Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến giới chuyên gia nước này quay cuồng trước những dự báo và nhận định. Theo đó, ông Tập đã có những thay đổi chính sách quy mô lớn cả ở trong và ngoài nước. Điều đáng nói là những chính sách này hoàn toàn khác biệt so với những người tiền nhiệm của ông Tập.
Theo đó, ông Tập đã đưa ra nhiều sáng kiến và đề xuất mới trong thời gian gần đây như chính sách kinh tế "một vành đai, một con đường" hay sự ra đời của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), một phiên bản của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng thế giới (WB).
|
Sự ra đời của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được xem là chiến lược gây tầm ảnh hưởng trong khu vực châu Á của Trung Quốc |
Theo tờ The Diplomat, đây là "thủ thuật ngoại giao đan xen" của Trung Quốc. Thay vì tạo ra mối thách thức nhằm thay đổi các quy định quốc tế, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng những nền tảng mới mà Bắc Kinh có thể kiểm soát và tác động thường xuyên. Về bề nổi, những động thái mới của Trung Quốc chỉ nhằm phát triển các doanh nghiệp kinh tế. Tuy nhiên, ẩn ý sâu xa của động thái này là nhằm đảm bảo nền an ninh tốt hơn cho Trung Quốc cũng như tạo ra những chiến lược dài hạn.
Liên quan tới lĩnh vực chính trị và an ninh, Trung Quốc còn nỗ lực tăng cường hoặc tái thiết một vài tổ chức như BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA). Mục đích của Bắc Kinh là sử dụng những tổ chức này để làm thay đổi cán cân sức mạnh với NATO và liên minh quân sự của Mỹ tại châu Á.
Chiến lược "trục châu Á" của Trung Quốc
Về bề ngoài, kế hoạch “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc chỉ đơn giản là một kế hoạch phát triển kinh tế tầm xa và tập trung vào cải thiện hoạt động thương mại, cơ sở hạ tầng cũng như kết nối trong khu vực.
Theo đó, "Vành đai Kinh tế trên Con đường Tơ lụa" mới sẽ kết nối Trung Quốc với châu Âu thông qua khu vực Trung và Tây Á. Ngoài ra, cái gọi là "Con đường Tơ lụa hàng hải thế kỷ 21" là nhằm kết nối Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu. Và mục đích thực sự của những sáng kiến này là nhằm tăng cường an ninh cho Trung Quốc.
|
Tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông. |
Thứ nhất, Trung Quốc muốn tiếp cận nguồn tài nguyên dồi dào là khí đốt và dầu mỏ trong khu vực. Thứ hai, Bắc Kinh muốn kiểm soát tình hình bất ổn trong cộng đồng người Hồi giáo tại phía tây Trung Quốc, khi mà nhóm người Duy Ngô Nhĩ có mối liên hệ mật thiết với nhiều nước ở Trung Á và Tây Á. Bắc Kinh hy vọng rằng thách thức an ninh sẽ được giải quyết khi nhận được sự ủng hộ và hợp tác từ chính phủ các nước tại Trung Á và Tây Á.
Có thể nói rằng, chiến lược "một vành đai, một con đường" là phản ứng chính thức đầu tiên của Trung Quốc trước chính sách "trục châu Á" của Mỹ. Bởi kể từ khi Mỹ thông báo chính sách cân bằng sức mạnh tại châu Á, Trung Quốc đã coi đây là mối đe dọa lớn nhất tới an ninh nước này. Tuy nhiên, dù cảm thấy khó chịu, nhưng trong vài năm qua, Bắc Kinh chưa có phản ứng trực tiếp bằng chính sách hoặc thái độ nào tới chính sách của Mỹ. Do đó, chiến lược "một vành đai, một con đường" được đánh giá là "chiến lược trục châu Á của Trung Quốc" để đối chọi với Mỹ. Mượn danh "Con đường Tơ lụa", Bắc kinh đã khôn ngoan tránh được khả năng phải đối đầu trực tiếp với những thách thức chiến lược tái cân bằng của Mỹ.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn muốn tận dụng tốt nhất những sức mạnh hiện có. Với sáng kiến trên, Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng những con đường cao tốc, đường sắt, đường ống dẫn dầu và cảng biển tại các quốc gia trong khu vực.
