Ấn tượng cô chủ nhỏ vùng sâu và vị giáo sư tóc trắng Hoàng Hoè

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Gặp cô chủ nhỏ giỏi tiếp thị số Thu Phương và Gs Hoàng Hoè người có công đầu đưa mắc ca vào Việt Nam, cảm nhận triển vọng của loại cây cho hạt đẳng cấp 'nữ hoàng' và việc dùng tiếp thị số đưa sản phẩm ra thế giới.
Cô chủ nhỏ Thu Phương ký kết xuất khẩu với doanh nhân Nhật Bản
Cô chủ nhỏ Thu Phương ký kết xuất khẩu với doanh nhân Nhật Bản

Điểm chung giữa họ, là mối say mê không dứt về mắc ca, loài cây cho hạt đẳng cấp “nữ hoàng” vừa đem về thu nhập tiền tỉ cho nông dân, vừa lặng lẽ phủ xanh những vùng núi đồi từng mất rừng trơ trụi.

Không có loài cây cho hạt ngon nào lại tạo độ che phủ tốt bằng mắc ca

Không có loài cây cho hạt ngon nào lại tạo độ che phủ tốt bằng mắc ca

Chị Thu Phương 30 tuổi, con gái của một gia đình nông dân từ Bắc Giang đi kinh tế mới, vào định cư thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh trường Cao đẳng thương mại Đà Nẵng, chị trở về tìm cách ứng dụng công nghệ số, tiếp thị số để bán giúp bố mẹ lứa mắc-ca vừa thu hoạch. Chỉ sau 6 năm, chị đã định vị được thương hiệu đủ mạnh để xuất khẩu trực tiếp đến những thị trường khó tính.

Doanh nhân Nhật Bản về tận xã Phú Lộc ký kết đại lý độc quyền

Doanh nhân Nhật Bản về tận xã Phú Lộc ký kết đại lý độc quyền

Giáo sư Hoàng Hòe tuổi 90 minh mẫn, một trong những người có công lớn trong việc đưa cây mắc ca về Việt Nam, vừa đi thăm lại những vùng trồng khảo nghiệm mắc ca đầu tiên trên Tây Nguyên. Trong đó có vườn mắc ca của vợ chồng ông Nguyễn Văn Cúc, bố mẹ của Thu Phương.

Giáo sư Hoàng Hòe trao đổi với tác giả giữa vườn mắc ca mới trồng

Giáo sư Hoàng Hòe trao đổi với tác giả giữa vườn mắc ca mới trồng

Mắc ca đủ tuổi trĩu trái

Mắc ca đủ tuổi trĩu trái

“Đây là vườn mắc ca sai quả nhất mà tôi từng thấy. Chắc chắn là do giống tốt, thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, kỹ thuật canh tác đạt yêu cầu,” Giáo sư Hòe vui vẻ nhận xét. Ông Cúc là một trong những nông dân đầu tiên ở Krông Năng mạnh dạn nhận trồng khảo nghiệm nhiều giống mắc ca từ 20 năm trước. Hiện gia đình ông đang có mức thu nhập top đầu trong các nhà vườn trồng mắc-ca trên Tây Nguyên.

Thu hoạch mắc ca trong vườn nhà ông Cúc

Thu hoạch mắc ca trong vườn nhà ông Cúc

Theo ông Cúc, số gia đình thu nhập tiền tỉ từ mắc-ca tại huyện Krông Năng ước khoảng 5-7 hộ, còn số lãi vài trăm triệu đồng/vụ thì nhiều lắm. Nhiều nhất là ở 2 xã Phú Lộc và Ea Tân. Cây dễ trồng, không phải chăm bón nhiều, lại phủ xanh rợp được cả những vùng từng là đất trống, đồi trọc. Vào tuổi thứ 4 cây cho trái bói, sản lượng tăng dần hàng năm.

Cứ 2 tạ quả xanh thì xát ra 1 tạ hạt tươi nguyên vỏ cứng, gọi là hạt NIS

Cứ 2 tạ quả xanh thì xát ra 1 tạ hạt tươi nguyên vỏ cứng, gọi là hạt NIS

Gia đình ông Cúc sở hữu 10 hecta mắc-ca trồng thuần và trồng xen. Trong đó có cây vừa cho thu hoạch tới 2 tạ quả, xát vỏ cho 1 tạ hạt tươi, giá 100 nghìn đồng mỗi ký hạt mua tại vườn. Vụ này nhà ông thu được 26 tấn quả, nếu chỉ bán tươi cũng dễ dàng thu về tiền tỉ.

Qua khâu chế biến, đóng gói thành phẩm, giá tăng gấp đôi

Qua khâu chế biến, đóng gói thành phẩm, giá tăng gấp đôi

Nhưng tỷ lệ lớn sản lượng mắc-ca không chỉ của nhà ông mà nhiều vùng trồng lân cận khi ra khỏi cổng xưởng chế biến đã thành hàng xuất khẩu hàng ăn liền, giá trị gia tăng cao. Trong đó có công con gái ông, cô chủ nhỏ vùng sâu bản lĩnh đang bước ra thị trường quốc tế.

