc loại bỏ Huawei. Chính phủ Anh cho biết mạng 5G tại nước này sẽ phải đối mặt vợi sự chậm trễ khoảng một năm và việc thay thế thiết bị của Huawei trong các công nghệ hiện tại sẽ mất khoảng hai đến ba năm với tổng chi phí lên tới 2,5 tỷ bảng Anh (3,1 tỷ USD).

Điều này cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng và doanh nghiệp Anh sẽ phải chờ lâu hơn và có thể phải trả nhiều tiền hơn cho các dịch vụ di động sử dụng công nghệ băng thông mới như xe tự lái, các ứng dụng sản xuất và chăm sóc sức khỏe hiện đại.

“Như chính phủ đã nhấn mạnh, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự chậm trễ trong việc ra mắt 5G cùng những khoản phí bổ sung cho ngành công nghiệp. Chúng tôi thực sự thất vọng vì quyết định này” - một phát ngôn viên của Vodafone nói.

Trong khi đó, ông Philip Jansen - Giám đốc điều hành BT - cho biết việc cấm Huawei sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến việc triển khai 5G của công ty và chi phí sẽ không cao hơn qua nhiều so với con số 627 triệu USD mà hãng ước tính vào tháng 1/2020, khoản phí mà công ty dự kiến sẽ phải chi thêm nếu quyết định hạn chế vai trò của Huawei trước đó có hiệu lực.

Tham khảo CNN, Business Times