|
Tăng trưởng kinh tế nhanh khiến Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường. |
Đầu tiên, Trung Quốc hiện đang sở hữu một lượng lớn thặng dư thương mại và đang tìm kiếm những con đường tốt nhất để sử dụng nguồn thặng dư này. Tuy nhiên, trong viễn cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, việc đầu tư vào châu Âu và Mỹ trở nên vô cùng nguy hiểm. Do đó, phương án dồn nguồn thặng dư thương mại vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương là một lựa chọn tối ưu.
Thứ hai, hoạt động tăng năng suất tại các nhà máy sản xuất thép ở miền bắc Trung Quốc đã tạo ra những vấn đề lớn đối với môi trường nước này. Do đó, bằng cách thúc đẩy sáng kiến "một vành đai, một con đường" và phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực, Trung Quốc có thể chuyển các nhà máy và trung tâm công nghiệp của nước này sang những nước trong khu vực như Kazakhstan và Campuchia trong vài năm tới cũng như xuất khẩu một lượng lớn hàng tồn kho sang các nước này.
Bằng cách xuất khẩu công nghệ và thắt chặt mối quan hệ kinh tế và thương mại với các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc đang tìm kiếm những thị trường mới tiềm năng và to lớn để tiêu thụ những mặt hàng gắn mác “Made in China”.
Thậm chí, sáng kiến này còn giúp cải thiện hoạt động giao thông vận tải và liên kết giữa Trung Quốc với các nước châu Á, khiến láng giềng của Bắc Kinh tăng dần sự phụ thuộc vào thị trường và nguồn vốn của nước này. Kết quả cuối cùng, Trung Quốc sẽ giành được vị trí lãnh đạo trong khu vực và giành được thế cân bằng với chính sách "trục châu Á" của Mỹ.
Từ "kẻ ăn theo" thành "nhà cung cấp"
Trong bài phỏng vấn với tờ New York Times hồi tháng 8/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi Trung Quốc là "kẻ ăn theo" suốt 30 năm qua và không chịu tuân thủ luật pháp quốc tế. Lời cáo buộc của ông Obama hoàn toàn có cơ sở. Bởi suốt một thời gian dài, Bắc Kinh chỉ giữ vai trò là người tham gia và đi theo các vấn đề quốc tế chứ không phải là một nhà lãnh đạo chủ động.
Song, với những sáng kiến mới, Trung Quốc rõ ràng đã chuyển sang vai trò lãnh đạo chủ động hơn. Phản ứng trước lời phát biểu của Tổng thống Obama, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã công khai tuyên bố hoan nghênh các quốc gia láng giềng đi theo để phụ trợ kế hoạch phát triển của Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn còn khá sớm để dự đoán về mức độ thành công của những sáng kiến mới của Trung Quốc bởi tham vọng này còn phụ thuộc vào phản ứng của các quốc gia láng giềng của Bắc Kinh.
Rõ ràng, các quốc gia láng giềng Trung Quốc sẽ sẵn sàng tiếp nhận nguồn tiền và nhân lực từ Trung Quốc nhưng họ sẽ không để Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị và an ninh tới quốc gia mình.
Kịch bản tồi tệ nhất đối với Bắc Kinh là mọi đề xuất và kế hoạch đổ tiền vào các nước trong khu vực của Trung Quốc sẽ không thể giành được mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng như mong muốn. Theo đó, phần lớn các nước sẽ chọn Mỹ để hợp tác an ninh còn chọn Trung Quốc để phát triển kinh tế.
Ngoài ra, việc đảm bảo vai trò lãnh đạo cũng trở thành thách thức đối với Bắc Kinh khi lâu nay, Trung Quốc vẫn giữ thế "kẻ ăn theo".
Theo: InfoNet