Nhiều người biết năm 2018, đề án “Sản xuất và kinh doanh hạt mắc ca” của Thu Phương sau khi đoạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk, đã được Shark Tank Nguyễn Ngọc Thủy nhất trí rót vốn đầu tư 5 tỉ đồng. Tuy nhiên ít ai biết mới đây Thu Phương đã mua lại toàn bộ số cổ phần này, với mức giá tăng gấp vài lần mà "đôi bên vẫn cùng có lợi".

Vợ chồng Giáo sư Hoàng Hòe tự xay sữa mắc ca và rang mắc ca mời khách

Vợ chồng Giáo sư Hoàng Hòe tự xay sữa mắc ca và rang mắc ca mời khách

Là một nhà khoa học suốt đời đau đáu chuyện bảo vệ rừng, từng là Viện trưởng Viện Điều tra Quy hoạch Rừng, Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ Lâm nghiệp, giáo sư Hoàng Hòe yêu quý và gắn bó với mắc ca như lẽ tất nhiên. Được xếp vào hệ sinh thái lâm nghiệp, mắc-ca đem lại độ che phủ và bình ổn cho môi trường không loài cây nào sánh được.

Hoa mắc ca rất thơm, có thể trồng như cây cảnh quan làm đẹp môi trường

Hoa mắc ca rất thơm, có thể trồng như cây cảnh quan làm đẹp môi trường

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2010 toàn vùng Tây Nguyên có 2.747.118 ha đất có rừng; trong đó 2.526.804 ha rừng tự nhiên. Sau 10 năm, diện tích rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên giảm gần nửa triệu hecta. Tỷ lệ độ che phủ rừng rớt sâu tới nỗi Ðắk Nông chỉ còn 38,06%; Ðắk Lắk chỉ còn 38,75%... Vậy mà trong 6 tháng đầu năm 2022, Chi cục Kiểm lâm vùng IV tiếp tục báo cáo 5 tỉnh Tây Nguyên xảy ra tới 1.504 vụ khai thác rừng và phá rừng. Hơn 70% diện tích rừng tự nhiên ở khu vực này chỉ còn là rừng nghèo kiệt. Trong bối cảnh đó, trồng mắc ca vừa đem lại giá trị kinh tế cho vùng đồi núi, vừa là giải pháp tăng độ che phủ quý giá cho môi trường.

Niềm vui ngày mùa

Niềm vui ngày mùa

Từng biên soạn, xuất bản 2 cuốn sách về hướng dẫn kỹ thuật canh tác năm 2010, và kinh nghiệm xây dựng ngành công nghiệp mắc ca năm 2015, mới đây, tranh thủ thời gian xã hội giãn cách phòng chống Covid-19, GS Hoàng Hòe lại cặm cụi viết tiếp cuốn sách “Câu chuyện mắc ca”.

Từng trang sách chứa bao tâm huyết, và tình người dâng hiến ...

Từng trang sách chứa bao tâm huyết, và tình người dâng hiến ...

Ông chia sẻ: Tại cái nôi đầu tiên của mắc ca, nước Úc phải mất 160 năm mới trồng được 28.000hecta. Còn Việt Nam sau hơn 20 năm đã trồng được 18.800hecta. Thế hệ trẻ như Thu Phương bây giờ giỏi công nghệ số, từ vùng sâu cũng dễ dàng hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên các bạn cũng cần biết về lịch sử ngành mắc ca, về những hy sinh nhiệt thành mà những người bạn yêu quý Việt Nam đã nỗ lực giúp đỡ, để chúng ta có được như ngày hôm nay.

Phơi sấy mắc ca

Phơi sấy mắc ca

Hành trình hơn 20 năm xây dựng và phát triển ngành mắc ca tại Việt Nam rất nhiều thăng trầm, nhưng cũng đã có những bước tiến ngoạn mục. Điều cảnh báo luôn được các nhà khoa học nhắc lại với người trồng, là cần chọn mua cây giống đầu dòng bảo đảm chất lượng, và chỉ trồng tại vùng có khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp.

Ngày 15/9/2022, tại nhà máy chế biến mắc ca nằm giữa vùng nguyên liệu xanh tươi thuộc xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, đại diện một nhà phân phối lớn của Nhật Bản đã ký kết hợp tác đại lý độc quyền với Công ty cổ phần DAMACA Nguyên Phương. Trước đó, chị Thu Phương cũng đã ký các hợp đồng tương tự để xuất khẩu mắc ca sang Pháp. Sắp tới, chị sẽ đón thêm các chứng nhận cho những sản phẩm mới của Damaca và Macca DakLak Nguyên Phương tại thị trường Hàn Quốc.

Nhiều nhà sản xuất khác tìm cách rang sấy phù hợp với thị trường nội địa

Nhiều nhà sản xuất khác tìm cách rang sấy phù hợp với thị trường nội địa

Theo Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần phấn đấu để đến năm 2.030 cả nước có được tổng diện tích 130.000 - 150.000 hecta mắc ca, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Thực hiện Đề án này, có nhiều tập đoàn, ngân hàng, nhà đầu tư lớn nhỏ. Cũng có cả vai trò dẫn dắt bền bỉ của những nhà khoa học tâm huyết hàng đầu như Giáo sư Hoàng Hòe. Có vai trò tiên phong của những "cô chủ nhỏ vùng sâu" như Thu Phương, lớp trẻ tự tin hội nhập vào thị trường toàn cầu cùng công nghệ số.

Hoàng Thiên Nga